Logo
Trang chủ
Phần 2: Kính Lý Càn Khôn

Phần 2 - Chương 1: Thôn cương thi dưới hồ Phủ Tiên

A Kế là người Quảng Châu, sau khi tốt nghiệp làm phóng viên cộng tác cùng với một tờ báo nhỏ, đồng thời cũng là một nhà văn nghiệp dư, chuyên môn sáng tác những tác phẩm theo chủ đề tường thuật hiện trường, nhưng thuỷ chung vẫn không tìm được đề tài nào quá nổi bật, cho nên thù lao kiếm được cũng chỉ đủ để sống tạm bợ qua ngày, được cái hắn ta tuổi còn trẻ, danh khí tuy chưa có, bản thảo nộp lên mười lần thì có tới tám lần bị từ chối, nhưng tự bản thân vẫn cảm thấy hết sức yêu quý cái nghề này, hắn cho rằng có thể ghi chép hết thảy chân tướng sự thật là một việc làm có ý nghĩa không hề tầm thường.

 

Một năm kia A Kế tìm đến Vân Nam để thu thập các loại tư liệu văn học dân gian nhằm phục vụ cho loạt bài sắp tới của mình, hắn tranh thủ đi nhờ một chiếc xe tải ngang qua sơn đạo giáp với hồ Phủ Tiên, trên đường cùng với lái xe nói đủ loại chuyện phiếm vào nam ra bắc.

 

Vị tài xế kia thường được mọi người gọi là Từ sư phó, là một người vô cùng nhiệt tình và hoạt ngôn, rất thích lo chuyện bao đồng, sau khi biết được A Kế là một nhà văn, liền hỏi hắn sao không viết về hồ Phủ Tiên này luôn, nơi này trông thế nhưng quái sự cũng nhiều lắm, có kể mười ngày nửa tháng cũng chưa chắc đã xong.

 

A Kế nói: “Những thứ tôi viết đều là phóng sự tường thuật hiện trường, chứ không phải mấy loại tiểu thuyết viết nhăng viết cuội bán đầy ngoài đường kia, làm sao có thể tuỳ tiện vừa mới nghe xong, hãy còn chưa biết thật giả như nào đã vội viết bậy?” Tựa như mấy năm trước nổi lên tin tức về thứ gọi là “khí công nhiệt", có nhà văn viết thẳng vào sách rằng “Một vị khí công đại sư nào đó, thời niên thiếu từng đi lạc vào thâm sơn cùng cốc, thấy trên chạc cây có một lão đầu râu tóc bạc phơ, dài tận mấy thước, tới nỗi còn rủ xuống cả mặt đất, lão đầu nhìn thấy đứa nhỏ kia cốt cách phi phàm, liền trao tặng bốn quyển thiên thư, không lâu sau khi rời núi liền thành đại sư!” Cái này không phải là viết bậy rành rành đó sao? Thế mà cũng dám rêu rao là “phóng sự hiện trường"? Bất quá dù có chút bực tức, tuy nhiên trước kia A Kế cũng thường đến các vùng núi thu thập tài liệu, lúc này nghe Từ sư phó nhắc tới hồ Phủ Tiên, vẫn là cảm thấy hết sức hứng thú, liền đưa điếu thuốc hỏi thăm cặn kẽ, muốn biết xem nơi này đã từng phát sinh ra những sự tình ly kỳ cổ quái như nào?

 

Từ sư phó quê quán ngay tại bên cạnh hồ Phủ Tiên, liền ngồi trên xe thao thao bất tuyệt không ngừng: nhìn trong bản đồ, hồ Phủ Tiên có hình dạng trông như một cái hồ lô, đầu nam đầu bắc rộng lớn, ở giữa thì hẹp lại, nước ở đầu bắc là sâu nhất, tuy ai cũng biết là sâu, nhưng sâu bao nhiêu thì không một người nào . Nghe nói trước kia trong đám thanh niên, có một người đem dây gai buộc chặt trên người thiết ngưu rồi cho thả chìm xuống hồ, một thuyền trở đầy dây thừng đều đã thả hết mà vẫn chưa chạm tới được đáy. Các lão nhân thường nói “thâm sơn có linh, nước sâu có quái", phủ Tiên Hồ này thâm bất khả trắc, thông với hải nhãn, bên trong ắt sẽ có quái. Nơi đó phàm là người cao tuổi đều biết, trước giải phóng trong hồ đã từng bắt được cương thi. Cũng có người nói thứ kia là khỉ nước, nhưng vì cái gì lại không có đuôi? Bộ dáng ấy hệt như ma nước, toàn thân mọc ra lông trắng dài hơn tấc, giống người mà không phải người, mắt môi mũi miệng đủ cả, khắp người tanh hôi, trên người nhung nhúc dòi bọ, thời điểm dùng lưới vớt lên mang vào trong làng thứ này vẫn còn sống sờ sờ, cả đêm ô ô kêu rên thảm thiết, chó nhà nghe được âm thanh ấy, tất cả đều bị doạ sợ run rẩy cụp đuôi. Thôn dân cho rằng thứ này là vật chẳng lành, do cương thi chìm ở đáy hồ biến thành, liền lấy gậy gộc mỗi người một nhát đập chết rồi đem cho chó ăn, đến cuối cùng cũng chẳng ai biết rốt cuộc đó là thứ gì. Khi ấy mọi người hãy còn ngu muội vô tri, nếu bây giờ mà bắt được một con còn sống như thế, ngang nhặt được một món tiền lớn.

