Logo
Trang chủ

Chương 90: Trách nhiệm gấp đôi

Sáng hôm sau chúng tôi đến nhà Vi. Tiếp tục bện dây dừa và đi sâu vào trang trí chi tiết.

Thằng Đông dùng khoan khoan các điểm nối để bắt vít, sau này tiện tháo lắp chở đến vị trí cắm trại.

Thằng Danh thì bắt nẹp, đóng đinh và vẽ phóng to huy hiệu đoàn lên theo mô hình trại.

Hai cô giáo thực tập cũng ghé qua giúp bọn tôi kết hoa, dán chữ, làm móc treo dây đèn nháy.

Hòa Xuân lúc đó là nơi “tập kết” làm trại của hầu hết các lớp, vậy nên việc ra ngoài chạm mặt nhau, hay theo quen biết, lớp này qua lớp kia “do thám” mô hình, điều tra tiến độ là điều khó có thể tránh được. Việc đó làm tôi chưa vội lắp ghép cổng trại thành một khối.

Mà tụi nó qua lớp tôi được thì tôi cũng qua lớp khác được.

Phân việc xong xuôi, phần nhiệm vụ của tôi cơ bản đã hoàn thành, rủ ku Minh chạy qua tụi 11/12, xong chạy tiếp qua lớp 11/2, rồi đến lớp 11/6. Chủ yếu khối chẵn vì khối lẻ học buổi sáng, chiều mới làm trại.

Thấy lớp nào cũng mê mê công việc, chưa đâu vào đâu , thậm chí lớp 11/12 toàn con gái, có 6 mống con trai, lại có đứa còn yểu điệu thục nữ nên mới chỉ lấy tre về, chưa làm gì cả. Tôi quan sát mà thầm vui như mở cờ trong bụng. Về cổng trại, lớp mình khả quan đây.

Bây giờ, đôi khi nghĩ lại tôi vẫn phục chính tôi vào lúc đó quá xá. Mới chỉ lớp 11 nhưng đã phân việc đâu ra đó, lại lên gạch đầu dòng các công việc, hạng mục phải hoàn thành trong ngày, thành ra khi đến nơi, cứ đúng bảng phân công tôi để ở nhà Vi mà mấy đứa bắt tay vào làm, gọn gàng, nhanh chóng, chất lượng công việc cũng rất tốt. Thậm chí lúc tôi bận tập múa chưa đến, tụi bạn vẫn có thể làm độc lập chứ không cần chờ đợi.

Hôm đó đến 10h chúng tôi đã hoàn thành hết bảng phân công. Cả nhóm ngồi lại lấy bộ bài ra giải trí. Tôi với thằng Đông 1 cặp, ku Minh với ku Mạnh một cặp đánh “năm mo” ( năm mo là đánh tiến lên, hay còn gọi là tú lơ khơ nhưng đánh theo cặp, 2 người ngồi đối diện nhau, nhất nhì ba lần lược được 3,2,1 đ. Nếu 2 người một cặp dìu nhau tới nhất và nhì luôn thì gọi là năm mo, được 5 điểm, đội kia zero. ) Đánh được một lúc, bếp núc xong xuôi, Diệp đến ngồi phía sau xem tôi chơi. Khuỷu tay Diệp để hẳn lên vai tôi tựa vào. Lia mắt qua nhìn thằng Đông phía đối diện, tôi khẽ rùn vai lại rồi nhờ Diệp rót giùm ly nước.

Dù tôi với Diệp có là gì đi nữa cũng không thể nào thể hiện tình cảm thái quá được, đặc biệt là trước mặt Đông. Tôi không muốn làm bất kỳ ai phải buồn vì tôi cả. Nếu không mang đến điều gì đó tốt đẹp cho người khác vậy thì hãy cố gắng đừng mang đến phiền toái sầu não cho họ.

Có lẽ Diệp cũng hiểu ý nên đưa ly nước cho tôi xong, Diệp ra sau nhà trò chuyện với Vi.

Trưa hôm đó, sau khi ăn uống xong xuôi, thay đồ đi học tôi mới phát hiện ra mình chưa bỏ quần tây vào cặp. Không biết làm thế nào, vì không có … quần thì làm sao đi học.

Mấy đứa đứng quanh cứ nhìn tôi há miệng ra cười. Mấy thằng bạn khốn nạn, chỉ được cái cười trên sự “khốn khổ” của người khác. Đã 12h, 12h30 vô lớp, chạy về nhà tôi cũng mất hơn 20ph, không kịp nữa, suy nghĩ chút tôi quay qua ku Tuyển, nhà mi gần đây, chạy qua bên đó lấy ta cái quần với.

