Logo
Trang chủ

Chương 3: Dạ khúc

Ánh sáng của ban ngày vẫn còn rõ, nhưng Mặt Trời đã khuất dạng. Tôi lồm cồm bò dậy, tiến ra giữa con đường lớn, mắt nhìn thẳng về phía xa nơi con đường khuất sau đỉnh dốc. Kế hoạch B cũng tan thành mây khói. Quốc lộ 1 là con đường huyết mạch chạy ngang thành phố Biên Hòa, xe cộ ùn ùn qua lại cả ngày lẫn đêm, thế mà giờ đây lại vắng lặng đến kinh hoàng.


Đoạn đường ngay chỗ tôi đang đứng trước đây rộng rãi với sáu làn xe, giờ hẹp lại chỉ còn một nửa. Phần đường ở phía ngoài bị vùi lấp hoàn toàn bởi đất đá và các loại cỏ dại. Phía trong, phần lòng đường sát dải phân cách trung tâm tuy vẫn còn thông thoáng nhưng cũng xuất hiện lác đác các bụi cỏ nhỏ, vài nơi còn nứt toác vì mặt đường bị rễ ngầm của các gốc cây lớn xé toạc.


Mặt đường không còn giữ được hình dáng ban đầu của lớp hắc ín mà bị bao phủ một lớp đất, thứ mà tôi nghĩ là do lá cây tích tụ lâu ngày phân hủy mà thành. Lớp đất này không phủ đồng đều mà mỏng dần từ ngoài vào trong, có lẽ bởi mặt đường thường được thiết kế hơi dốc ra hai bên nhằm thoát nước, vì vậy lớp đất mùn đã bị các cơn mưa cuốn bớt ra ngoài. Cũng nhờ vậy mà hai làn đường trong cùng mới không bị nhấn chìm trong biển cây cối cỏ dại.


Đám dây rừng phủ kín hàng cột điện hai bên đường, những sợi dây điện thì bị biến thành giàn leo bất đắc dĩ. Chúng phủ kín từ gốc cho đến đỉnh, tràn lên cả đường dây điện như thể quyết tâm quật ngã vật chủ cho bằng được. Cách không xa chỗ tôi đứng là một cây cột điện đã gục ngã, không rõ đã có chuyện gì, nhưng nó đổ bật cả gốc và làm đứt luôn đường dây chính. Lực kéo mạnh cũng khiến hai cây bên cạnh xiêu vẹo theo.


Không chỉ có cỏ dại và dây leo, khu vực hai bên đường giờ đây cũng đầy những cây thân gỗ lớn. Chúng đều cao cỡ tòa nhà ba bốn tầng, có khi hơn, nhiều cây có tán to đến nỗi có thể đổ bóng tới con lươn giữa đường. Phía xa trên đỉnh dốc là một thân cây rất lớn, và nếu tôi không lầm là nó còn mọc ngay giữa đường, ngay vị trí của giải phân cách.


Phía sau tôi là cầu vượt Amata của nút giao Bati, chạy thẳng qua cầu là hướng về Sài Gòn, rẽ phải là về ngã tư Tân Phong, còn nếu rẽ trái sẽ vào lại khu công nghiệp, cũng chính là con đường mà tôi đã định băng suối để tắt qua vào sáng nay.


Tôi lững thững quay đầu đi lên cầu với một mục tiêu mơ hồ là lên được tới điểm cao nhất.


Cây cầu trông hơi cũ nhưng vẫn còn khá chắc chắn. Cỏ mọc lác đác trên mặt cầu và thưa dần khi lên tới đỉnh, hai bên lan can cũng bị bám nhiều dây leo, nhưng là một loại leo thân nhỏ gần giống dây tơ hồng chứ không phải loại khổng lồ tôi thường thấy. Con đường cắt ngang phía dưới cầu giờ là thiên đường cho địa y và dương xỉ. Do nền đất phía dưới khá ẩm ướt lại còn bị khuất sáng bởi cây cầu và những tán cây xung quanh nên đám dương xỉ được đà xâm chiếm toàn bộ, chúng mọc chi chít sát chân cầu, lan lên hai hàng tường đá, tràn ra cả lòng đường, nhiều đến mức tôi đã nghĩ bóng râm lan đến đâu là chúng sẽ đến đó.


