Logo
Trang chủ
Chương 25: Cô gái

Chương 25: Cô gái

Đã gần mười hai tiếng kể từ khi có lệnh điều chuyển, Nhiên kiểm tra lại quân nhu của mình một lần nữa trước khi lên bờ. Con tàu nhỏ chở cô cùng hai đồng đội sẽ cập bến trong vài phút nữa. Nhiệm vụ lần này tuy không phải là quá nguy hiểm, nhưng cái khó là cô phải thực hiện một mình. Hai đồng đội sẽ sớm quay trở về để nhận nhiệm vụ khác sau khi họ tháp tùng cô đến địa điểm đóng trại. Hiện tại, tình trạng thiếu thốn nhân lực vẫn chưa được giải quyết, nên họ không thể dùng quá nhiều người cho một nhiệm vụ dài ngày được.

Chiếc tàu chầm chậm tiến vào bờ. Nhiên quan sát kỹ lưỡng địa hình khu vực, cô ấn tượng với khung cảnh chiếc cầu đổ nát ngay phía trên đầu mình. Những dấu vết để lại thì khả năng cao chiếc cầu đã bị tấn công từ trên cao bằng hỏa lực rất mạnh với mục đích đánh gãy nó ngay lập tức. Cô không chắc lắm về lý do của cuộc không kích đó, nhưng cũng không quá quan tâm, vì theo cô trong những giai đoạn rối ren của lịch sử, hỗn loạn là điều khó tránh khỏi. Có thể phá cầu để phong tỏa thành phố, để chặn đường tiến lui quân của địch, hoặc một lý do nào đó.

"Trước kia người ta gọi nó là cầu Hóa An, một cây cầu quan trọng bắc qua sông Đồng Nai, kết nối thành phố Biên Hòa với Bình Dương và Sài Gòn", viên sỹ quan trẻ giới thiệu cho Nhiên về lịch sử cây cầu khi thấy cô nàng hứng thú với nó.

"Dạ, em cũng có nghe qua", Nhiên lịch sự trả lời, thực ra cô thuộc nằm lòng lịch sử của cả thành phố này rồi.

Một cách đầy hào hứng và tràn đây hãnh diện, viên sỹ quan luyên thuyên một hồi về các nhiệm vụ mà anh ta đã thực hiện quanh đây, rằng anh ta rành rẽ địa hình ở đây thế nào.

"Bao lâu em quay lại?", anh hỏi.

"Chắc vài ngày thôi anh", Nhiên trả lời, mắt vẫn nhìn xa xăm.

"À..., cuối tuần sau anh đội của anh được nghỉ phép vài ngày... Chừng đó em có rảnh không?", chàng trai hơi ngập ngừng.

Lúc này thuyền trường đánh tàu vào mạn Bắc của dòng sông và hô lớn để hai người chuẩn bị. Nhiên cảm thấy có phần nhẹ nhõm và rồi quay sang trả lời viên sỹ quan trẻ rằng cô không chắc, vì công việc luôn bận rộn.

Thuyền trưởng là một người đàn ông đứng tuổi, gương mặt vừa cứng cáp sương gió lại có chút khắc khổ không giấu diếm. Ông ta đang tìm các vị trí đánh dấu để cập bờ. Trước đây, khu này vốn là một công viên ven sông với mực nước sâu và đôi bờ được đổ bê tông chắc chắn, rất phù hợp để đáp tàu mà không lo bị mắc cạn. Những đội trước từng đến đây đã bố trí sẵn một khu vực để tàu có thể ra vào dễ dàng, nên bây giờ chỉ cần cẩn thận tìm lại đúng vị trí đó là được.