 

A Kế nghe đến nhập thần, đầu tiên cảm thấy mười phần quỷ dị, tiếp theo lại tiếc hận vô cùng, nếu như lời vị tài xế kia là thật, các thôn dân bắt được thuỷ quái trong hồ Phủ Tiên, giá mà có thể lưu lại cơ thể sống, tuyệt đối sẽ thành tin tức lớn chấn động thiên hạ, thứ này rất có thể là một loài động vật sống dưới nước tầng nước sâu đã sớm tuyệt diệt, tựa hồ so với dã nhân phát hiện được ở Thần Nông Giá càng thêm ly kỳ, con thuỷ quái kia bị thôn dân đánh chết quả thật là một điều tiếc nuối lớn nhất, nhưng có hay không lưu lại thi cốt?

 

A Kế thầm nghĩ, chuyện này dù sao cũng đã có từ rất lâu, hi vọng lưu lại di hài là một điều hết sức xa vời, mà lại chưa hề được đưa lên báo, chắc hẳn nhân chứng vật chứng cái gì cũng không còn nữa, bởi vậy chỉ là tuỳ tiện hỏi thăm một câu, ai ngờ vị tài xế lại đưa ra một câu trả lời không ai ngờ tới: “Ngôi làng từng bắt được cương thi kia, vào một đêm nọ liền hoàn toàn biến mất, hiện tại đã bị xoá tên trên bản đồ, chẳng còn chút dấu vết.”

 

A Kế cảm thấy hết sức kỳ quái: “Cả một ngôi làng biến mất chỉ trong một đêm? Làm sao có thể như thế được!”

 

Từ sư phó cho hay, thôn kia vốn tên là “thôn Mãnh Cẩu", bởi vì xưa kia trong thôn có nuôi một số lượng lớn chó dữ, hình thể so với các loài chó khác lớn hơn rất nhiều, tính tình thập phần hung mãnh, thích hợp để làm chó săn. Theo một số thuyết pháp chưa được khảo chứng, đây đều là hậu duệ của giống chó năm đó đại quân Nguyên Mông từ thảo nguyên Mạc Bắc khi tràn xuống đánh vào Vân Nam mang theo, không phải là giống chó bản địa.

 

Từ đó có thể biết rằng, “thôn Mãnh Cẩu" này là một cổ thôn đã tồn tại hơn mấy trăm năm bên cạnh hồ Phủ Tiên, tư tưởng mê tín đã ăn sâu vào máu người dân, một mực lưu truyền truyền thuyết có cương thi dưới đáy hồ, cho nên sau khi mỗi người một gậy đem con thuỷ quái kia đánh chết, ngay trong đêm đó liền xuất hiện một cơn địa chấn, đem toàn bộ nhà cửa cùng thôn dân vùi vào trong lòng hồ, nam đinh phụ nữ lão ấu mấy chục nhân khẩu không một người người chạy thoát, chỉ có cá biệt vài người ra ngoài làm việc mới may mắn thoát nạn, chờ cho đám người các thôn xung quanh nghe được tin tức thuỷ quái chạy đến nhìn thử, cả thôn đã sớm nằm dưới đáy hồ, hiện tại liền trên bản đồ cũng không tìm thấy địa phương kia. Bởi vậy, tin đồn thuỷ quái bị thôn dân đánh chết không phải là cương thi, mà là một vị thần trong hồ, dẫn đến toàn thôn gặp phải thiên khiển (Trời trách phạt).

 

A Kế nghe Từ sư phó kể chuyện vô cùng hấp dẫn, mặc dù hoài nghi ông ta ăn nói lung tung, nhưng sau khi trở về trong đầu toàn là nghĩ đến chuyện này. Lúc ấy rất nhiều bằng hữu khuyên bảo A Kế, cái nghề viết lách này rất chi là không có tiền đồ, để nuôi sống được gia đình cũng rất khó khăn, chỉ sợ đến vợ cũng không cưới nổi, không bằng sớm quay trở lại Quảng Châu, góp ít tiền mua một chiếc xe máy Yamaha, mở một cửa hàng kinh doanh hải sản, thu nhập may ra có chút khả quan. A Kế cũng biết tiền đồ của mình không được sáng sủa, khát vọng lý tưởng dù sao cũng không thể coi như cơm ăn hàng ngày nuôi sống bản thân mình được, không khỏi có chút động tâm, nhưng hắn một mực không buông bỏ được tin đồn nghe được trên xe trước kia, quyết định sẽ viết một bài phóng sự cuối cùng, sau đó liền về Quảng Châu mở sạp hải sản, sau khi nghĩ đâu đấy xong xuôi hết thảy, hắn liền lập tức chuẩn bị sơ qua, tiến về hồ Phủ Tiên điều tra hư thực.

