Logo
Trang chủ
Phần 3: Vương Mẫu Quỷ Yến

Phần 3 - Chương 34: Thần chày gỗ

Lúc này cuối cùng tôi cũng xác định được, tượng tà thần mình nhìn thấy trên Vân Đỉnh thiên cung và Khang Ba Lạc, là cùng một loại với thứ này.

Nhưng nó quá cổ xưa, còn trước cả thần tiên học, thuộc một tôn giáo cực kỳ cổ xưa trong giai đoạn giao thoa sau thời kỳ xã hội bộ lạc, trước thời kỳ văn minh của con người, 

Đây rốt cuộc là cái gì, không thể đưa ra bất kỳ nghiên cứu nào.

Nhưng không nghi ngờ gì nữa, từ Vạn Nô vương đến Khang Ba Lạc sâu trong núi tuyết, rồi lại đến đây, những văn minh được tìm thấy trong núi sâu kia đều thờ phụng vị thần này.

Trong quá trình thám hiểm hang động sâu dưới lòng đất, bọn họ chắc chắn đã từng nhìn thấy thần tích liên quan đến loại thần này.

Đây rốt cuộc là thứ gì? Khoảnh khắc tôi bị lôi xuống lòng đất, tôi chưa từng phán đoán, thậm chí còn không biết thứ lôi tôi xuống có phải chính là thứ này không. Bởi vì trong bích họa cổ đại, tranh đấu với thứ trong khe nứt sâu thế này, cần rót dầu sôi.

Trong bích họa kia, thể tích thứ này vô cùng khổng lồ.

Thứ này xuất hiện ở đây, đối với tôi mà nói là một sự trở về, một sự luân hồi, cũng là một gợi ý. Tôi âm thầm cảm thấy, dường như mình đang tiến gần đáp án kia, đáp án đằng sau cổng thanh đồng khổng lồ bên dưới Vân Đỉnh thiên cung.

Trong khe nứt nhỏ hẹp này, ngoại trừ tượng thần, còn có dấu vết hiến tế, có thể nhìn thấy những dấu vết này đã xen lẫn dấu vết của nghi thức thần tiên học, chứng tỏ năm xưa đã có những người chúng ta đọc được trong lịch sử như Từ Phúc, Tang Điền Vu, Khương Môn Tử Cao thờ cúng những thần tiên này tại đây.

Ở thời đại của những người này, con người biết tượng thần rốt cuộc là thứ gì, đến đời sau, những tượng thần này dần dần có dáng vẻ con người, biến thành người, thậm chí còn mang theo câu chuyện bối cảnh và ham muốn như con người.

Ba nền văn minh, ba thời đại khác nhau, lại đều thờ cúng loại thần này, đây không đơn giản là một sự trùng hợp, ở đây chắc chắn có quy luật, chỉ là tôi vẫn chưa biết đó là gì.

Tôi men theo khe nứt tiếp tục tìm lối ra, hơn nữa để lại ký hiệu, nhưng lúc này tôi đã biết, Bàn Tử và Tú Tú nhất định chưa thể đào lớp đá bên trên ra trong thời gian ngắn, tôi cần phải hành động.

Khe nứt đó vô cùng vô cùng nhỏ hẹp, đi vào cực kỳ khó khăn, tôi không biết sao năm xưa các cụ phải tự đày đọa mình như thế, nhưng bọn họ đúng là vẫn luôn đi tới. Tôi bò khoảng mười tiếng đồng hồ, thì nhìn thấy cửa hang thứ hai.

Bên cạnh cửa hang đó xuất hiện xác cổ phương sĩ đầu tiên. 

Trên tường cửa hang còn có dòng chữ nhỏ cực kỳ khó chú ý.

“Từ đây đến đi Dao Trì, ba vạn bốn ngàn cửa, sâu khôn lường, dưới Cửu Tuyền, mới là Minh Tuyền, suối tụ thành hồ.”

Câu này được viết bằng chữ Tây Kim, cũng chính là hình dáng ban đầu của chữ Kim, về sau là chữ Giáp Cốt, thuộc loại chữ viết được khắc trên đồ đồng thau thời kỳ Tây Chu.