Tôi đứng trên đỉnh cầu, nhìn về phía Tây nơi chút ánh sáng cuối cùng chuẩn bị vụt tắt mà lòng trống rỗng. Tôi cứ đứng đó mãi, cho đến khi bóng tối che phủ mọi thứ. Sợ thì cũng đã sợ rồi, lo lắng thì cũng đã lo rồi, giờ phút này đây tôi phải đối mặt với một sự thật nghiệt ngã rằng tôi đang phải đơn độc giữa một thành phố hoàn toàn hoang vắng.


Tối hôm đó, tôi đã quyết định ngủ lại trên cầu, vì chẳng còn biết đi đâu nữa. Có quá nhiều khúc mắc mà tôi cần phải tìm ra câu trả lời, chuyện gì đã xảy ra ở quá khứ, và lối thoát nào cho hiện tại.


Tôi lấy 3 chai nước suối trong ba lô, giữ lại một chai để uống, 2 chai kia thì dùng để rửa các vết thương. Tôi không chắc nước này có thực sự sạch như bề ngoài của nó không, nhưng cũng chẳng còn lựa chọn nào khác. Người tôi đầy các vết cắt và trầy xước, những vết thương tuy không sâu nhưng lại bám đầy bụi đất và có nguy cơ bị nhiễm khuẩn nếu không được vệ sinh cẩn thận.


Sau khi rửa sạch các vết thương, tôi lấy phần cơm dừa còn lại để ăn tối. Tôi cố ăn hết, vì dừa rất dễ hư hỏng, không thể bảo quản lâu. Nước dừa thì đã uống hết từ lâu, chai nước còn lại sẽ đủ cho thêm một ngày nữa nếu tiết kiệm. Sáng mai, việc đầu tiên tôi cần làm là tìm kiếm nước và thức ăn, nhưng có lẽ sẽ không quá khó khăn, vì siêu thị Lotte giờ đã ở ngay trước mặt. Trời tối mịt nên tôi không thể thấy gì nhiều ngoài một bóng đen lớn vuông vức nằm chìm trong khu rừng rậm rạp.


Bóng đêm mỗi lúc lại thêm dày, Mặt Trời chỉ khuất bóng mới được gần nửa tiếng mà chẳng khác nửa đêm, tối đến mức ngay cả bàn tay đang giơ trước mặt cũng không thể nhìn thấy được. Thật may mắn vì tôi đang ở trên đỉnh cầu, cách mặt đất đủ xa để có thể tạm yên tâm về các loài thú dữ. Khi thị giác đã hoàn toàn vô dụng, thì thính giác lại trở nên vô cùng nhạy cảm, tôi có thể cảm nhận được đủ mọi loại âm thanh. Ban đầu chỉ là tiếng gió rào rào thổi vào đám lá rừng, dần dà lại thêm tiếng vượn "khọc khẹc" ở đâu đó vọng lại, nhưng kinh dị nhất phải là những tiếng "oọc oọc oọc..." kéo dài tưởng chừng tới vô tận. Tôi biết đó là tiếng cú mèo, nhưng không thể tưởng tượng được nó lại ghê rợn đến vậy khi được đặt trong hoàn cảnh này.

