Logo
Trang chủ

Chương 56: Tây tạng trong góc nhìn của tôi.

Tôi qua nơi này được ba lần, lần đầu từ những năm thập niên 90, lúc đó nơi này gần như còn hoang sơ..chục năm sau quay lại thấy nó có đổi khác tý chút, một sự thay đổi chậm rãi như người già leo dốc núi vậy, nhưng gần đây, từ khi họ mở tuyến đường sắt từ Thanh Hải sang và thêm cả đường không, thì nơi này gần như không còn sự yên bình vốn có từ ngàn xưa nữa.

Tây Tạng là vùng cao nguyên cao nhất Trung Quốc.

Đó là một vùng rất rộng lớn của TQ, nơi có dãy Hy mã lạp sơn và đỉnh Chomolungma (everest) nóc nhà của thế giới, có vài phần của cao nguyên này được cắt cho các tỉnh Thanh Hải, Tân Cương, Tứ Xuyên và Vân Nam, những nơi này tôi đều đã từng đặt chân tới, và có nơi ở lại một thời gian, cuộc đời tôi từng trôi dạt tới tận Bờ Biển Ngà, Triniat&Tobago xa xôi.. nhưng có lẽ chẳng nơi nào gây cho tôi nhiều xúc cảm và ấn tượng như Tây Tạng.

Từ ngày xưa qua lời kể từ ông ngoại tôi, một người từng chu du gần khắp TQ để mãi võ kiếm cơm từ những năm mà Tây Tạng còn chìm đắm trong khói súng và cuộc sống hoang sơ đầy khắc nghiệt, ngày đó ông tôi đã bỏ một ngón chân lại đó chỉ vì đôi giày rách và ngón chân bị hoại tử vì quá lạnh..

Gần đây nhất 2014 tôi qua đó, đi bằng tàu hoả từ Thanh Hải sang, những toa tàu được thiết kế như những khoang máy bay, kín và được tăng cường o xy để cân bằng cho con người, vì rất nhiều đoạn mây mù ngoài cửa kính y như ta đang trên máy bay vậy, con tàu rất đặc biệt với hai đầu máy khổng lồ và hiện đại nhọn hoắt như con tàu vũ trụ với sức kéo ghê gớm.

Tôi qua đây không phải để du lịch hay vãn cảnh, cũng không phải tu hành tu luyện gì..chỉ là lang thang thôi, như một kẻ hành khất đi và nhìn bằng con mắt của mình.

Tây Tạng là một mảnh đất lạ lùng có thể nói là kỳ bí và kỳ lạ, đến đó khá khó khăn vì ngoài giao thông thì còn một vài lý do tế nhị nào đó mà tôi không rành về chính trị nên không hiểu lắm, bạn chỉ có thể tới đây thăm quan "có tổ chức", Chính phủ TQ sẽ cấp giấy thông hành cho những tổ chức chịu trách nhiệm đưa các bạn đi và về, một cách kín kẽ có hướng dẫn và điểm danh liên tục bởi nhiều "hướng dẫn viên" mang vớ xanh, ngoại hình rắn chắc và thân thủ mau lẹ..

Nếu là người Châu Á thì thủ tục có thể đơn giản hơn chút, còn bạn mắt xanh tóc vàng da trắng thì quý khách vui lòng cầm máy chờ chút, có thể là vài tuần, vài tháng, hay vài..năm mới thông quan, còn bạn là người Ấn Độ quấn sà rông mặc com lê bốc cà ri bằng tay người toàn mùi dầu long não thì cảm phiền xem tiếp phần 5 của cô dâu 8 tuổi đi rồi qua đây, tôi không hiểu vì lý do gì nhưng hình như người Ấn không được vào nơi này thì phải.

Tây Tạng là một nơi lạ lùng, trời nắng vàng tươi, cao và xanh ngắt, trong vắt..tầm nhìn rất xa, và gió, gió nhiều và mạnh vô cùng, ở nhiều dãy núi chỉ có cây sam đỏ và sam trắng với ô tuýp mọc được, vì quá gió và thiếu nước ở những sườn núi thế này.

Đứng ở Taihust, Nê Pan ngửa cổ nhìn dãy Hymalaya có một cảm giác choáng ngợp, về chiều dãy núi trông như được làm bằng thép, sáng choang vì băng tuyết được ánh mặt trời chiếu lên có màu sắc lạ lùng vậy.