 

A Khế trước tiên tới cục quản lý hồ sơ và văn khố để tra duyệt huyện chí cùng đại lượng tư liệu, biết được hồ Phủ Tiên thuộc vào loại hồ hình thành từ sự đứt gãy của đá vôi do bị nước ngầm ăn mòn, từ xưa đến nay thường xuyên xảy ra địa chấn, các khu vực xung quanh không ngừng sụp xuống và bị nước hồ bao phủ, tương truyền dưới đáy hồ có một toà cổ thành, ít nhất cũng phải có hai nghìn năm lịch sử trở lên, về phần cụ thể là di tích của triều đại nào bị chìm vào trong hồ, cho đến bây giờ hãy còn chưa có kết luận. Trong huyện chí còn ghi lại, mỗi khi trời xuất hiện hiện tượng sương mù, trong hồ sẽ nổi lên một vầng sáng chói mắt, bởi vì huyện chí thuộc vào loại chính sử, cho nên những sự tình này vẫn có những điểm đáng tin.

 

A Kế nghỉ lại nhà khách của huyện thành, tranh thủ đọc toàn bộ tư liệu mà mình vừa thu thập được, trong lúc vô tình nghe được một chút tình huống, năm ấy có một chiếc máy bay quân sự của một binh chủng không quân nào đó bay ngang qua hồ Phủ Tiên, đang bay thì động cơ bỗng nhiên dừng hoạt động, máy bay rơi thẳng trực tiếp xuống hồ, vì muốn trục vớt máy bay cũng như thi thể của người chiến sĩ xấu số kia, bộ đội đã phải sử dụng hàng loạt bộ đồ lặn cỡ lớn. Mặc dù xác máy bay không tìm được, nhưng hình ảnh truyền về từ thiết bị tiềm vọng lại phát hiện thấy rất sâu bên dưới lòng hồ Phủ Tiên tồn tại một cái hang động lớn, tựa hồ có kiến trúc nhà cửa, bên trong người chết không đếm xuể, những thi thể này trên thân bao bọc bởi một lớp vật chất nhờ nhờ giống như hồ dán, không hư không thối, theo dòng nước ngầm liên tục lắc lư, không khác gì một đoàn người đang hành tẩu dưới đáy hồ đen nhánh lạnh lẽo.

 

Chuyện này nghe quả thực hết sức huyền ảo khó mà tưởng tượng được, có lẽ chỉ là một số tin vịt lưu truyền trong nhân dân mà thôi, phần thực thì ít mà phần ảo thì nhiều. Bất quá A Kế biết, mấy năm trước xác thực là có một chiếc máy bay không quân bị mất kiểm soát rơi vào hồ Phủ Tiên, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, đây cũng không phải là chuyện mà người ta có thể vô cớ dựng nên, mà thợ lặn phát hiện dưới đáy hồ có thật nhiều cương thi, càng là ăn khớp với truyền thuyết dân làng bắt được thuỷ quái, mặc dù chưa hẳn toàn bộ câu chuyện đã là thật, nhưng lại xuất hiện hàng loạt tin đồn như vậy, trong đó nhất định có huyền cơ.

 

A Kế điều tra tư liệu mấy ngày liên tiếp, chỉ thấy một số ghi chép về sự kiện thôn Mãnh Cẩu vào đầu những năm dân quốc xảy ra địa chấn chìm vào lòng hồ Phủ Tiên, tuyệt không có một từ nào nhắc tới việc thôn dân phát hiện cương thi trong hồ. Liên quan tới trận địa chấn năm ấy cũng không được đề cập tỉ mỉ, khi đó dù sao tin tức cũng hạn chế hơn bây giờ, bên ngoài thì chiến sự liên miên, lúc đó đại khái quân giải phóng đang thực hiện chiến dịch Hoài Hải, hồ Phủ Tiên lại ở tít tận Vân Nam xa xôi, so với việc Quốc - Cộng hai đảng (đảng Dân Quốc và đảng Cộng Sản) thiên quân vạn mã đọ sức trên chiến trường Hoài Hải, chuyện mấy chục gia đình trong một cái thôn nhỏ biến mất vào lòng hồ, đối với lúc ấy mà nói, căn bản không tính là đại sự gì cả, có thể tại huyện chí ghi lại vài câu, đã là tốt lắm rồi. Với những ghi chép ít ỏi tìm được này, căn bản không đủ để viết thành một bài phóng sự hấp dẫn được, khó khăn nhất chính là không có chứng cứ trực tiếp, chỉ dựa vào một chút tin đồn dân gian, là hoàn toàn không có cơ sở.

 

A Kế không còn cách nào, đành phải đi tìm vị tài xế Từ sư phó kia. Lão Từ bởi vì thua bạc rất nhiều, chính là vận xui tận mạng, đang muốn tìm một nơi hẻo lánh để ẩn cư mấy ngày, nghe A Kế nói muốn điều tra sự tình về thôn Mãnh Cẩu năm ấy, liền tự nguyện xung phong dẫn đường đến địa phương kia, chỉ cần A Kế chịu giao chút phí dịch vụ.

