Logo
Trang chủ

Chương 2: Bí Ẩn

Người đàn ông đứng phía trước liền đáp,

-Tại hạ họ Đinh, tên Bộ Lĩnh, người gốc Hoan Châu, gia cảnh vì biến loạn mà phải theo mẹ đến vùng Nho Quan mà tìm kế sinh nhai. Tại hạ vốn nghe tiếng Minh Công là người đức độ nhân nghĩa, nay cùng con sai đến đây xin được nương nhờ dưới thành Kỳ Bố, khẩn mong Minh Công cho cha con chúng tôi được toại nguyện.

Minh Công nghe đến hai từ họ Đinh thì chột dạ, trong lòng liền nhớ đến những gì mà trước đây Tô Hiển đã từng nói. Đắn đo một hồi, Minh Công sai người sư gia sắp đặt chỗ ở cho cha con họ Đinh, lại cấp cho ruộng vườn để canh tác làm ăn, sự đối đãi thực là hào sảng. Bộ Lĩnh ở thành Kỳ Bố được non mười ngày thì đại quân Lã Đường từ Tế Giang kéo đến làm loạn. Minh Công khi ấy đã già yếu, tuy rằng là người giỏi quân cơ nhưng dưới quyền lại không có dũng tướng để làm tiên phong. Bộ Lĩnh nghe được tin này thì liền xin vào phủ Minh Công bàn chuyện, y thuyết phục Minh Công giao cho ba ngàn kỵ mã, lập quân trạng lệnh thề chém đầu tiên phong của địch để giải vây cho Kỳ Bố. Minh Công tuy rằng vẫn đắn đo, nhưng về sau vì không có lựa chọn nào khác, đành thuận theo ý của Bộ Lĩnh mà làm.

Bộ Lĩnh đưa kỵ quân ra mặt bắc thành, một mình một ngựa tiếng lên phía trước. Quân Kỳ Bố thấy tướng tiên phong khí lực ngút trời thì nổi trống hò reo, sĩ khí lan toả đi tận bốn bề. Lữ Đường chứng kiến nhuệ khí quân địch tựa hồ như cuồng phong bạo vũ thì trong lòng sinh ra lo ngại, y sợ rằng nếu như không nhanh chóng phá được Kỳ Bố thì đại quân tất sẽ lâm nguy. Nói đoạn, Lữ Đường liền cử bộ tướng là Nguyễn Hạo dẫn theo binh mã đến đánh tiên phong. Nguyễn Hạo thúc ngựa lên phía trước, hắn nhìn thấy Bộ Lĩnh thì liền thị uy,

-Người ở phía trước tên họ là gì, thấy bổn tướng xông trận còn không mau xin hàng.

Bộ Lĩnh nghe thế thì cười lớn, một tay giữ chặt cương ngựa, một tay cầm tiêm thương hướng về phía Nguyễn Hạo. Đoạn nói,
-Xưa nay Kỳ Bố và Tế Giang nước sông không phạm nước giếng, Minh Công lấy cái nhân nghĩa mà đối nhân xử thế, ấy vậy mà Lữ Đường lại khởi binh đến đánh. Ta khuyên các ngươi nên quay đầu thì hơn, nếu không chớ trách họ Đinh ta vô tình.

Nguyễn Hạo sôi máu, hắn ta lập tức hạ lệnh cho hai đạo quân công thành, bộ binh hò nhau xung trận nghe thực cuồng bạo. Đinh Bộ Lĩnh thấy giặc đánh vào thì hô lên,

-Bắn

Cả trăm tiễn thủ từ trên thành Kỳ Bố thay nhau phóng tên về hướng tiến quân của Nguyễn Hạo. Nền trời đổi sắc, máu tanh nồng nặc, Nguyễn Hạo vì quá khinh địch mà nay rơi vào cạm bẫy của họ Đinh, tiền quân chết đến quá nửa. Khi hai bên áp sát giao tranh thì bất ngờ thấy Trẫn Lãm dẫn binh đổ ra từ mạn phải. Nguyễn Hạo thất kinh, hắn ta chưa kịp bỏ chạy thì đã bị Bộ Lĩnh một thương đánh gục ngay trên trận tiền. Đại quân Tế Giang thất điên bát đảo, kẻ chết, người chạy, số lượng thực không đếm xuế. Lữ Đường giận lắm, hẳn ta hạ lệnh thu quân, trong long cứ ấm ức mãi, nhưng vì nay Kỳ Bố xuất hiện nhân tài, dẫu hắn có muốn cũng chẳng thể thay đổi được cục diện.

