Logo
Trang chủ

Chương 4: Trả Giá!

- Tại sao lại đuổi em? Em đã làm gì sai?

Tôi hốt hoảng bật dậy giữa đêm sau khi câu nói của thằng Lem vang lên trong giấc mơ. Tiếng nói dường như vẫn còn văng vẳng ở đâu đó trong không gian khiến cho đôi tai của tôi chợt ù đi. Đã hơn 1 tháng rồi, tôi không còn mơ những giấc mơ về thằng bé nữa. Nhưng sao đêm nay nó lại xuất hiện? Chẳng nhẽ...!!!

...

Trời đang chuẩn bị vào thu, những cơn gió se se lạnh vào mỗi buổi sáng sớm khiến cho con người ta cảm thấy thật dễ chịu. Nó không rét như mùa đông, cũng chẳng nóng như mùa hè, nó man mát, dịu nhẹ cảm tưởng như có thể ngủ bất cứ lúc nào nếu như chợt nhắm mắt lại. Hôm nay tôi thức dậy từ khá sớm để phụ mẹ bán hàng, nói là phụ nhưng thực chất là ngồi bán được chưa đầy 1 tiếng thì con Loan với thằng Tuấn rủ đi chơi. Cũng giống như tôi, Loan và Tuấn dường như đã dần quên đi những chuyện kì lạ, đáng sợ mà cách đây hơn 1 tháng nó đã khiến cho chúng tôi lo lên lo xuống, nước mắt nhiều hơn mưa.

- Qua tao mơ thằng Lem chúng mày ạ! Giọng thằng Tuấn cất lên nhưng tôi vẫn đang hì hục với bát bún riêu nóng hổi

- Hả? Hôm qua tao cũng mơ thấy nó! Con Loan sửng sốt khiến tôi không thể giữ im lặng được nữa.

- Chuyện này là sao? Hôm qua tao cũng mơ nó! Nó trách mình đuổi nó, nó hỏi nó đã làm gì sai? Tao..tao không biết nữa. Chuyện hôm đó...

...

Ngược dòng thời gian trở về hôm trước khi thằng bé Lem mất tích. Chúng tôi đang ngồi chơi bi với lũ trẻ con trong xóm thì thằng bé Lem nước mắt nước mũi chạy đến bám lấy vai thằng Tuấn lay lay nhưng dường như nó vẫn không thèm để ý đến. Tôi và con Loan cũng vậy, mải mê với trò chơi, một lúc sau thằng bé Lem vẫn đứng đẩy tay thằng Tuấn khiến nó bắn trượt, làm cái ván đấy chúng tôi bị lỗ gần hết số bi của 3 đứa.

- Mày làm cái đéo gì đấy? Không thấy tao đang chơi à? Mày làm bọn tao thua rồi này! Biến!!! Giọng thằng Tuấn quát lên. Tôi và con Loan vẫn đứng yên đó, không nói năng cũng không để ý gì đến Lem .

Lem đứng yên, không đẩy tay thằng Tuấn nữa, em cũng không khóc nữa. Đứng được một lúc thì nó quay lưng bỏ về, nhìn có vẻ buồn lắm! Tôi và Loan bảo nhau chơi xong sẽ qua rủ nó đi chơi nhưng khi chơi xong thì trời cũng đã nhá nhem tối nên chúng tôi phải về nhà và quyết định sẽ rủ nó đi chơi vào ngày mai. Nhưng...nhưng, cái ngày mai đó, đã không còn được gặp lại Lem thêm bất kì lần nào nữa!

Đó là phần kí ức đáng buồn và đáng xấu hổ nhất của chúng tôi. Chúng tôi đã bên Lem suốt quãng thời gian trước đó, đã từng bênh vực, bảo vệ em, cùng đưa em đi chơi, cùng chia sẻ với em mọi thứ. Em đã từng rất vui vẻ, nhưng chỉ vì một khoảnh khắc, một khoảnh khắc đáng lẽ mà bọn tôi không nên đối xử với em như vậy chỉ vì mải chơi thì chúng tôi đã làm điều đó. Ngày hôm đó em khóc rồi chạy đến chỗ chúng tôi như một sự cầu cứu. Nhưng, cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn không biết vì sao ngày hôm đó em lại khóc nhiều đến vậy!