Ý nghĩa câu này hết sức đơn giản, lại khiến tôi sửng sốt, lần đầu tiên tôi nghe cách nói này.

Đầu tiên, nó nói là cửa hang này thông đến tiên cảnh Dao Trì, từ đây đi tới, còn có ba vạn bốn ngàn cửa hang như vậy, Dao Trì nằm sâu trong đó, dưới Cửu Tuyền.

Cửu Tuyền thực ra chính là suối sâu dưới lòng đất trong truyền thuyết cổ đại, dẫn đến Địa phủ. Lúc tôi nghiên cứu người Trương gia, phát hiện bọn họ có một nhận định, rằng Cửu Tuyền là chín dòng sông hay suối ngầm, chín dòng sông suối này nằm ở độ sâu khác nhau, Hoàng Tuyền mà chúng ta quen thuộc là nơi nước Hoàng Tuyền tọa lạc, nằm ở dòng sông ngầm thứ ba tên Hoàng Tuyền. 

Truyền rằng có người từng đến nơi đó, hơn nữa phát hiện đó có người sinh sống.

Mà cái gọi là Minh Tuyền, chính là dòng suối cuối cùng của Cửu Tuyền. Tôi vẫn luôn cho rằng đây là do người đời sau bịa thêm cho khớp với chữ Cửu trong Cửu Tuyền, trong thời đại chữ Kim, thực ra Chín mang ý nghĩa vô cùng nhiều.

Nhưng ở đây, tôi nhìn thấy tên gọi Minh(溟) Tuyền này, có điều trong chữ Kim dùng là Minh(冥), hai chữ này vào thời chữ Giáp Cốt thì giống nhau, nhưng Minh(冥) này được viết không giống chữ Kim, mà giống chữ Giáp Cốt hơn.

Cũng có nghĩa là, Dao Trì là do nước suối ở nơi sâu nhất dưới lòng đất tụ lại mà thành, bên dưới Dao Trì thì không còn nước nữa, cái gọi là tiên cảnh Côn Luân, lại là nơi sâu nhất dưới lòng đất. Ban đầu khi phương sĩ tu luyện ở đây, cho rằng tiên cảnh ở dưới U Minh.

Mà không phải hoàn toàn đối lập trên dưới như chúng ta vẫn nghĩ.

Tôi suy tư một lát, sự chú ý vẫn đặt tại “ba vạn bốn ngàn”, con số này chắc chắn là ảo, nhưng ý vị người xưa cho rằng khe nứt này vô cùng sâu.

Người xưa rất thực tế, nơi này chắc chắn sâu hơn tưởng tượng của tôi, vậy thì tôi tuyệt đối không thể đi sai hướng, nếu nơi này đã viết “từ đây”, vậy thì tôi chắc chắn không thể đi cửa này, tôi phải đi hướng ngược lại, không thì con đường này sẽ đi mãi không thấy cuối.

Ngay khi tôi đang do dự trước cửa, đột nhiên nghe thấy âm thanh giống như một đoàn xe lửa, phát ra có tiết tấu dưới chân tôi.

Tôi lập tức hiểu ra, đó là tiếng nước, dường như là một loại suối phun gián đoạn đặc biệt, âm thanh đó giống như rên rỉ, quả thực rất giống xe lửa, khiến tâm trạng người ta thõng xuống đột ngột, cảm thấy tất cả như thể lạnh lẽo đến vô nghĩa.

BÌNH LUẬN

Thảo Đinh

Trả lời

2023-12-03 16:33:15

6 tháng nay chưa ra chương mới hở ad

Hỏa Dực Phi Phi [Chủ nhà]

2023-12-14 11:52:33

Chưa bạn ơi.

tukhang duong

Trả lời

2023-09-01 15:52:14

Tự hứa là sẽ ko đọc nửa vì cứ bị lọt hố và chờ dài cổ nhũng cứ chuẩn bị ra phần mới là thấy hào hứng và vui ko tưởng