Logo
Trang chủ

Chương 21: Hình Như Có Người Không Thích Tôi

- À…ừ…anh tưởng nhầm nhà.

Tôi nói dối để lấp liếm đi cái sự lúng túng của mình. Băng Linh không để ý chuyện đó, nhỏ lôi tôi xềnh xệch vào nhà cho bằng được. Có hai đứa nhóc đứng ở cửa, dễ thương như hai thiên thần, nhìn tôi chỉ trỏ và thì thầm với nhau điều gì đó.

- Người yêu của chị Ely kìa – Một đứa nói.

- Không phải đâu, thầy của chị Ely đó – Đứa kia chỉnh lại.

Hóa ra tên ở nhà của nhỏ Băng Linh là Ely, còn hai đứa nhóc sinh đôi kia là em gái của nhỏ, một đứa là Yuna và một đứa là Eira. Tôi đọc mà muốn trẹo cả hàm kiểu như lạc vào trung tâm Anh ngữ, cứ lộn tùng phèo hết cả lên giữa hai đứa sinh đôi Yuna và Eira. Cuối cùng tôi kết luận, Yuna là đứa có nơ hồng còn Eira là đứa mặc váy hồng, cho nó nhanh. Ba chị em nhà Băng Linh đứa nào cũng đẹp gái và da trắng nhìn dễ thương tợn. Hai đứa sinh đôi thì nghịch ngợm như con choi choi, khác hẳn với sự nhẹ nhàng, e ấp của nhỏ Băng Linh (hoặc là Ely gì đó tùy). Và điều đặc biệt là, đôi mắt biếc long lanh ấy của con nhỏ Băng Linh, không biết được thừa hưởng từ ai.

Bố Băng Linh chào đón tôi bằng một cái bắt tay nồng ấm và mời tôi vào nhà. Chúng tôi ngồi uống trà và trò chuyện với nhau trên bộ bàn ghế bằng gỗ sồi trong khi chờ Băng Linh và mẹ nhỏ chuẩn bị bữa ăn. Tôi nhìn quanh căn nhà một lúc, chợt nhận ra mình như vừa lạc vào một cung điện. Tưởng như bất cứ đồ đạc nào ở trong nhà, kể cả một cái gạt tàn, cũng đáng giá hơn tất cả tài sản của tôi cộng lại. Tự nhiên thở dài, thế giới này khác xa thế giới của tôi quá.

Thật may bố con nhỏ là người rất tâm lý. Ông trò chuyện với tôi rất tự nhiên và dân dã, không có cái vẻ kiểu cách của nhà giàu mà tôi nghĩ. Điều đó khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn hẳn. Nhưng thật không may, mẹ con nhỏ lại không có được điều đó giống ông chồng của mình.

- Bố mẹ cậu làm nghề gì?

Mẹ Băng Linh hỏi tôi trong khi chúng tôi ngồi ăn cơm. Cách xưng hô đã thay đổi từ “thầy” sang “cậu” khi bả thấy tôi còn trẻ và nhỏ con hơn tưởng tượng. Tôi trả lời thành thật:

- Dạ, bố mẹ con làm nông ạ.

Tôi nhận ra đâu đó một nụ cười nhếch môi từ mẹ con nhỏ. Rồi bà hỏi tiếp:

- Chắc nhà cậu nghèo lắm nhỉ? Cậu có được học hành tử tế không?

Bố con nhỏ e hèm một cái rồi nhìn qua mẹ con nhỏ, tỏ ý không vui vì câu hỏi đó. Nhỏ Băng Linh nhìn tôi, ánh mắt đầy thông cảm. Tôi mỉm cười, chẳng có gì phải xấu hổ khi kể về gia đình mình cả. Nghĩ về bố mẹ và những đứa em, tôi nói bằng một giọng điệu đầy tự hào:

- Dạ, nhà con nghèo lắm. Nhưng bố mẹ không để đứa nào phải thất học cả. Bố mẹ cũng dạy cho tụi con biết cách sống tự lập từ nhỏ. Nhờ vậy mà con mới được như bây giờ.

Bố Băng Linh vỗ vai tôi mỉm cười. Ông bảo ông quý tôi vì tôi giống ông thời trẻ. Cũng xuất thân từ con nhà nghèo, một tay trắng làm nên sự nghiệp. Cũng ăn bờ, ở bụi, nếm trải bao nhiêu đắng cay của cuộc đời giống tôi. Thời trẻ, ông từng xách từng món hàng đến từng nhà chào bán để kiếm chút tiền sống qua ngày, từng bị chủ nhà đuổi, bị chó rượt, bị người ta nhìn với ánh mắt khinh thường. Rồi ông tích góp được chút tiền, tự mở xưởng sản xuất, rồi chào bán qua châu Âu, qua Nhật, rồi cuối cùng có được một cơ ngơi hoành tráng như ngày hôm nay. Tôi nghe ông kể chuyện mà như nuốt lấy từng lời. Cốt cách của một người giàu có đi lên bằng sự nỗ lực nó khác với bọn sinh ra đã giàu, dân dã, bình dị nhưng có một sức hút lạ kỳ. Hèn gì tôi đã thấy quý ông từ lần gặp đầu tiên và sẽ luôn quý ông tất cả những lần sau nữa. Nếu như thực sự có những lần sau…

Nhỏ Băng Linh chống cằm đưa đôi mắt biếng biếc nhìn tôi nói:

- Chú kể về quê của chú cho con nghe đi. Con chưa được về những miền quê bao giờ.

