Logo
Trang chủ

Chương 8: Phủ Kiển - Phó Hoài và những chuyển biến thăng trầm.

Tiếp phần trước, cụ Phủ Kiển sau khi an táng cha và làm thuê trả nợ cho Phó Hoài trong 3 năm xong. Ông khăn gói rời xứ Bến Tre, đi về Sài Gòn, ông làm thuê làm mướn đủ việc dọc đường để có tiền ăn, đến được Chợ Lớn ông xin vào làm thuê cho một nhà hàng lớn. Lúc đầu ông chỉ làm rửa chén và phụ việc trong bếp của nhà hàng. Với đồng lương ít ỏi và công việc cực khổ, dơ bẩn nhưng ông vẫn không nản lòng, tích góp chút tiền ông vừa làm vừa đăng ký đi học chữ quốc ngữ. Sau một thời gian với sự lanh lẹ, siêng năng ông được thăng lên làm quản lý sổ sách của nhà hàng.

Rồi Phủ Kiển lại được cất nhắc về làm trong công ty bất động sản của ông chủ lớn Hứa Bổn Hỏa hay Chú Hỏa, một trong 4 người giàu nhất Sài Gòn lúc đấy ( Ông này tên thật là Huỳnh Văn Hoa , cũng là người gốc Tứ Xuyên Phúc Kiến như ông tổ em). Ông Kiển lúc bấy giờ được cho đi học tiếng Pháp và được tiếp xúc với nhiều người ở giới thượng lưu, quan chức của Sài Gòn, chỉ đợi có thế, ông nắm bắt mở rộng mối quan hệ và giao thiệp với họ. Chỉ sau vài năm, ông đã đi lại và làm ăn với hầu hết các nhân vật tầm cỡ, tai to mặt lớn trong chính quyền Pháp ở Nam Kỳ. Ông được tiến cử đi học ở Pháp vài năm và khi trở về được bổ nhiệm làm quan. Theo tài liệu do Phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội ấn hành năm 1943. Ông Phủ Kiển được bổ nhiệm làm Cai Tổng(1916), ông được thăng làm Tri Huyện(1923) rồi Tri Phủ (1930) rồi Đốc Phủ Sứ(1936). Ông còn được chính phủ pháp ban tặng nhiều huy chương và đặc biệt là một huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Ông được chính phủ Pháp mời sang du lịch nhiều lần.

Sở bá vương Hạn Vũ từng nói "Vinh hiển mà không về quê thì khác gì mặc áo gấm đi đêm" và trong trường hợp này thì đúng. Sau bao năm thì lòng ông vẫn nhớ mối hận xưa với Phó Hoài, ông đề xuất được chuyển về lại quê hương.

Với nhiều thành tích vượt bậc và có nhiều mối quan hệ tốt nên ông ngay lập tức được cử làm Phó Sứ Bến Tre. Các bạn biết quan Công Sứ và Phó Sứ thời đấy cai trị một tỉnh thuộc Pháp. Những người này có nhiều quyền hành như "ông vua con", "chúa nhỏ", thống trị tùy ý bất chấp luật lệ, thu thuế, xử án, đặt tề, bắn giết rồi báo cáo và đem quân đi càn quét khắp nơi.

Lần này Phủ Kiển trở về quê hương với một vị trí hoàn toàn mới, một quyền lực độc tôn chính là báo hiệu ngày tàn của Phó Hoài.

Phủ Kiển thì sau khi nhậm chức dĩ nhiên cũng thực thi quyền lực ngay, áp tô, đặt thuế, trưng thu ruộng đất, đàn áp dân chúng khắp nơi, nói về độ tàn ác so với Phó Hoài chỉ hơn mà không kém.

Về phần Phó Hoài cũng biết được mối nguy vì bao nhiêu oán thù trong quá khứ, với quan Đốc Sứ Phủ Kiển thì vị quan phủ tép riêu của một triều đình bù nhìn cũ như ông ta có là gì. Ông bắt đầu mang tài sản ra để lo lót khắp nơi hòng tìm đường sống trong cõi chết. Tất nhiên Phủ Kiển cũng không thể vô duyên vô cớ giết một mệnh quan của triều đình, giờ thứ ông cần chỉ là một lý do. Và rồi ngày đấy cũng đến.