Thằng Tuyển thì tôi đã tả rồi, nó ốm như cò non, chiều cao cũng thấp hơn tôi, chắc tầm 1m7, tôi 1m73, thành ra quần nào nó đưa ra cũng ngắn trên mắt cá chân. Nghĩ một lúc nó chạy vào lấy quần của ba nó ra cho tôi ướm. Quần này thì lại quá rộng, mà cũng không có màu xanh hay đen đồng nhất. Cuối cùng tôi phải mặc đại quần của nó đến trường. Nó nhìn tôi ra chiều ái ngại :
 

  • Chỉ có bấy nhiêu đó thôi, đừng ngại nghe.
  • Ngại gì mi? Có quần mang đi học là may rồi.
  • Nhưng nó ngắn quá.
  • Lo gì, ngắn thì xăn quần lên, coi như quần lửng cũng được. Haha.
  • Không dị hả mi?
  • Dị gì? Sao phải dị?
  • À, mi cái gì cũng biết, chỉ có dị là không biết thôi.
  • Haha. Chỉ được cái nói đúng.

Tôi đến trường với “trang phục” có lẽ không thể hài hơn. Diệp đi bên cạnh cứ nhìn tôi cười tủm tỉm. Bình thường đã ngắn rồi, đạp xe, mỗi lần co chân lên nó còn ngắn tợn, “nhìn vui quá bí thư ơi.”

Hôm đó bé Phương không đi học!

Theo như giấy xin phép mẹ nó gửi lên thì nó bị sốt siêu vi. Tôi cũng không ngạc nhiên lắm về điều này. Sức khỏe bé Phương vốn không tốt lắm. Nhớ hồi cấp hai, việc lâu lâu nó nghỉ vài ngày là chuyện thường của lớp. Lên cấp 3, tần suất nghỉ có ít hơn, nhưng một năm học cũng đôi ba lần.

Vấn đề quan trọng là thời điểm. Đau lúc nào không đau nó lại lựa ngay lúc này. Tôi chỉ là bí thư của lớp, nghĩa là lo về hội hè ăn chơi đối ngoại. Còn nó là lớp trưởng, học hành, thi đua nội bộ nó quản lý. Nói ra nhìn riêng biệt nhưng vì là bạn cũ nên bọn tôi phối hợp với nhau quản lý lớp đâu ra đó. Nay, cô chủ nhiệm bị đau vẫn chưa thể lại trường, thầy Chinh thì nhiệt tình có thừa nhưng vẫn chưa thể kết nối với lớp. Hơn tuần qua, tôi và nó gồng gánh giữ cho lớp không bị tụt hạng trong thành tích. Đến lúc cắm trại, công việc bề bộn ra, nó lại “tranh thủ” đau… Hỏi có điên không chứ.

Chiều đó tan học, tôi rủ bé Ngân mua thêm ít cam sữa qua thăm. Đến nơi, anh nó nói nó đã nhập viện tối qua. Vậy là bọn tôi lại ra viện. Nhìn gương mặt nhợt nhạt bơ phờ của nó tôi không khỏi xót xa. Mẹ nó nói nó vừa bị siêu vi vừa bị amidan, bác sĩ bảo vài hôm nữa phải cắt. Nghe tới đâu tôi lặng đi đến đó.

Nếu cô Yến là thuyền trưởng trên con tàu A4 này thì tôi và Phương hẳn là hai thuyền phó xuất sắc. Khi thuyền trưởng nghỉ bệnh, hai thuyền phó bọn tôi đây vừa thay phiên, vừa phối hợp cố gắng lèo lái con tàu băng băng tiến về trước. Nay nó lại “cáo bệnh hồi hương”, tôi như ngọn hải đăng bơ vơ giữa đầu sóng ngọn gió, đơn độc, lẻ loi…

Vậy là tôi phải gồng sức lên để lo thêm những nhiệm vụ đã giao cho nó. Giờ đây, chỉ cần nó sớm hồi phục để có thể tham gia ngày trại là vui mừng lắm rồi, huống hồ điều hành một việc gì. Thi đua điểm học tốt, kỷ luật lớp, Ngân có thể tạm thời đảm nhiệm. Nhưng mọi thứ còn lại, tôi gần như gấp đôi gánh nặng trên vai.

Về đến nhà cũng đã 7h tối. Sau bữa cơm, tôi lên phòng tranh thủ làm bài tập rồi giở lại kế hoạch trại. Trò chơi lớn tôi có thể đảm trách được nhưng các hình ảnh thành phố, hình ảnh hoạt động… tôi không có thời gian. Định tìm ai đó phân công nhưng nhìn lại, thấy mấy đứa có khả năng đều đang đùm đề công việc, tôi gác lại và hủy luôn chuyện này.

