Logo
Trang chủ

Ngoại truyện 9: Lỗ ban thất hào 4

Khi võ sĩ Hoàng Thọ và Cọp bay Tinor thượng đài, ai cũng ái ngại cho Hoàng Thọ vì anh chỉ là một võ sĩ chưa tên tuổi lại thấp hơn Cọp bay Tinor một cái đầu. Vào hiệp 1, cọp bay Tinor xông lên áp đảo Hoàng Thọ vào góc đài. Chờ Hoàng Thọ lúng túng trong góc chết, Cọp bay Tinor tung một cú đá thốc từ dưới bụng lên. Hoàng Thọ dính đòn bật ngửa. Ai cũng tưởng Hoàng Thọ nằm vĩnh viễn trước cú đá bạt sơn của võ sĩ phái Trà Kha. Không ngờ Hoàng Thọ tung mình đứng lên, mặt đỏ au, mắt trợn ngược, tóc tai dựng đứng, tay chân vung đánh loạn xạ không theo một bài bản nào.
Cọp bay Tinor vừa chống đỡ vừa lùi ngược. Hoàng Thọ thét một tiếng rồi vung chân đá thẳng. Cú đá đâm thẳng vào mạng sườn, Tinor gục xuống đầu hàng, được đưa về võ quán ở Lào để điều trị rồi chết sau đó vài tháng. Một cú đá mang lực khủng khiếp làm gãy xương sườn và dập nát nội tạng. Hoàng Thọ trở nên nổi tiếng với bài Thần quyền giáp chiến của Thất Sơn Võ Đạo. Thất Sơn quyền nổi tiếng vang danh từ đó.
Sư tổ của Thất sơn thần quyền là cụ Võ Văn Đoan hay còn gọi là Chàng Lía, quê nội cụ ở Phù Ly, Phù Mỹ, Bình Định, quê ngoại cụ tại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, Tuy Viễn nay là Tây Sơn, Bình Định. Cụ đứng đầu khởi nghĩa nông dân chống triều đình thế kỉ XVIII. Học trò xuất sắc của Chàng Lía có cụ Cử Đa, đi thi võ thời Thiệu Trị đắc quan trạng. Năm 1859 Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh, cụ Cử Đa bị giặc Pháp truy lùng gắt gao, phải giả làm nhà sư điên trốn lên núi Đen. Nhiều chí sĩ, nghĩa sĩ đã tụ quân kháng chiến cứu nước ở vùng Bảy Núi, tức Thất Sơn nay thuộc Châu Đốc tỉnh An Giang. Trước sức mạnh vũ khí hiện đại của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân chỉ có binh khí thô sơ và lòng quả cảm. Những người chỉ huy phải sử dụng đến vũ khí tâm linh để tiếp thêm sức mạnh cho binh sĩ. Võ phái Thất Sơn Thần Quyền ra đời từ đó. Nhắc đến Thất Sơn Thần Quyền cần phải nhắc đến Nam Cực Đường do Đại sư Bảy Do lập từ đầu thế kỷ XX. Nam Cực Đường mang vỏ bọc là ngôi chùa nhỏ thờ Phật trên núi nhưng thực ra là nơi đào tạo nghĩa quân kháng Pháp. Tướng Pháp nhiều lần lên khó dễ: Chùa có ông Phật tao mới cho thờ. Đại sư phải cho đắp tượng Ông Phật mới yên. Năm 1917, quân Pháp cài nội gián vào Nam Cực Đường, điệp trong điệp mà bao vây bắt Đại sư Bảy Do đày ra Côn Đảo. Năm 1926, tại nhà lao Côn Đảo, Đại sư Bảy Do cắn lưỡi cho máu chảy đến chết. Dù quyền và thuật của Thất sơn đã mai một nhưng không phải không còn người kế thừa. Vào năm 1957, người dân sinh sống dưới chân núi Sam Châu Đốc, An Giang vẫn còn thấy một đạo sĩ gầy, râu tóc bạc phơ, tu luyện trong rừng sâu trên đỉnh núi. Không ai biết thân thế, tên tuổi thật của ông. Chỉ thỉnh thoảng gặp và thấy ông không bao giờ rời lưng ngựa. Ông trông rất ốm yếu nhưng lại cưỡi ngựa không yên cương. Dốc núi gập ghềnh đá, ông phải có sức mạnh hơn người mới có thể cưỡi ngựa lên đỉnh xuống vồ. Vì thế, người dân địa phương gọi đùa là ông Đạo Ngựa.
