Logo
Trang chủ
Phần 3: Du lịch

Phần 3 - Chương 42

Ổ gà con đầu tiên mà A Công A Mẫu ấp ra, tổng cộng bốn con, dễ thương hết sức.

Buổi sáng tôi thức dậy, đã thấy A Mẫu dẫn đàn gà con bước còn xiêu xiêu vẹo vẹo đi loanh quanh trong sân, cảm thấy vô cùng mới mẻ và thích thú.

Theo quy định của nông thôn, gà con ban đầu phải cho ăn kê, hơn nữa còn dùng nước ngâm cho mềm rồi để ráo, buổi sáng Bàn Tử thức dậy đã làm món này, sau đó bắt đầu đắm chìm vào việc cho gà ăn.

“Đây là lứa gà cuối cùng chúng ta có cảm tình.” tôi nói với Bàn Tử: “Sau này đẻ thêm nữa, nếu anh còn có tình cảm, chúng ta sẽ không xuống tay được.”

“Không sao, chỉ cần chúng lớn đến độ hầm canh, tự khắc sẽ thịt, đến lúc đó mỗi dao xử một con.” Bàn Tử nói: “Bây giờ trông chúng dễ thương, tương lai thì ngon, không xung đột.”

Lúc này gà con chưa thể lên đường, ít nhất phải nuôi đến khi biết ăn côn trùng, vì thế cuộc sống của chúng tôi ở trong thôn cũng đến độ cực kỳ yên bình, xem như tạm dừng trạng thái du lịch, có thể lần nữa ngắm chuồn chuồn, bướm, ruộng lúa đong đưa và sắc mây nhu hòa như thủy mặc.

Mà lúc này ủy ban thôn ở Phúc Kiến cũng gửi thông báo đến chúng tôi, kêu Hỉ Lai Miên tổ chức hai tiết mục, một là thể loại ngôn ngữ, hai là thể loại biểu diễn, góp vui cho lễ Đâu Vĩ sắp tới.

Thực ra năm ngoái chúng tôi đã thoát được một kiếp, năm nay xem ra không cách chi thoát được. Nửa đêm, Bàn Tử đang xem ti vi, tôi ngồi trên cái bàn ngoài cửa viết bản thảo tương thanh(1), dùng đối phó với tiết mục ngôn ngữ, còn về tiết mục biểu diễn, sẽ nhờ Muộn Du Bình và Bàn Tử diễn tạp kỹ vậy.

Tôi dốt đặc về biểu diễn văn nghệ, khán giả cơ bản cũng chỉ là mấy thanh niên trông coi thôn đến góp vui, cũng không phải thật sự muốn xem tương thanh chính quy gì, cho nên trong thời lượng 30 phút phải dùng đủ từ tục cho hợp gu bọn họ.

Bản chất của hài kịch là bi kịch, còn phải để mọi người đều hiểu được, tôi vất vả suy nghĩ, sáng tác hết sức khó khăn.

Gà con lớn lên từng ngày, bản thảo cũng ngày một dài ra, mỗi một đoạn tôi đều cùng Bàn Tử phối hợp đối thoại, ghi âm.

Đoạn đầu của bản thảo là thế này:

Ngô Tà: Chúc mọi người lễ Đâu Vĩ vui vẻ, tôi là diễn viên tương thanh Ngô Tà, đây là cộng sự của tôi, Vương Bàn Tử. Hôm nay chúng tôi sẽ biểu diễn cho các bạn một đoạn tương thanh truyền thống, có tên là: Smartphone, hy vọng mọi người sẽ thích.

Bàn Tử: Cậu đợi đã, smartphone, nghe đâu có truyền thống?

Ngô Tà: Anh là ai? Bảo vệ đâu?

Bàn Tử: Cậu mới giới thiệu tôi rồi mà? Sao lại vờ như không quen tôi? Bảo vệ ở cánh gà chuẩn bị cho tiết mục tiếp theo, cậu đừng phiền người ta.

Ngô Tà: Anh vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi, anh là ai?

Bàn Tử: Chẳng phải tôi là cộng sự của cậu sao? Vừa rồi cậu đã giới thiệu tôi.

Ngô Tà: Ồ, tôi có nói sao?