 

A Kế nói thù lao thì dễ thương lượng, chỉ là năm đó toàn thôn bị chìm vào trong hồ, chúng ta không thể lặn sâu xuống được, lại chẳng có trang thiết bị nào cả, dù cho đến tận nơi điều tra, cũng chỉ có thể nhìn thấy hồ nước mênh mông, hồ Phủ Tiên này thâm bất khả trắc, máy bay quân sự rơi vào trong hồ còn không trục vớt lên được, khắp nơi chỉ có nước và nước, có gì để nhìn cơ chứ? Bây giờ chỉ có duy nhất một cách là tìm được những nhân chứng còn sống năm ấy, trực tiếp nghe họ kể lại.

 

Lão Từ nói rằng cách này không khả thi, sự kiện xảy ra ở thôn Mãnh Cẩu cách đây đã mấy mươi chục năm, lúc ấy chỉ có duy nhất một người sống sót, bản thân bà ta lại là một bà đồng, sau khi nhìn thấy thôn dân đánh chết cương thi, bị doạ đến tè cả ra quần, chạy trốn thục mạng thoát khỏi thôn, lúc này mới đem tin tức truyền ra bên ngoài, trong đêm cả ngôi làng phát sinh địa chấn, mọi người đều là từ miệng người thôn dân may mắn này mà biết được chuyện gì đã xảy ra, bây giờ bà ta đã sớm qua đời, chẳng nhẽ lại đội mồ sống dậy nói chuyện với ngươi à?

 

A Kế sau khi nghe xong lòng liền hụt hẫng, thì ra nói nhiều như vậy, cũng chỉ có một người sống sót thoát ra, thử nghĩ xem cả làng bị chôn thây dưới đáy hồ là cảnh tượng kinh khủng cỡ nào cơ chứ? Không chừng bà ta gặp phải đả kích quá lớn, khiến cho thần trí trở nên mơ hồ, bắt nói gì liền nói nấy, làm sao có thể coi là thật? Huống chi người này bản thân là một bà đồng, chuyên lợi dụng sự mê tín của người khác để kiếm sống, am hiểu yêu ngôn hoặc chúng, từ trong miệng bà ta nói ra những lời này, càng không thể tin được!

 

Lão Từ đáp lại, thời ấy mặc dù tư tưởng của mọi người còn chưa được khai hoá, nhưng cũng không đến mức u mê như thế, mọi người sở dĩ tin tưởng, là bởi vì hoàn toàn chính xác có chứng cứ rõ ràng, cuối năm 1949 đám tàn binh Quốc Dân đảng thua trận tháo chạy, có một binh đoàn phải đi qua Vân Nam để chạy trốn sang Miến Điện, lúc ấy có một vị nhiếp ảnh gia người Pháp đi theo để đưa tin chiến trường, hắn cùng binh đoàn bộ đội ngang qua hồ Phủ Tiên, trong lúc vô tình chụp được một tấm hình, bên trong tấm hình có chút hình ảnh quái dị, ai cũng không giải thích được.

 

A Kế nghe xong đầu óc choáng váng, nếu như xét về mặt thời gian để suy tính, thời điểm ngôi làng kia bị chìm vào trong hồ cũng là lúc chiến dịch Hoài Hải nổ ra, tầm khoảng từ cuối năm 1948 đến đầu năm 1949, mà đám tàn binh Quốc Dân đảng tháo chạy sang Miến Điện lại là chuyện của cuối năm 1949. Thời gian xảy ra địa chấn cùng thời gian bức hình được chụp cơ hồ cách nhau gần một năm trời, vị nhiếp ảnh gia người Pháp này, lại có thể dùng máy ảnh ghi lại được thứ gì ghê gớm?

 

Lão Từ nói, Kế đồng chí à, người đừng luôn cho là ta ăn nói hàm hồ lung tung, cũng không cần đoán bậy, không phải trăm nghe không bằng một thấy sao, chúng ta hiện tại tới xem xem, chính ngươi nhìn liền biết.

 

A Kế bán tín bán nghi, cùng lão Từ đi tới một ngôi nhà bên trong huyện thành, chủ hộ là một thầy giáo dạy sử, cũng là một người họ hàng thân tích của lão Từ, rất thích thu thập các loại tư liệu văn hiến, trong nhà cất giữ không ít sách báo từ trước giải phóng, hồ sơ trong cục lưu trữ cũng chưa chắc đã có. Lão Từ để người họ hàng kia tìm kiếm một hồi, cuối cùng rút ra một tờ báo cũ, chỉ vào trong đó, mời A Kế nhìn kỹ một chút trang tin tức này.

 

A Kế nhìn trên trang báo có một bức ảnh đen trắng mơ hồ, vốn khi chụp cũng không được lấy nét rõ ràng, lại dùng mực in in lên giấy báo, năm tháng vô tình, trang báo đã dần ngả sang màu vàng ố, không thể thấy rõ chi tiết. Hắn quan sát hồi lâu, miễn cưỡng nhìn ra trong bức ảnh kia là chụp một thôn nhỏ, cửa thôn có tấm bia đá, chữ viết khó mà phân biệt, bên cạnh bia có một xác người nằm sõng soài, đầu thân mỗi thứ một nơi, mà tại trước mặt cái xác này, có một nam tử đứng thẳng quay lưng về phía máy ảnh, trong tay tựa hồ mang theo thứ gì đó, cách đấy không xa có một gốc cây khô khốc, còn lại xung quanh tất cả đều vô cùng mơ hồ.