Còn ở Tây Tạng thì dãy Hy mã lạp sơn này mang sắc thái khác, dãy núi khổng lồ chạy dài và mất hút trong..mây mù xa lắc, những ngọn núi như những mũi dao nhọn hoắt trắng loá chĩa thẳng lên trời. Điều đặc biệt là những ngọn núi cao tôi thấy hình như đều trơ trụi không có cây nhiều như núi thấp, và đều có màu trắng sáng, chắc là băng tuyết bao phủ, như nhiều ngọn núi cao trên thế giới mà tôi chưa được tới nhưng được nhìn qua tranh ảnh sách vở..

Những làng mạc hẻo lánh ở chân những dãy núi, đứng từ xa nhìn giống những làng mạc ở Nga nơi tôi từng ở, hay giống Châu Âu nơi tôi từng xem qua hình ảnh hay tivi, nhưng tới gần thì không đẹp như hình ảnh trên sách vở đâu.

Nhà của họ rất thấp, có nơi xây thô bằng đá, bên trong những khe hở của những hòn đá được chèn bằng đất nhão trộn với cỏ sắc, giống như rơm của ta nhưng cây cỏ sắc có bông na ná giống bông lúa mạch nhưng nhỏ hơn và không có hạt như mạch, cỏ này người dân ở đây vẫn dùng để chữa bệnh mỗi khi nhiễm lạnh, nó có mùi thơm nóng giống cây xả của ta, ở mảnh đất này rất ít cây, nhưng hình như mỗi cây cỏ đều là một vị thuốc gì đó của người bản địa thì phải.

Thời tiết nơi này cũng không giống nhiều nơi tôi từng tới, nắng vàng tươi, gió, trời trong xanh ngắt nhưng..lạnh buốt, chân tay chỉ cần va nhẹ vào đâu là đau điếng, giống như những vùng cao Việt Nam mùa đông giá lạnh vậy.

Ở đây tôi được người bản địa mời uống trà sữa, mở ngoặc là trà sữa ở đây không giống như trà sữa mà các quý cô sang chảnh hay cầm nhún nhảy trên tích tóoc đâu nhé. Nơi này không trồng được chè, họ phải nhập từ những tỉnh lân cận như Tân Cương hay Tứ Xuyên..nước đỏ quạch và mùi vị thì gọi trà Tân cương Thái nguyên cuả VN bằng cụ tổ, còn sữa thì là sữa trâu.

Trâu hay bò ở Tây Tạng có tên TQ là linh ngưu, còn người bản địa gọi là Uy lưu, tôi phiên âm theo tiếng VN, nói thật thì gọi là trâu, nhưng thực ra tôi thấy nó là bò lai trâu..vì nhìn nó chả ra trâu cũng không giống bò, mặt nó đẹp troai hơn con trâu, nhưng sừng y như sừng bò tót, thân giống bò và tiếng kêu như bò, đặc biệt lông rất dài và dày kinh khủng, có con còn có hai chùm lông mọc ra từ lỗ tai và móc lai màu trắng, đuôi cũng nhuộm hai lai trắng, cá biệt có con theo tôi thấy rất đẹp và lạ khi đầu trắng thân đen đuôi và bốn chân phủ lông trắng như đi ủng lông nhìn đẹp và thật lạ, đuôi chúng dày và dài như đuôi ngựa chứ không giống trâu bò bình thường.

Đây là xứ lạnh nên hình như con vật nào cũng lông rất dày từ trâu bò, ngựa dê, tới chó gà cừu thỏ, sóc..vv, kể cả những con sâu chó to và lông dày nhìn thật khủng khiếp.

Trên đường làng hay những đồng cỏ những con chó ngao lững thững theo người hay lang thang bụi đời nhìn thật khủng, trẻ em vẫn thường cưỡi lên lưng chúng như ta cưỡi ngựa, không ngoa chút nào.

Những con chó ngao ở đây nổi tiếng thế giới chứ không riêng TQ, to và dữ dằn, lông dài trùm kín mặt và toàn thân, bết từng mảng, ngồi trước cửa những ngôi nhà đá hay gỗ thấp lè tè, tôi từng thấy một con khi nó ngồi cùng người chủ cao tầm mét 6 bên cạnh, nó cao xấp xỉ bằng anh ta, nhìn thật sự choáng..

Loại chó này ở đây, tại chính nơi chúng sinh ra, có vẻ bị ngược đãi hơn những nơi khác với những bản thể F khác, tôi nghe nói loài thuần chủng nhất chỉ sống ở đây và khó thích nghi với nơi khác, đem ra khỏi đây bắt buộc đều phải lai tạp mới sống nổi, tôi ko phải nhà chó học nên cũng ko biết có đúng ko nữa.