Minh công sau trận phá giặc Lữ Đường thì trọng dụng Bộ Lĩnh, lại nhận y làm con nuôi, tình cảm hai người cứ thể ngày một gắn kết. Không lâu sau, Trần Lãm đổ bệnh, binh quyền trao hết vào tay họ Đinh, câu chuyện về Tô Hiển cũng theo đó mà đến tai y. Chỉ tiếc rằng, kỳ nhân thường đoản mệnh, việc Tô Hiển chết ở khu rừng nam thành Kỳ Bố khiến Bộ Lĩnh tiếc nuối. Y thầm nghĩ, nếu như có được Tô Hiển, việc thu phục thiên hạ há chẳng phải chỉ là vấn đề thời gian ?

Trời bấy giờ đã về khuya, ánh trăng dịu dàng ngả vào bên cửa thư phòng. Nó yên bình, lặng lẽ, lắng nghe từng nhịp thở đều đặn của kẻ nam nhân đương say mê binh pháp…

Từ ngày Minh Công qua đời, Bộ Lĩnh đốc thúc quân trang giới bị, y nuôi chí thống nhất giang sơn, lập thành đại nghiệp. Duy chỉ có một điều khiến y phải bận lòng tính toán. Chả là qua các triều đại cai trị Nam Việt, các quan lại Bắc quốc từ Trương Bá Nghi, Triệu Xương, Trương Chu cho đến Lý Nguyên Gia và thậm chí là cả Cao Biền, không rõ hà cớ làm sao, đám người này ai cũng nhằm vào mảnh đất Đại La để đặt đô hộ phủ. Nhìn vào địa đồ Giao Chỉ, nếu nói về hiểm thế, phải xét đến Hoa Lư, còn thông thương Nam Bắc, phải nghĩ tới Bạch Đằng. Ấy vậy mà bao năm qua, Đại La vẫn được phương Bắc lựa chọn. Bộ Lĩnh khó nghĩ lắm, y cứ đi lại tới lui trong thư phòng. Thoạt, có tiếng người gõ cửa dồn dập từ bên ngoài, âm thanh nặng nề ngắt quãng, nghe thực mệt mỏi. Bộ Lĩnh quát,

-Ai ?

Bên ngoài không ai đáp lại, tiếng gõ cửa thì vẫn vang lên mồn một. Đoán có sự lạ, Bộ Lĩnh dắt kiếm bên mình, y cẩn trọng đi tới phía trước, ánh trăng toả sáng đượm màu khiến y nhìn rõ tường tận mọi việc. Lạ thay, bên ngoài bấy giờ trống trơn, cảnh sắc tịch mịch vắng lặng chẳng khác nào thường nhật. Bộ Lĩnh tay nắm chắc chuôi kiếm, y đảo mắt quan sát cẩn trọng từng thứ một. Bất giác, y phát hiện có vết máu đỏ thẫm chạy dài dưới chân cửa. Bộ Lĩnh lập tức lần theo, tới đoạn bàn đá ngoài sân thì mất dấu. Y đang không biết làm gì thì thoạt nhiên ánh mắt chạm phải vài dòng văn tự bằng máu được viết trên nền đất.

-“Dựng cờ dẹp loạn trời nam

Mười hai binh đạo phải tan phen này

Cầu thần Long Đỗ ra tay

Sấm vang đất bắc chờ ngày xưng vương”.

Bộ Lĩnh xem đây là điềm lạ, y liền cho gọi mấy người thân cận vào phủ để cùng nhau đàm luận. Nguyễn Phàm, gã quân sư nhiều năm theo hầu Trẫn Lãm, hắn vốn là người Hoan Châu, hành nghề tướng số, lại có chút đầu óc nên được Trần Lãm trọng dụng trong việc quân cơ. Khi nghe Bộ Lĩnh kể lại tường tận sự việc, hắn trẫm ngâm một hồi, đoạn nói,

-Thơ này ý muốn tướng quân đến thành Đại La, cầu đảo Long Đỗ Thượng Thần. Chi bằng ta cứ thuận theo, giống như các bậc tiên tổ năm xưa, phàm là khi dựng cờ lập nghiệp, ai nấy cũng đều cúi lậy đình thần, vừa hợp lẽ dân gian mà lại được lòng bách tích.