 

A Kế nhìn chằm chằm tấm hình chụp một hồi lâu, lại đưa mắt nhìn sang những dòng tin tức bên cạnh, nhưng trang báo vốn được bảo quản không tốt, rất nhiều chữ không thể đọc nổi, mắt thấy sắc trời không còn sớm, liền cáo từ ra về, tìm một hàng cơm vào ăn tối, đồng thời thỉnh giáo lão Từ, bức hình trên trang báo kia rốt cuộc chụp lại cảnh gì?

 

Lão Từ mới nốc được vài cốc rượu trắng vào trong bụng, đã bắt đầu mở máy hát huyên thuyên một hồi, nội dung phần lớn đương nhiên là nghe được từ chỗ vị họ hàng thân thích kia, hắn nói khoảng khắc chụp được tấm hình này, chính là ngay trước khi thôn Mãnh Cẩu xảy ra địa chấn chỉ một khắc thời gian, phàm là người trước kia đã từng đi ngang qua thôn đó đều có thể nhận ra.

 

A Kế càng ngày càng thấy khó hiểu: “Từ sư phó, ông có phải là say quá nói bậy hay không? Lúc trước còn nói thời điểm tay nhiếp ảnh gia người Pháp chụp được tấm hình này thì cái thôn kia đã bị nước hồ chôn vùi những gần một năm trời, tại sao bây giờ lại nói là ngay một khắc trước khi xảy ra địa chấn? Đây chẳng phải là tự mình vả miệng sao?”

 

Trình độ văn hoá của lão Từ có hạn, lại thêm say rượu nên lời nói càng loạn, giải thích mất chừng một canh giờ, A Kế mới dần dần nghe ra được chút đầu mối.

 

Thì ra cuối năm 1949, một binh đoàn nào đó của Quốc Dân đảng tháo chạy đến tận đây, có một phóng viên chiến tranh người Pháp đi theo để đưa tin, cùng bọn họ ngang qua hồ Phủ Tiên, lúc ấy trong hồ đột nhiên tuôn ra một đoàn sương mù lớn, bên trong xuất hiện huyễn tượng hải thị thần lâu, thôn xá người dân hiện rõ mồn một trước mắt, hắn mới vội vàng lấy máy ảnh ra để chụp lại, tiếng màn trập kêu tách một tiếng, lại thấy một trận quái phong nổi lên, sương mù cấp tốc tiêu tán, mọi thứ đều biến mất theo. Lúc ấy báo chí đưa tin, cũng không biết thôn làng ẩn hiện trong đoàn sương mù kia là địa phương nào, cho nên chỉ viết là trên hồ Phủ Tiên xuất hiện kỳ quan hiếm thấy, giống như hải thị thần lâu, trong lịch sử từng có nhiều lần ghi chép, nhưng bị người khác dùng máy ảnh trực tiếp lưu lại, cho đến tận này mới là lần đầu tiên.

 

Song khi nhìn thấy tấm hình chụp này, rất nhiều người đều nhận ra đây là thôn Mãnh Cẩu, bên trong cái thôn kia bất quá chỉ có vài chục hộ gia đình, trước tấm bia đá có xác người nằm, chính là cương thi mò được trong hồ, hồi ấy tấm hình này cũng coi như rõ ràng, có thể nhìn ra dáng vẻ cương thi.

 

Ảnh chụp in trên báo mơ hồ không rõ ràng, ảnh gốc càng là không thể tìm thấy được nữa, nhưng phát hiện này vẫn làm cho A Kế thập phần chấn kinh, hắn vô cùng muốn biết trước khi thôn Mãnh Cẩu chìm vào đáy hồ đã xảy ra điều gì, càng muốn thu thập thêm thật nhiều tư liệu, cuối cùng cũng không kìm nén được lòng hiếu kỳ, quyết định cùng với lão Từ đi tới hồ Phủ Tiên một chuyến, tiến hành điều tra thực địa, tranh thủ nắm giữ một số tài liệu trực tiếp.

 

Theo sự xâm thực của nước ngầm cùng với sự đứt gãy các lớp địa tầng, diện tích mặt hồ không ngừng mở rộng, trước giải phóng thôn nhỏ kia vốn là nơi vắng vẻ, lại bị nước hồ nhấn chìm nhiều năm, bởi vậy lão Từ cũng chỉ có thể biết được vị trí đại khái.

 

Đường đến nơi ấy giao thông không được thuận tiện, tuy nhiên hai người vẫn không quản ngại gian khổ, trên người chỉ mang theo một chút lương khô, có xe nhờ xe, không xe thì đi bộ, trèo đèo lội suối đi vào đầu bắc của hồ Phủ Tiên, từ trên bờ núi nhìn xuống, chỉ thấy mặt hồ bao la, sóng biếc mênh mang, phản chiếu sắc trời, nước hồ xanh sẫm tựa như một tấm thảm nhung khổng lồ, một mực trải dài về phía chân trời xa xôi, phía xa trên một ngọn núi hãy còn lưu giữ vết tích do cơn địa chấn năm đó để lại.