Ban đầu, mỗi phút trôi qua trong bóng tối đều khiến tôi sợ hãi, nhưng rồi dần dà tôi cũng trấn tĩnh được bản thân vì hiểu được vị trí của mình lúc này. Tôi đang ở đỉnh cầu, cách xa mặt đất, với hai lối xuống đều trống trải. Độ cao cách xa mặt đất sẽ giúp tôi tránh được phần lớn đám thú đêm tò mò, vào ban ngày tầm nhìn thoáng của nơi này sẽ giúp tôi sớm phát hiện khi có kẻ thù tấn công. Ngay cả trong tình huống xấu nhất là bị thú dữ áp sát bất ngờ, tôi vẫn có thể thoát thân bằng cách đu mình xuống thành cầu. Tôi đã cột sẵn một sợi dây leo chắc chắn vào lan can cầu rồi thả đầu còn lại xuống phía dưới, tạo thành một lối thoát hiểm khẩn cấp khi cần.


Sau hơn một giờ ngồi trong bóng tối, các giác quan của tôi bắt đầu quen dần. Những âm thanh ghê rợn đã không còn là mối bận tâm quá đáng nữa, và thế là tôi bắt đầu suy tư về mọi chuyện.


Người đầu tiên tôi nghĩ đến là ba mẹ mình, giờ họ thế nào. Hiện tại ở dưới quê có giống như ở đây không, họ vẫn sống bình thường hay cũng phải loạn lạc như tôi. Nhưng người tôi nghĩ đến nhiều nhất lại là bạn gái, cô ấy đang ở đâu giữa thành phố hoang tàn này, có còn sống không, và cô ấy có biết chuyện gì đã xảy ra với mọi thứ. Còn tất cả mọi người khác nữa, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, tất cả họ đã biến đi đâu cả rồi, và tại sao mọi thứ chỉ diễn ra chỉ trong một đêm ngắn ngủi như thế. Rồi tôi lại tưởng tượng ra cảnh mọi người vẫn còn sống, đang ăn uống vui vẻ với nhau ở đâu đó, bởi lẽ suốt chặng đường để đến được đây, tôi chưa hề thấy một cái xác nào cả.


Tôi bắt đầu tức giận, một chút hận thù thoáng bập bùng xen lẫn với cảm giác đau đớn vì bị phản bội. Nếu mọi người còn sống, thì tại sao lại bỏ tôi lại. Đành rằng mọi người như thế, nhưng tại sao, ngay cả cô gái tôi từng thương yêu cũng ra đi không một lời từ biệt. Đã bao lâu trôi qua rồi, chắc hẳn giờ cô ấy đang vui vẻ với một thằng ất ơ nào đó. Nghĩ đến đó, nước mắt tôi muốn trào ra.


Tôi lại nhớ về con em gái, tôi và nó vốn rất thân, mấy hôm trước nó còn lặn lội từ Sài Gòn xuống rủ tôi đi ăn, thế mà giờ đây như cách xa ngàn dặm. Tôi đau lòng khi nghĩ rằng cả nó cũng bỏ tôi lại, nhưng tôi không khóc. Có lẽ vì tôi nghĩ em gái tôi sẽ không bỏ tôi lại nếu không có lý do đặc biệt, nó là đứa mạnh mẽ và đáng tin, nếu nó bỏ tôi lại thì hẳn phải có lý do. Nghĩ đến đây tôi lại thấy mình thật chẳng ra gì, tôi nghĩ tốt cho cô em, nhưng lại nghĩ xấu cho bạn gái. Đôi khi tình yêu lại khiến người ta mù quáng mà đánh rơi cả lý trí. Bạn gái tôi cũng sẽ không bỏ tôi lại trừ trường hợp bất đắc dĩ, sẽ ra sao nếu cô ấy không thể đến tìm tôi vì một lý do nào đó, nhưng là lý do nào? Tôi cố lẩn tránh, “lý do nào chứ? Không lẽ cô ấy đã...”. Tôi không dám nghĩ, nước mắt tuôn trào ra vội vã. Tôi muốn lập tức đến kiểm tra nhà cô ấy, gần đây thôi, không quá một cây số, nhưng tôi sẽ phải chờ đến sáng, vì giờ này đến một trăm mét cũng không thể đi nổi.


