Logo
Trang chủ

Chương 22: Nước phế quân tàn độc 6

Tôi đưa Mỹ Phượng về nhà, thấy đứa cháu gái mắt ngấn nước, váy áo ướt sũng, bà nội hỏi nhưng con bé ngang ngược không nói không rằng đi vào phòng. Tôi ngồi nói chuyện với bà, không giấu giếm việc Mỹ Phượng bị dắt ra hồ nước.

Người bà tóc đã bạc trắng, hiền từ, nước da trắng, những dấu vết của một thời xuân sắc vẫn còn vương lại ít nhiều trên khuôn mặt, ánh mắt ưu tư, bảo tôi:
Cháu giúp bà đưa nó lên chùa Đàn.
Tôi gọi Mỹ Phượng:
Phượng ơi! Thay đồ đi rồi anh dẫn đi chơi.
Con bé xị mặt thò đầu ra khỏi cửa phòng nhìn tôi:
Thật không?
Tôi đáp chắc nịch:
Thật
Mỹ Phượng háo hức thay váy áo lên xe. Đi khỏi nhà được một đoạn, tôi mới bảo Mỹ Phượng:
Anh bảo đưa em đi chơi là anh nói dối. Bà bảo anh đưa em lên chùa Đàn.
Nghe thấy thế, con bé lại vùng vằng đòi về:
Em không đi. Chùa gì mà chùa. Đó chỉ là cái miếu thờ đàn thôi. Trước bà em dẫn đi một lần rồi, chả có gì vui cả.
Tôi chợt thấy lành lạnh gáy, mơ hồ nhưng vẫn đủ bình tĩnh, nắm chắc tay lái lên đến chùa.
Ngôi tự nhỏ có khách bất thường giữa đêm, lại một đôi nam nữ trẻ, sư thầy già cũng không khỏi ngạc nhiên. Khi tôi giới thiệu với sư thầy Mỹ Phượng là cháu ruột bà Sen, nét ngạc nhiên trên mặt người tu hành sương gió biến mất, thay vào đó là sự suy tư, như lục lại quá khứ. Ngồi ở bàn trà, tôi lo lắng kể cho sư thầy nghe chuyện Mỹ Phượng bị dắt ra đập nước, ông ấy cười rồi bảo:
Người thì cũng cứu được rồi, còn lên chùa làm gì.
Tôi đáp:
Thưa thầy, là do con còn lo lắng về cái bóng đen cười cợt, nhảy xuống mặt nước.
Vị sư già uống ngụm trà rồi bình thản nói tiếp:
Trước đây là cái miếu thờ đàn, tôi cũng chỉ là kẻ tu hành nửa mùa, cô bé ngày xưa bà Sen dắt lên đây, giờ đã lớn quá tôi nhận không ra. Tôi cũng chẳng biết làm phép, cho bùa gì, chỉ có câu chuyện muốn kể cho anh chị. Chuyện thì dài, nhiều chỗ mơ hồ, nghe không lọt tai thì bỏ qua cho. Mỹ Phượng nghe đến đây thì bỏ ra ghế đá ngoài sân, dưới gốc cây ngồi nghịch điện thoại. Còn mình tôi và sư thầy ở bàn khách. Ông ấy không hề tỏ vẻ phật ý, giọng nói thanh đạm, trầm đều kể cho tôi nghe.