Tàu chầm chậm ghé vào một bến ẩn nhỏ, là một khu vực hầu như bị che khuất bởi cây cỏ, nhưng mặt bằng khá thông thoáng và chắc chắn. Thuyền trường xách ba lô lên, Nhiên cùng viên sỹ quan khiêng đống hàng hóa từ tàu lên bờ. Viên thuyền trưởng đi thẳng về phía đất liền rồi dừng lại ở một tòa nhà cũ. Nói là tòa nhà thì chưa chính xác lắm, nó giống một cái kho cũ với một cánh cửa lớn. Cũng tương tự bãi đỗ, công trình này cũng ít nhiều bị bao phủ bởi cây cỏ, nhưng nó vẫn khá dễ để có thể nhìn thấy từ xa. Sau khi cửa mở, Nhiên mới nhận ra đây thực ra là một nhà xe nhỏ. Bên trong có môt chiếc xe bán tải và vài phi nhiên liệu, ngoài ra không còn gì đáng nói.

"Chúng ta sẽ di chuyển tiếp bằng con trâu này." - người đàn ông ám chỉ chiếc xe.

Họ tiếp tục chất đồ từ tàu lên thùng xe, đồ đạc khá nhiều nên Nhiên chỉ cắm cúi làm mà chả nói thêm câu nào, chỉ có viên sỹ quan trẻ thỉnh thoảng vẫn bắt chuyện. Cô chỉ cười và trả lời anh ta bằng ánh mắt lịch sự. Sau cùng bọn họ lên xe rồi nổ máy.

"Chiếc xe này sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng cổ điển nên nó khá ồn." - thuyền trưởng nói. "Thế nên chúng ta chỉ sử dụng nó để chuyển quân nhu từ bến đến trại chính thôi, cô không được sử dụng nó cho những mục đích khác. Chắc cô cũng đã biết mình sẽ di chuyển bằng cách nào rồi chứ."

"Vâng!" - Nhiên đáp. Những việc này cô đã được tập huấn nhiều lần, và thực tế lần này cũng không phải lần đầu cô đi thực địa. Có điều cô vẫn chưa hiểu nổi tại sao họ vẫn sử dụng chiếc xe cổ điển dùng nhiên liệu lỏng, tiếng động cơ của nó rõ ràng là thứ thu hút sự chú ý từ một khoảng cách xa đáng kể.

Nơi họ đến không quá xa điểm cập tàu, nhưng cũng khá mất thời gian, bởi đường xá bị ngập trong cây cỏ. Dừng xe, viên thuyền trưởng hướng dẫn mọi người chuyển hàng từ xe xuống một căn hầm nhỏ. Nhiên nhận ra đây là căn cứ tạm của cô như đã được hướng dẫn trước đây. Nó là một lô cốt nhỏ được xây ẩn dưới mặt đất chừng một mét, được đổ bê tông chắc chắn, diện tích chỉ lớn hơn phòng ngủ một chút. Phần lớn đồ đạc trong phòng là các thiết bị điện tử, và các loại máy móc cồng kềnh khác. Phía góc phòng có một tủ đông nhỏ để tích trữ thực phẩm tươi, cạnh đó là một chiếc tủ lớn chứa lương khô.

"Số lương thực này đủ để cô sống thoải mái ở đây đến hai tuần, nhưng tôi nghĩ cô nên tiết kiệm phòng khi bất trắc." - viên thuyền trưởng dặn dò. "Cứ mỗi hai tuần, sẽ có chuyến tàu cung cấp thực phẩm đến, nhưng họ sẽ chỉ gửi hàng ở bến tàu, và cô sẽ phải ra đó để nhận. Chúng tôi sẽ để chiếc xe lại vị trí cũ, khi nhận thực phẩm và vật dụng tiếp tế thì cô có thể sử dụng nó để chuyển hàng về đây, nhưng nên nhớ rằng đừng dùng chiếc xe cho những nhiệm vụ khác. Nó là loại xe phổ thông cũ, không phù hợp cho các nhiệm vụ của cô đâu."

Nhiên trả lời xác nhận. Dĩ nhiên cô đã phải thuộc lòng các quy tắc trước khi nhận nhiệm vụ, chỉ có điều cái việc nhận đồ tiếp tế có vẻ còn hơi lạ lẫm. Theo kế hoạch, nhiệm vụ lần này sẽ kết thúc muộn nhất là hai tuần, nên nếu mọi thứ thuận lợi thì cô không cần quan tâm đến chuyện nhận tiếp tế.

