Logo
Trang chủ

Chương 20: Xa Xăm

Tôi không rõ lúc mới yêu nhau người ta như thế nào, còn tôi với Đan Chi, mọi thứ dường như chẳng có nhiều thay đổi lắm. Có lẽ vì chúng tôi đã yêu nhau 3 năm chứ không phải một ngày, và lời tỏ tình của Đan Chi cùng cái gật đầu của tôi hôm trước chỉ như là một sự hợp thức hóa cho câu chuyện tình yêu mà cả hai bên “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” từ lâu lắm rồi.

Chúng tôi vẫn đánh răng cùng nhau, ăn sáng cùng nhau, đi dạo cùng nhau và kể cho nhau nghe về chuyện trường, chuyện lớp như những ngày trước, có khác chăng chỉ là dạo này Đan Chi lại trở về phong cách ăn mặc “rừng rú” như cái hồi chưa có tôi ở cùng.

Và mặc dù mọi thứ vẫn nhẹ nhàng như thế, sự cuồng nhiệt của lúc mới yêu đôi khi vẫn ập tới đầy bất ngờ không cưỡng nổi.

Có một tối tôi đang ngồi ngoài phòng khách mở laptop để làm một số việc, Đan Chi không biết từ bao giờ xuất hiện sau lưng tôi, nhỏ thò đầu qua vai tôi hỏi:

- Anh đang làm gì thế?
.
Rồi cũng vào một buổi sáng cuối tháng Mười ấy, một người đàn ông đứng tuổi đến gặp tôi khi tôi đang ngồi trong lớp vẽ. Người đàn ông dáng người rất đạo mạo, bận một cái áo thun cá sấu và cái quần lửng đơn giản nhưng lại toát lên một khí khái khiến ai đối diện với ông cũng như cảm thấy bị khuất phục.

- Chào thầy, tôi là bố của Băng Linh.

Người đàn ông cất lời làm tôi tròn mắt kinh ngạc. Mấy đứa lớp vẽ, nhất là Đan Chi và thằng Thụy Phong cũng ngạc nhiên nhìn qua với những dấu chấm hỏi to đùng. Những suy nghĩ trong đầu tôi lúc ấy bắt đầu nhảy nhót loạn xạ. Có chuyện gì mà cả phụ mẫu đại nhân của con bé Băng Linh phải thay nhau nói chuyện với tôi thế nhỉ? Tôi sắp xếp lại suy nghĩ trong đầu, cố tìm một lời bào chữa thỏa đáng nhất cho sự cố trong bệnh viện mà mấy hôm trước mẹ nhỏ Linh vừa mới phàn nàn với tôi, và chắc là lần này bố con bé cũng không nằm ngoài mục đích đó.

- Dạ, con chào chú. Về chuyện trong bệnh viện thì thực ra là…

Bố của Băng Linh nhíu mày nhìn tôi nói:

- Thầy nói gì vậy, tôi đến gặp thầy để hỏi về chuyện học vẽ của con bé.

Tôi ngớ ra mất một lúc. Bố con nhỏ nhìn quanh rồi hỏi tiếp:

- Tôi có thể nói chuyện riêng với thầy một lúc được không? Tất nhiên nếu thầy không phiền.

Tôi gật đầu rồi dẫn bố con nhỏ đi ra quán café cách đó vài bước chân. Bố con nhỏ có một phong cách nói chuyện rất điềm đạm và lịch sự, nói thẳng ra là khác hẳn với mẹ của con nhỏ. Sau khi hỏi han một chút về tôi, bố nhỏ Linh bắt đầu nhắc tới con bé:

- Thầy biết đấy, con bé nhà tôi rất thích học vẽ. Mà thú thật với thầy là tôi không hiểu lắm về nghệ thuật. Bà nhà tôi không cho nó đi học vì sợ vẽ vời chẳng có ích gì cho tương lai của nó. Tôi không nghĩ như thế, và cũng không muốn con bé không được làm điều nó thích. Nhưng tôi muốn nó chọn đúng nơi, và chọn đúng người để học. Mong thầy hiểu điều đó.

Một cách rõ ràng nhưng cũng đầy tôn trọng, bố nhỏ Linh nói với một giọng điệu từ tốn khiến tôi rất nể phục. Tôi bắt đầu nói chuyện với ông về mỹ thuật, về kiến trúc. Bố nhỏ Linh chăm chú ngồi nghe, mặc dù tôi biết là đôi lúc ông ấy cũng không hiểu lắm nhưng ông không bao giờ ngắt lời tôi. Rồi ông hỏi tôi về khoảng thời gian con bé Băng Linh học vẽ ở lớp tôi. Nhắc đến chuyện đó, tôi bỗng nhớ lại hình ảnh bẽn lẽn của con nhỏ rồi chợt mỉm cười, đầu tuôn ra biết bao nhiêu chuyện.