Lòng tôi nóng như lửa đốt, tôi cảm thấy hối hận và ước rằng cô ấy đã bỏ tôi lại. Thật không dễ dàng gì khi biết cô ấy đang hạnh phúc bên người khác, nhưng như thế vẫn đỡ đau lòng hơn việc nhìn thấy cô ấy phải chết.


Tôi nằm xuống và thiếp đi một lúc, rồi lại tỉnh dậy vì tiếng côn trùng vo ve bên tai. Trời vẫn tối đen như mực, còn tôi thì không rõ mình đã ngủ được bao lâu. Muỗi nhiều kinh khủng, chúng khiến tôi phát điên và không thể nào ngủ lại được. Đầu óc rảnh rỗi khiến những suy nghĩ tiêu cực vẩn vơ cứ lảng vảng dù tôi đã cố gắng xua đuổi.


Tôi bắt đầu suy nghĩ về thành phố này, về thứ đã khiến nó thay đổi kinh ngạc sau vỏn vẹn một đêm. Từ một thành phố sôi động đã biến thành một quang cảnh hoang tàn vắng bóng người thừa bóng cây. Khung cảnh hoang vắng này đã tồn tại bao lâu rồi, năm năm hay mười năm, tôi cũng không chắc lắm, nhưng rõ ràng không phải một sớm một chiều.


Tạm bỏ qua hết những sự kiện tận thế đã xảy ra trong quá khứ, thì vẫn còn đó một điều bí ẩn vô cùng quái đản, đó chính là sự hiện diện của tôi. Cứ cho là bằng một cách may mắn nào đó tôi đã sống sót qua những vụ hủy diệt, thì tại sao một cơ thể con người có thể tồn tại được sau bằng đó năm mà không cần ăn uống gì.


Giả thuyết đầu tiên tôi nghĩ đến là du hành thời gian, nghe qua thì thật ngớ ngẩn, nhưng trong hoàn cảnh quái dị này thì có điều gì là không thể xảy ra được? Theo cách lý giải này thì tôi đã bị dịch chuyển đến tương lại trong lúc ngủ, và ở đích đến là thế giới đã phải trải qua một sự kiện tận thế nào đó. Rất hợp lý nhưng quá viễn tưởng, vì chuyện du hành thời gian ở thế kỷ này là cực kỳ viển vông.


Có một giả thuyết khác khả dĩ hơn nhiều, rằng tôi đã rơi vào tình trạng ngủ đông hàng năm trời, và trong suốt quá trình đó, đã xuất hiện một sự kiện diệt vong quét sạch mọi người. Giả định này có phần khớp hơn so với thực tế, vì cơ thể của tôi có vài điểm không giống trước đây, mà rõ ràng nhất là ở ngay trên đầu:

Mái tóc của tôi đã dài chấm vai.

Tôi chưa từng có ý định nuôi tóc, nhưng giờ đây lại có một mái tóc dài đáng kinh ngạc. Tóc đã mọc thêm chừng một gang tay kể từ lần gần nhất tôi soi gương. Với tốc độ mọc tóc trung bình, cần khoảng một năm để đạt được độ dài này, nhưng chừng đó thời gian không đủ để cây cối phát triển thế kia. Nên lời giải thích hợp lý nhất chính là do tình trạng ngủ đông đã khiến tốc độ phát triển của tóc bị chậm lại.


So với việc du hành thời gian, kỹ thuật ngủ đông không quá mang tính viễn tưởng, tuy chưa được công bố chính thức nhưng khoa học đã có nhiều bước tiến trong kỹ thuật này, và biết đâu đã có những dự án bí mật được thực hiện thành công rồi. Dù sao cũng dễ chịu hơn khi nghĩ thời gian trôi qua chỉ vài năm bằng việc ngủ đông, so với việc đã du hành qua hàng trăm năm trên một cỗ máy thời gian. Một trăm năm, nghĩa là tôi sẽ không còn cơ hội nào gặp lại một người thân nào nữa. Nhưng dù là giả thuyết nào đi nữa, thì câu hỏi lớn nhất vẫn còn đó, tại sao lại là tôi?


Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dù chuyện gì đã xảy ra thì tôi cũng phải chấp nhận một thực tế rằng mình không thể thay đổi hoàn cảnh. Chỉ có một lựa chọn duy nhất là tiếp tục tiến lên, cố gắng thoát khỏi đây để tìm lại mọi người. Âm thanh vo ve khó chịu của đàn muỗi ngăn cản tôi chìm vào giấc ngủ, chúng khiến cơ thể mệt mỏi này không tài nào được nghỉ ngơi, để rồi tâm trí bị chìm đắm trong những cơn mộng tưởng không đầu không cuối.


Tôi thấy mình quanh quẩn ở công ty, vui vẻ cười đùa với đồng nghiệp với xấp thiệp mời đỏ chói trên tay. Rồi tôi thấy mình ở đám cưới, tươi cười hạnh phúc bên cô dâu xinh đẹp tuyệt trần. Tâm thức tôi liên tục bị đẩy từ khung cảnh này qua khung cảnh khác, cả quá khứ và những tương lai mộng tưởng. Tôi thấy mình đang vui đùa bên vợ và đứa con trai lém lỉnh nghịch ngợm, tôi song hành cùng con qua những bước đi đầu đời, ôm chặt con vào lòng và cảm nhận rõ ràng sự hạnh phúc khôn tả. Tôi lại thấy mình đứng trước cửa phòng sanh, trên tay vợ là cô con gái bé nhỏ đang rúc đầu vào ngực mẹ. Chưa bao giờ tôi thấy mình hạnh phúc như vậy.


Tôi mở mắt vì bị đánh thức bởi ánh sáng ban ngày, với hai dòng lệ chảy ướt đẫm từ khóe mắt tới mang tai. Tôi đừng dậy và vẫn sững sờ vì không phân biệt được đâu là thực tại. Khi thành phố hoang tàn hiện ra sững sờ dưới ánh nắng mai, tôi thấy tim mình đau nhói, và căm hận cái thực tại nghiệt ngã này, tự trách mình tại sao không ngủ luôn trong những giấc mơ kia mà lại thức dậy làm gì.


Tôi đứng đó một hồi lâu, cố sốc lại tinh thần, vì ngày hôm nay có rất nhiều việc phải làm. Một điều an ủi là các vết thương của ngày hôm trước đều bắt đầu khô lại, dường chúng lành lại nhanh hơn nhiều so với bình thường. Điều này khá kỳ lạ, nhưng tôi cũng không để tâm nhiều, lành nhanh thì tốt chứ có gì đâu mà phải băn khoăn.


Nhà bạn gái tôi cách đây không xa, gần một cây số về phía Tây, tôi có hai lựa chọn, một là rẽ vào đường Dã Tượng rồi đi tắt qua các con ngõ nhỏ, lối này khá gần nhưng có vài đoạn phải vào ngõ nhỏ mà nguy cơ cao là đã bị chặn lại bởi cây rừng. Rút kinh nghiệm của ngày hôm qua, tôi sẽ chọn phương án thứ hai, đi đường vòng theo quốc lộ đến ngã tư Tam Hiệp rồi rẽ vào đường Phạm Văn Thuận, tất cả đều là đường lớn.


Trên đường đi, tôi sẽ ghé ngang cầu Suối Linh, và có thể lấy thêm nước để dự trữ. Thêm nữa là trên đường Phạm Văn Thuận có rất nhiều cửa hàng lớn, biết đâu tôi có thể tìm thấy được thứ gì đó hữu dụng. Nhắc đến những thứ hữu dụng thì siêu thị Lotte chỉ cách nơi tôi đứng vài chục bước. Nếu tôi cần gì thì hẳn phải tới nơi đó trước tiên.