Một lần dong ngựa xuống núi đổi rau củ lấy gạo, bắt gặp một toán cướp dùng súng uy hiếp người dân, ông xuống ngựa can thiệp, bị toán cướp xông vào vây đánh. Một loáng ông đánh gục tất cả rồi lại lên ngựa về núi. Quyền cước không có gì thần sài quỷ quái nhưng rất nhanh, mạnh và hiểm. Thoăn thoắt như cắt vồ mồi, như đoán trước tình thế mà đi trước một bước, dao chưa kịp đâm, súng không kịp nổ đã thấy đám cướp lăn gục xuống đất chẳng biết là đã chết hay bất tỉnh. Nhiều thanh niên thán phục rủ nhau lên núi tìm ông xin học võ nhưng không ai tìm được nơi trú ẩn của ông. Tuy nhiên, có một người thanh niên quyết tâm tìm ông cho được. Người thanh niên này bò lên đỉnh núi Sam tìm nơi ngồi thiền lâm râm khấn: Khi nào gặp được sư phụ mới chịu xuống núi. Sau hai ngày chịu nắng mưa, đói khát giữa rừng sâu núi thẳm, người thanh niên ấy ngất xỉu. Khi tỉnh lại thì thấy mình nằm trong một hang động. Kể từ ngày đó, người thanh niên ấy trở thành đệ tử chân truyền của Đại sư Đạo Ngựa. Ngoài anh ra còn có một tiểu đồng tên Ba giúp ông Đạo Ngựa nhang khói. Trong những ngày thọ đạo, người thanh niên ấy mới biết sư phụ mình là đệ tử kế thừa chưởng môn Thất Sơn Thần Quyền của Nam Cực Đường do Đại sư Bảy Do lập.
Học được gần 1 năm, đã hết phần "dương công" chuẩn bị bước sang phần "âm công", người thanh niên ấy xin về nhà giỗ cha. Khi trở lại núi Sam, người thanh niên không tài nào tìm được hang động cũ. Nghĩ rằng, sư phụ muốn lẩn tránh mình, người thanh niên ấy đành lạy tạ hư không rồi xuống núi. Từ ngày đó cũng không ai còn thấy bóng dáng ông Đạo Ngựa đâu nữa. Người thanh niên ấy chính là lão võ sư Hoàng Sơn, là sư phụ của võ sĩ Hoàng Thọ.
Ông Sáu nhấp ngụm trà rồi nói tiếp:
Vùng Bảy núi là nơi hội tụ linh khí trời đất. Giữa một vùng đồng bằng trù phú gồ lên bảy ngọn núi bao quanh. Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) cao nhất, núi Sam tâm linh nhất, núi Ông Két bậc thang, núi Ngọa Long Sơn dài nhất, núi Tượng có chứng tích Pôn pốt, núi Cô Tô có dấu tích Phụng Hoàng, núi Nước thấp nhất lụt ngập đến đỉnh. Người ta hay nói Ngậm ngải tìm trầm, lên núi Cấm săn rắn hổ mây. Nhưng thực chất những ai biết thuật độn mộc, dùng được lỗ ban thất hào đều chọn đi Ngọa Long Sơn, nơi có thảm động thực vật phong phú từ cổ xưa, nơi có dầu, gõ mật, căm xe tuổi đời lên tới cả nghìn năm.
Ông Sáu vừa nói tới đây chợt có thanh niên tập võ ngoài sân hớt hải chạy vào:
Thầy ơi anh Năm Hùng lại bị mở mắt rồi.