Trước đây chùa chẳng phải chùa, mà là một cái làng nghề nhỏ làm tơ tằm, dệt vải được đặt trên khu đất đồi thưa thớt bóng người. Làng có cái tên làng Thảo, tổ nghề là một cặp vợ chồng người miền Nam, quen gọi làng là ấp Thảo. Vợ chồng tuy làm ăn tấn tới mở mang, đào tạo được nhiều thợ có tay nghề, đối đãi người ăn kẻ ở không tệ nhưng muộn con. Mãi mới có một người con trai đặt tên là Út. Ông bà mất thì Út mới lấy vợ, nối nghiệp tổ tiên, vẫn giữ được chữ Đức truyền lại từ cha mẹ. Sống nhân nghĩa, nhiều người yêu kẻ mến, ấp Thảo ngày một đông đúc, sầm uất. Út không khác gì một ông vua không ngai. Tuy là người Nam nhưng Út rất thích nghe đàn xem hát Ca trù. Một lần xa xôi lặn lội lên Giáo phường xem hát, gặp anh thanh niên tên Bá thảy tiếng đàn đáy xuyên thấu tâm can, Út mê quá mà xin Bá về ấp Thảo. Về đến ấp, Bá thú thật với Út mình là kẻ giết người đang chạy nã, xin Út nơi nương tựa, chốn dung thân. Út cười mà nói:
Có hề gì, người tạo ra những âm thanh đẹp như mang người ta vào cõi khác, dẫu có giết người cũng là kẻ đáng chết.
Út đối đãi với Bá rất tốt, Bá như con ngựa trung thành vừa mang ơn vừa biết trả nghĩa, việc gì cũng đến tay, tháo vát đỡ đần Út. Gia thế vượng, vợ ngoan đẹp, tôi tớ trung. Lẽ đời chẳng dễ vậy mà hay hó háy tréo ngoe. Vợ Út mất trong một tai nạn xe lửa. Út không vượt qua được, ngày ngày đau khóc nhìn xác vợ. Dùng dằng đến tuần lễ mới đưa vợ đi thiêu, rồi bỏ bê công việc ngày ngày chìm trong hơi rượu, sống dưới đáy thời gian với những kí ức cũ. Bá một mình cáng đáng việc lá dâu, cái kén, con tằm, buôn bán ngược xuôi. Bá hiểu cảm giác của Út vì Bá cũng mang nỗi đau mất vợ như Út. Người Bá đâm chết là người đã ép vợ Bá treo cổ tự vẫn. Hàng ngày Bá tự tay nấu rượu cho Út. Vì sợ Út sớm muộn cũng sẽ chết bệnh bởi men cồn công nghiệp. Một hầm mộ rượu với các chum rượu lớn nhỏ như những cái tiểu sành bày ngang dọc. Một ngày, Út bảo Bá rằng Út thèm nghe Ca trù. Gần đây có Ca nương Liên Hoa âm trong như hồ thu lặng nước, sắc như giá lạnh cơn hàn, muốn mời đến hát một đêm, Bá thảy đàn, Út cầm trống chầu.
Hai người đến nhà tìm thì cô gái Liên Hoa xinh đẹp từ chối. Vì từ khi Chánh thú chồng cô mang Cây đàn ma về thảy một đêm rồi treo cổ chết, cô đã không màng gì đến chuyện ca âm nữa rồi. Út, Bá xin cho xem cây đàn. Trong một tủ kính viền gỗ khắc hoa văn tinh sảo, một cây Vô đề cầm đẹp mê hồn dần hiện ra khi Liên Hoa bỏ tấm vải điều đỏ, lau lớp bụi kính. Hộp đàn gỗ hương nâu bóng, góc cạnh, khảm vỏ ốc lóng lánh ngũ sắc. Cần đàn dài thẳng, cao vút khí chất, phím tre óng như ngà, đều tăm tắp, lại thuộc dòng cổ cầm 16 phím. Đầu lá đề cong như miệng rồng ôm nhả ba dây Hàng, Trung, Liễu. Tơ se, dài mà mềm tạo đủ âm sắc ngũ cung: Nam Bắc Nao Huỳnh Pha.
Út nhìn mà ham quá, càng khao khát Bá nhấn phím cây cổ cầm mà thảy, Liên Hoa cất âm, thi thoảng Út cầm tiếng trống mà khen mà lắc lư trong mê đắm. Bá biết lòng Út, xin dùng ngón đàn tuyệt kĩ của mình mở âm cho Liên Hoa. Vài lần đến nhà, cô ca nương mới cảm cho tấm chân tình mà bằng lòng. Nhưng khi Bá vừa chạm vào cây cổ cầm để chỉnh lại âm, dây mảnh nhất khói âm rồi phựt đứt, ngón tay Bá rơi giọt máu. Cổ cầm phải thay lại sợi dây, lặn lội tìm mua mất một ngày. Đêm ấy trong giấc mơ Bá thấy có một vị quan đội mũ ô sa, dáng người vuông thước, mặt mờ mờ ẩn ẩn đến bảo Bá tránh xa Cây đàn ma không sẽ sớm muộn cận kề cái chết. Hộp đàn là cây gỗ hương nghìn năm lúc bị chặt biết đau đớn mà chảy máu, phím đàn là tinh tre lâu đời biết đùa giỡn thành tiếng, khắc xuất khắc nhập bóng ma trơi, dây tằm giăng ăn máu huyết của nhiều người.
Nhưng Bá rịt đầu ngón tay, thà chết vẫn quyết thảy đàn. Một đêm trăng sáng, ánh đèn lồng đỏ mờ ảo bên ao, tại gian giữa trang trọng nhất, Liên Hoa gõ phách, Bá đàn, Út cầm trống chầu. Giữa bốn bề hư không, vang vọng thanh giọng trong xuyên đáy nước, dập dìu sắc âm của Liên Hoa cảm lại Tây Hồ hoài cổ của Nguyễn Công Trứ.

