Logo
Trang chủ

Chương 54: Tiếp tục lang thang.

Hôm nay lại được ăn xôi của Lào, bao năm rồi mọi thứ dường như đều thay đổi, hình như chỉ xôi của Lào tôi thấy vẫn thế, hột gạo tròn tròn mũm mĩm có màu ngà ngà. Nói về đồ ăn nếp thì người Lào là vô địch, trước ở đây tôi thấy họ ăn quanh năm suốt tháng, nhưng gạo nếp của họ không hẳn như ở ta hay vài nơi khác, nó có vẻ dẻo và thơm nhưng lại không ngán và nóng cổ như nếp của mình..rất là ngon.

Ngày trước, buổi sáng bọn tôi hay đi sau những nhà sư khất thực và khi những nhà sư đậy nắp bình bát lại không lấy đồ ăn nữa là chúng tôi làng xàng vào xin, trước cửa những ngôi nhà thường có những chiếc giỏ đan bằng tre nứa, họ bỏ đồ ăn trong đó cho những nhà sư và đôi khi khách vãng lai cũng có phần, trong đó có bọn tôi.

Khi ở BoKeo sát biên giới Miến Điện buổi sáng ở đây rất lạnh tuy vẫn có nắng vàng, chúng tôi đảo lượn trên đường làng một vòng là có đủ thứ ăn được, xôi, ngô, bánh nếp..bánh nếp nhiều và đa dạng, có loại như bánh dợm của mình, nhân thịt và mộc nhĩ, với nấm hương, bánh cóc mò nhọn nhọn như cái phễu trong đó có gạo nếp với những củ lạc già màu tím, bánh gì hệt như bánh tét của mình chúng tôi gọi là bánh chày, vì trông nó như cái chày giã cua vậy, có loại có nhân có loại không nhân, và hình như người Lào có nhiều loại gạo nếp hay sao đó, mỗi thứ bánh đều có mùi gạo rất riêng, sau này đi nhiều nơi ăn nhưng ít khi còn gặp lại những thứ bánh hay xôi như ở Lào nữa.

Ngày đó nhiều dân buôn người Hoa hay vào những buôn làng gần biên ở đây để mua xương trâu bò và cả ngà voi, thảo quả, sa nhân..anh em tôi cứ thắc mắc mấy ông tầu phù này mua xương xẩu răng trâu bò để làm gì, sau nghe một người anh chuyên đồ cổ nói mới biết, hoá ra các ông hảo lớ mua răng trâu bò về làm giả chuỗi hạt ngà voi, còn răng cá sấu bên Miến Điện về làm răng hổ...tàu phù đúng là trùm đồ giả từ ngàn xưa tới giờ thật.

Người Miến Điện (Mianmar) rất bí ẩn, tôi thấy họ rất giống người Triều Tiên

Ở những vùng núi cao trẻ em mặc những bộ đồ truyền thống màu sắc sặc sỡ, mặt mũi lem luốc hai má đỏ au như hai quả cà chua nhỏ vì lạnh, tóc đỏ hoe như râu ngô, ít nước nên có thể nói mọi người không tin, có khi vài tháng hay cả năm người ta mới tắm một lần.

Nơi này họ trồng rất nhiều anh túc, và làm thuốc phiện, dân "bẹp tai" (nghiện mà nằm hút tới nỗi bẹp cả tai) thì nhiều như sung, hút thuốc phiện "đại trà và phổ cập" như chè chén trên đường phố Hà Nội những năm thập kỷ 90 vậy, tôi thấy ai cũng hút, già trẻ lớn bé, gái trai hút tất, cứ sáng sớm và lúc chập tối, cả đại gia đình túm tụm quanh bếp lửa và những chiếc chiếu dày cộp y như tấm cót của ta ngày xưa lên nước bóng loáng, thuốc phiện được hút rào rào rồn rột và khói mịt mù, trẻ em còn bé chưa biết hút, những người lớn hút xong hà hơi khói vào miệng chúng, họ nói rằng vậy cho khoẻ và để chữa bệnh.

