Logo
Trang chủ

Ngoại truyện 8: Lỗ ban thất hào 3

Sự tích ao Bà Om, đàn ông đào ao tròn nên hình tròn tượng trưng cho đàn ông, phụ nữ đào ao vuông nên hình vuông tượng trưng cho phụ nữ, dấu cộng tối giản để đánh lừa, không để lộ phương hướng, nó chính là dấu sinh tượng trưng cho sự sống, mũi tên là dòng thời gian. Tôi mau bước chân ra phố mua ít tiền vàng cho người đã khuất rồi trở lại. Thực ra những mũi tên trên dưới song song hướng giống nhau là để đánh lừa. Nó là một bài toán hình học dành cho trẻ nhỏ xét tính quy luật của chuyển động. Đề bài đặt ra là: Dãy ngang hàng trên có ba hình, chọn một trong năm hình ở dãy ngang hàng dưới để hoàn thành dãy ngang ở hàng trên sao cho phù hợp quy luật chuyển động. Quy luật của chuyển động ở đây là mỗi lần mũi tên sẽ dịch chuyển một góc vuông 90° ngược chiều kim đồng hồ, hình vuông tô kín và hình vuông trống không tô màu sẽ giữ nguyên vị trị, còn hình tròn và dấu cộng sẽ đổi vị trí cho nhau. Hình cần tìm sẽ là hình cuối cùng của dãy ngang hàng dưới. Khi lắp vào hàng trên ta sẽ được một thông tin muốn truyền đi đã được mã hóa là: Ngược dòng thời gian tìm về quá khứ, có một cô bé và một cậu bé hay chơi cùng với nhau. Dấu cộng hay dấu sinh cùng hình tròn tượng trưng cho nam giới luôn chuyển động qua lại cho biết cậu bé vẫn còn sống, còn hai hình vuông tượng trưng cho nữ giới, một hình vuông tô kín một hình vuông không tô màu biểu thị âm dương giữ nguyên vị trí, chúng bất động cho biết cô bé là người đã khuất, không còn tồn tại trên đời nữa rồi. Cậu bé kia chính là thằng Hai còn cô bé kia tên là Bông, một cô bé thông minh, thích toán và giỏi toán. Hai đứa có lẽ học cùng nhau lớp 5 trong một khoảng thời gian chỉ biết là rất ngắn mà tôi cũng không xác định được là một tuần hay một tháng.
Vì sao tôi đoán ra tên cô bé? Thực ra chẳng có dạng bùa lỗ ban hay bùa đốt tre nào cả. Chữ S hình như con rắn thực ra là số 5, vòng xoáy ốc loằng ngoằng chính là số 6. Là một dạng giản đồ toán tuổi thơ cho học sinh lớp 5 với bài toán cổ xưa tìm hai số khi biết hai hiệu số:
Tang tảng lúc trời mới rạng đông
Rủ nhau đi hái mấy quả bông
Mỗi người năm quả thừa năm quả
Mỗi người sáu quả một người không