Siêu thị trước mặt tôi hiện đã xuống cấp trầm trọng, bảng đèn hiệu đã hư hỏng nặng và gần như không thể nhận ra lô gô Lotte quen thuộc. Các tấm pa nô quảng cáo đã bị mục rữa hoàn toàn, chỉ còn trơ ra phần khung thép han rỉ. Hai bức tường lớn đầy vết loang lổ nhiều màu sắc, có lẽ là do một loại rêu mốc nào đó. Thậm chí, vài loại cỏ còn bay được lên tận mái và sinh sôi um tùm trên đó.


Đứng trên đỉnh cầu, tôi quan sát cẩn thận toàn khu vực trước khi bước xuống để tìm lối vào. Trước đây, có một công viên nhỏ ở ngay bên cạnh siêu thị, giờ thì khu đó đã trở thành một rừng cây nhiệt đới rậm rạp. Những cây cũ trước đây đã phát triển thành những thân cổ thụ khổng lồ vươn tán lá tới tận đỉnh cầu, những bãi cỏ thì được thay thế bởi một rừng cây đủ mọi loại lớn nhỏ hỗn tạp. Nét thoáng đãng thanh tao của một công viên hiện đại đã hoàn toàn biến mất để nhường chỗ cho một khu rừng dày đặc cây cối đến ngột ngạt.


Nếu để ý kỹ sẽ thấy ở giữa công viên có một căn lều nhỏ để du khách nghỉ chân. Đó là nơi mà các cặp đôi thường hẹn hò vào buổi tối, ôm ấp hôn hít này nọ, dĩ nhiên chúng tôi cũng không ngoại lệ. Trông nó có vẻ đã xuống cấp nặng nề với phần mái xiêu vẹo và lủng lỗ chỗ. Nơi đó gợi lại cho tôi nhiều ký ức vui vẻ, nhưng giờ không phải lúc để hoài niệm.


Rẽ trái từ đầu cầu phía Nam là đường vào bãi giữ xe máy. Tương tự tình trạng chung, có một vết nứt dài cắt ngang mặt đường của lối vào, và từ đó mọc lên một thân cây me to bằng cẳng chân người lớn. Dựa vào chiều cao cây, tôi đoán nó tầm ba năm tuổi, đồng nghĩa với việc tôi đã ngủ quên ít nhất chừng đó thời gian.


Khu vực giữ xe máy rất thông thoáng vì được đặt ở tầng trệt, và thiết kế theo phong cách tường hở nên gió cứ lùa vào ào ào. Bức trần nhà xàm ngoét đóng đầy mạng nhện, nền nhà thì bị phủ một lớp đất cát mỏng. Lớp đất này có xu hướng dầy và ẩm ướt hơn khi ở gần chân tường, đến nỗi đủ để dương xỉ mọc thành rừng ở đó. Nhìn kỹ có thể thấy lác đác vài bao ni lông cũ rách nằm bẹp dí dưới lớp đất mỏng. Vẫn còn chừng hơn chục chiếc xe máy, đa phần đổ chổng trơ, chỉ chừa lại ba chiếc còn đứng vững. Tôi có ngó qua, tất cả chúng đều bị phủ một lớp bụi dày, một nửa trong số chúng còn lộ rõ các vết rỉ sét trên linh kiện, vài chiếc còn rụng luôn cả pô xe trông thảm hại vô cùng.


Tôi đã nghĩ đến việc trưng dụng đám ngựa sắt này, nhưng nhìn tình trạng tệ hại này cộng với việc phát hiện ra là làm gì có chìa khóa nên đành bỏ qua mà đi thẳng vào trong sảnh.

Khá bất ngờ là hệ thống cửa lùa vẫn còn nguyên vẹn, dù không hoạt động. Phá vỡ kính, tôi bước vào bên trong. Sảnh trệt khá nhỏ và cũng không có gì đặc biệt, các cửa hàng vắng lặng, bàn ghế phủ đầy đất đá, nấm mốc và cả mạng nhện. Không khí nồng nặc một mùi hôi khó chịu, hình như là mùi ẩm mốc lâu ngày. Tầng này có ba cửa ra vào, một là cửa thông vào nhà xe mà tôi vừa phá, hai cửa còn lại trổ ra hai mặt tiền thì đã đổ gãy xiêu vẹo. Giàn tường bằng kính trong suốt hướng mặt tiền thì bị bụi ám thành một màu vàng nâu. Hai ô kính bị vỡ nát, một vài ô khác xuất hiện những vết nứt nhỏ, nhưng đa phần còn lại thì không hề hấn gì ngoại trừ bụi bặm.