Thuốc họ hay hút là loại thuốc quả, nó có màu cánh gián rất đẹp, thứ này khó nấu và để làm ra chúng khá cầu kỳ. Người ta lấy những con dao nhọn nhỏ bằng ngón tay út và cong cong, khía một đường từ trên xuống dưới quả anh túc, quả anh túc trông như quả của bông hoa hồng khi rụng hết cánh, hay quả lựu vậy, rồi nhựa thuốc chảy ra, một vài ngày sau họ dùng con dao gạt chỗ nhựa đã chảy ra đó và đem phơi, chỉ phơi gió trong đêm, trên những lá bang to như những cái vung nồi của mình vậy, thỉnh thoảng đêm chúng tôi đi qua ăn trộm một hai lá về bôi vào thuốc lá hút thơm phức, sau đó họ cho vào những chiếc chảo gang và nấu cho nó chảy ra thành từng mê như màu đường đun sôi, nâu vàng và thơm ngát, còn thứ thuốc phiện đen xì như phân trâu mà ta hay thấy trên thị trường thì khác, đó là sản phẩm của cả cây, lá, quả sau khi đã lấy nhựa, họ nấu thành cao, thứ này có màu đen và lọc thủ công nên có rất nhiều xác cây, quả lẫn trong đó, nó rất dẻo có mùi thơm lạ lùng và ma quái, khi đốt lên thuốc phiện có mùi thơm hăng hắc ngòn ngọt rất quyến rũ một cách lạ thường..

Công đoạn để bào chế thứ đó thành heroin thế nào thì tôi chưa được thấy.

Người dân ở đó nghiện thứ ma quỷ đó nên họ chịu lạnh rất giỏi, trẻ con cũng như người già vậy, và tôi thấy họ không tới nỗi tiều tuỵ như mấy ông "bác sĩ tự chích" như ở ta hay những nơi khác, có điều những người nghiện thứ đó rất sợ nước lạnh hay sao đó chả thấy tắm rửa bao giờ, áo quần đen bóng, cái quần họ cởi ra cảm tưởng có thể dựng lên như cây chổi ở góc nhà được, nó bóng nhoáng và cứng rộp như mo nang vậy.

Rừng ở Lào tuy không xơ xác như ở Cam nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm chẳng kém rừng Cam là mấy, chẳng hiểu sao cùng dải đất, khí hậu thổ nhưỡng na ná nhau nhưng rừng ở Cam nhìn cằn cỗi trơ trụi lắm, núi đá ở Cam cũng khác Lào, rừng Lào thì rất nhiều thú và thực vật phong phú hơn, rắn rất nhiều, tôi ấn tượng ở Lào là rắn hổ chúa, nhất là những vùng núi đá như Xầm Nưa, con nào con nấy to tổ bố, đen thui ngóc cổ lên cao cỡ gần hai mét, phun phè phè rất hung dữ, chúng tôi chạm trán và hạ được khá nhiều, mấy anh em lấy mật chúng đem phơi, những cái mật có cái to như ngón chân cái, đem cho dân hay đổi thuốc lá đồ ăn cho đám người Hoa đi buôn lâm thổ sản, ở Luang Prabang còn có cả làng chuyên ngâm rượu và bán rắn nổi tiếng, có những con hổ chúa to như bọng chân và dài 6-7m là thường, còn sống nhăn, họ còn có những loài rắn xanh lét hay đỏ rực nữa..toàn rắn độc.

Trăn thì Miến Điện nổi tiếng hơn, tôi từng nhìn thấy những người Hoa mua được những con trăn nặng gần 80kg mốc meo, họ buộc quấn nó vào đòn cây lồ ô rồi khiêng đi như khiêng những con lợn, đi một mình tay không trong rừng mà gặp những ông nội này lúc nó đang đói mồi thì chắc là mệt đấy, trăn đói thì nó dữ lắm.

Ở Biển hồ Cam thì có một con nữa cũng lạ, dân gọi là con giang, nó như con cò, vạc, sếu..nhưng to và cao tầm 2 m, sải cánh tới 2-3 m, hay kiếm ăn như cò vạc ở những vùng đầm lầy, chân như khúc tre đỏ sọc, dài ngoẵng..thịt tanh lè rất khó ăn.