 

Lão Từ quen thuộc địa hình, chui vào trong bụi sậy lôi ra được một con thuyền gỗ đã cũ bị người ta vứt bỏ, loại thuyền này được chế tạo hết sức đơn giản, chính là đẽo khoét trực tiếp từ một thân cây to, có thể chở được tối đa hai người chèo vào trong hồ bắt cá, hắn nói vị trí năm đó ngôi làng chìm xuống ngay tại vùng này, có thể chở A Kế ra đấy nhìn xem.

 

A Kế cũng đang có ý này, xốc lại ba lô trên vai rồi trèo lên thuyền cùng lão Từ, đến khi thuyền đã ra được một quãng tương đối, liền thấy nước hồ Phủ Tiên trong suốt, có thể nhìn xuống sâu tới tận 80 - 100 mét, thử hướng mắt thăm dò phía dưới, dễ dàng quan sát được vô vàn những viên đá cuội muôn màu muôn vẻ nằm dưới đáy hồ, còn có rất nhiều cây rong khổng lồ đung đưa trong nước, dưới ánh mặt trời, những dãy núi vây quanh hồ loé lên như những viên ngọc lục bảo phát ra ánh sáng rực rỡ chói loà. Hắn không khỏi tán thưởng từ tận đáy lòng, hồ Phủ Tiên không hổ là một viên bích ngọc giữa lòng cao nguyên Điền thổ (chỉ đất Vân Nam), thoáng chốc sinh ra một loại ảo giác -- nơi này không phải là biển đấy chứ?

 

Thuyền nhỏ chèo ra được chừng một dặm, nước hồ đã bắt đầu ngả sang màu lam, lão Từ nói: “Đồng chí A Kế này, vận khí của chúng ta hôm nay quả thực không tệ đâu, lão thiên gia còn không có nổi gió, nếu không hồ thần cũng phải trở mặt.”

 

A Kế đáp: “Việc này tôi cũng đã từng nghe qua, gió lớn vừa mới nổi lên, hồ Phủ Tiên vốn đang yên bình là thế liền sẽ biến thành ác ma, từng đợt từng đợt sóng lớn nối đuôi nhau vỗ vào bờ cát, tạo thành một cảnh tượng hùng vĩ tráng lệ, có khí thế kiêu ngạo của biển cả, có thể thấy sâu dưới đáy hồ này, quả thực ẩn chứa một loại năng lượng nào đó vô cùng kinh khủng, cũng không biết đã mấy nghìn năm trôi qua, có biết bao nhiêu người đã táng thân tại nơi này? Hiện tại tuy là thanh thiên bạch nhật, nhưng chỉ cần nghĩ tới việc cả một ngôi làng bị đánh chìm xuống đáy hồ, toàn bộ thôn dân trở thành quỷ nước, cũng đủ khiến tôi cảm thấy ớn lạnh!”

 

Từ sư phó khoác lác: “Dám cá với cậu không một ai quen thuộc địa hình lòng hồ Phủ Tiên hơn lão Từ ta đây, có ta hộ tống, cậu cứ yên một trăm cái tâm đê!”

 

A Kế nhẹ gật đầu, lại hỏi: “Còn xa nữa không thế?”

 

Lão Từ giơ ngón tay chỉ xung quanh, nói: “Cụ thể ở đâu ta cũng không rõ, tóm lại là ở gần đây thôi, không chừng lại ngay dưới đáy thuyền cũng nên…”

 

Lời còn chưa dứt, phía xa trên mặt hồ bỗng nhiên nổi lên một đoàn sương mù, như một đám mây che ngang trời, sắc trời lập tức tối sầm lại, lão Từ tái mét mặt, nói: “Trời trở gió rồi, nhanh nhanh quay đầu lại mau!”

 

Ai ngờ thời tiết thay đổi còn nhanh hơn cả con nít trở mặt, chiếc thuyền trong khoảnh khắc đã bị sương mù bao phủ, tầm nhìn giảm xuống cực hạn, chỉ nghe bốn phía sóng nước cuồn cuộn, tựa như một nồi nước sôi.

 

Lão Từ cùng A Kế tim đập thình thịch, ngay cả thở cũng không dám thở mạnh, cùng chung suy nghĩ: “Ngôi làng chìm dưới đáy hồ sẽ không nổi lên chứ?” Đợi đến khi hai người đánh bạo thò đầu ra nhìn xung quanh, thứ đập ngay vào mắt họ còn đáng sợ hơn so với dự đoán ban đầu.

 

Trong hồ có vô số cá trắm đen, ngửa bụng trắng nổi lên mặt nước, lít nha lít nhít, nhiều không đếm xuể, đây mới chỉ vẻn vẹn là số cá có thể nhìn thấy được, số nằm trong vùng sương mù khả năng còn nhiều hơn gấp vạn lần, A Kế cùng lão Từ ghé vào mạn thuyền quan sát mà thấy tê cả da đầu, những con cá trắm đen này to nhỏ khác nhau, bé nhất cũng phải cỡ bàn tay người lớn, còn đâu đa số dài tới tận mét năm.