Mấy người còn lại thấy Nguyễn Phàm nói thế thì cũng đồng tình, duy chỉ có Bộ Lĩnh, dẫu rằng y vẫn chưa tin, nhưng vì cái nhẽ đạo lý mà Nguyễn Phàm nêu ra cũng thật thuận lòng. Bộ Lĩnh định bụng ra Đại La, nhưng sợ trúng phải gian kế nên bèn nói,
-Hôm nay tạm thời như vậy, các vị hãy cứ về nghỉ, chuyện này ta sẽ tính sau.

Mọi người vừa rời khỏi phủ quan thì Bộ Lĩnh cho gọi con trai vào phòng. Y dặn dò kỹ lưỡng từng việc quân cơ, trao lại tướng ấn, hẹn Liễn hai ngày sau sẽ quay lại. Nói rồi Bộ Lĩnh liền cởi bỏ áo mũ, y mặc thường phục, đem theo hai tên cận vệ bí mật rời thành Kỳ Bố ngay trong đêm.

Ngoài thành Kỳ Bố hơn bốn mươi dặm về phía bắc, trời đổ mưa lớn, đường xá trơn trượt khó đi, trước mắt chỉ thấy bọt nước trắng xoá. Bộ Lĩnh cùng hai tên thuộc hạ thấy có căn nhà vách đất bên đường thì bảo nhau xin vào nghỉ chân.

-Chúng tôi là phường lái buôn, đi đường không may gặp phải mưa lớn, mong gia chủ rộng lòng giúp đỡ, chúng tôi sẽ báo đáp hậu hĩnh.

Hai tên thuộc hạ tiến đến sát vách mà gọi, chúng chờ hồi lâu không thấy ai thưa thì sinh lo ngại. Bất giác, có tiếng mọt gỗ vang lên kẽo kẹt, cánh cửa phía trước đột nhiên mở rộng, gian phòng bên trong lộ ra trống trơn. Bộ Lĩnh ban đầu tuy còn ngần ngại, nhưng vì bấy giờ mưa hãn còn lớn, có muốn đi tiếp cũng chẳng được, y đành bấm bụng vào trong chờ đợi. Kỳ lạ, gian nhà này so với những gì nhìn từ bên ngoài thì thật có nhiều điều không phải. Đồ đạc trong nhà tuy đơn sơ nhưng được bày trí một cách hợp mắt. Đâu đó, còn thấy mùi hương dịu nhẹ lở lửng quanh cả gian phòng. Hai tên thuộc hạ ngồi xuống trước bàn, chúng phát hiện thấy bình trà sứ vẫn còn đương ấm thì cả mừng, mỗi người nhấp thử một ngụm rồi ra vẻ khoái chí. Bộ Lĩnh bấy giờ vẫn còn mải quan sát khắp phòng, y phát hiện có ban thờ nhỏ ở sát chân giường, phía trước che mành kín bưng, cũng không rõ là thờ tự ai. Càng nghĩ, Bộ Lĩnh càng thấy có chút gì đó kì dị. Chợt, có tiếng hục hặc phát ra từ phía hai tên thuộc hạ, Bộ Lĩnh quay người lại thì thấy chúng đang nhoẻn miệng cười, ánh mắt vô hồn nhìn thẳng vào y, khuôn mặt thoáng chốc trở nên ma mị. Hai tên này bất ngờ rút đao nhằm thẳng hướng Bộ Lĩnh mà lao tới. Biết có bất trắc, Bộ Lĩnh liền rút đao đánh trả, nhưng hai tên này càng lúc càng hăng máu, cơ thể của chúng giường như không biết đến mệt mỏi. Xem tình thế lúc này thì bất lợi cho Bộ Lĩnh lắm, y nhất thời chưa nghĩ được cách thoát thân. Vừa hay, có tiếng người lanh lảnh dưới từng tầng mưa vang vọng đổ vào phía căn nhà.

-Tướng quân, mau chạy, hai tên đó trúng phải ngải độc, không thể đả thương được, tướng quân nhằm về hướng Tây mà đi.

Bộ Lĩnh như tìm được cứu cánh, y mở đường máu lên ngựa thoát thân. Sấm đánh rền vang cả một vùng trời, mấy tia chớp ngang dọc bất định xé tan khoảng không trước mắt. Bất giác, Bộ Lĩnh quay người lại, y chỉ còn thấy có đám lửa bốc lên ngùn ngụt từ phía căn nhà…
BÌNH LUẬN
Đăng Truyện