Ở Cam thì tuỳ rừng mới có thú, có rừng thì đến chim chóc cũng chả có, trơ khấc toàn cây dầu, tre gai, táo dại, khộp, săng lẻ hay thốt nốt..bọ cạp với rắn thì nhung nhúc, con nào cũng to lụ khụ, đen thui, ở dãy Dangrek thì thôi rồi..chúng tôi tóm được những con rết bà to gần bằng cổ tay dài tới 4-50cm không nói ngoa vì tôi đo bằng gang tay, đói nên nướng ăn luôn, thịt ngon như tôm, và bọ cạp hàng ổ dưới đất, mỗi khi cháy rừng hay sắp mưa nó bò đầy, tha hồ thêm thực phẩm, lúc đó đói quá thì ăn chứ tôi cũng chả thiết tha gì sơn hào hải vị bao giờ.

Rừng Cam ít gặp sâu, cơn ác mộng của tôi, còn ở Lào thì...sâu to khủng khiếp, rừng Trung còn ghê hơn có những con sâu chó xin thề với bà con nó to cỡ gần bằng con chó con một tháng tuổi, trông như một con chó ngao Tây Tạng, như mình goị là sâu mèo, lông nó đen hung đỏ dài tới vài phân, nhìn thấy nó thôi là tôi bủn rủn, tim đập chân run mồ hôi toát ra, ở Lào và vài vùng núi đá Việt Nam còn con sâu que nữa, trông nó y như một cành cây khô, anh em tôi từng bị ngộ độc vì thứ nước của nó, khi bị động vào nó tiết ra mùi hôi kinh khủng khiếp như mùi thuốc sâu, ngửi choáng váng và đau đầu thậm chí xây xẩm và nôn mửa luôn, khi nấu ăn dưới rừng cây hơi nóng bốc lên bên trên mà có con sâu que nào thì coi như bỏ hết cơm canh, vì nó phun cái thứ mùi chết toi đó, chỉ một giọt bằng cái đầu tăm rơi vào đồ ăn cũng bỏ hết, hôi ko thể nào ăn nổi, cố ăn là nôn mửa ngay..mà mưa là hay bị dính kèo đó, vì mưa ướt phải tìm cái cây khô lấy cái ngọn nó, do nước róc ngược xuống phía dưới nên cái ngọn sẽ khô có thể đun nấu được, mà trên cây khô rất dễ gặp con này.

...

Rồi ma quỷ nữa, cứ chui rúc rừng rú, vào những phum sóc xa xôi hẻo lánh, tôi nghe đủ thứ chuyện liêu trai kiểu này, có nhiều lúc cũng xém ướt quần, chạy có cờ chân vắt lên cổ..nhưng vẫn tò mò hóng hớt những chuyện hay những nơi thường xảy ra chuyện "ma quỷ"..

Xin kể cho mọi người nghe một vài mẩu thế này;

Lúc đó chúng tôi ở khu biên giới bên kia là Ubon Raichathani Thái, bên này là Champasak, Lào, lui xuống phía Nam Champa sak là Cheom kasan, Campuchia, chếch lên hướng Bắc phía đầu dãy Dangrek là nơi dòng Mekong huyền thoại chảy vắt qua thung lũng dãy Dangrek qua Pakse Lào xuôi xuống StungTreng Campuchia.

Từ hồ Sirin dharn Thái theo đường 2396, đi Vangtao qua biên là đường 16 (giờ là đường 10) từ Na Vieng tới ngã ba PhonThong rẽ trái là lên hướng bắc sông Mekong, bên kia là sân bay Pakse.

