Logo
Trang chủ
Chương 23: Thủy thần 1

Chương 23: Thủy thần 1

Tôi xin phép Sư thầy đưa Mỹ Phượng về, ngồi nói chuyện với bà nội cô bé về những gì thầy Út kể, lòng bà cũng an tâm đôi phần. Sáng hôm sau tại bãi tha ma, khi thợ xây đang bận rộn những công việc đầu ngày, nhóm tập trung trát tường, tô cổng, nhóm chốt đinh, ghép cốp pha rải nilông lót chuẩn bị đổ đường bê tông thì có chuyện. Vài người ra thắp hương, chuẩn bị sang áo cho một nấm mộ với tấm bia xi măng ghi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi giật mình. Thôi bỏ mẹ rồi. Lẽ dĩ nhiên là tôi cũng đã tính, đổ bê tông xong là có kê cầu để lối ra vào trong khu nghĩa trang, nhưng cả một đám sang áo bao nhiêu người ra ra vào vào, chưa kể lúc đào lên, khuân đi, tiếc thương đau khóc, con đường mới đổ này của bọn tôi không nát nhành ra mới là lạ. Lúc Sếp băm vào mặt thì Ai là người thương em. Mà cũng lạ họ chẳng thèm ra hỏi bọn thợ xây chúng tôi lấy nửa câu. Giờ biết làm sao? Đành lật đật đi tìm gọi bác Quản trang. Bác Quản trang đi con xe đạp ra xem binh tình rồi bảo tôi:
Người ta cũng có đi đến đường nhà các anh làm đâu mà lo.
Tôi quay đầu ra, ngó đầu vào ngạc nhiên hỏi:
Thế thì người ta cho cốt vào tiểu sành rồi đi kiểu gì hả bác?
Bác Quản trang cười rồi nói:
Thế anh không thấy lạ khi cả khu này đồng ruộng mênh mông mà có mỗi cái bãi tha ma nhỏ à?
Thấy tôi ngớ người ra, bác Quản trang bảo:
Anh đi ra đây với tôi.
Hai bác cháu ra đến chỗ bụi cây quấn quanh rào thép gai ở góc nghĩa trang. Tháo cái chốt ra thì có bản lề như cái cổng, mở ra đóng vào được. Tôi bất ngờ. Tôi tự trách mình làm ăn nhiều lúc dập khuôn máy móc quá, ông Kĩ sư trưởng giao cho cái gì thì cắm đầu vào làm cái đó, chả để ý gì xung quanh. Mắt xây dựng mà thế này có nhục cái thân tôi không? Sau một đoạn đường ngắn thì trước mắt chúng tôi là một khung cảnh không thể tin được. Một khu chẳng biết nên gọi là gì cho đúng, thảo nguyên hay bán bình nguyên trũng giữa, cỏ mập lá to xanh mướt, đá xanh lởm chởm, mộ của người đã sang áo được xây quanh, tất cả đều xây thấp và tròn đơn giản như hòn đá to, nghiêng ngả theo mặt đất tự nhiên và chẳng có quy hoạch gì cả. Không gian trong lành, cảm giác như thuở sơ khai.
Bác Quản trang bảo:
Thằng bé được ưu tiên đưa ra đây. Cũng khổ thân nó chết trẻ.
Tôi lại thắc mắc:
Sự tình thế nào hả bác? Sao lại là ưu tiên?
Bác Quản trang đáp lời:
Thì trẻ con nghịch dại, ngày xưa nó cùng một thằng nữa hay ra cái ngòi nước dẫn ra sông chơi. Cũng toàn đứa cứng đầu, ngang ngược trời không sợ, đất không tha. Sông nước năm nào cũng có người chết trôi, thuyền chài chẳng dám cứu, chỉ rắc muối gạo, thả tờ tiền rồi đẩy vào chỗ âu nước để dân trong đất liền vớt lên. Hai đứa nghịch ngợm nhìn thấy, cũng là dạng chắc bóng dạn vía, lấy cây rồi lại đẩy cái xác ra, cho trôi lập lờ trên sông để trêu thuyền chài. Đôi vợ chồng đánh tôm bắt cá ngày ngày kiếm sống trên sông nhìn thấy, sáng đã đẩy vào, chiều lại gặp hai thằng ngỗ ngược đẩy ra, ý chọc tức, cô vợ thấy ức quá, quần vẫn ướt sũng, xắn quá đầu gối tanh mùi tôm cá đi vào làng mà bảo chuyện. Ban đầu cũng thấy chẳng có chuyện gì lạ cho đến một hôm. Thằng bé mất rồi này ngồi nấu cơm ở bếp. Đun bếp rơm trên cái kiềng dài rang tôm. Bố mẹ thì đi làm đồng cả, qua lỗ thoáng gạch ánh sáng chiếu hắt vào. Bóng in trên bờ tường, loang loáng theo khói rơm. Nó thấy trên tường cái bóng không đứng im mà động đậy, có tiếng cười đòi lôi nó đi:
Hôm trước mày trêu tao thì hôm này tao trêu lại mày.
Thằng bé hoảng quá, bỏ cả chảo tôm chạy một mạch ra ngoài, thập thò ngoài đường chứ không dám về nhà.
Hàng xóm có ông lão cán bộ về hưu ở nhà, ngửi thấy mùi khét thì ra xem, lửa đã bén ra hết bếp, vội hô hào mọi người chung tay dập lửa hộ.
Thằng bé bị trận đòn lằn đít. Lúc bị đánh, nó vẫn giãy giụa thanh minh:
Đừng đánh con. Con nhìn thấy ma thật mà.
Ông bố nghe lí sự cùn thì càng tức, vừa vụt thêm cho vừa quát:
Biết sợ ma mày đã chẳng ra sông đẩy người chết trêu thuyền chài.
Bà mẹ thì xót con, cũng sợ con bị làm sao thì khổ. Dù cả đời bàn thờ chẳng mấy khi có nén hương vẫn đi mời thầy cúng về cúng. Gặp ngay cái giống thầy bà khốn nạn, ma quỷ bóp mồm lấy rõ nhiều tiền rồi phủi đít đi. Nhưng tâm lý thằn bé cũng khá hơn, vui vẻ hoạt bát trở lại. Nghịch ngợm có phần còn hơn trước. Một ngày hè thằng bé trèo cây mít, trượt chân ngã vỡ đầu mà chết. Chuyện tai nạn không may cũng chẳng nên bàn tán nhiều, nhưng vẫn có người ngứa mồm nhắc đến cái thây chết trôi. Chuyện càng rùm beng hơn khi một hôm, có lão thầy tự xưng là thầy địa lý, tính đồng bóng, người mặc đồ trắng toát. Tóc bạc trắng, đeo kính đen, áo trắng, quần trắng, giày cũng trắng ngồi ở cái quán nước chỗ gốc đa, nghe lại chuyện, bấm đốt tay mà phán:
Thằng đấy theo tổ tiên sớm là tốt, cũng may mà còn ở đất liền về được cho ông bà dạy bảo, tịnh độ mà phù hộ cho đứa em út công thành danh toại. Nó có sống thì lớn lên cũng là thằng mắng bố chửi mẹ, nghiệp chướng quá lũ súc sinh. Còn thằng kia nữa không biết đường bộ có cho đi hay phải kết bè mà về.
Vừa gặp bố đứa bé còn sống đi về qua, ông vứt cuốc bỏ cày mà chửi:
Trẻ con nó nghịch dại cũng là điều thông cảm được. Còn ông già đầu, đã đi làm cái nghề mê tín lừa người thì lặng im câm họng mà làm. Mồm còn thở ra những câu như thế mà ông nghe lọt lỗ tai à. Thử con cái nhà ông chết, ông có dám mở mồm nói thế không hay người ta gang họng ông ra. Ông có tin là tôi cho ông đường bộ không có mà đi, bè cũng không có mà về ngay bây giờ không? Ông tin không?