Khác với tầng trệt với phần lớn diệt tích là bãi đỗ xe và vài cửa hàng nhỏ, các lầu trên mới là nơi có nhiều hàng hóa, đặc biệt là lầu 3, nơi bày bán hàng trăm loại thực phẩm đủ loại. Đó mới là mục tiêu tôi muốn đến. Có một chiếc thang máy được đặt đối diện nhà vệ sinh để lên thẳng lầu 3, nhưng không cần kiểm tra cũng biết nó vô dụng.


Giờ đây, trước mặt tôi là những bậc thang cuốn đứng bất động, phủ bụi và tối mịt. Rất khó để có thể quan sát được gì từ phía dưới, vì tầng trên gần như không được chiếu sáng.


Mới bước được nửa số bậc của thang cuốn, tôi gần như bị ngạt thở bởi một mùi hôi nồng nặc, dường như cứ thêm mỗi bước thì nó lại càng đậm đặc hơn. Đó là một mùi khai và chua đặc trưng xen lẫn mùi ẩm mốc, trong chốc lát tôi đã nghĩ mình sẽ ngất xỉu. Khi đã lên hẳn được lầu 1, sự tối tăm mới bắt đầu phô diễn sức mạnh. Không giống như tầng trệt, các tầng lầu ở đây đều không được bố trí cửa sổ nên ánh sáng hầu như không thể tới được bên trong. Từ vị trí tôi đứng, vẫn có thể lờ mờ trông thấy mọi thứ nhờ chút ánh sáng của tầng trệt hắt lên, nhưng nếu đi thêm vài bước thì tôi không dám chắc.


Do đây là tầng của các kiot cho thuê, nên người ta thiết kế cầu thang hơi lạ, khu vực cầu thang lên lầu 1 và cầu thang lên lầu 2 được đặt ở hai nơi cách xa nhau, chủ yếu là để buộc khách hàng phải dạo bộ qua các gian hàng trước khi lên tầng cao hơn. Điều này tốt cho doanh thu của siêu thị, nhưng lại là trở ngại lớn cho tôi lúc này. Vì muốn lên tiếp, bắt buộc phải mò mẫm một đoạn dài trong bóng tối, và cũng vì kiểu thiết kế này mà ánh sáng từ tầng trệt không thể theo lối cầu thang mà lên được các tầng cao hơn.


Với chút ánh sáng ít ỏi, tôi dạo một vòng quanh mấy shop quần áo, và nhận ra chẳng còn lại gì. Có lẽ các chủ cửa hàng đã kịp thu dọn đồ đạc trước khi biến mất, duy có một cửa hiệu khá lớn vẫn còn lại vài thùng đồ, đây hẳn là những thùng hàng rẻ tiền mà người ta không thèm mang theo. Thật may mắn vì tôi có thể tìm được một cái áo dài tay có vải khá dày để thay cho cái áo T-shirt nhăn nheo bụi đất đang mặc. Tôi cũng tìm được một chiếc giày và một cái áo khoác, ngoài việc chúng khá rộng thì cũng không còn gì để chê. Thật là một cảm giác dễ chịu khi được nhét cái bàn chân thô ráp đầy vết xước vào một chiếc giày, cho dù nó cũng không êm ái cho lắm. Tôi cố tìm thêm một chiếc quần jean để thay cho chiếc quần đang mặc, nhưng không thấy.


"XOẢNG", một tiếng động lớn khiến tôi giật mình. Thì ra đó là âm thanh của kính vỡ do tôi vô tình đẩy trúng một chiếc gương làm nó đổ sập.