Chúng tôi ở PhonThong nơi này có một con sông khá lớn chảy qua, đây thuộc huyện như vùng sâu vùng xa của ta, có cả núi non, sông hồ rồi đầm lầy ruộng thụt, sông cùng nhiều con rạch nhỏ xen lẫn cả những vùng ngập như đầm lầy, nhà cửa ven đường 16 lúc đó thưa thớt...gần nơi chúng tôi ở nhiều nơi đi qua thấy hoang vu vắng vẻ lắm, địa hình nơi này đá ong khá nhiều, và nhiều dấu tích đền đài thành quách của vương quốc Lan Xang cổ ngày xưa, ở nơi này có một khu vực bỏ hoang, người dân có nói hình như ngày trước quân Pháp có đồn trú ở đó một thời gian thì phải, tôi không còn nhớ tên cụ thể của nó vì thời gian ở đó của chúng tôi ngắn thôi, chỉ nhớ là đi qua một cái trường học có cái ngã ba sông, đi qua con sông men theo cánh rừng tới chỗ đó, nơi đó như một cái đồi to trước mặt và sau lưng đều có sông chảy, có chừng hơn chục nóc nhà quanh đó, ở đây một lần anh Tiến cùng anh Tân đi công việc về buổi tối, khi vừa qua cây cầu lên một cái dốc thì bất chợt hai anh nhìn thấy một người đàn bà đi ngược từ phía sông lên cắt ngang qua trước mặt hai anh, trời tối nhưng có trăng sáng nên hai anh đều nhìn thấy rất rõ đó là người đàn bà, anh Tiến kể lại lúc đó anh Tân vác cái xe đạp đi phía sau cách chừng chục mét, anh Tiến thấy có cảm giác rất lạ khi nhìn người đàn bà, người này mặc cái váy như người Lào hay mặc nhưng lại quấn lại phía dưới đầu gối hở chân phía dưới, và tiếng bước chân nghe bịch bịch rất lạ, như thể chị ta đang vác thứ gì đó rất nặng, anh Tiến cố nhìn kỹ thì ui trời..hai cái bàn chân người này to như hai con ba ba khổng lồ, gần như cái mâm, màu đen đen nhờ nhờ hệt như màu con ba ba..anh giật thót mình đứng lại đợi anh Tân, rồi lắp bắp nói Tân ơi mày xem bà kia chân bị sao kìa..anh Tân cũng hạ cái xe xuống nhìn, rồi cả hai anh cùng móc đèn pin ra soi, một cảnh khá kinh hãi, một người đàn bà có màu xanh lét như màu của lá cây và hai bàn chân xoè ra to kinh khủng, những ngón chân ngọ nguậy như cái đầu con ba ba hay rùa, và bàn chân cũng hình dáng hệt như con ba ba, người này ngoe nguẩy đi lạch bạch lên phía trên dốc..hai anh sợ quá vứt cái xe đạp vùng chạy quay trở ra không dám đi tiếp theo đường đó nữa.

Còn tôi và anh Ng. ở Như Quỳnh nhà có cây nhãn ma tôi đã kể một lần, thì cũng bị một vố nhớ luôn..

Hôm đấy mới tầm nhá nhem nhưng vẫn rõ mặt người, hai anh em tôi đi về qua cây cầu như cây cầu khỉ gần tới chỗ hai anh kia lần trước bị trêu, khi đang qua cầu tôi lò mò đi trước anh Ng đi sau, chợt tôi nghe anh nói, ơ cái cậu này phởn lắm hay sao còn nhảy nữa, tôi quay lại hỏi anh, anh nói gì ạ, anh gắt; đừng rung nữa ngã lộn xuống nước bây giờ..

Tôi ngơ ngác bảo anh, em có rung đâu..và thoáng giật mình, khi thấy anh Ng cứ chao đảo nghiêng ngả hai tay dang ra...tôi vội bảo anh; anh sao thế, thì thấy anh có vẻ khang khác, chưa kịp nghĩ gì thêm thì tới lượt tôi, tôi thấy cây cầu khỉ dưới chân chao qua chao lại liên tục, tôi vội chùng gối xuống, đúng "nghiệp vụ" đặc công giữ thăng bằng khi vượt tường chùng hai gối xuống tay khép vào như cầm súng phía trước, chĩa hay cùi tay ra hai bên giữ thăng bằng...