- Anh xin lỗi!

...

- Ăn nhanh lên rồi còn đi chơi tiếp! Tiếng thằng Tuấn và con Loan thúc giục tôi, bát bún của tôi đã nguội ngắt. Tôi đứng lên, bỏ dở bát bún lại, mà cho dù nó còn nóng đi nữa thì tôi cũng chẳng thể ăn tiếp được nữa.

Bây giờ là gần 12h trưa rồi, mọi hôm mà tầm này thì mọi nhà đang chuẩn bị ăn cơm và đi ngủ sau một buổi sáng buôn bán miệt mài. Nhưng hôm nay thì khác, thằng Tuấn và con Loan chạy sang nhà tôi bảo là nhà ông Tùng bị mất chó, đang lồng lộn lên đi tìm từ sáng đến giờ mà không thấy đâu. Thế là tôi lại lon ton chạy ra chợ cùng với chúng nó để hóng hớt xem có gì hay không. Để kể qua về nhà ông Tùng một chút, nhà ông ấy bán thịt bò chỗ tôi, nhà có điều kiện gần nhất cái làng này nhưng lại nổi tiếng là keo kiệt, chẳng chia cho ai bất cứ một thứ gì, có thừa thì vứt đi chứ chẳng xin xỏ được nhà ông ấy được 1 tý nào dù chỉ là 1 cắc. Còn con chó nhà ông ấy thì đúng là tỉ lệ thuận với độ giàu của nhà ổng, nó to như một con gấu, nhà ổng gọi nó là Bốp . Nó đi đến đâu thì chó nhà hàng xóm chỉ dám đứng trong nhà mà sủa ra chứ đố dám đến gần, nó vừa dữ lại còn vừa máu chiến. Và nó đã từng cắn thằng Lem khiến nó phải khâu hơn chục mũi...

- Ê, ê! Cái gì lủng lẳng trong quán quần áo kìa! Thằng Tuấn chỉ tay ra chỗ quán quần áo. Tôi thấy có một vật gì đó đang đung đưa lủng lẳng trên không trung, hình như nó được buộc từ quán chợ và thả xuống. Chúng tôi từ từ tiến đến gần xem nó là cái gì?

- Aaaaaaaaaaaaaaaaaaa! Tiếng ba đứa hét lên rồi chạy một mạch ra chỗ mọi người đang đứng.

- Con...con Bốp ở kia kìa. Con...con Bốp bị treo ở ngoài kia kìa!!! Tiếng 3 đứa run lên bần bật, ấp úng nói mãi mới thành câu.

- Đâu? Nó đâu? Thấy chúng tôi như vậy, như biết được điều gì đó. Ông Tùng vội vã thúc giục chúng tôi chỉ chỗ mà con Bốp đang bị treo.

- Ở trong quán quần áo kia kìa! Tiếng con Loan hét lên.

Mọi người chạy một mạch ra quán quần áo, nơi mà con Bốp đang bị treo. Một cảnh tượng kinh hoàng, con Bốp bị treo ngược lên, có một đoạn dây thừng thả từ trên nóc của quán chợ buộc vào đuôi nó khiến cho nó cứ đung đưa, đung đưa. Đung đưa đến đâu thì máu văng ra đến đấy, nhưng, nó không phải là màu đỏ, mà là màu đen. Nó là màu đen, các vệt máu đưa qua đưa lại, ướt đẫm một khoảng sân, một mùi hôi thối bốc lên. Ai? Ai giết con Bốp? Ai treo nó lên? Cái mái quán chợ cao như vậy, việc đưa một con chó hơn 1 tạ lên rồi treo nó lòng thòng như thế dường như là không thể.

- Trời ơi! Bốppppppppppp! Ai đã làm mày như thế này! Tiếng ông Tùng hét lên. Rồi đột nhiên một cơn gió to ập đến, nó giống y hệt cơn gió mà 2 lần trước nó đã từng xuất hiện ở đám lễ giải ma cho cháu bà Hồng và lần Lem hù dọa chúng tôi ở bờ sông. Bịch! Một âm thanh vang lên, con chó tự động rơi xuống kèm theo đó là một tiếng nói vang vọng: Chúng mày chưa xong với tao đâu! . Gió ngừng thổi, mưa bắt đầu rơi, như hiểu chuyện gì đã xảy ra, chẳng ai nói với ai lời nào, mọi người mau chóng đưa xác con Bốp về cùng với ông Tùng rồi lại đem hương ra chỗ mộ thằng Lem để thắp.