Hai con nhóc Yuna và Eira cũng nhao nhao lên đòi tôi kể. Tụi nó luôn mồm hỏi “Chú có đi câu cá không?”, “Chú có đi chăn trâu không?”, “Chú có hay ngủ ngoài đê như trong phim không”. Tôi bật cười với sự hồn nhiên của hai con nhóc, bảo rằng những chuyện đó đối với tôi chỉ là trò vặt vãnh, tôi thậm chí còn suýt lạc trong rừng khi đi hái sim, suýt bị ngạt nước khi đi tắm sông và còn suýt ngã gãy tay khi trèo khế nữa. Băng Linh và hai cô em tròn mắt ngồi nghe tôi kể về thế giới của tôi với một sự hào hứng như đang xem một bộ phim điện ảnh. Cho đến đoạn tôi kể đến vụ tôi suýt bị người ta đập vì ăn trộm dưa hấu hồi nhỏ, mẹ Băng Linh mới nhăn mặt và xen ngang:

- Kể chuyện đó cho tụi nhỏ không hay đâu!

- Nhưng tụi con muốn nghe! – Yuna và Eira mếu máo nói.

- Bộ muốn học cách ăn trộm như…

Mẹ con nhỏ chưa nói hết câu thì bố con nhỏ đã ngắt lời. Ổng nói:

- Bà đừng nói vậy. Đó chỉ là những kỷ niệm chân thực của tuổi thơ, không phải là một bài học đạo đức. Thầy cứ kể tiếp đi, thầy Nhân.

Nhưng tôi đã hết hứng kể chuyện. Tôi cười cười giả vờ bảo câu chuyện của tôi chỉ có chừng đó. Hai nhóc Yuna và Eira tỏ ra thất vọng đáng kể, còn hồn nhiên bảo tôi bữa nào dẫn tụi nó về quê chơi nha làm tôi cười xòa. Mẹ Băng Linh gương mặt vẫn rất nghiêm nghị, hình như bà không thích tôi lắm, có thể là không thích xuất thân của tôi. Và tôi cũng thừa nhận rằng tôi không thoải mái lắm khi trò chuyện với mẹ con nhỏ, bà làm cho tôi cảm thấy mệt mỏi. Nhưng tất cả những thành viên còn lại của gia đình này, tôi đều rất quý mến.

Băng Linh tiễn tôi ra cổng khi tôi xin phép bố mẹ con nhỏ ra về. Nhỏ lặng lẽ đi bên tôi qua khoảng sân rộng của căn biệt thự nơi có những bồn hoa tím được bày biện rất Pháp. Cho đến khi tôi dắt xe đi ra cổng, con nhỏ mới bẽn lẽn gọi:

- Chú ơi.

Tôi quay lại, thấy con nhỏ ngại ngùng nhìn tôi nói:

- Chú…đừng suy nghĩ gì nha.

Tôi mỉm cười lắc đầu rồi lên xe phóng đi. Được một đoạn tôi ngoái đầu lại nhìn. Nóc căn biệt thự kiểu Pháp vẫn lấp ló ở phía xa xa. Trong cái thế giới đầy sang trọng ấy là cuộc sống của những người mà tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ tiếp xúc. Thế mà tôi đã từng bỏ trốn và dầm mưa ngoài biển với một con bé tiểu thư như thế ư? Chợt nghĩ rồi chợt bật cười.

Một tuần sau, nhỏ Băng Linh đột ngột xuất hiện ở lớp vẽ. Nhỏ cầm trên tay cái ống đựng đồ vẽ, mái tóc buộc cao, đi đôi dép hồng và nụ cười sáng bừng cả một góc lớp. Tụi con trai há hốc mồm ngước nhìn lên, thằng Nam Nhỏ khều khều thằng Thụy Phong thì thầm:

- Mày có đang nghĩ điều mà tao đang nghĩ không?

Thằng Thụy Phong gật đầu ú ớ, mắt không rời khỏi nhỏ Băng Linh đang đứng ở cửa lớp. Cái cảm giác người mình thầm thương bỗng nhiên biến mất không một lời từ biệt, rồi bỗng một ngày xuất hiện không một lời báo trước khó diễn tả thành lời lắm. Con nhỏ vẫy vẫy cái ống vẽ trước mặt tôi bảo “Con đi học vẽ lại nè”. Tôi gật đầu nói “Ờ”. Con nhỏ trề môi bảo chú không vui à. Tôi bảo có. Nhỏ dỗi.