Ông Sáu Minh vội lấy vài tờ giấy đỏ có chữ 敵軍 (dạng giản thể 敌军 _quân địch) rồi chạy ra, tôi cũng chạy ra theo ngay sau. Một cảnh tượng khó diễn tả được cho đúng. Một thanh niên như lên cơn điên dại, tay chân khua khoắng lung tung, cào cấu như đàn bà con gái đánh nhau giữa đường giữa chợ. Quăng mình xuống đất rồi lại bật lên. Tay chân thân người liên tục chuyển động, anh em đồng môn xung quanh không thể nào nắm lấy hay giữ lại được. Ông Sáu kẹp vội những tờ giấy đỏ vào thân cây chuối trong vườn rồi thét to. Anh thanh niên quay sang ánh mắt trừng trừng nhìn, lao băng băng vào bụi chuối trong vườn tấn công những cây có giấy đỏ. Lúc này những bước chạy, chuyển động của anh ta hoàn toàn có hồn, một đòn đá Karate trực diện rất thuần thục, chân trái nhấn trụ chân phải tạo thế lên cót từ phía sau, nhấn lấy đà đạp thẳng. Cây chuối đầu tiên đổ xụp. Đá đâm kiểu này trông thì nhẹ nhưng sát thương là cực kỳ lớn. Anh ta tiến đến mục tiêu tiếp theo với một cú đá vòng cầu Muay Thái với tốc độ ra đòn nhanh không nhìn kịp. Cú đá Muay Thái không chỉ đơn thuần là chuyển động tạo lực. Các võ sĩ thường bắt đầu bằng cách lấy gót chân làm trụ rồi xoay thân trên và cơ thân trên để tăng tốc và dồn toàn bộ trọng lượng thân trên vào cú đá. Trong những cú đá này trọng điểm là tốc độ. Một người học võ Bình Định lại đang trong tình trạng bất bình thường không thể nào nắm được điểm then chốt của một môn võ khác và có tốc độ khủng khiếp như thế này được. Lực đá quá mạnh khiến cây chuối thứ hai đổ gục mà vẫn dư lực văng chân khiến người ngã nhào xuống. Ngay lập tức anh ta thu mình lại giấu thế, nén toàn bộ cơ thể lại như lò xo, tay trái chống xuống đất làm trụ dồn cả trọng lượng cơ thể vào đòn đá tấn công mục tiêu tiếp theo. Là Capoeira kĩ thuật tạo ra cú đá có tỉ lệ lực và vận tốc chuẩn công thức F=m.a. Cây chuối thứ ba đổ gục. Khi lưng anh ta vừa chạm xuống đất mọi người xông đến, giữ chặt tay chân, ông Sáu lấy nước đổ vào đầu:
Nhắm mắt vào! Bình tĩnh. Thở đều lên con. Bình tĩnh. Thở đều
Một lúc sau thì mọi chuyện bình thường trở lại. Ông Sáu vào gian thờ thắp nén hương lên ban, vái tạ Phật bà Quan âm, Tổ sư. Xong xuôi ngồi nói chuyện với tôi, nét mặt ông buồn, không giấu được tiếng thở dài:
Thằng Năm Hùng cũng khổ. Sinh không hợp thời. Nó hợp với các võ tướng ngày xưa. Đền miếu thờ các ngài khu này được trông nom cẩn thận nên rất linh, các ngài hay về ngự, thi thoảng lại lôi thằng Năm ra tập luyện làm gương. Làm trai phải luôn sẵn sàng sức khỏe, võ thuật để ra chiến trường bảo vệ đất nước. Nhưng thời bây giờ người ta chuộng động trí hơn động tay động chân. Quan võ lại thất sủng hơn quan văn. Năm Hùng là người được chọn nhưng vẫn chưa kiềm tỏa được sức mạnh được ban.

Quay lại truyện Bạn gái tôi lớp 8
BÌNH LUẬN

Phuong Tran

Trả lời

2024-04-09 09:24:31

Kể chuyện lan man , bố cục truyện ko rõ ràng