Logo
Trang chủ
Đây là chương đầu tiên!
Chương 1: 82 trại

Chương 1: 82 trại

Duyên phận giữa Trương Khải Sơn và 82 trại, bắt nguồn từ đoạn duyên phận giữa Nhị Nguyệt Hồng và Đại thổ ty.

Năm đó, Nhị Nguyệt Hồng mất tích trong Miêu trại, trốn tránh truy sát, cùng với Tề Thiết Chủy, hai người do tình cờ mà bị ép vào đội ngũ đưa tang của Đại thổ ty, đưa tiễn đứa con nhỏ chết non của cô ta.

Khi ấy hộ pháp trong trại đang chuẩn bị sai võ phu tùy tùng giết chết kiệu phu người Hán trên đường vào Quỷ cốc, sau đó móc hai mắt của Đại thổ ty, phân thây ở sâu trong Tử Nhân cốc, nói dối rằng đứa trẻ thi biến đòi mạng.

Bấy giờ lòng Đại thổ ty lạnh như tro tàn, không ai ngờ được, trong đám kiệu phu lại còn có hai vị Nhị, Bát của Lão Cửu Môn Trường Sa. Giữa rừng cỏ lau, Nhị Nguyệt Hồng giết sạch những tùy tùng phản trắc kia, cũng đưa được Đại thổ ty an toàn về trại.

Khi ấy Đại thổ ty đã sinh lòng yêu mến, ngặt nỗi Nhị gia vừa mới tang thê, khó mà động lòng, tình cảm giữa hai người lỡ dỡ từ đây, kết quả lỡ một lần là mãi mãi. Về sau Nhị Nguyệt Hồng đề nghị Doãn Tân Nguyệt đưa Trương Khải Sơn đến lánh ở Miêu trại, mới bắt đầu đoạn duyên phận của Trương Khải Sơn với 82 trại.

Đây là tiền căn hậu quả của câu chuyện này, chuyện lướt qua nhiều năm quá khứ, Trường Sa hội chiến, máu nhuộm sông Tương, Lão Cửu Môn người người tử trận, quân Nhật Bản ép Ngô Lão Cẩu dùng chó của mình đi dò mìn khu mai phục, vì thế Ngô Lão Cẩu dẫn dụ quân Nhật vào hố mìn, chuẩn bị xả thân báo thù, không ngờ bầy chó ông nuôi lại được con đầu đàn chỉ huy lao hết lên người ông, trong khoảnh khắc mìn nổ liên hoàn, đã bảo toàn tính mạng cho Ngô Lão Cẩu.

Mà trong chiến dịch lần đó, Trương Khải Sơn trốn vào trong núi, cùng 82 trại liên tục triển khai ác chiến với quân Nhật. Nhưng bấy giờ Hồ Nam đã là trung tâm chiến tranh kháng Nhật, chiến tuyến trải dài vô cùng, cho nên bối cảnh lịch sử và vị trí địa lý của câu chuyện này đều hết sức đặc biệt. Nó diễn ra trong mấy năm thanh bình tạm thời giữa hai trận đại hội chiến, khu vực được đề cập đến cơ hồ trải khắp Hồ Nam.

Trong 82 trại, có ba đến bốn trại thuộc quyền quản lý của Đại thổ ty, tuy như vậy đã là quản mười mấy ngọn núi rồi, nhưng 82 trại tổng cộng còn có bảy thổ ty, ba mươi sáu tế ty… vô cùng phức tạp.

Lúc ấy cũng phân tranh không dứt, đặc vụ Nhật Bản nhiều lần trà trộn, tiến hành ly gián, hy vọng có được sự ủng hộ của một số người trong 82 trại, do đó đã cắt đứt tuyến tình báo và tuyến tiếp viện phức tạp như mạch máu ở cả Hồ Nam.

Nhân vật chủ chốt trong cuộc đấu tranh này là một ông cụ, ở đây chúng ta không thể gọi thẳng tên người này, có thể nói là thủ lĩnh của 82 trại. Ông ta có một xưng hô, địa vị vô cùng cao trong thần thoại Miêu tộc, tuy ông ta cũng không quản lý sự vụ thực tế, nhưng trong 82 trại, có quyền lực tối cao tuyệt đối.

Để lấy được sự ủng hộ của ông ta, nghe đồn Trương Khải Sơn và thủ lĩnh này đã bàn bạc trong mật thất suốt ba ngày. Từ đó, bọn họ đã đạt thành một giao ước, mà sau giao ước, Trương Khải Sơn dẫn người vào núi, đi những hai tháng.

