Logo
Trang chủ

Chương 3: Săn thần

Tôi đến 82 trại vào mùa hè để điều tra việc này, Tương Tây oi bức cực kỳ. Tên gọi 82 trại đã biến mất từ lâu, thổ ty cũng đã không còn, nhưng những xóm trại san sát trong núi thì vẫn ở đó.

Tôi tìm rất nhiều học giả Dân tộc học ở địa phương, có vài người còn viết báo cáo về đề tài Tương Tây, nhưng đều không liên quan đến câu chuyện thủ lĩnh của 82 trại, đây gần như là bí mật cao nhất của Miêu tộc.

Nhưng khi đi thăm hỏi các cụ già trong dân gian, thì phát hiện vài người vẫn còn nhớ Miêu trại có một người như vậy. Sau đó tôi thay đổi phương hướng, thăm dò những tôn giáo và thần thoại, phát hiện 82 trại có một phần rất lớn nằm ở lãnh địa Quý Châu. Khu vực này lớn hơn tôi nghĩ rất nhiều.

Mà bộ phận nằm ở Quý Châu lại có một truyền thuyết vô cùng rõ ràng, kể rằng thủ lĩnh các Hắc trại lén lút cung phụng quái vật trong núi, từ đó có được tuổi thọ dài lâu. Mà mỗi lần quái vật chấp thuận, sẽ yêu cầu vị thủ lĩnh này dâng lên một thứ trên người, thường là mắt, ngón tay, hoặc là một phần máu thịt.

Năm xưa Nhị Nguyệt Hồng hộ tống Đại thổ ty vào Tử Nhân cốc, nghe nói chính là một nghi thức, mang đứa trẻ chết non đến cho sơn thần. Con cái cũng xem như một loại máu thịt. Chứng tỏ truyền thuyết này có cơ sở rộng lớn.

Vậy thì thứ thần bí mà vị thủ lĩnh của 82 trại đó cung phụng, phải chăng chính là sơn thần? Giữa ông ta và sơn thần có phải cũng có trao đổi?

Thủ lĩnh bảo Trương Khải Sơn vào núi, là để dâng tế phẩm gì đó? Và để đổi lấy thứ gì?

Kết hợp những bối cảnh này lại với nhau, tôi chọn ra một câu chuyện lúc nhỏ mình cực kỳ thích xem trong “Đạo Mộ Bút Ký”, câu chuyện này thường được ông nội kể cho tôi nghe như chuyện ngụ ngôn.

Nhân vật chính của câu chuyện này tên là Diệp Phúc Đại, là một sĩ quan. Vì trong câu chuyện có khá nhiều chi tiết quá mức tương đồng với 82 trại mà tôi điều tra được, tôi luôn nghi ngờ câu chuyện này liên quan đến Trương Khải Sơn. Sau đó nữa, Bàn Tử bảo tôi, Diệp Phúc Đại đọc ngược lại chẳng phải là Đại Phật Gia sao?(1) Lúc này tôi mới bừng tỉnh, gần như có thể chắc chắn đây là cùng một chuyện.

Mà trong câu chuyện này, Đại thổ ty của Miêu trại, cũng chính là thủ lĩnh trong thực tế, thật sự hy vọng Diệp Phúc Đại đưa một đứa trẻ trong trại vào núi sâu, giao cho sơn thần trong núi, để đối lấy 50 năm bình yên cho Miêu trại.

Địa phương còn có một truyền thuyết, rằng 600 năm trước, từng có một thiếu nữ đi ra từ trong núi, dùng thân phận của thiếu nữ để trải nghiệm tình ái nhân gian. Nhưng thiếu nữ này thật ra không phải người, khi cô ta hơn 40 tuổi, đã dần trở thành một sinh vật khác.

Trước khi đi, cô ta xin người sống cùng mình mỗi năm dâng cho cô ta máu thịt con người, để cô ta có thể sống tiếp trong núi. Bằng không, sẽ ra khỏi núi bắt người trong trại ăn. Đồng thời, cô ta hứa nếu hàng năm được cung phụng, sẽ ban cho người thống trị trong trại tuổi thọ dài hơn, không thì sẽ gây ra những tai nạn khiến trẻ con mới sinh trong trại không sống nổi.

Nghe nói trong lịch sử, từng có thủ lĩnh phản kháng. Mấy năm đó, những đứa bé mới sinh gần như đều bị quái vật săn lùng. Đến nỗi cuối cùng mọi người không dám nhắc đến chuyện này nữa.

600 năm sau, Trương Khải Sơn vào trại, nghe được chuyện này. Nội dung thực tế đã không thể biết được, tôi chỉ có thể suy đoán, có thể thủ lĩnh trong trại đã kể ông ta nghe về sự đáng sợ của quái vật.

Với tính cách của Trương Khải Sơn, chuyện sơn thần ăn thịt người, ông ta chưa chắc đã tin, nhưng truyền thuyết sống động như vậy, khiến Trương Khải Sơn khó mà chấp nhận được. Vì thế, tôi mạnh dạn suy đoán, có lẽ câu chuyện phát triển thế này, Trương Khải Sơn giao ước với thủ lĩnh, sau này phúc báu trường sinh cứ để ông ta dâng tặng. Còn sơn thần ăn thịt người trong núi kia cũng đã đến lúc thay triều đổi đại rồi.

Vậy nên Trương Khải Sơn dẫn người vào núi, bắt đầu săn lùng sơn thần này.

Câu chuyện Trương Đại Phật Gia săn thần, đối với một người ngỗ nghịch từ nhỏ, cho rằng làm người không nên tuân theo quy tắc như tôi mà nói, thì đúng là đỉnh của đỉnh.

Cảnh tượng đó phải khí phách đến mức nào, lúc nhỏ tôi thường mơ ước mình cưỡi ngựa vào núi sâu, đi săn một con sơn thần. Chuyện này khiến thôi hiểu ra, trên đời này không có gì là không thể khiêu chiến cả.

Đã tốn kha khá bút mực để kể rõ nguồn cơn sự việc, sau hôm nay sẽ là câu chuyện săn thần của Trương Đại Phật Gia mà tôi sao chép được. Lần nào ông nội cũng mất khoảng hai đêm để kể xong chuyện, nói dài không dài, nói ngắn không ngắn, trong đó có những tình tiết vô cùng đặc sắc, là một thú tiêu khiển hiếm có trước khi đi ngủ.

Chú thích:

(1) Diệp Phúc Đại (叶福大 – yè fú dà), Đại Phật Gia (大佛爷 – dà fó ye)

BÌNH LUẬN