Lão thầy địa lý bị chửi cho tối tăm mặt mày mà lặn mất.
Giọng bác Quản trang dịu xuống:
Giờ đứa đã mất cũng sang áo rồi, đứa còn lại may mắn mà chẳng hề gì. Giờ thầy bà đội lốt lừa người kiếm tiền cũng nhiều, chắc bày trò nói dựa, dựng chuyện lên thôi. Từ ngày đứa kia mất, thằng còn sống cũng đỡ nghịch ngợm hơn, tính trầm hơn, ít nói cười.
Tôi hỏi lại bác Quản trang:
Thế ưu tiên là sao ạ?
Nơi này mạch đất rất thịnh, trước đây các cụ trong Hội đồng làng đã có lệ, chỉ những người chết trẻ oan khuất hoặc công danh vinh hiển, khoa bảng áo gấm về làng mới được đặt mộ ở đây. Đều dùng mộ tròn, già đặt trong trẻ đặt ngoài tạo vòng linh khí mà giữ hưng vượng cho làng. Khu này Thành hoàng làng từ ngày khai hoang mở đất thấy mà giữ nguyên hình. Qua bao đời Long mạch thủy tổ vẫn đầy đủ Khí mạch (Thiên khí), Sơn mạch (Địa mạch), Thủy mạch. Nơi đây không có núi mà vẫn thấy Thạch là cốt của Long, đất là da thịt, Thủy là huyết mạch, Khí mạch là Thiên khí mà đất hấp thụ của trời, còn gọi là khí Tiên thiên. Khí thông qua mạch mà vận hành, mạch ẩn tàng trong đất. Khí mạch không tách rời nhau, là phần hồn của Long và cũng là năng lượng của Long. Những người nằm đây mang Can Long của Thành hoàng làng, Chi Long tự nhiên mà kết huyệt.
Bác Quản trang nhìn tôi rồi bảo:
Anh trong người cũng có long, nên tôi mới dẫn ra đây. Chi lớn gặp Can nhỏ, long lớn tầm long bé.
Tôi cười trừ chối:
Giun đất chứ nong lia gì bác.
Rồi bác Quản trang dẫn tôi men theo bờ cỏ, đi tiếp ra bờ sông. Tôi lại được phen ngỡ ngàng. Một không khí tang thương hiện ra trước mắt. Cạnh bờ sông, những chiếc quan tài đã bật nắp, mở thành bày la liệt trên bờ kè, dập dờn theo sóng nước. Mùi cháy khét của quần áo người chết đốt bén hơi dầu hẵn như còn âm ỉ khói. Một cái bến nước quan tài với những tấm bia xi măng đã đập vỡ, mỗi nơi một mảnh. Đàn quạ tránh ánh nắng ban ngày, kêu gù gù đậu đen nghịt ngọn cây cao. Cảm giác u ám khó tả.
Bác Quản trang tiếp lời:
Tôi mệt nhất với cái bến này, lệ là người sang áo đều đem quan tài ra đây mới làm lễ mở nắp, che bạt tránh nắng chiều tắm rửa rồi mới sang tiểu sành. Thành ra khu trong thì sạch sẽ mà khu ngoài này thì bừa bộn, ngổn ngang. Con nước ở đây thất thường, lên là lên ngập, cạn là trơ ra đến đáy, đi bộ được ra đến lòng sông, chỉ tốt cho mấy nhà thầu đất bãi bờ ở đây nuôi rươi. Còn tôi nghĩ đến chuyện đi dọn thôi cũng đã đủ nhọc rồi.
Nước đang cạn, chỗ bờ nuôi rươi lộ trơ chân ruộng, trông cao như người ta đánh đống đắp gò. Mặt tôi biến sắc khi nhìn thấy tấm gỗ chắn ở lỗ nước ra vào ruộng. Khe gỗ vàng trạm khắc chữ Thọ lộ ra. Là ván quan tài.

Quay lại truyện Bạn gái tôi lớp 8
BÌNH LUẬN

Phuong Tran

Trả lời

2024-04-09 09:24:31

Kể chuyện lan man , bố cục truyện ko rõ ràng