- Lem! Có phải em đã làm điều này không?

Một ngày dài kết thúc, ngỡ tưởng như mọi chuyện sẽ chỉ dừng đến đây thôi ai ngờ nó lại không như vậy. Tối hôm nay, thằng Tuấn và con Loan sang nhà tôi chơi nghe bà tôi kể chuyện.

- Bà kể chuyện ma đi bà, bọn cháu thích nghe chuyện ma! Giọng thằng Tuấn vang lên.

- Thích nghe thật hả? Bà tôi vừa cười vừa hỏi.

- Đừng, đừng bà ơi! Cháu sợ lắm. Con Loan phụng phịu.

- Thôi bà kể đi, cháu cũng muốn nghe. Tôi lên tiếng ngay sau khi con Loan phản đối.

- Được rồi vậy bà kể cho nghe!

Lại ngược dòng thời gian về những năm 70, 80 của thế kỉ trước, khi mà những chiếc tivi dường như là điều xa xỉ với bất cứ người nào trong làng tôi. Lúc ấy, cả làng chỉ xem phim qua một cái máy chiếu và một cái màn hình cỡ lớn được xã đầu tư cho. Cứ mỗi tối tầm 7, 8h sau khi ăn cơm xong thì lại tụ tập trên chỗ cổng đền, nơi mà chiếc máy chiếu được đặt. Khỏi phải nói, người xem đông như chảy hội, người nào người nấy đều cố gắng đi sớm để nhận chỗ xem cho nó thoải mái. Người ngồi xem quây kín một cái khoảng sân ở cổng đền, có những ông thanh niên còn trèo cả lên cây nhãn để xem vì hết chỗ. Những bộ phim như Em bé Hà Nội , Cánh Đồng Hoang , Làng Vũ Đại Ngày Ấy và đặc biệt là Tây Du Kí được phát đi phát lại rất nhiều lần. Mỗi lần xem phim thì phải đến 9, 10h đêm mới tan, ai về nhà người nấy với sự tiếc nuối. Nhưng có một hôm...

...

Khoảng gần 30 năm trước, cũng vào cái đợt trời chuyển thu này này, cả làng rủ nhau đi xem phim, xem xong xuôi cũng gần 10h rồi. Mọi người rủ nhau đi về thì phát hiện có một người đang nằm ở chỗ gốc cây trứng cá gần nhà bà Hồng, mọi người hô hoán nhau vào xem là ai thì mới nhận ra đấy là ông Sự, trên người ông đầy những vết chém, có lẽ anh đã bị đám thanh niên nào đó chém chết trong lúc đi xem phim vì ông có thói quen đi xem phim khá là muộn. Sau ngày hôm ấy, cứ tầm 9, 10h tối thì đều thấy ông ấy vẫn đứng dưới gốc cây chứng cá với những vết chém kéo dài cùng với khuôn mặt toàn máu, đến giờ đôi khi đi qua, có người vẫn còn thấy có một người đàn ông đứng ở đoạn đó mỗi dịp gần thu...

Kể đến đây thì bà chợt dừng lại. Bà nhìn ra bên ngoài rồi lại quay vào kể tiếp.

- Mấy đứa muốn nghe kể về truyện ma chỗ 2 cây gạo không?

Nói đến đây thì tôi muốn kể một chút về 2 cây gạo chỗ tôi, 2 cây gạo này nó như kiểu tòa tháp đôi Petronas vậy. Nó nằm ở cuối chợ, cao sừng sững, cao đến nỗi mà những người ở tận trong làng khác vẫn còn nhìn thấy 2 cây gạo này nhưng hiện tại thì do quy hoạch lại chợ với không hiểu vì lí do nào đó mà một cây đã chết và bị cưa đi cách đây 2 năm, cây còn lại cũng đã chết nhưng chưa bị cưa đi, nó vẫn đứng ở đó. Một phần tuổi thơ của chúng tôi khi mỗi dịp hội đến, hoa gạo nở đỏ rực, lại cầm gạch ném lên cho hoa rơi xuống, bóc lấy cái nhân bên trong và tưởng tượng nó là thuốc giun quả núi mà đi học tiểu học hay được các cô phát cho.