Tôi hỏi ai chở nhỏ tới đấy, nhỏ chỉ tay ra ngoài đường, nơi có chiếc xe hơi màu đen đậu cách lớp tôi vài chục mét. Bố con nhỏ thò đầu ra chào tôi. Hình như không muốn ai chú ý nên ông cố tình đậu xe ở xa. Yuna và Eira cũng đi cùng, hai cô nhóc mở cửa xe rồi chạy ào vào lớp vẽ của tôi, đưa những đôi mắt ngây thơ nhìn mấy anh chị đang ngồi vẽ và lắc lắc cánh tay tôi thủ thỉ:

- Tụi con cũng muốn học vẽ.

Bọn trong lớp xuýt xoa, chồ ôi con ai mà nhìn cưng thế. Có đứa còn định chạy lại véo má tụi nó một cái. Bố con nhỏ bế hai cô nhóc lên, bảo khi nào tụi con lớn thì sẽ được đi học vẽ. Con bé Yuna (hoặc là Eira gì đó, tôi không phân biệt được) phân bua:

- Nhưng tại sao chị Ely lại được đi học vẽ?

Băng Linh đưa tay véo má con em một cái nói:

- Vì chị lớn rồi.

Thế là từ đó lớp vẽ bỗng nhiên tươi mới hơn hẳn bởi sự trở lại của Băng Linh. Khỏi phải nói, tụi con trai mừng hết sẩy, nhất là thằng Thụy Phong. Nó luôn luôn là đứa ngồi gần con nhỏ nhất, và cũng là đứa duy nhất trừ tôi ra có thể chở con nhỏ về khi không có ai đón nó. Cơ bản thì Thụy Phong là một thằng tốt bụng, vẽ đẹp nhất lớp và mặc dù tính cách tương đối quái dị nhưng chân thành. Nó với con nhỏ có lẽ là một cặp khá đẹp đôi đấy. Tôi chỉ sợ là thằng bé cảm thấy ngợp khi phát hiện ra gia thế của con nhỏ Băng Linh, và đánh mất sự tự nhiên vốn có giữa hai đứa nó. Tôi cũng bắt đầu hiểu vì sao con nhỏ Băng Linh không bao giờ cho ai biết nhà nhỏ ở đâu. Nhỏ sợ khi phát hiện ra nhỏ giàu có rồi, người ta sẽ không còn chơi với nhỏ chân thành như trước nữa. Tôi hiểu.

Và cũng từ bữa đó, nhiều đứa trong lớp không gọi nhỏ Linh là nhỏ Linh nữa, chúng bắt đầu gọi nhỏ Linh là Ely. Mấy đứa con trai gọi để chọc quê, còn tụi con gái gọi vì thấy cái tên ngầu thí mồ. Rồi tự nhiên chẳng biết ở đâu mọc ra cái phong trào đặt tên tiếng Anh cho từng đứa trong lớp. Nào là Robert Phong, rồi đến Henry Nam Nhỏ, rồi thì Uyên Julia…Tụi nó còn cả gan đặt cho tôi là Jennifer Phạm (tôi họ Phạm) và ngang nhiên gọi giữa bàn dân thiên hạ.

- Đủ rồi. Quá đủ.

Tôi gào lên khi cái trò Anh văn chết tiệt này bắt đầu trở nên không thể kiểm soát được. Tôi về nhà kể lại cho Đan Chi, hy vọng nhận được sự đồng cảm của nhỏ với nỗi uất ức của mình, nhưng khác với tôi nghĩ, nhỏ Đan Chi lại kêu lên thích thú:

- Cái gì? Tụi nhỏ gọi em là Tiffany Đan Chi hả? Haha. Nghe hay đấy. Em thích cái tên này.

Tôi ôm mặt nhăn nhó còn Tiffany Đan Chi thì ôm bụng ngồi cười.

Mấy hôm sau, lớp vẽ bỗng nhiên xuất hiện một soái ca lạ mặt. Một soái ca theo đúng nghĩa ngôn tình. Dáng người cao, khuôn mặt trắng trẻo, đẹp trai, mặc áo sơ mi trắng và đi Bitis Hunter. Soái ca đốn ngã hết toàn bộ con gái trong lớp vẽ chỉ bằng cái nháy mắt và nụ cười duyên đến phát hờn. Soái ca tới đăng ký học vẽ mà cứ như đi thi hoa hậu. Tôi hỏi Soái ca tên gì, thằng bé liếc mắt nhìn về phía con nhỏ Băng Linh đang ngồi ở góc rồi nói:

- Em tên là Minh. Thầy cứ gọi em là Eric cũng được.

Mặt tôi xệ xuống đến tận háng. Tôi đưa mắt nhìn Soái ca kiểu “Mày có thôi cái trò Anh văn chết tiệt đấy đi không?” Soái ca đứng gãi đầu kiểu “Em đùa đấy”, trông bộ dạng cũng dễ thương phết. Nhỏ Băng Linh đưa mắt nhìn Soái ca khúc khích cười. Bọn con trai liếc mắt nhìn Soái ca giận dữ. Giang sơn bắt đầu sóng gió rồi chăng?
BÌNH LUẬN