Thỉnh thoảng trong rừng cũng gặp những con ngao to như những con gấu, nằm ngủ hay đi lang thang, người dẫn đường nói chúng là chó nhà chứ ko phải chó hoang, do thể tạng quá to nên chúng ăn rất khoẻ và thường tiêu chuẩn không đủ no nên phải tự đi tăng gia cải thiện thêm, chúng đi săn thỏ hay bắt cá, chuột rất thiện xạ và săn cả chim Toc, một loại chim từ màu lông tới hình dáng giống chim cút ở ta nhưng to hơn và tiếng kêu khác hơn.

Những con vật ở nơi này tôi thấy hình như chúng đều khác nơi khác, từ dê, thỏ, gà, chó, chuột..con nào lông cũng dày và có vẻ hiền lành thân thiện với con người hơn nơi khác, ở đây có nhiều giống gà mà nhìn thoáng tưởng gà rừng vì hình dáng lạ lùng của nó, toàn thân lông màu đỏ sậm, mặt mũi mào chân đều đen xì, và lông dày xù ra to như cái nơm cá của ta vậy, có loại giống gà lùn của mình, có loại nhìn như con công con trĩ, rất màu mè, đến con lợn lông cũng dày từng mảng.

Cao nguyên này cao và trước đây nó cách biệt với thế giới xung quanh do nhiều yếu tố, trong đó có địa lý, đường lên đây rất khó khăn, do vị trí cao và không khí loãng, nên người không phải bản địa rất khó để thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt ở đây.

Cao nguyên này người ta nói nó là cực thứ 3 của thế giới, sau bắc cực và nam cực, nơi này là nơi bắt nguồn của nhiều con sông nổi tiếng ở Châu Á, như sông Dương tử, Hoàng hà, sông Ấn, sông Hằng..và còn con mấy con sông gì nữa, đều to mà tôi không nhớ tên hết. Trong đó có sông Mê Công chảy qua VN, sông MK bắt nguồn từ con suối Lạp Tái Cống Mã ( gọi là suối thôi nhưng tôi đã tới đây và khẳng định rằng ở VN chả có con sông nào to kinh khủng như con "suối" này) ở núi Quốc Trung Mọc Sách thuộc Thanh Hải cùng dãy Hy mã lạp sơn này.

Ngày xưa Tùng Tán Cán Bố là vị vua đầu tiên thống nhất tất cả các vùng rộng lớn ở cao nguyên này, gồm cả nhiều phần của Tân Cương, Tứ Xuyên, Vân Nam và Thanh Hải bây giờ, lập nên vương quốc Thổ Phồn là Tây Tạng bây giờ, với thủ phủ là Lhasa ở chân ngọn núi Gephel cao ngất ngưởng chọc trời.

Vương quốc Thổ Phồn từng một thời rất hùng mạnh như Mông Cổ..họ còn đưa quân đi xâm chiếm cả những nước xung quanh trong đó có cả Ấn Độ, Nepal và TQ, TQ đời vua gì đó tôi chả quan tâm lắm đã từng phải cống nạp cả công chúa cho Tùng Tán Cán Bố về làm vợ lẽ mới a cay chứ, và cả Nepal cũng phải cống một cô, sau này hai bà công chúa này song kiếm hợp bích xây nên hai ngôi chùa Đại Chiêu và Tiểu Chiêu rất linh thiêng với người Tây Tạng.

Theo bỉ nhân tôi thấy thì Tùng Tán Cán Bố lúc đó tưởng thế là ngầu, ai ngờ hậu quả là mất luôn vương quốc, chứ ông chịu khó lên mạng đọc giang hồ mạng khuyên thì đâu nên nỗi, nhiều tấm gương rồi, xâm lược TQ song thời gian sau thành TQ luôn mất hút cả giang sơn Tổ quốc luôn 1333, phải ko bà con.

Công chúa TQ sang làm dâu Thổ Phồn và có công truyền bá Phật Giáo sang nơi này, trước đó người Tây Tạng theo Bon Giáo, một trường phái tâm linh ảnh hưởng từ Ấn Giáo nhiều, dòng mật tông với nhiều thuật chú bí ẩn và kỳ lạ, do Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng đầu.