Mưỡu:
Dập dìu trăng mạn gió lèo,
Lỏng ngâm vân thuỷ lơi chèo yên ba.
Nói:
Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đặt,
Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền.
Bóng kỳ đài giăng mặt nước như in,
Tàn thảo thụ lum xum toà cổ sát.
Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà bát ngát,
Hỏi năm nao vũ quán điếu đài.
Mà cỏ hoa man mác dấu thương đài,
Để khách rượu làng thơ ngơ ngẩn.
Yên tiêu Nam quốc mỹ nhân tận,
Oán nhập đông phong phương thảo đa.
Đồ thiên nhiên một áng yên ba,
Dễ khiển hứng câu thơ chén rượu.
Buồm nửa lá trăng thanh gió dịu,
Chiền đâu đây một tiếng chuông rơi.

Sang trọng tựa triều phủ. Đẹp hoảng hốt khách nghe. Nhưng phía ngoài thấy mờ mờ ảo ảo hai bóng người. Một vị quan dáng người vuông thước, tay tháo ô sa trên đầu, khuôn mặt thanh tú, cằm vuông, trán rộng, chân mày lưỡi kiếm dần lộ hiện. Vẻ mặt bất lực, thất vọng nhìn vào trong. Chánh thú đang từ án thờ xà xuống, hất vạt áo dang tay bắt lấy linh hồn Bá. Người còn lại là một ông lão khí phách thanh tuệ có bộ râu quai nón bạc trắng, ngắn nhưng dày đâm tua tủa như rễ tre, giọng hào sảng:
Đây sẽ là lần cuối cùng Tù Ngưu bắt được người.
Sau đêm ấy Bá treo cổ tự vẫn, Liên Hoa và Út cùng mơ thấy Chánh thú về bắt Bá đi, Chánh thú giả hình vợ Bá dắt đi hầu đàn cho một con linh thú thượng cổ có phần đầu và thân như con trâu nhưng lại có cặp sừng rồng, bờm nở tung như hoa, người lấp lánh ánh vàng. Có lẽ là một trong Long sinh cửu phẩm Tù Ngưu.
Ở một nơi xa xôi trong tâm thức mà người ta hay gọi là giấc mơ Alpha, nơi sâu thẳm mà sự sống khan hiếm đến cùng cực. Chỉ có một gốc cây cổ thụ đã rụng lá trơ xương cùng làn ánh sáng thiếu thốn mờ ảo, không rõ ngày hay đêm đang trôi, cũng chẳng biết là tầng nào trong hay ngoài mặt đất. Một ông lão đang ngồi cô độc chôn mình cùng những ván cờ. Một làn gió nhẹ qua, ông lão có bộ râu trắng tua tủa như rễ tre xuất hiện, ngồi đối diện ông lão cô độc. Ông lão râu trắng cất lời:
Con Tù Ngưu ông nuôi...
Chưa kịp nói hết, ông lão cô độc chạm tay xuống hòn đá, xung quanh cỏ mọc hoa nở, cây cối xanh tốt, hòn đá bỗng thành hình một con rồng mi nhon dễ thương, có cặp sừng mới nhú, mắt cú, mỏ chim, yếm trước ngực như yếm rùa, bước thấp bước cao đuổi chim bắt bướm.
Ông râu bạc chỉ vào con rồng rồi nói tiếp:
Nếu tôi thắng ông ván cờ, tôi sẽ đề chữ trên hòn đá này của ông.