Bàn Tử: Mở ghi hình lên, có cần tua lại cho cậu xem không.

Ngô Tà: Có ghi hình à, ồ, vậy không cần gọi bảo vệ nữa.

Bàn Tử: Thế nếu không có, cậu định lật mặt phải không? Tôi không còn là cộng sự của cậu nữa à?

Ngô Tà: Tôi đang nói lẫy, anh là cộng sự của tôi, sao anh có thể nói ra nội dung thiếu chuyên nghiệp như vậy, thế nào gọi là không được truyền thống?

Bàn Tử: Nói thừa, smartphone mà còn truyền thống được sao?

Ngô Tà: Sao smartphone thì không thể truyền thống?

Bàn Tử: Vì điện thoại là sản phẩm phát minh cận đại, đến nay cũng mới có mấy chục năm lịch sử, cùng lắm được tính là cải biên tiết mục truyền thống, không thể gọi là tiết mục truyền thống.

Ngô Tà: Ồ, cũng có lý.

Bàn Tử: Lạ lắm hả, đây là thường thức cơ mà?

Ngô Tà: Vậy hôm nay chúng tôi sẽ biểu diễn cải biên của tiết mục truyền thống, smartphone. Vừa rồi tôi đã phạm một lỗi dùng từ, xin lỗi mọi người, hy vọng mọi người hiểu, trên thực tế, tôi không phải một diễn viên tương thanh chuyên nghiệp, đây là vở diễn đầu tiên của tôi, có hơi căng thẳng, nghề nghiệp thật sự của tôi, hầy, kể ra thì (lau nước mắt), rất khiến người ta khó chịu.

Bàn Tử: Ôi dào, hôm nay là ngày đại hỉ, sao cậu lại khóc chứ?

Ngô Tà: Nhắc tới là buồn, không thể kìm nén đau khổ.

Bàn Tử: Cậu còn khóc nữa, một lát sẽ không được hưởng hai rổ trứng của thôn.

Ngô Tà: (lập tức cười tươi rói).

Bàn Tử: Cậu cũng nhanh quá đấy.

Ngô Tà: Con nhà nghèo, khóc rất nhanh.

Bàn Tử: Lời thoại quái gì vậy, rốt cuộc cậu có diễn không?

Ngô Tà: Tôi ấy mà, nghề nghiệp thực ra là một nhà thám hiểm.

Bàn Tử: Ồ, nghề này hay mà, sao lại buồn chứ?

Ngô Tà: Bởi vì chúng tôi thường xuyên phải đi thám hiểm những nơi hết sức xa xôi, ví dụ như thác nước lớn Hoàng Quả Thụ(2), sơn động lớn Hoàng Quả Thụ, cái chăn lớn Hoàng Quả Thụ (trọng âm đặc biệt).

Bàn Tử: Cậu điên à, sao tự dưng lại lớn tiếng thế.

Ngô Tà: Tôi kích động thôi.

Bàn Tử: Cậu kích động thôi, tôi đau tim luôn rồi này!

Ngô Tà: Tôi tin mọi người nghe thấy những kỳ quan thế giới này cũng sẽ vô cùng kích động, có thể hiểu được tôi.

Bàn Tử: Đợi đã, có nhiều chỗ Hoàng Quả Thụ vậy à? Sao tôi chưa nghe bao giờ?

Ngô Tà: Có thể hơi sai lệch, tôi nhớ không rõ tên nữa, dù sao cũng là Hoàng.

Bàn Tử: Ờ, đúng về màu sắc.

Ngô Tà: Phải đấy.

Bàn Tử: Hoàng chăn lớn đó là nơi nào, cậu kể rõ nghe xem.

Sao anh không muốn nghe câu chuyện về Hoàng sơn động, lại muốn nghe Hoàng chăn lớn?

Bàn Tử: Vì hai cái trước cậu không rống lên, đến cái này thì rống, coi bộ nó khiến cậu có ấn tượng đặc biệt sâu sắc.

Ngô Tà: Biểu cảm này của anh, cứ như tôi đang dẫn dắt khán giả ấy.

Bàn Tử: Phí lời, cậu không muốn người ta hiểu lầm thì đừng có rống lên. Cái chăn lớn Hoàng Quả Thụ, trong cái chăn thì có gì để thám hiểm.