Chùng gối như vậy kể cả có giữ thăng bằng trên dây cũng được, vậy mà chúng tôi vẫn chao đảo, cảm giác như đang đứng trên một con thuyền chứ không phải cây cầu, cúi nhìn xuống dòng sông..trời ơi, tôi thấy nó sâu thăm thẳm và như có sóng, thôi..bị trêu rồi, tôi ngoảnh lại thấy anh Ng giơ ba ngón tay ra hiệu che lên miệng, tôi hiểu ý anh, nín thở và nhắm mắt...

Sự chao đảo rung rinh dần biến mất..hai anh em nhanh chóng nhảy lên bờ túm tay nhau, ai cũng đầm đìa mồ hôi như tắm.

Khúc sông đó lúc đó cạn nhăn, trâu đi ăn cỏ về vẫn lội qua bì bõm nước chưa ướt bụng, và cái cầu đó làm từ ba cây nghẹ khá to, một loại cây giống cây nứa tộ, ở Lào rất nhiều, nó chỉ dài chừng 12-13 mét là cùng, và ở giữa có nhịp chống, nó có rung rinh khi điqua, nhưng không thể chao liệng như cái võng khi nãy được.. thật lạ lùng.

Trấn tĩnh một lúc, anh Ng hỏi nhỏ tôi, cậu thấy gì không, sao lại thế nhỉ??

Tôi nói với anh, lúc cầu lắc em thấy dưới sông như sâu lắm rồi có sóng nước nữa anh ạ. Anh lẩm bẩm..ừ tớ cũng thấy..

Hai anh em đang ngơ ngẩn bàng hoàng với nhau thì chợt phía bờ cỏ phía dưới cây cầu một đoạn, nơi đó có một vùng nước rộng hơn trên này chút có một tiếng cười khanh khách của đàn bà vang lên..cả hai anh em cùng giật mình kinh hãi ù té, tôi vừa chạy theo sau anh vừa cố ngoái lại nhìn nơi chỗ vừa phát ra tiếng cười nhưng chẳng thấy gì cả, tôi cúi xuống tính kiếm hòn đá tính chọi thẳng vào chỗ đó, nhưng anh Ng quát chạy về mau lên còn nghịch gì nữa...

Câu chuyện đó thật lạ lùng, khi sau đó tôi mới biết, nơi đó từng có ba người bị ngã xuống và chết đuối một người đàn ông, một đàn bà và một đứa trẻ đi chăn trâu về, và toàn chết vào mùa cạn, vì mùa nước thì chẳng ai dám đi qua cây cầu lỏng lẻo đó khi bên dưới nước chảy cuồn cuộn cả, họ đi cây cầu to hơn phía trên xa hơn vì phải đi vòng lên, và khi họ bị rơi xuống chết thì có khi nước chỉ qua đầu gối một chút, vậy mà chết đuối được, thật vô lý hết sức.

Nếu một mình tôi thì nói rằng tôi mắt bị quáng gà, sau này qua Cam tôi có gặng hỏi anh Ng lúc chỉ có hai anh em với nhau thì anh Ng cũng nói là khi cái cầu lắc, anh có nhìn xuống nước và thấy dòng nước như đang chảy cuồn cuộn, ầm ầm và tai anh ù đi, mắt thì hoa hết cả, tóc trên đầu anh như dựng hết lên, hai chân lạnh buốt như có hai bàn tay tóm lấy, tôi thì không bị như anh, và còn ngơ ngác khi mình vẫn đi bình thường thì nghe anh nói và quay lại thấy anh chao đảo, sau đó là bị chao đảo theo anh, và khi nhìn xuống nước đúng là tôi thấy nước rất to và như sâu thăm thẳm vậy, mà thực ra thì lúc đó nước cạn nhăn và đục ngầu bùn.

Và cả tiếng cười ma quái nữa, có nhiều người đi qua đó nghe thấy chứ ko riêng anh em tôi.

Nhiều câu chuyện thật lạ lùng và khó hiểu tới mức hoang đường, thật khó tin nếu như tôi không trực tiếp gặp nó.

Rảnh tôi xin kể tiếp cho mọi người nghe cho vui.

Chúc cả nhà tuần làm việc vui vẻ và ngủ ngon nhé.

BÌNH LUẬN
Đăng Truyện