Sau đó, hai người đồng đội rời đi. Nhiên phải đứng đó đợi tay sỹ quan thôi ngoái đầu nhìn mình thì mới xuống hầm và cởi bỏ bộ áo bảo hộ nặng nề trên người. Cô muốn để cơ thể nghỉ ngơi một chút trước khi lên đường. Bộ áo mà cô và cả hai người kia phải mặc tuy khá nặng nề khó chịu, nhưng nó là thứ bắt buộc phải trang bị khi ra ngoài, và thực tế thì chúng đã là những loại tinh gọn nhất rồi. Sở dĩ họ phải trang bị kỹ lưỡng như vậy là bởi mức độ phóng xạ quá cao ở đây. Bất cứ ai bước ra ngoài mà không có bảo hộ trong vòng một giờ sẽ có nguy cơ lớn trở thành bệnh nhân ung thư. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng thì ngay cả trường hợp nguy cấp nhất cũng không ai được phép ra ngoài quá mười lăm phút mà không mang đồ hấp thụ phóng xạ. Chỉ có vài nơi an toàn mà không cần bảo hộ chính là những căn hầm này, nơi được thiết kế đặc biệt để bảo vệ người bên trong khỏi các tia phóng xạ chết người.​

Trong thời gian nghỉ ngơi, Nhiên mở máy tính để cập nhật thông tin địa hình. Nơi cô đang ở là ngay dưới một trạm phát sóng, chính xác là trạm phát ở phía Tây Bắc thành phố, mà họ gọi là tháp Hỏa. Nó được xây dựng trên đống đổ nát sau sự kiện Vụ Nổ Lớn, gần vị trí của Quảng trường trước đây. Chúng được xây dựng với hai mục đích chính, một là trung tâm điều khiển manual của các trạm phát, hai là cứ điểm dừng chân cho các nhiệm vụ thực địa.

Nhiệm vụ lần này của Nhiên cũng liên quan đến những trạm phát này. Một trong năm trạm phát bị phát nổ vào đêm qua khiến các tín hiệu bị gián đoạn. Do vậy. công chuyện đầu tiên của cô là xác nhận tình trạng của nó rồi tiến hành các bước sửa chữa.

Vì đến đây bằng cách ngược dòng sông Đồng Nai, nên phương án đầu tiên mà cô nghĩ đến là đáp ở tháp Địa (Earth), nằm ở phía Tây Nam thành phố, gần cầu Đồng Nai. Nhưng thuyền trưởng lại không nghĩ vậy, anh ta cho rằng cập tàu ở trạm đó rất nguy hiểm do khu vực ở đó có một ổ cá sấu trắng. Thêm nữa khoảng cách từ tháp Địa tới điểm kiểm tra cũng không gần hơn so với từ tháp Hỏa (Fire), và đường đi thì nguy hiểm hơn do phải đi dọc theo quốc lộ hoang vắng. Thế là họ chọn sẽ tiếp cận tháp Hỏa đầu tiên, dù cho trạm này cách xa dòng sông, và phải di chuyển một đoạn bằng xe.

Khi Nhiên kiểm tra lại vị trí của các trạm phát, cô mới nhận ra một điều rằng chúng đều được đặt gần các tuyến đường chính. Trạm Hỏa ở phía Tây Bắc gần đường Nguyễn Ái Quốc, trạm Địa ở phía Tây Nam trên quốc lộ 1 gần cầu Đồng Nai, trạm Khí (Air) phía Đông Bắc cũng ở quốc lộ 1 gần bệnh viện Thống Nhất, trạm Linh Hồn (Soul) thì ở chính giữa bản đồ, ngay đài truyền hình, chỉ riêng trạm Thủy (Water) ở phía Đông Nam là ở xa và khó tiếp cận nhất, nó nằm đâu đó phía sau khu công nghiệp Amata. Nhiên nhận ra rằng là người ta chọn vị trí xây trạm để có thể dễ dàng tiếp cận, đồng thời phải phủ kín được thành phố, do vậy phần lớn các trạm đều dễ tìm, riêng trạm Thủy đành phải đặt ở vị trí hiểm hơn để đảm bảo vùng phát sóng. Trạm Linh Hồn ở trung tâm lẽ ra nên đặt ở ngã tư Tam Hiệp hoặc cầu Amata, nhưng hẳn là Tập Đoàn đã muốn tận dụng tháp truyền hình cũ.