Tôi với bố nhỏ Linh kể rất nhiều chuyện, cả chuyện chúng tôi đã xây dựng lớp vẽ từ đó đến bây giờ như thế nào. Bố con nhỏ thích thú với chuyện đó lắm. Lần đầu tiên tôi kể nhiều về bản thân như vậy với một người lần đầu gặp mặt. Tự nhiên tôi cảm thấy bố nhỏ Linh có một cái gì đó rất đáng kính trọng, và tôi muốn kể nhiều để đôi khi nhận được một vài lời khuyên đáng giá nào đó. Ông kết thúc buổi nói chuyện bằng một lời xin lỗi giùm cho bà nhà vì hôm trước đã trách thầy không đúng, tôi xua tay bảo chuyện đó không sao cả, rồi ông viết gì đó vào một tờ giấy và đưa cho tôi:

- Tôi có nhã ý mời thấy tới nhà tôi dùng bữa cơm thân mật vào cuối tuần. Thầy đồng ý chứ?

Tôi nhìn tờ giấy và háo hức hỏi:

- Con có thể rủ thêm một người nữa được không ạ?

- Tất nhiên là được, bố nhỏ Linh đáp rồi nháy mắt, vợ hả?

Tôi gãi đầu cười hì hì:

- Dạ không, bạn gái con.

Tối hôm đó tôi kể lại chuyện giữa tôi và bố nhỏ Linh cho Đan Chi nghe, kèm theo lời mời tới nhà ăn cơm của ông ấy. Tôi tưởng Đan Chi sẽ vui lắm, như cách mà nhỏ vẫn thường vui mỗi khi phụ huynh của mấy đứa học trò tâm sự với nhỏ trước đây, nhưng hóa ra nhỏ lại thờ ơ đến kỳ lạ:

- Vậy à.

Tôi khá ngạc nhiên trước cử chỉ đó của Đan Chi, nhưng lại tỏ ra như chẳng hề quan tâm đến nó:

- Em sẽ đi với anh chứ? – Tôi hỏi.

- Không. Cuối tuần em bận.

Đan Chi hờ hững từ chối. Tôi nhún vai kiểu “ok thôi” rồi ngồi xuống ghế sofa dán mắt vào tivi. Một lúc sau Đan Chi vùng vằng ngồi xuống bên cạnh, đưa mắt nhìn tôi hỏi:

- Anh sẽ đi chứ?

- Uhm – Tôi đáp gọn lỏn.

- Anh có vẻ…quan tâm con bé nhỉ.

- Ai cơ?

- Băng Linh.

Tôi bất chợt nhìn qua Đan Chi và bắt gặp một gương mặt dỗi hờn của một đứa trẻ con chứ không phải của Đan Chi mà tôi biết. Tôi phì cười. Hóa ra là nhỏ ấy đang ghen, mà lại ghen với một con bé học trò mới chết chứ.

- Cười jề?

Đan Chi đưa mắt lườm tôi. Tôi phải cố nén cái phì cười tiếp theo đang chực chờ nơi cuống họng vào sâu trong dạ dày, miệng e hèm một cái lấy lại vẻ điềm tĩnh rồi nói:

- Nè, còn nhớ không, Băng Linh là học trò của anh đấy, và cả của em nữa. Không quan tâm đến nó thì quan tâm ai?

Nhưng Đan Chi vẫn dỗi:

- Nhưng con bé nghỉ học rồi.

- Nghỉ học thì vẫn là học trò. Lỡ nó đi học lại thì sao.

- Nhưng…

Tôi bật cười ha hả vì cái vẻ mặt nũng nịu của Đan Chi, vòng tay qua eo kéo nhỏ lại gần rồi chu chu cái mỏ định thơm một phát nhưng con nhỏ vật tôi xuống rồi bẻ quặp tay tôi ra sau lưng. Đoạn giở giọng đàn chị:

- Em còn chưa tha cho anh cái tội trốn viện cùng bé Linh đấy.

Thấy tôi la bai bải xin tha mạng, con nhỏ mới chịu buông tay. Khổ thật, ở cạnh một con bé có võ thật lắm nguy nan. Thà có võ mà xấu đi thì đã đành, đằng này có võ mà lại còn có nhan sắc nữa thì thật đúng là bức bí trong lòng mà.

- Em đi tắm đây.