Ngô Tà: Đó là một cái tên thể hiện sự nguy hiểm chúng tôi đặt dựa trên đặc tính của nơi đó.

Bàn Tử: Ồ, đặc tính của nơi đó, là vàng, còn cái chăn?

Ngô Tà: (trợn mắt) Cái đồ lạc hậu văn hóa nhà anh, bao nhiêu chữ anh chỉ nghe mỗi hai cái này sao? Quả Thụ-lớn, anh không nghe thấy ba chữ này sao?

Bàn Tử: Ồ, tôi nhầm, cậu nói tiếp đi.

Ngô Tà: Sự nguy hiểm của nơi đó, chủ yếu nằm ở ba chữ “cái chăn lớn” này.

(cho khán giả thời gian nhận ra)

Bàn Tử: Tôi không kháy cậu nữa, tôi mệt rồi, cậu cứ tự nhiên.

Ngô Tà: Nơi ấy mưa quanh năm, ở đó có gia đình luôn nuôi gà, thỉnh thoảng còn có bà thím qua gọi nhờ điện thoại đường dài, vô cùng nguy hiểm, muốn vào đó phải chuẩn bị lâu dài.

Bàn Tử: Đợi đã.

Ngô Tà: Lại sao nữa?

Bàn Tử: Cái chăn lớn mà cậu nói, có phải màu vàng kẻ sọc caro?

Ngô Tà: Ủa, anh cũng từng đến à, anh cũng là nhà thám hiểm.

Bàn Tử: Không phải, tôi cảm thấy chỗ cậu nói là cái chăn của tôi?

Ngô Tà: Hả, còn có chuyện trùng hợp vậy à.

Bàn Tử: Đây là trùng hợp sao, tôi cảm thấy cậu đang gài tôi thì có.

Ngô Tà: Không thể nào, tôi gài anh thì được gì chứ, hơn nữa cái chăn đó ghê gớm lắm nhé, trước đây nó màu trắng, sau đó mới biến thành màu vàng, có giống của anh không?

Bàn Tử: Cậu hỏi thế tôi biết đáp sao.

(cho khán giả thời gian nhận ra)

Hết đoạn 1.

Cho Bàn Tử xem xong, Bàn Tử cảm thấy có lẽ hai chúng tôi đổi lời thoại, hiệu quả sẽ tốt hơn.

Viết tiếp nữa sẽ càng khó, chỉ có thể cầu mong hành trình sắp tới sẽ thu thập được vài mẩu chuyện cười

Thời gian thấm thoắt, năm tháng thoi đưa, lại qua gần 10 ngày, nhà A Quý đã khôi phục quỹ đạo, chúng tôi cũng đến lúc rời đi, kế tiếp sẽ đến Hải Nam, cũng không xa nơi này, qua eo biển Quỳnh Châu là tới, sau đó nữa thì về thôn Vũ.

Vẫn giống như trước, mọi người cùng ăn một bữa thịnh soạn, chúng tôi nhốt A Công A Mẫu lên xe, A Quý lại tặng chúng tôi sáu con vịt giống, nhốt cùng mấy con khác ở sau xe, chúng tôi bắt đầu xuất phát đến vịnh Bắc bộ.

Đây là trạm cuối cùng của chuyến du lịch, thời tiết càng lúc càng nóng, chúng tôi mặc áo chẽn quần đùi, chuẩn bị đi ngắm biển, phơi nắng.

Chú thích

(1) Tương thanh: hay tấu nói, một loại khúc nghệ của Trung Quốc dùng những câu nói vui, hỏi đáp hài hước hoặc nói, hát để gây cười, phần nhiều dùng để châm biếm thói hư tật xấu và ca ngợi người tốt việc tốt.

(2) Thác Hoàng Quả Thụ nằm ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, được mệnh danh là Thiên Hà trên mặt đất. Thác này cao khoảng 74m, rộng 81m, là thác nước đệ nhất ở Trung Quốc và cũng là một trong những thác nước hoành tráng nhất trên thế giới.

BÌNH LUẬN

minh long

Trả lời

2023-12-26 09:12:29

Hi

alex phạm

Trả lời

2022-08-08 15:39:30

Hi