Bon giáo có câu chú Um Ba Ni Bat Me Hom bất hủ, giống như Phật giáo có câu Nam mô a di đà Phật thì phải, tôi cũng không phải là nhà Phật học nên cũng không rành lắm vụ này, chỉ nghe hơi bắc nồi chõ loáng thoáng thôi.

Người Tây Tạng có ngôn ngữ và chữ viết riêng, nếu qua đây bạn có thể thấy trên những tấm biển hiệu của họ những dòng chữ đó, người ta nói đó là chữ Phạn cổ.

Dân bản địa có mấy tộc người chính là người Se, Mu, Dong, Tong, Dru và ngươi Ru.. cũng khác hơn với các sắc dân khác, nhìn họ hiền lành hơn và thường sinh sống trên những vùng núi nhiều hơn, còn ở những nơi đông đúc bây giờ thì hình như là tới hơn 90% là người TQ mang tất xanh và hộ khẩu nơi khác, Tây Tạng chia làm 7 đơn vị hành chính cấp tỉnh và thành phố, và những người bản địa rất ít góp mặt trong bộ máy chính quyền..

Người bản địa có vẻ an nhàn và tự tại hơn những người khác, công việc của họ là chăn thả trâu bò, dê, cừu, làm vườn hay tu hành..họ khá thận trọng và e dè với người lạ, cũng giống như nhiều nơi khác ở TQ, chính chị hay chính em là đề tài cấm kỵ, tránh bàn tán hay chê bai dè bỉu..coi chừng mất cái để đội nón, trong quán rượu, hay cà phê cứ thấy một vài người ngồi thì thầm to nhỏ với nhau, mặt lấm lét..nhưng có người lạ tới gần thì tất cả lúng túng im lặng là biết họ vừa buôn bạc giả, cưa bom chuyện gì rồi...

Địa hình ở đây vừa cao vừa nhiều dốc, cùng những đồng cỏ mênh mông như Mông Cổ, gia súc thả từng đàn, nghề chăn dắt ở đây không đơn giản như tôi từng chăn bò ở Cam bà co ạ. Cỏ ít nước cũng không nhiều, đàn gia súc có khi ngày đi cả mấy chục cây số để ăn cỏ, rất vất vả, nhưng con nào thấy cũng cơ bắp khoẻ khoắn chứ không xì ke như ở Cam, và thịt chúng cũng ngon và lạ hơn ở nơi khác.

Người Tây Tạng ăn khá nhiều thịt, khoai tây, ngô và đặc biệt là đậu đỏ, hạt đậu đỏ to và ngon hơn đậu ta, thịt cũng ngon hơn, tôi có vài lần được mon men nếm thử thứ thịt bò ko be chú be gì đó nghe đồn ngon và đắt nhất nhì thế giới, nhưng nói thật là chẳng ngon hơn thịt trâu rừng Lào hay trâu bò Tây Tạng, có thể tôi là dạng mõm nhôm trong "công tác ẩm thực" nên không đủ trình để cảm nhận chăng?

Trẻ em ở Tây Tạng giống như trẻ em người miền núi ở ta, tay chân nứt nẻ mặt và hai má đỏ au như quả táo nứt nẻ vì lạnh và khô, quần áo sặc sỡ và nhiều tới nỗi cảm tưởng có bị ngã chúng khó dậy nổi, tròn xoe như trái banh, đêm tối ngồi bó gối tư lự bên bếp lửa sưởi như các cụ, trông thật buồn cười, càng sưởi lửa thì chúng càng nẻ, mặt mũi lem luốc nẻ nứt noác như con mèo vậy.

Người già Tây Tạng phần đa theo Bon giáo chứ không theo Phật giáo. Bon giáo có lá cờ tên là Lungta màu sắc sặc sỡ và đơn giản chứ không tua rua như cờ nhà đòn của Phật giáo, có sọc màu dọc lá cờ na ná giống cờ tam tài của Pháp, những người tu hành theo Bon giáo cũng khác Phật giáo, từ cách thức họ lễ bái, chắp hay tay vái trên cao quá đầu, sau đó hạ xuống ngực và cuối cùng nằm sấp mặt xuống đất tay chắp duỗi dài phía trên như ta bơi vậy. Họ có đọc kinh lẩm nhẩm và tay thường quay quay một vật trông giống thứ đồ chơi con nít ta hay lắc lắc nó kêu lốc cốc..đó là khối chuyền kinh luân, vật luân chuyển kinh của Bon giáo, còn Phật giáo dùng chuông hay mõ để gõ khi tụng niệm, ở chùa rất nhiều khối chuyền kinh luân đặt dựng thành hàng, trước khi vào và sau khi lễ xong họ thường dùng tay quay những khối đó cho nó quay tròn.