Tục rằng Phủ Kiển có một thói quen, cứ mỗi sáng sau khi dùng bữa ông sẽ đi một vòng trong hạt để ngắm cảnh, chỉ dẫn theo vài lính mã tà bảo vệ. Lần ấy, Phó Hoài chắc đã bị ép đến đường cùng nên " tiên hạ thủ vi cường". Y tìm thuê một nhóm chuyên đâm thuê chém mướn có tiếng ở xứ Hà Tiên lên để ám sát Phủ Kiển. Bọn này không biết quan Phó Sứ mặt mũi ra sao chỉ được bảo rằng người cần giết thường hay đi bộ vào giờ này, người luôn mặc một bộ đồ satanh trắng, đội mũ cối trắng, tay cầm một cây gậy đen, chân mang guốc gỗ, cứ thấy là giết ngay. Bọn chúng y theo, mai phục ở mé sông, tay lăm lăm dao mác mà chờ.

Nào ngờ hôm ấy có một ông phú hộ nào đấy từ xứ khác đến đây, cũng mặc đồ satanh trắng, nón cối trắng, tay chống gậy, chân guốc gỗ dẫn theo vài gia nhân nhẫn nhơ đi vào trấn mà nào hay đi vào đường chết. Vừa đến bờ sông thì lũ ác đảng xông ra, không nói không rằng, thủ đoạn mau lẹ mà chặt phăng đầu ông phú hộ xấu số. Vừa hay lúc đấy lính Phủ Kiển đi tuần cũng đến liền nổ súng bắn chết quá nữa bọn cướp, số còn lại không kịp chạy cũng bị trói gô cả. Sau khi cực hình tra tấn thì đều khai ra Tri Phủ Hoài là người thuê giết quan Phó Sứ.
Thời cơ tốt đã đến, chưa đầy nữa ngày quân lính đã được điều động bao vây nhà quan Tri Phủ Phó Hoài. Phủ Kiển đích thân công bố tội danh ám sát quan Phó Sứ, mưu đồ tạo phản, giết ngay không cần xét xử.

Tục rằng lúc đấy tiếng súng nổ, tiếng la hét từ giờ Ngọ đến giờ Mùi mới dứt, cả nhà Phó Hoài trên dưới 20 người cùng vài chục hạ nhân, người ở đều bị giết cả. Xác chết ngổn ngang, máu ngập lên gần gang tay, hôi tanh cả vùng. Vậy là chấm dứt một đời bạo ngược của quan Tri Phủ Lâm Hoài. Ngày ấy tròn 30 năm kể từ khi 2 ông thầy phong thủy khi vượt sông đã phán, đúng là số trời khó cãi.

Sau đấy Phủ Kiển cũng cho người tìm giết toàn bộ bà con dòng họ của Phó Hoài và tịch thu tất cả tài sản ruộng đất của y.

Lúc này Phủ Kiển đã vô cùng giàu có, ông ta về xứ Đại Điền của cụ Liêm, chọn mảnh đất đẹp, sát gần chợ Đại Điền, lưng hướng ra sông lớn để xây dựng tư dinh. Phủ Kiển cho rước 2 kỹ sư người Pháp về thiết kế, huy động hơn trăm nhân công trong vùng về xây dựng. Nhà cất trên một nền đúc cao tới cổ, cẩn đá da quy. Ngói lợp mua từ bên Tây chở về. Cột gỗ bằng cây căm xe, mua từ bên Miên, rồi đóng bè thả trôi theo sông Cửu Long. Kể rằng khi vật liệu xây dựng được tập kết bằng tàu thuyền về đến, đậu chật cứng cả một đoạn vài trăm mét trên sông. Mất hơn 5 năm mới xây xong, ngôi nhà mang kiến trúc kết hợp giữa châu âu và Trung Hoa.

Nhà ông Phủ Kiển so với dinh Tỉnh trưởng còn khang trang hơn, cao 3 tầng, nằm trên một khu đất rộng tới 6.000 m2, cạnh con đường cái. Quanh nhà có tường gạch kiên cố như bức thành. Trước sân nhà, có những cột đèn ốp đá cẩm thạch, cùng nhiều hình tượng và phù điêu đắp nổi. Trong nhà bàn ghế bằng cẩm thạch Vân Nam, chén đá mua từ bên Âu Châu hay đồ sứ của Trung Hoa, mấy đầu cột nhà ông Phủ Kiển có dát vàng 2 tấc, sáng loáng . Cất nhà xong, ông rước thợ chạm từ miền Trung vào ăn ở luôn trong nhà mấy năm liền, để chạm trổ sa lông, trường kỷ, tủ thờ.

Phía trước nhà là khuôn viên 1000m2 xây 2 tòa núi nhân tạo cao hơn 5mét và ở giữa là một khối đá hoa cương cao 4 mét án ngữ. Phủ Kiển có một nỗi sợ, cha ông ta ngày xưa bị rắn cắn chết, ông sợ mình cũng chết như thế nên toàn bộ khuôn viên 5000m2 của căn nhà đều được lót bằng đá và sỏi trắng, luôn được chiếu sáng 24/24 để nếu có rắn bò vào thì phát hiện ngay. Sau khi xây xong thì nơi đây trở thành căn nhà lớn và hoành tráng nhất Bến Tre.