 

Lão Từ từ bé đến giờ chưa từng thấy qua con cá trắm đen nào dài đến như thế. Loài cá này sinh trưởng chậm chạp, càng ở dưới sâu kích thước càng lớn, sẽ không tuỳ tiện nổi lên mặt nước, bởi vậy rất khó bắt giữ, hiện tại bầy cá trăm đen lên đến vạn con như này, đại khái đều là từ đáy nước sâu bơi tới, mà bình thường chỉ có cá chết mới ngửa bụng trắng nổi lên, hôm nay lại gặp bầy cá kết thành từng đoàn xuất hiện, toàn bộ đều vẫn còn sống, mà bụng lại cứ hướng lên trời, cảnh tượng này quả thực dễ khiến người ta kinh hãi, chỉ thấy lão Từ há mồm trợn mắt.

 

A Kế trước khi đến đây, từng ở trên đường nghe lão Từ kể về đủ loại quái sự trong hồ Phủ Tiên, trong đó có một chuyện, chính là nhắc tới việc cá trắm đen kết trận. Hàng năm vào khoảng tháng 5 cho đến tháng 8, trên mặt hồ sẽ thường xuyên xuất hiện cảnh tượng hàng vạn con cá trắm đen lớn nhỏ không đồng đều, bơi nối đuôi nhau tạo thành ngư trận, tràng diện hùng vĩ, thần bí mê người. Liên quan tới loại hiện tượng lạ kỳ này có một truyền thuyết như sau, đại khái khoảng chừng nghìn năm trước kia đã từng xảy ra một trận động đất, cả một toà thành cổ to lớn bị nước hồ nhấn chìm, vị thành chủ cũng trầm thi dưới đáy hồ cùng với toà thành, thi thể hoá thành một con cá lớn, bị vây ở trong thành không thìm thấy lối ra, hàng năm bầy cá trong hồ Phủ Tiên đều cùng nhau kết thành từng đoàn bơi đến thăm viếng, bởi vì những con cá trắm đen kia, cũng chính là hoá thân của những cổ nhân chết đuối dưới hồ. Đương nhiên nếu như giải thích theo khía cạnh khoa học thì càng thêm hợp lý, mấy vạn con cá tụ tập chung tại một chỗ, từ trên cao nhìn xuống, tựa như một con thuỷ quái khổng lồ đang du động, thường hay nói cá lớn nuốt cá bé, bầy cá làm như vậy chính là để đe doạ kẻ thù tấn công.

 

Cho nên A Kế nhìn thấy tình cảnh này, còn tưởng là được tận mắt trông thấy ngư trận, chỉ là trong màn sương mù mênh mông, đột nhiên nhìn thấy rất nhiều bụng cá nổi lên mặt nước, thật khó tránh khỏi có chút quỷ dị, làm cho tận sâu trong lòng mỗi người đều dâng lên một loại linh cảm không tốt, tựa hồ sẽ có điềm xấu phát sinh.

 

Lão Từ nói với A Kế: “Cái này đều là cá sống ở dưới tầng nước sâu, bọn chúng đột nhiên ngửa bụng nổi lên mặt hồ, hỗn loạn không giống ngư trận, thật quá khác thường, nhiều năm như thế mà ta vẫn chưa từng thấy qua cảnh này, chỉ sợ không phải điềm lành gì cả, khả năng cao là sẽ xảy ra đại sự, nhà nước nhiều lần vẫn thường khuyên bảo quần chúng, tính mệnh an toàn là thứ quan trọng nhất, cái khác hết thảy đều là thứ yếu, chúng ta vẫn là nên quay về đi thôi.”

 

A Kế cũng có một loại cảm giác bất an, lập tức quơ lấy mái chèo, cùng với lão Từ vội vàng hất nước quay đầu thuyền, thế nhưng toàn bộ mặt hồ đều bị sương mù bao phủ, đã mất đi vật để tham chiếu, lại không có la bàn xác định vị trí, làm sao còn có thể phân biệt rõ ràng phương hướng? Hai người quạt chèo lung tung một hồi, cánh tay đã sớm tê dại, cả con thuyền chẳng khác gì một chiếc lá đang quay vòng vòng tại chỗ trong màn sương mù thần bí, từ đầu đến cuối vẫn không tìm thấy bờ đâu, cũng không phân biệt nổi ngày hay đêm, mà bầy cá rất nhanh đã bơi trở lại tầng nước sâu dưới hồ Phủ Tiên, mặt hồ trở lại một mảnh yên ắng, trước mặt ngoại trừ sương mù vẫn là sương mù.