- Ngày xưa ấy, có một đợt mưa to lắm, đợt mưa có lẽ là lớn nhất từ xưa đến nay, nước tràn lên cả bờ, tràn lên cả chợ mình. Rồi không biết ở đâu, các xác chết dân tộc trôi về chỗ mình nhiều vô số kể và lại toàn là phụ nữ. Nước to như vậy, chảy xiết như vậy nhưng các cái xác ấy lại chất đống, trôi dạt về chỗ 2 gốc gạo và chỉ dừng lại ở đó...

- Aaaaaaaaaaaaaaa!!! Đang nghe bà kể chuyện thì một tiếng hét làm chúng tôi giật mình bừng tỉnh. Mọi người lũ lượt kéo nhau ra chợ để xem có chuyện gì, mặc dù trời đang mưa nặng hạt nhưng vẫn rất đầy đủ mọi người trong xóm tụ tập ở quán chợ, mặt người nào người nấy đều tỏ ra lo lắng, sợ hãi. Phía cuối chợ có một đám người đang đứng, có ai đó đang khóc và có một người đang nằm. Ánh đèn mờ mờ hiện lên khá rõ, mọi người chạy nườm nượp ra để xem là có chuyện gì. Và lần này không còn là chuyện để đùa nữa, thằng Sơn đang nằm dưới trời mưa, trên người không một mảnh vải, mặt mũi, chân tay teo tóp, bên cạnh là mẹ nó đang khóc ngất đi. Thằng này là thằng chuyên đi bắt nạt mọi người trong xóm, nó đàn đúm, chơi bời và dường như việc bắt nạt bọn trẻ con là niềm vui của nó mỗi ngày và Lem chính là nạn nhân của những trò nghịch ngu man rợ của nó.



Nó từng bắt Lem cầm quả pháo trên tay để nó đốt nếu như lần đó tôi không nhanh tay hất quả pháo đó ra thì có lẽ bàn tay của em đã không còn. Nó từng bắt Lem phải đứng quạt cho nó ngồi đánh bài, chỉ cần em dừng lại là nó lại rút thắt lưng ra vụt vào người em. Nó từng bắt em phải vào nhà ông Tùng lấy cái dép mà nó cố tình vứt vào, kết quả là em phải đi khâu hơn chục mũi. Đã từng có lúc tôi, Tuấn và Loan đi mách mẹ nó, nhưng dường như mẹ nó chẳng quan tâm thậm chí chúng tôi còn bị đuổi về.

- Thằng chó! Từ trước đến nay tôi chỉ coi nó là như vậy và mãi mãi là như vậy.

Rồi tự dưng máu từ mồm, từ hai bên tai của nó chợt chảy ra thành dòng, nó màu đen giống hệt như con Bốp trưa nay, chúng tôi nép vào nhau sợ hãi, người nó rung lên, mắt long lên sòng sọc, mẹ nó ôm chặt lấy nó. Rồi mưa ngừng rơi, thay vào đó là một cơn gió to, những tiếng Trả giá! Trả giá! Trả giá! vang lên rõ mồn một trong gió. Lần này không chỉ là giọng của một người nữa mà là rất nhiều người. Già có, trẻ có, đàn ông có, phụ nữ có,... Có lẽ, nó đã từng đắc tội với rất nhiều người, cả người sống lẫn người đã khuất!

Gió chợt tắt, mưa lại rơi, tiếng nói không còn nữa, người thằng Sơn cũng không còn rung lên. Nó nằm yên đó, mọi người trong xóm khiêng xác nó về, mẹ nó thì đã ngất lịm đi. Tôi, Tuấn và Loan chứng kiến xong sự việc cũng đã trở về nhà nhưng phía tường kia nãy giờ có ai đó đang đứng kìa. Tôi vỗ vai Tuấn và Loan rồi chỉ ra phía góc tường có người đang đứng.

- Chú Quảng!

...

Ngày hôm sau là đám tang của thằng Sơn và lại hàng loạt các hiện tượng kì lạ xảy ra và dường như vẫn chưa tìm thấy được điểm dừng...
Quay lại truyện Thằng Lem
BÌNH LUẬN