Người đời sau đồn rằng Trương Khải Sơn đã vào núi làm một việc cho thủ lĩnh này, từ đó được 82 trại dốc sức ủng hộ. Nhưng không ai biết giao ước ấy là gì.

Câu chuyện này chìm trong những truyền kỳ tươi đẹp của Lão Cửu Môn thời Dân quốc, vốn không ai biết nó quan trọng cỡ nào, nó đáng lẽ là mảnh ghép quan trọng nhất trong cả bức tranh lịch sử Lão Cửu Môn.

Ở đây có mấy chi tiết.

Trước khi Trương Khải Sơn vào núi, hai mắt thủ lĩnh gần như đã mù, vì không ai ghi lại tuổi tác, cho nên không biết thủ lĩnh này đã bao nhiêu tuổi, nhưng có người từng nói, chưa gặp người nào già hơn thủ lĩnh. Đó là chuyện thứ nhất.

Kỳ lạ hơn là, thủ lĩnh này không bao giờ ngủ, mỗi buổi tối, ông ta sẽ ngồi xuống đối diện với núi sâu, dùng đôi mắt mù lòa của mình nhìn ngọn núi ấy, cho đến khi mặt trời ló rạng. Năm này qua năm khác, chưa từng có ai thấy ông ta ngủ. Hành động này của ông ta được xem là đang đợi người. Ông ta dường như vẫn luôn đợi một người nào đó từ trong núi sâu bước ra. Hành động này có lẽ đã kéo dài liên tục hơn 50 năm.

Thêm việc Trương Khải Sơn vào núi, câu chuyện này có vẻ như liên quan đến chờ đợi. Phải chăng ông ta cảm thấy thời gian của mình không nhiều nữa, mới bảo Trương Khải Sơn vào núi giúp mình tìm gì đó.

Mà trong số kết quả tôi điều tra được, chuyện này lại trở nên khá quỷ dị.

Vì sau khi Trương Khải Sơn trở về, ông cụ bắt đầu đóng cửa không ra ngoài. Trương Khải Sơn phái người canh chừng trước cửa nhà ông cụ, chuyện này khiến trong trại đồn rằng Trương Khải Sơn đoạt quyền muốn khống chế cả trại.

Trẻ con trong trại vô cùng ngỗ nghịch, không nghe dạy bảo, kéo đi nhìn trộm, còn thật sự có đứa nhỏ lách được thủ vệ, đến bên cửa sổ, thì thấy trong phòng của thủ lĩnh hoàn toàn không có ánh đèn, chỉ có thể nương theo ánh trăng để nhìn thấy một đống đất khổng lồ, nằm chễm chệ ngay chính giữa phòng, trong đống đất đó có thứ đang nhúc nhích. Nhìn màu sắc thì không phải đất xung quanh trại, nó mang một màu xanh xám kỳ lạ, người địa phương gọi nó là đất Thất Khiếu Linh Lung.

Miêu tộc có truyền thuyết về Thổ cô nương, truyền rằng có cô gái toàn thân lõa lồ, chỉ sống trong bùn đất, luôn xuất hiện với dáng vẻ trần truồng, dụ dỗ những người bán hàng rong ven đường, kéo vào trong đất, ăn thịt uống máu. Tương Tây có ghi chép, có thi thể phụ nữ đã thối rữa trồi lên từ đất đá trôi, nhưng trong bụng lại toàn móng tay người, những xác chết này thường được cho là thôn nữ gặp nạn, nhưng cũng có người nói, có những cái xác là Thổ cô nương bị đá rơi đè chết khi núi lở.

Vì thế trong trại bắt đầu đồn thổi, rằng thủ lĩnh nhốt một con Thổ cô nương trong nhà. Một tháng sau, thủ lĩnh ra khỏi nhà, đống đất đó cũng tự nhiên biến mất. Trương Khải Sơn vì thế cũng trở thành thượng khách.

Rốt cuộc Trương Khải Sơn đã làm việc gì cho thủ lĩnh, trong núi có cái gì, đống đất đó có lai lịch thế nào?

Từ một câu chuyện được ghi lại trong huyện chí địa phương Tương Tây, tôi đã tìm ra điểm đột phá, tiếp tục giải đáp chân tướng.

BÌNH LUẬN