Nhiệm vụ của cô là kiểm tra trạm Khí, nơi tín hiệu bị mất hoàn toàn, các trạm khác cô không cần để tâm nhiều. Trạm Khí ở phía Đông Bắc, ngay bệnh viện Thống Nhất, nên đoạn đường đơn giản nhất là cứ thẳng theo Nguyễn Ái Quốc, rồi rẽ trái ở quốc lộ 1. Nếu việc sửa chữa thuận lợi thì cô sẽ kết thúc sớm nhiệm vụ, nhưng linh tính lại báo rằng mọi thứ sẽ không dễ dàng như vậy.

Sau một giờ nghỉ ngơi và sắp xếp mọi thứ, Nhiên chuẩn bị lên đường. Lần này cô không mặc lại bộ trang phục cũ mà khiêng từ đống quân nhu một chiếc va ly khá cồng kềnh. Đó là một chiếc hộp thép lớn với một hệ thống khóa sinh trắc học đặt chính giữa.

Nhiên đặt bàn tay vào máy quét để kích hoạt, chiếc bộp bật ra và tự lắp ráp thành một bộ giáp, to và phức tạp hơn nhiều so với bộ đồ mà các quân nhân thường mặc. Nói là bộ giáp cũng không đúng lắm, nó trông giống một con rô bốt với đôi chân máy trợ lực và rỗng bên trong, đủ để chứa được một người. Ở phần lưng của nó là một khối động cơ được thiết kế thanh gọn bám chặt vào thân chính, nhìn tổng thể nó giống như một tay lực sỹ cao hơn hai mét đang đeo một chiếc ba lô khủng vậy.

Đi kèm với bộ giáp hiện đại là hai viên pin lớn, một viên đã được sạc đầy và lắp sẵn vào động cơ sau lưng, viên còn lại thì sẽ cắm vào một đốc sạc trang bị sẵn trong hầm, nó sẽ được tích đầy năng lượng từ những tấm pin mặt trời gắn trên trạm phát. Pin sẽ được sạc đầy sau bốn tiếng và đủ sử dụng cho cả ngày. Điều này có nghĩa là Nhiên sẽ phải quay trở lại đây sau mỗi một ngày để thay pin thì mới có thể tiếp tục nhiệm vụ.

Để khớp nối hoàn toàn người điều khiển với bộ giáp là một điều không đơn giản, vì bản thân thiết bị đã quá cồng kềnh nên không còn đủ không gian chứa thêm một lượng lớn dây dẫn kết nối thần kinh phức tạp. Mặc dù vậy, không quá khó khăn để Nhiên có thể khớp nối hoàn toàn với cỗ máy. Chỉ cần vài phút cô đã yên vị trong khoang lái để sẵn sàng kết nối với máy tính trung tâm. Một cảm biến của vùng điều khiển trung tâm sẽ giao tiếp sóng với một con chip khác cấy sẵn trong não người điều khiển rồi đồng bộ cả hai. Sau vài phút đồng bộ, giờ đây Nhiên có thể dễ dàng điều khiển cỗ máy như chính cơ thể mình.