Vừa dứt lời, cây cối tan biến, con rồng nhỏ vụt mất, chỉ còn lại dáng hình hòn đá.
Ván cờ tiên bắt đầu, giằng co gay go. Ông lão cô độc không có cách gì thắng được, đủ mọi đòn thế, lối đánh nhanh chậm đủ cả, biến ảo thần sầu quỷ khóc nhưng đều bị phá giải, chỉ có thế hòa. Tự ái háo thắng dâng cao, ông lão cô độc bày thế Long Thiểm Tốc Sát quyết định. Thế cờ tinh hoa đời người chỉ dùng một lần. Nhưng khi chỉ còn một nước nữa là phân rõ thành bại thì dao đã kề trước cổ, tay buộc phải buông cờ mà đầu hàng.
Vị tiên nhân chợt giật mình, tỉnh giấc mộng. Ra vườn ngó vào chỗ con Tù Ngưu thấy nó vẫn nằm yên ngủ nhưng trên cái yếm rùa ngực trái như có ai đề nét chữ. Nhìn ra thấy giống chữ CẦM.
Những lần trốn chủ dạo chơi bắt người "đàn hay ca giỏi" sau này của Tù Ngưu đều bị phát hiện bởi đám mục đồng. Vị tiên nhân bấy giờ mới phát giác ra Tù Ngưu hay dùng kế phế quân tạo Sát cục đi bắt người, mượn hình thế bóng, hàm oan đổ sai cho con trâu vàng bờm hoa hiền lành mà lão Thánh Tản hay cưỡi.
[Giấc mơ Alpha chính là giấc mơ gốc của mỗi người. Nơi người ta thấy mình qua lại không chỉ một lần, nơi ta chỉ còn là cái cây, ngọn cỏ hay chỉ là một hạt bụi vô thức trong một chiều không gian thiếu thốn sự sống. Rồi như một cái mầm cây được gieo hy vọng. Theo năm tháng alpha của mỗi người phát triển khác nhau. Rực rỡ hay lụi tàn, kiếp này hay kiếp khác thì nó vẫn là điểm gốc. Người càng thông tuệ càng đi được xuyên kiếp, càng về sâu lại Alpha thủy tổ. Nơi mà thứ quý giá nhất là hi vọng của sự sống. Phật có xuyên sâu về một điểm giới hạn trước Alpha hay không? Chẳng ai biết nhưng bậc thánh thần thì hay chọn Alpha làm nơi tĩnh lặng để ngược về tu luyện tinh thần biến.]
Đêm cho Bá đi thiêu, Út đập vỡ toàn bộ hầm rượu thề từ nay không động vào giọt rượu nào nữa. Út chẳng còn tâm trí nào mà làm ăn, của nả đất đai đem làm từ thiện hết, chỉ giữ lại một khoảnh đủ xây cái miếu để thờ Phật và giữ cây đàn ma, Liên Hoa cũng hay đi lại. Người dân qua lại thờ cúng cũng nhiều, Út đi tu, gõ mõ đọc kinh tìm lại thanh thản cho tâm hồn. Liên Hoa thì đi thêm bước nữa. Út là tôi, lão hòa thượng già nửa mùa, Liên Hoa không ai khác chính là bà Sen.

Quay lại truyện Bạn gái tôi lớp 8
BÌNH LUẬN

Phuong Tran

Trả lời

2024-04-09 09:24:31

Kể chuyện lan man , bố cục truyện ko rõ ràng