Phủ Kiển có mười người con, tất cả đều ăn học cao và giữ nhiều vị trí quan trọng. Người con thứ sáu của ông là Nguyễn Suy Quang đi du học Pháp xong về Huế làm Chánh Văn Phòng cho Hoàng Đế Bảo Đại và được tháp tùng Hoàng Gia sang Pháp sau làm Bố Chánh tỉnh Thanh Hóa.

Ông còn có 1 con trai tên Bảo, sau làm quan cai nên dân trong vùng quen gọi là Cai Bảo và ông này cũng sở hữu máu hung tàn như cha. Trong đời mình, Cai Bảo đã thực hiện rất nhiều vụ ruồng bố Việt Minh, cưỡng hiếp, giết người nên dân trong vùng rất sợ, thời đấy ông bà bảo rằng con nít nghe đến tên thầy Cai Bảo còn không dám khóc đêm. Quyền uy tột bực như thế, tưởng chừng như danh vọng của 2 cha con Phủ Kiểng, Cai Bảo sẽ không thể nào lung lay được nhưng đời người nào ai biết được chữ ngờ cơ chứ?

Vào đầu những năm 40, lũ lớn nổi lên, quét ngang cả xứ Bến Tre, vùng Cù Lao Minh bị ảnh hưởng rất nặng, ruộng lúa vườn cây của người dân đều bị ngập sâu trong nước và cái gò lớn nơi phần mộ cha ông Phủ Kiển tất nhiên không tránh khỏi số phận chìm sâu dưới dòng nước đục ngầu. Lời tiên đoán năm xưa đã sắp ứng nghiệm lần 2....

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, cách mạng đã thắng lợi, thực dân Pháp đã bị đánh đuổi, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp quản. Cha con Phủ Kiển, Cai Bảo thuộc thành phần chống phá cách mạng cùng với tội ác chiến tranh đều bị xử tử.

Kể rằng ngày xử bắn Cai Bảo, dân chúng khắp vùng kéo về xem đông nghẹt. Cai Bảo đầu bị trùm khăn đen, tay bị trói lên cột, 5 người du kích tham gia tử hình. Trước khi chết y vẫn la hét, thề sẽ nguyền rủa ai giết y. Khi bắn thì 4 khẩu súng bị kẹt đạn nhưng chỉ cần 1 khẩu súng cũng đủ kết thúc tính mạng tên gian ác. Sau đấy 3 ngày, có 2 người lính vui đùa với nhau, một người thì giả bộ cầm súng, người thì đứng ngay cột. Người cầm súng hét lên " Cai Bảo, tao giết mày nè, tao bắn mày nè, đùng đùng". Bỗng người đứng trên cột miệng trào máu, mắt trợn ngược lên rồi ngã xuống giãy chết. Bãi đất tử hình bây giờ là trạm y tế xã Đại Điền.

Sau đấy thì dân chúng trong vùng cùng nhau kéo đến đập nhà Phủ Kiển, tài sản thì đã bị tịch thu từ trước, bao nhiêu cột kèo, mái ngói, gạch đá từng thứ từng thứ một đều bị tháo gỡ đi hết cả. Chỉ còn khuôn viên cùng 2 tòa núi và tảng đá vẫn tồn tại đến ngày nay và hiện tại chính là bia kỷ niệm nơi xuất quân của tiểu đoàn 307 huyền thoại, vị trí này nằm đối diện và cách nhà cổ Đại Điền chỉ 50m có dịp đi ngang các bác nên ghé vào tham quan ạ).

Công danh phú quý rồi cũng tan,
Quyền lực hư vinh, giấc mộng tàn.
Lầu cát, đền đài ôm vào cả
Giật mình chợt tỉnh, giấc Nam Kha.


Chương 8 này em chỉ kể về cuộc đời thăng trầm biến động, những cuộc tranh đấu và kết cuộc của 2 còn người từng tung hoành một thuở ở Bến Tre, 2 trong Tam Hào Hoằng Trị - Phủ Kiển và Phó Hoài. Cám ơn các bác đã quan tâm và ủng hộ ạ.

BÌNH LUẬN

Nguyễn Quang Hải

Trả lời

2023-03-05 16:46:05

tên của cụ cũng ứng với việc sau này quá, Tử Nam thì lúc chết cũng chết ở phương Nam