Ở thời đại của Nhiên, đây không phải là loại công nghệ quá phổ biến cho người dùng phổ thông, nhưng được ứng dụng rất nhiều trong quân sự và nghiên cứu khoa học. Trở ngại lớn nhất ngăn cản loại công nghệ này phát triển đại trà là giá thành quá cao, chứ không phải đô phức tạp của nó. Hầu hết các tổ chức lớn trên thế giới đều có thể sử dụng được phương pháp kết nối này, nó hoàn toàn không phải là công nghệ bí mật. Các cuộc chạy đua công nghệ hầu hết đã đi xa hơn rất nhiều so với loại công nghệ giao tiếp "người - máy" cơ bản này.

Nhiên cảm thấy khá dễ chịu khi cả cơ thể được bao bọc hoàn toàn bởi kim loại. Không hẳn là bởi bộ giáp được thiết kế để người sử dụng thoải mái nhất, mà chính là cái cảm giác lao mình ra thế giới bên ngoài kia trong tâm thế tự tin nhất. Bộ giáp được trang bị trợ lực nên việc di chuyển hầu như không tốn sức, lớp vỏ kim loại cứng cáp chắc chắn sẽ bảo vệ cô khỏi các nguy cơ bị tấn công, và dĩ nhiên là kháng phóng xạ. Chưa kể nó được trang bị đầy đủ các thiết bị phụ trợ như hệ thống bản đồ định vị, máy phát tín hiệu và vũ khí cơ bản. Một kho đồ nhỏ bên trong chứa nước và lương khô đủ dùng trong một ngày dài.

Mở cửa hầm, Nhiên tiến ra ngoài cùng với trang phục mới của mình. Mọi chuyển động của bộ giáp đều rất uyển chuyển, các thao tác điều khiển dễ dàng trùng khớp với chuyển động của máy móc. Chỉ với vài phút vận động, Nhiên gần như không còn cảm nhận được ranh giới phân cách giữa cô và cỗ máy, cả hai gần như là một, uyển chuyển và đồng bộ. Khi bước đi, Nhiên cảm nhận đôi chân thép to lớn kia là của chính mình, hai cánh tay thép rắn rỏi cũng dễ dàng chuyển động theo ý muốn, thậm chí các ngón tay thô kệch cũng có thể cầm nắm các đồ vật nhỏ ở một mức độ nhất định.​

Cách dễ dàng nhất để từ trạm Lửa (Fire) tới trạm Khí (Air) là cứ thẳng đường Nguyễn Ái Quốc mà đi. Đây vốn là đường lớn nên dù đã bị hoang hóa từ lâu thì nó vẫn giữ được những dấu hiệu rất dễ nhận biết, rất thuận tiện cho việc định hướng.

Thứ khiến Nhiên có đôi chút lo lắng là những con thú dữ, một trong những mối nguy chính được cảnh báo trong các trang báo cáo đánh giá thực địa. Cũng bởi vậy mà cô mới được trang bị những thiết bị tối tân cho nhiệm vụ lần này.

Chỉ bằng một chút phân tích, Nhiên nhận ra là bộ giáp cô đang mang đã được hiệu chỉnh nhiều thứ cho phù hợp với nhiệm vụ lần này. Cụ thể, thay vì sở hữu những vũ khí hạng nặng như phiên bản gốc, thì nó lại có nhiều trang bị theo hướng bảo hộ và sinh tồn. Sở dĩ có chuyện đó vì mục đích chính của bộ giáp là bảo vệ người điều khiển khỏi các loại phóng xạ và thú dữ, chứ không phục vụ việc bắn giết như một chiến binh hạng nặng.

Đúng như dự đoán, trên cung đường di chuyển, không khó để Nhiên bắt gặp vài con thú hoang, thậm chí là cả những loại thú săn mồi nguy hiểm. Ở Rạch Suối Lớn, chỉ cần đứng trên cầu ngó xuống, chú ý quan sát dọc hai bên bờ suối, sẽ dễ dàng phát hiện ra một con cá sấu lớn đang ngoác miệng nằm bất động. Con vật với lớp da sần sùi màu xám nhạt đang há chiếc mõm rộng trông như chiếc bẫy chuột khổng lồ sẵn sàng bập xuống bất cứ lúc nào. Nó trông không giống với loại cá sấu mà Nhiên từng thấy trong các sách giáo khoa trước đây, bởi lớp da có tông màu sáng và sần sùi hơn nhiều.