Bài toán cổ này tam sao thất bản thành rất nhiều loại quả bòng, cam, na nhưng nguyên gốc là quả bông. Nên tôi dám chắc tên cô bé là Bông.
Một kiểu kí tên đậm chất toán, đầy IQ của cô bé cho đoạn thông tin được mã hóa theo quy luật hình học phía trên. Có lẽ cô bé mắc bệnh hiểm nghèo và biết mình không thể sống thêm được nữa, những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời viết ra những dòng kí tự này.
Để giải bài toán này các bạn hay đặt x là số người rồi từ đề bài ta có: 5x+5 = 6(x-1) giải ra được số người =11 (người) số quả =60 (quả)
Nhưng một em học sinh lớp 5 chưa hề biết đặt x vẫn sẽ giải được bài toán trên một cách thông minh bằng giản đồ trên đưa về bài toán tìm hai số khi biết hai hiệu số. Lấy hiệu số có giá trị lớn hơn chia cho hiệu số có giá trị nhỏ hơn.
Mỗi người hái 6 quả hơn mỗi người hái 5 quả = 6-5=1 quả
Mỗi người hái đủ 6 quả số bông sẽ hơn mỗi người hái đủ 5 quả= 6+5=11 quả. Đơn giản là mỗi người hái thêm 1 quả thì thêm được số quả là 11 quả. Vậy có tất cả 11 người
Ta có số người =11/1 =11 (người)
Số bông = 60 (quả)
Tôi vừa đốt tiền vàng vừa nói chuyện một mình:
Anh là anh thằng Hai, Bông học giỏi quá, Hai ham chơi vừa dốt vừa lười. Nhưng thực ra vẫn còn cách giải khác Bông ạ. Mỗi người 5 quả thừa 5 quả nghĩa là số quả bông chia hết cho 5, mỗi người 6 quả một người không thì số quả bông cũng chia hết cho 6. Suy ra số quả bông chia hết cho cả 5 và 6. Những số như thế là 30, 60, 90... Bằng phương pháp thử chọn ta cũng có kết quả số bông =60 quả, số người =11 người. Toán trẻ con nó đầy sáng tạo, nhiều hướng chẳng dập khuôn máy móc như người lớn Bông nhỉ.
Nói đến đây chợt một viên ngói mái vỡ rơi xuống nền đất khô khốc trong thanh vắng. Sau cơn mưa nắng lại vàng tươi, tia sáng lọt qua xuyên xuống không gian u tối bên trong ngôi chùa hoang phế. Lấp loáng trong phổ nắng từng hạt bụi chậm chạp lơ lửng. Tôi rùng mình, bên tai như có tiếng cười trong trẻo, theo luồng sáng đôi mắt như thấy một linh hồn nhỏ đang bay lên trời rồi tan biến. Chẳng hiểu sao mà nước từ mắt chảy dài trên mặt, tay đưa ngang lau nước mắt, quệt qua sống mũi vẫn còn cay cay, sụt sùi. Chẳng hiểu sao mà thằng Hai không thể nhớ ra bé Bông. Có bước chân đi vào, bóng đổ dài ngay trước mặt, tôi ngoảnh đầu lại. Là ông Sáu.
Cái Bông nó đi rồi à cháu?
Vâng ông ạ.
Tôi theo ông Sáu đi dạo quanh ao Bà Om, dưới những tán cây, chậm rãi từng bước nghe ông nói chuyện:
Bông là một cô bé rất thông minh nhưng không may mắc bệnh ung thư, phải nghỉ học sớm, sự sống lay lắt tính ngày. Đợt ấy nó thèm có bạn bè, xin được đến trường nhưng trong lớp chẳng ai muốn chơi với nó ngoài thằng Hai. Được đúng một ngày thì Bông trở bệnh nặng không đi học nổi nữa. Đó cũng là lí do vì sao thằng Hai không thể nhớ. Thời gian ngắn quá lại với một đứa trẻ ba mẹ bận làm ăn, suốt ngày ở nhà một mình không có người nói chuyện như thằng Hai. Hình trên bức tường là ông vẽ lại theo tờ giấy khi Bông được bố mẹ đưa đi hóng mát quanh ao Bà Om làm rơi. Ông vẽ thêm một số hình bùa lành cho trẻ con người lớn sợ đỡ vào phá. Mỗi lần thằng Hai cúp học ham chơi là nó đều bị mộng du cái Bông dắt đi cho sợ. Về không dám tái phạm nữa. Con bé chỉ có ý tốt không làm hại gì thằng Hai.
Tôi hỏi ông Sáu:
Cháu nghe mọi người gọi ông là ông Sáu Minh, nhạn trắng vùng Bảy núi, một đá chết trâu. Có thiệt không hả ông?
Ông Sáu cười:
Người ta nói quá lên rồi.
Tôi tiếp tục vặn hỏi:
Cháu không rõ về bùa lỗ ban. Cháu không hiểu sao học võ cũng dùng bùa lỗ ban, chữa bệnh hay hại người cũng lại là bùa lỗ ban. Sao nó đa năng thần kì thế ạ?
Ông Sáu không trả lời nữa mà bảo:
Cháu đi với ông về Võ đường rồi sẽ rõ.
Tôi theo ông Sáu về võ đường nhỏ của ông. Ngoài sân cạnh vườn chuối, đám thanh thiếu niên đang tập võ, tiếng hô to dứt khoát, khí thế dõng dạc, quyền cước đều tăm tắp. Nhìn thế đánh thấy rất giống quyền Bình Định các đòn bốc, vét, xà tấn thấp, đánh tứ cửa, công thủ đoản đòn, đảo đầu hồi mã. Nhưng cũng có thêm đòn chỏ, vít tay, miết của võ Miên. Vào trong gian thờ ông Sáu lấy ra một cuốn sách cũ đã ố màu, mối gặm có tên Thất sơn Thần quyền. Ông rót nước mời tôi rồi vừa uống trà vừa giãi bày:
Thất sơn quyền còn được gọi là quyền thề, quyền ma. Quy định của người học Thất sơn quyền là ẩn mình, không được lộ diện trừ bất khả kháng. Giờ xã hội văn minh rồi cũng không ai đem thứ đậm chất ma quỷ mê tín này dạy cho đám trẻ. Chỉ dạy võ Bình Định kèm một vài thế võ Miên để rèn luyện thân thể, tự vệ khi bị áp sát tay không.
Đầu thế kỷ XX ở Lục tỉnh Nam Bộ vẫn thường tổ chức những cuộc thượng đài đấu võ tự do. Những trận đấu sinh tử kỳ, phải ký kết sống chết, đặt quan tài hai bên, dù không ai cố ý đánh chết đối thủ nhưng quyền cước thì không có mắt. Trận giao đấu tốn nhiều giấy mực của các ký giả thể thao miền Nam lúc ấy là trận Hoàng Thọ, đệ tử của võ sư Hoàng Sơn (môn phái Thất Sơn Võ Đạo) đấu với võ sĩ Tinor (môn phái Trà Kha) vào năm 1973 trong Đại hội Võ thuật tại Sài Gòn. Tinor là võ sĩ Lào được báo chí đặt cho biệt danh Cọp bay bởi chiêu song cước. Nhiều võ sĩ đã phải đo ván bởi cú đá bay nhanh như chớp và chính xác như công thức của võ sĩ này.
Trận trước, Cọp bay Tinor thi đấu với võ sĩ Dương Văn Me (sau này là võ sư Huỳnh Tiền). Khi mới vào kẻng, võ sĩ Dương Văn Me chưa kịp chuẩn bị, Cọp bay Tinor đã bay người tung cú đá từ phía sau. Dương Văn Me bị gãy xương sườn, trọng tài xử thua. Dưới khán đài, một cuộc ẩu đả xảy ra giữa hai phe cổ động viên. Bất phục, võ sĩ Hoàng Thọ nhảy lên võ đài thách đấu, các đại lão võ sư cả hai phía chấp nhận để vãn hồi trật tự dưới khán đài. Do đó là trận thách đấu nên được ban tổ chức thu xếp vào ngày cuối cùng và nằm ngoài giải đấu.

Quay lại truyện Bạn gái tôi lớp 8
BÌNH LUẬN

Phuong Tran

Trả lời

2024-04-09 09:24:31

Kể chuyện lan man , bố cục truyện ko rõ ràng