Chưa kịp hoàn hồn, thì tôi lại bị dọa chết khiếp bởi một âm thanh khác phát ra từ lầu trên. Âm thanh đó mỗi lúc lại lớn và kinh dị hơn khiến tôi lạnh xương sống thực sự. Là tiếng khóc của một đứa bé sơ sinh.


Tôi đông cứng trong vài giây, rồi quay đầu dọt lẹ. Khi yên vị ở tầng trệt với đầy đủ ánh sáng và sự bình tĩnh đầy đĩnh đạc, tôi mới cảm nhận rõ ràng sự hèn nhát của bản thân. Thật nực cười cho cái kẻ sợ ma sợ quỷ trong khi còn không lo được thức ăn để lấp đầy cái bụng đói. Trong hoàn cảnh này, tôi chẳng còn gì để mất mà phải sợ hãi một thứ ma quỷ viển vông. Nếu đó thực sự một đứa trẻ thật, thì tôi lại càng có lý do phải vào mà giúp đỡ nó. Một thanh niên sức dài vai rộng như tôi còn bế tắc không chắc sống nổi ở nơi đây, một đứa trẻ sẽ xoay sở thế nào? Không đời nào tôi lại ra đi để rồi mang theo suốt phần đời còn lại một ký ức hèn hạ như vậy.


Biết đâu đây lại là một phép thử cuộc đời, rằng nếu tôi có ý lên trên đó để giúp đứa bé thì sẽ tìm thấy luôn cả cha mẹ nó trên đó. Trong cái hoàn cảnh này khốn nạn này, việc tìm thấy người còn sống chẳng quá đáng giá hay sao. Tôi lấy lại can đảm và bước lên cầu thang, lần này, để chắc ăn tôi cầm theo một khúc sắt han rỉ nhặt được ngoài bãi giữ xe, nó nhẹ và cơ động hơn so với chiếc rựa nặng nề.


Khi lên lại đến bậc cuối cùng, cái mùi hôi khó chịu kia lại xộc thẳng vào mũi làm tôi tỉnh cả người. Nhờ nó, tôi bắt đầu lờ mờ đoán ra được chuyện gì đang xảy ra ở các tầng trên.


Tiếng khóc bỗng ngừng lại khi tôi tìm được cầu thang dẫn lên lầu hai. Bên trên vẫn khá tối, dù tôi nhớ rằng có một ô cửa sổ ở gần lối ra của cầu thang lầu hai. Hóa ra, khung cửa sổ vốn đã nhỏ nay còn bị khuất bởi một tán cây khổng lồ, che hết hoàn toàn ánh sáng chiếu vào. Lớp kính chắn đã vỡ tan tành.


Những tia sáng mỏng manh chiếu qua khung cửa sổ không đủ để tôi nhìn rõ toàn khung cảnh, nhưng với những ký ức sống động trước đây tôi vẫn có thể hình dung ra cách bố trí của nơi này.


Trước mặt là lối vào, rẽ trái là khu sách báo và dụng cụ, rẽ phải là khu quần áo và đồ gia dụng. Không đủ ánh sáng để nhìn được toàn cảnh, nhưng nhìn cảnh tượng trống rỗng và ngổn ngang của các quầy hàng phía ngoài, tôi khá chắc rằng toàn bộ các quầy hàng phía trong cũng tương tự. Cả siêu thị này chắc cũng chẳng còn gì giá trị.


Ngay khi tôi có ý định sẽ đảo qua một vòng để tìm kiếm những thứ còn lại thì tiếng rên khóc bí ẩn lại cất lên. Lần này, thanh âm ấy mang đầy nét quỷ dị chứ không mơ hồ như trước, vì kèm theo nó là hàng trăm đốm sáng nhỏ tròn xoe đang lập lòe, hệt như những bóng ma trơi trôi lập lờ trên một dòng sông mênh mông đen kịt.

BÌNH LUẬN