Ngoài cờ Lungta còn một lá cờ gì đó nữa tôi quên tên rồi, đại khái nó tên tiếng họ có nghĩa là gió thổi, trên đó in những câu chú họ treo trong gió để gió lan toả những thông điệp thiện lành đi khắp nơi và xua đuổi tà ma nữa.

Ở Tây Tạng còn có một truyền thuyết từ xưa kể lại là đây là vùng đất có một con quỷ cái nằm ẩn mình, người ta đã xây dựng tất cả mười mấy ngôi chùa để trấn yểm không cho con quỷ này vùng vẫy và đứng dậy, những ngôi chùa này đều rất linh thiêng.

Tuy nhiên người theo Bon giáo lại thường không tu tập trong chùa như Phật giáo, càng không chùa to sư bụng phệ mặt mỡ như nhiều thằng sư ở ta, họ thường tu ở những nơi hẻo lánh rất cao và môi trường trong lành nhưng khắc nghiệt, với những người lạ thì tìm hiểu về cuộc sống tu hành của họ rất khó, họ ít xuất hiện trước đám đông, không hô hào quyên tiền không dùng đt hay lái xe ô tô, không đồng hồ không rao giảng đạo lý ra rả..nhưng họ được sự tôn trọng và vị nể của dân chúng hơn nhiều những kẻ ngự trong bộ máy công quyền nơi đây.

Những người tu hành ở Tây Tạng là một bí ẩn không riêng với tôi mà với gần như cả thế giới này, với những gì ít ỏi mà thế giới bên ngoài biết về họ.

Dường như họ có một thứ công năng kỳ lạ nào đó, khi chỉ cần đọc chú cũng có thể chữa được những vết thương đang sưng to, hay cầm máu, hoặc người bị chết cóng vì lạnh..

Tôi từng được một anh bạn người Achetina cho xem một đoạn phim mà chính tay anh quay được năm 1994, trong đó có cảnh hai nhà sư Tây Tạng đang ngồi thiền dưới đất bỗng từ từ bay lên không trung mà vẫn trong tư thế thiền, clip này trong Deepweb giờ vẫn còn, ai vào đc DW có thể xem thấy, và những nhà sư chạy như bay trên những triền núi cao toàn đá nhọn lởm chởm..vun vút chân ko chạm đất y hệt những cảnh quay trong những phim kiếm hiệp của tàu làm, với những thước phim gốc ngày đó chưa có kỹ thuật cắt ghép, và họ quay tư liệu nên cắt ghép kỹ xảo để lừa lọc làm gì một kẻ ất ơ như tôi, bốn người chúng tôi xem đi xem lại những hình ảnh họ bay lượn trên núi và trên không cả trên nước như vậy cả ngày trời và cùng ko hiểu bằng cách nào họ lại có thể làm được như vậy, và họ làm những điều đó không phải mục đích biểu diễn cho bá tánh xem, mà chỉ làm trong những nghi lễ tôn giáo bí ẩn của họ trên những sườn núi cao và vắng vẻ.

Tôi vẫn biết những nhà sư ở đó thường tập luyện Yoga và võ thuật, cũng như rèn thể lực rất khủng khiếp, nhưng để làm được như họ thì lạ lùng là chỉ có ở Tây Tạng chứ chẳng thấy mấy ở đâu...

Còn nhiều thứ bí ẩn ở đó mà trong khuôn khổ bài viết, với con mắt và suy nghĩ thiển cận của tôi, cùng vài lý do nhạy cảm tế nhị khác về nơi này, một thế giới đóng kín..nên chỉ coa thể lan man hầu chuyện mọi người cho vui ngày làm việc đầu tuần vài dòng vớ vẩn này mong mọi người tuần làm việc mới vui vẻ nhé.

BÌNH LUẬN
Đăng Truyện
Tử Tù

83230 · 0 · 613

Yêu Người IQ Cao

32764 · 1 · 316

5 Năm 1 Cái Kết

8076 · 0 · 247

Bạn gái tôi lớp 8

111838 · 0 · 243

Ngày hôm qua đã từng

283414 · 3 · 447

[Dịch] Cửu Long Kéo Quan

50563 · 0 · 376

Yêu thầm em vợ

40043 · 0 · 617