Nhiên thấy lạ nhưng không bất ngờ. Sau sự kiện các vụ nổ lớn, người ta đã nghĩ rằng các loài sinh vật sẽ bị tuyệt chủng. Bởi các đo đạc đều cho thấy mức độ phóng xạ rất lớn, hoàn toàn không phù hợp cho các dạng sống bình thường. Ngay cả các nhà khoa học tích cực cũng chỉ dám cho rằng hệ sinh thái có thể tái sinh ít nhất sau một trăm năm. Nhưng tự nhiên một lần nữa làm họ bất ngờ. Bất chấp lượng phóng xạ cao, thực vật nhanh chóng xuất hiện trở lại, động vật theo sau và nhanh chóng phủ đầy mặt đất. Và càng kỳ diệu hơn khi chỉ mất vài chục năm cho quá trình tái phủ xanh đó. Sự sống đã quay lại, ngoại trừ con người.

Đã có nhiều phân tích, một vài nhà sinh học cho rằng đó là vì khả năng chọn lọc tự nhiên của động thực vật. Chúng chấp nhận chịu đột biến liên tục bởi phóng xạ và để mặc tự nhiên tiến hành phân loại, cho đến khi xuất hiện những cá thể thích ứng được với môi trường. Quá trình này thực tế vẫn đang diễn ra rất mạnh mẽ chứ chưa đạt đến trạng thái ổn định, do nó còn cần nhiều thời gian. Đó cũng là lý do cho việc xuất hiện các biến dị kỳ lạ chưa thật sự phù hợp với môi trường, mà màu da sáng của con cá sấu này là một ví dụ.

Loài người thì không như vậy, họ luôn tìm cách trốn chạy hoặc chống lại tự nhiên khắc nghiệt bằng các công cụ tối tân, điều đó đồng nghĩa với việc họ từ chối các biến dị, từ chối sự tiến hóa. Cuối cùng, hoá ra chính bản thân loài người lại là chướng ngại lớn nhất đối với sự phát triển của họ.

Nhiên bỏ khá nhiều thời gian để quan sát kỹ những sinh vật cô gặp trên đường, vì những hình ảnh thực tế này sẽ được tự động ghi lại và chuyển về thư viện trung tâm. Dữ liệu sẽ ngày một chi tiết và đa dạng hơn nhờ các đợt tiếp xúc thực địa thường xuyên được thực hiện bởi các nhà khoa học, dưới sự giám sát và tài trợ từ Tập Đoàn. Nhưng đây không phải nhiệm vụ chính, Nhiên cần tiếp tục lên đường. Càng đi xa về phía Đông, con đường càng hẹp lại, đặc biệt là đoạn đường từ ngã tư Tân Phong trở đi. Lòng đường lúc này chỉ còn rộng bằng một phần ba ban đầu. Khoảng không gian trống để có thể di chuyển chỉ còn khoảng hai mét, phần còn lại hai bên đường ngập tràn cây cối, dây leo và gai nhọn.

Cũng may là đoạn đường tiếp theo mọi thứ không trở nên tệ hơn, ít nhất cho đến cầu Săn Máu. Tại đây, con đường đột ngột bị chặn lại bởi một "bức tường" kỳ lạ. Thực tế, thực vật hai bên đường cũng thay đổi từ từ dọc theo hành trình, nhưng phải đến tận đây Nhiên mới thực sự nhận ra. Đồng hành cùng cô lúc xuất phát là những bụi cỏ xanh mướt mắt, rồi sau đó những thân cây lớn hơn xuất hiện thay thế chúng, để rồi đến đây trước mắt đã là một cánh rừng già thực sự. Mặt đất bị phủ đầy một loại dây leo kỳ lạ, to và dầy hơn nhiều so với những gì Nhiên tưởng tượng. Chúng có màu nâu sẫm pha lẫn sắc xanh, thỉnh thoảng lại điểm vài nốt hồng kỳ quặc.