Đan Chi tung tăng chạy lên lầu lấy quần áo trong khi tôi đang nhăn mặt nắn lại cái khớp tay, đoạn gọi với lên hỏi nhỏ:

- Thế cuối tuần có qua nhà nhỏ Linh với anh không?

- Không.

- Tại why?

- Em bận thiệt mà.
….
Cuối tuần, tôi bắt đầu dong xe tới địa chỉ mà bố nhỏ Linh nói. Tôi muốn tới nhà nhỏ vì hai lý do. Thứ nhất là tôi cảm thấy rất quý bố con nhỏ. Và thứ hai, quan trọng hơn, là tôi tò mò. Trước đây, mỗi khi chở nhỏ Băng Linh về, tôi toàn phải dừng ở ngoài đường lớn, con nhỏ chưa bao giờ cho phép tôi chở nhỏ về tận nhà. Điều đó, cùng với hàng loạt những hành động khó hiểu khác của Băng Linh, làm tôi luôn cảm thấy con nhỏ này thật bí ẩn.

Đi được tầm 20 phút, tôi nhận ra con hẻm mà hồi trước nhỏ Linh hay bảo tôi dừng ở đây mỗi khi tôi chở nhỏ về. Lần này tôi tiến sâu vào trong, đi qua một dãy nhà dài và cả một cây cầu nhỏ bắc qua một con kênh giữa một khoảng đất trống rộng lớn. Rồi tôi dừng xe ở địa chỉ ghi trong tờ giấy, gạt chân chống và ngước mắt nhìn lên.

Tôi nhìn căn nhà, nhìn xuống tờ giấy rồi lại ngước nhìn căn nhà. Tôi dụi mắt một vài lần để chắc chắn mình không bị hoa mắt. Và khi đã rõ là mắt tôi vẫn bình thường, tôi mới giật mình thảng thốt.

Thứ mà tôi nhìn thấy không hẳn là một căn nhà, mà là một căn biệt thự. Không có một căn nhà nào đẹp như vậy ở khu này. Căn nhà không quá lớn nhưng lại cực kỳ sang trọng và tráng lệ với vẻ đẹp kiến trúc kiểu Pháp (tôi đã từng học về phong cách kiến trúc này ở trường nên tôi biết một chút). Đứng trước cánh cổng thép cao lớn với những hoa văn cầu kỳ ấy, bỗng nhiên tôi cảm thấy giật mình. Tôi nhìn lại chiếc quần bò sờn bạc với đôi giày há mồm mà mình đã mặc suốt mấy năm qua, cảm thấy thế giới này khác với thế giới của tôi quá. Tôi không quen với sự giàu có và sang trọng. Thế giới của tôi là những cánh đồng quê và những căn nhà ọp ẹp. Là chiếc chõng tre với bãi cỏ ven sông nơi tôi thường thiếp đi vào những buổi trưa hè tuổi nhỏ. Thế giới của tôi, nếu có một khoảng thời gian nào đó gọi là “giàu có”, có lẽ chỉ là lúc nằm dài trên ghế sofa ở nhà Đan Chi, chờ nhỏ ấy gọi dậy ăn cơm và ngồi xem những chương trình tivi mà tôi thích.

Tôi định quay gót trở về, nghĩ bụng sẽ viện một lý do đột xuất nào đó không thể tới nhà nhỏ Linh ăn cơm như đã hứa được. Nhưng vừa bước đi được vài bước, tôi nghe cánh cổng nặng nề mở ra, và nhỏ Băng Linh xuất hiện với tiếng gọi thỏ thẻ:

- Chú ơi.

Tôi quay lại. Vẫn gương mặt đẹp như thiên thần với đôi mắt biếc trong veo như mùa thu ấy, nhỏ Linh nhìn tôi đầy thắc mắc. Đó không phải là con nhỏ trong tà áo trắng học trò xách cơm tới thăm tôi mỗi chiều trong bệnh viện, đó là một cô tiểu thư con nhà giàu quý phái đứng giữa cánh cổng chạm trổ những hoa văn tinh xảo của giới thượng lưu. Tôi cảm thấy mình hơi ngượng ngập. Giữa tôi và nhỏ vốn đã cách xa nhau cả một tuổi trẻ, giờ khoảng cách ấy dường như càng xa hơn gấp bội phần.

- Chú đi đâu vậy? Sao chú không vào nhà.

Nhỏ Linh chạy ra kéo tay tôi lại. Đôi mắt ươn ướt nhìn tôi như trước đây nhỏ vẫn vậy. Tha thiết. Tinh khôi.
BÌNH LUẬN