 

Trong lòng hai người đều cảm thấy bồn chồn, đột nhiên xuất hiện sương mù cùng bầy cá phơi bụng, đều là những điềm xấu hiếm khi gặp phải, bởi vì không rõ nguyên nhân từ đâu, cho nên các loại suy nghĩ đáng sợ không khỏi cứ bủa vây trong đầu. Lão Từ thậm chí còn nghĩ rằng là do thôn dân dưới đáy hồ hoá thành quỷ gây sự, quấy phá đem thuyền khốn trụ, tuỳ thời đều có thể bò lên ăn thịt người. A Kế nói với lão Từ: “Làm gì có chuyện ma mãnh ở đây! Tạm thời việc mất phương hướng vẫn chưa có gì đáng ngại, loại sương mù này tới nhanh thì đi cũng nhanh, trước mắt vẫn nên bình tĩnh, bảo tồn thể lực, đợi đến khi sương mù tản đi còn có sức mà tiếp tục trèo thuyền.” Lão Từ nói: “Sương mù đến nhanh tất sẽ nổi gió, sau khi sương tản đi nhất định sẽ xuất hiện sóng to gió lớn, đến lúc đó tình cảnh càng thêm nguy hiểm, cho nên không thể dừng lại nghỉ ngơi được đâu!” Đang lúc thương lượng kế sách thoát khốn, lại nghe sâu trong làn sương, đột nhiên truyền đến tiếng thét thê lương khó tả, hai người nghe được chỉ biết rùng mình nhìn nhau.

 

Cả hai đều thất sắc, tiếng kêu thảm thiết đoán chừng cách nơi này cũng không xa lắm, nhưng sương mù che mắt, không thể thấy được tình huống nơi đó. A Kế vô thức nắm chặt mái chèo, chuẩn bị ứng biến. Lúc này chỉ thấy chiếc thuyền rung lên một trận, trong sương mù bỗng chợt xuất hiện lục địa.

 

Lão Từ mừng rõ hô to: “Cập bờ rồi!” A Kế dù cảm thấy tình huống lúc này có chút không đúng, nhưng dưới chân bước xuống quả thực là mặt đất, dù sao so với việc lênh đênh giữa mặt hồ mênh mông sóng lớn vẫn còn tốt hơn, lúc này liền cùng lão Từ bỏ thuyền lên bờ.

 

Sương mù tràn ngập, rất khó phân biệt phương hướng, hai người đi xuyên qua mảnh rậm rạp toàn bụi cỏ lau, một đường hướng về phía trước tìm kiếm, không lâu sau leo lên được một sườn đất, nơi đó có một gốc cây cổ thụ chết già héo lệch cả gốc, thân cành khô khốc tựa như ác ma giương nanh múa vuốt, trong làn sương mù mờ ảo càng tăng thêm mấy phần đáng sợ, trên cây tất cả đều là lỗ sâu, bên trong rỗng tuếch.

 

Hai người trải qua một hồi lăn lộn, đều cảm thấy có chút mệt mỏi, cũng không dám đi loạn thêm nữa, ngồi bệt ngay cạnh gốc cây nghỉ ngơi, châm điếu thuốc hút chờ sương mù tiêu tán.

 

A Kế rít lấy vài hơi khói, thấp giọng hỏi lão Từ: “Lão vừa rồi có nghe thấy gì không, rốt cuộc là con gì kêu mà ghê thế nhỉ?”

 

Lão Từ đáp: “Tôi cũng có nghe thấy, nhưng cũng chịu chế không biết đấy là con gì hay cái gì, việc này hôm nay xem ra có điểm quái dị, đầu tiên trên hồ bỗng nhiên lại nổi sương mù, cộng thêm bầy cá trắm từ dưới đáy nước sâu xuất hiện, toàn là điềm báo không tốt cả, chúng ta chờ đợt sương này tản đi, liền phải tranh thủ thời gian tìm đường rời khỏi.”

 

Đang lúc nói chuyện, liền nghe phía sau gốc cây khô có tiếng bước chân vang lên, hai người đứng dậy ngoái đầu lại xem, là một người cô gái khá trẻ, ước chừng mới hai mươi tổi, dung mạo coi như dễ nhìn.

 

Lão Từ đang lo tìm không thấy đường, chợt thấy có người đi qua, liền vội vàng tiến lên hỏi thăm. Ai ngờ nữ nhân kia sắc mặt âm trầm, chỉ nhìn liếc qua hai người một cái rồi lập tức cúi đầu, bước chân tăng nhanh hơn trước, trong miệng lầu bầu gì đó nghe như trời phạt, gặp báo ứng tai ương.

 

Lão Từ bị mất mặt, mắng: “Không biết loại người ở đâu, thế mà không hiểu tiếng người?”

 

A Kế nhìn qua thân ảnh cô gái biến mất bên trong sương mù, phát hiện hướng nàng đi tới là một đoạn đường nhỏ ruột dê hay thấy ở nông thôn, địa thế gập ghềnh, ổ gà lởm chởm, bên đường có tấm bia đá, phía trên bám đầy rêu xanh, nhìn rất là cũ kỹ, trên tấm bia đá thình lĩnh hiện ra ba chữ to: Thôn Mãnh Cẩu.

 

A Kế cùng lão Từ không nhìn thì thôi, vừa mới thấy rõ địa danh khắc trên tấm bia đá, lập tức sợ hãi, mồ hôi chảy ướt sũng cả người, cảm giác trái tim bị bóp nghẹt đến tận cổ họng.

Đây là chương cuối cùng!
BÌNH LUẬN