Ở phía trên, không gian cũng bị bít lại hết bởi những ngọn tre mọc chỉa lên từ dưới suối. Chúng là những cây tre to lớn mang vô số những cạnh sắc nhọn ở mỗi đốt, đan chéo và khóa chặt vào nhau, tạo thành một bức tường theo đúng nghĩa đen chặn kín lối thoát phía trên. Nhìn kỹ đám sinh vật này, trong lòng Nhiên nổi lên một dự cảm không lành. Trong một khoảnh khắc, dù rất nhỏ, cô nhìn thấy những thân leo khẽ chuyển động và lo sợ rằng chúng sẽ chồm dậy siết cổ cô.

Nhiên bấm nút kích hoạt vũ khí dẹp đường. Từ hai bàn tay của "Thánh Gióng" mọc ra hai lưỡi dao dài. Bọn họ hay gọi những bộ giáp bằng cái tên như vậy, phỏng theo hình dáng to lớn và sức mạnh kinh khủng mà nó sở hữu. Với cặp vũ khí sắc bén, không khó để cỗ máy chém bay đám cây cản đường. "Nếu chúng thực sự có ý thức, chúng cũng sẽ phải run sợ", Nhiên nghĩ. Sau khi một khoảng trống lộ ra, đủ để lách người qua, họ tiếp tục lên đường.

Từ khi bật chế độ dọn đường, hành trình còn lại trở nên đơn giản hơn nhiều, bất chấp mức độ phức tạp của địa hình. Ngoại trừ lần Nhiên phải dùng đến chế độ "cánh diều" để vượt qua một hố bom khổng lồ thì không còn khó khăn nào đáng kể. Đúng vậy, bạn không nghe lầm đâu, Thánh Gióng cũng có thể bay. Có một động cơ phản lực mini được đặt khéo léo trong chiếc ba lô thép nhằm trang bị thêm khả năng bay lượn cho bộ giáp, nhưng chỉ được kích hoạt trong trường hợp cần thiết.

Bay là phương thức di chuyển nhanh và có tính cơ động cao, nhưng lại rất tiêu tốn năng lượng. Để hài hòa được những ưu và khuyết điểm này, nhóm thiết kế đã biến tính năng bay lượn thành một lựa chọn không khuyến khích, chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết. Cụ thể, nếu bật chế độ "cánh diều", Thánh Gióng có thể giúp người điều khiển chuyển động tự do trên không trung trong một giờ đồng hồ, thay vì hoạt động cả ngày ở các chế độ khác.

Nhiên đã nghĩ đến việc bật chế độ cánh diều ngay từ đầu để dễ dàng tiếp cận điểm check in, nhưng cô không làm vì nhận thấy có vài điểm rủi ro. Thứ nhất, mục tiêu của nhiệm vụ là sửa chữa trạm Khí (Air), do vậy cần tiết kiệm tối đa năng lượng cho trường hợp cần kích hoạt lại thiết bị nào đó. Thứ hai, nếu di chuyển trên không thì nguy cơ bị phát hiện bởi đối tượng dưới mặt đất là rất cao, mà một khi điều này xảy ra thì cả chiến dịch sẽ bị chệch hướng hoàn toàn.

Tuy vậy, mối lo ngại đầu tiên vốn không tồn tại khi Nhiên tới đích. Trạm Khí (Air) hoàn toàn chìm trong biển lửa, chẳng còn lại gì để có thể cứu vớt. Thông tin cuối cùng truyền về kết hợp với tình hình thực tế chứng tỏ hệ thống thu lôi bị trục trặc và tòa tháp đã không vượt qua cơn bão sét đêm qua. Không còn cách nào khác, Nhiên tập hợp dữ liệu, rồi gửi báo cáo về trung tâm. Sau khi thông tin được chuyển đi, trung tâm hồi đáp rằng họ sẽ chuyển sang kế hoạch B.​

BÌNH LUẬN