Thấy uể oải, xuống pha gói trà chanh ngồi nhâm nhi thư giãn. Chuông điện thoại vang lên. Gần 10h rồi mà ai còn điện nhỉ? Sẵn gần máy tôi nhấc lên :
 

  • Alo
  • Dạ cho con gặp V ạ.
  • V nè, Linh hả? – Tôi hỏi khi nghe giọng nói quen thuộc từ đầu dây bên kia.
  • Ừ. Linh đây. V ơi, lớp V V với Diệp thi đôi nhảy đẹp phải không?
  • Đúng rồi Linh.
  • V với Diệp có tập nữa không hay lấy bài hôm thanh lịch ra nhảy?
  • Có tập chứ. Tập thêm điệu Rumba.
  • Khi nào V tập á?
  • Mai V tập nè. 8h tới 10h.
  • Ở nhà V hả?
  • Ừ, nhà V. Mà sao vậy Linh?
  • Mai Linh dẫn hai bạn lớp Linh qua, V tập giúp hai bạn đó luôn được không? Năn nỉ á.

Suy nghĩ vài giây, tôi đồng ý. Linh đã vui vẻ nhận giúp tôi nhiều việc, lần này chỉ có chút cỏn con này tôi không thể từ chối được. Mà cũng chẳng có gì nhiều. Đầu tiên cứ cho cảm nhạc, đi theo nhịp đếm, sau đó quan sát tôi với Diệp tập rồi tập cùng thôi. Chỉ là thấy 10h tối Linh vẫn còn điện, rõ ràng Linh cũng dồn tâm huyết cho hội trại này không thua kém gì tôi. Hóa ra đối thủ cạnh tranh ngay bên cạnh ta chứ chả đâu xa.

Hướng dẫn cho đối thủ vốn là tự hại mình. Nhưng cũng chẳng đáng lo lắm, vì riêng về phần thi này, tôi và Diệp tự tin không có đối thủ.

Sáng hôm sau, Linh dẫn bé Như Hiền và thằng Sang đến nhà tôi khá sớm. Tranh thủ lúc Diệp chưa đến, tôi cho hai bạn nghe nhạc và hướng dẫn các nhịp phách của Tango.

Lúc cả hai đang đeo tai nghe lắc lư theo điệu nhạc, Linh hỏi tôi :
 

  • Ông không tán Thương nữa à?
  • … - Bị bất ngờ, tôi không biết phải trả lời sao cho phải.
  • Sao ông vừa tán Thương còn tán cả Diệp nữa?
  • Như bị á khẩu hoàn toàn. Tôi chỉ biết ú ớ…
  • Không trả lời được à?
  • V… V không tán Diệp…
  • Vậy Diệp với ông là gì?
  • … là … là bạn.
  • Ông nói mà không biết ngượng à.

Có lẽ Thương đã vì tôi mà buồn nhiều. Và nỗi buồn đó hẳn Thương đã chia sẻ nó với Linh. Để lúc này, những chia sẻ của bạn mình làm Linh quên mất Linh đang đến nhà tôi để nhờ vả. Không cần giữ ý, Linh phang vào tôi những câu nói thẳng thừng đến cay nghiệt. Còn chuyện của tôi, tôi và Diệp có thật sự chỉ đơn thuần là bạn không? Hẳn là không.
 

  • Ông nhờ tôi giúp ông làm quen Thương, rồi ông cố gắng tạo cho Thương thật nhiều tình cảm, rồi ông quay qua quen Diệp. Hay nhỉ?! Thương là trò chơi của ông à? – Linh tiếp tục dồn tôi vào chân tường.
  • V… V xin lỗi… - Tôi nói và nhận ra tôi có lỗi rất ghê gớm.
  • Xin lỗi? Tôi đâu cần ông xin lỗi tôi. Chủ nhật này họp bí thư, tôi sắp xếp cho ông đi mà xin lỗi Thương ấy.

Nói xong, Linh đứng dậy bực bội ra về. Bỏ lại tôi chưng hửng với bao nỗi dày vò trong tâm can…

Quay lại truyện Hoa Vàng Thuở Ấy
BÌNH LUẬN

HONDA PHÚ DUY

Trả lời

2023-12-28 13:15:52

xin lỗi, nhưng đọc quá ngán ạ, chỉ theo được vài tập... tác giả quá lan man và dường như không biết đặt trọng tâm vào đâu.

Chuong80

Trả lời

2023-10-06 13:28:32

Bạn viết truyện tả cảnh thì đẹp nhưng dường như bạn mê Nguyễn Nhật Ánh nên dựa theo văn phong.Nhưng văn của bạn rườm rà,miêu tả nhân vật phức tạp về tính cách quá,chèn thơ quá nhiều khiến người đọc bực bội vì tính cách nhân vật và mệt vì phải đọc thơ