Logo
Trang chủ

Chương 7: Phú Quý, Quyền Lực và Danh Vọng.

Tam Hào Hoằng Trị.
Phú Quý, Quyền Lực và Danh Vọng.


Phần 6 kết thúc để lại rất nhiều thắc mắc và tò mò cho các bác nhỉ? Thuận lòng đọc giả, em sẽ kể chi tiết về quá trình khai hoang lập ấp của cụ Ngọc Khiêm và danh tự "Hương Liêm".

Số là từ khi ở lại vùng Cù Lao Minh thuộc Phủ Hoằng Trị ( Bến Tre). Cụ Khiêm và phu nhân quyết tâm khai hoang vùng đất mới bên cạnh đấy cũng làm nông trồng lúa để có cái ăn. Xứ lục tỉnh Nam Kỳ lại là nơi trù phú, đất đai tươi tốt do phù sa bồi đắp nhiều đời, nguồn nước cũng dồi dào chứ không như vùng rừng núi trung du khô cằn còi cọc nơi cụ lớn lên. Tận dụng lợi thế thiên nhiên cộng thêm sự siêng năng chăm chỉ và cũng có các con lớn phụ giúp, 2 vợ chồng cụ khai phá một thời gian đã trọn cả khu vực Cù Lao Minh. Và vẫn mang trong mình máu thương hồ của cha ông, cụ cũng gôm góp đóng thuyền để đi mua bán lúa gạo quanh vùng. Và cụ có một câu nói để đời cho con cháu:

- Người có thể nghỉ nhưng đồng tiền tuyệt không được nghỉ.

Đúng như vậy, tất cả tiền bạc làm ra cụ đều dùng để mua thêm ruộng đất, rồi lại trồng trọt, rồi lại dùng vốn để kinh doanh, cụ tuyệt không tích góp tiền, chỉ tích tài sản và mở rộng thương vụ kinh doanh. Sau đâu đấy hơn chục năm cụ đã có gần ngàn mẫu đất, người dưới, tá điền cũng gần ngót trăm người.

Khi đấy vì kỵ Húy hoặc tránh trùng ai đấy (điều này không được biên chép cụ thể) cụ đổi tên từ Khiêm sang Liêm trong Liêm Chính nghĩa là trong sạch. Vì xuất thân bần nông nghèo khổ, hiểu rõ khó khăn của dân nghèo cộng thêm việc là người từ xứ khác đến đây, cũng lạ nước lạ cái nên 2 ông bà vẫn sống rất đôn hậu, không ức hiếp hay ép uổng người dân. Cụ bà cũng là người tin Phật, chay trường nên luôn muốn tích đức. Tục rằng ông bà mỗi năm chia làm 2 bận đều mở kho nhà, phát gạo thóc, chia áo quần cho bà con tá điền. Thời đấy xứ Nam Kỳ đã nằm dưới quyền đô hộ Pháp, dân phải đóng thuế thân mỗi năm nhưng không cần đóng thuế ruộng, ông bà giảm nữa khoảng lúa cho thuê ruộng để họ có mà đóng sưu cho nhà nước. Rồi những tá điền làm giỏi mà độc thân, ông Liêm đích thân đi xem mối rồi hỏi vợ về cho, sau lại cắt đất để họ cất nhà sinh sống, bà thì chỉ dạy cho cách làm ăn thế nên người dưới, tá điền trong vùng đều mang ơn và kính trọng ông bà lắm. Dần dà nhiều người khó khăn nghe tiếng ông bà "hội đồng Liêm" nhân đức nên tìm về ngày một đông, gặp ai ông bà cũng thu nhận nên khu Cù Lao Minh lúc này dân cư đã lên đến vài trăm hộ. Cụ nhân đấy mới dắt vợ và con lên thuyền, cùng vài ba người hầu đi đến Mỹ Tho để xin bái yết quan Tri Phủ Hoằng Trị lúc bấy giờ là ông Phó Hoài. Khi đến, cụ mang theo sớ đất (giấy tờ đất xưa) cùng với một rương giấy tờ đăng ký hộ tịch của dân trong vùng để nộp lên quan Phủ. Chờ hơn 3 ngày cụ cũng không được vời vào để gặp quan, sau có người thầy lệ đến cho hay rằng: Quan Phủ hiện đang vào dịp "Bách Nhật Thâu Kim", nên không tiếp khách, muốn gặp thì chờ mãn hạ tức trăm ngày nữa hãy vào. Cụ hiểu ý là quan phủ đang đòi tiền, "Bách Nhật Thâu Kim" há chả phải đòi trăm lượng bạch ngân đây sao? Biết là thế nhưng cụ đâu có chuẩn bị sẵn tiền, thế là phải cho người về báo, gom chỗ này, vét chỗ kia, gần như dốc ngược cả nhà lên mới đủ trăm đỉnh bạc trắng bỏ đầy vào hai rương, cho người áp tải lên Mỹ Tho. Đến đây thì ngay khi thầy lệ nhận được tin đã đủ " Bạch Ngân" thì quan ngài cũng xong hạn Bách Nhật. Cụ được vời vào phủ, quan Phủ Hoài oai vệ ngồi trên ghế thái sư giữa nhà, liếc qua 2 rương bạch ngân bên trái, nhìn sơ qua rương giấy tờ hộ tịch bên phải rồi uy nghi đường hoàng mà phán: Duyệttttt.

Cụ nhân đấy cũng trình lên rằng đã khai hoang được vùng ruộng đất lớn ở góc đông Cù Lao Minh, trước hoang vu nên chưa có tên cụ thể, nay dân cư đã đông, đủ lập làng dựng ấp xin quan phê duyệt lập tổng với tên Đại Điền nghĩa là " thửa ruộng lớn" ( 2000 mẫu thì lại chả lớn74. Quan Phủ lại chậm rãi liếc sang rương bạc rồi uy nghi phán: Duyệtttttt.

Sau đấy cụ cũng được ban chức Hương Trưởng mà về quản lý mua bán, nhân khẩu ở tổng Đại Điền xem như bonus.

Cụ cảm tạ xin phép lui ra, quan Phủ nhìn sang rương bạc lần nữa rồi lên giọng: Duyệtttttttttttt. 74

Về sau dân trong vùng quen gọi cụ là Hương Liêm dù sau cụ thăng làm đến Tri Huyện.


Nói về quan " phụ mẫu" Phó Hoài. Một trong " Tam Hào Hoằng Trị". Ông họ Lâm, một người ít học nhưng xuất thân cực "cao", tổ tiên ông từng là Hải Tặc hoành hành ở vùng biển từ Thuận Thành Trấn (Bình Thuận) dài đến tận trấn Hà Tiên của Mạc Thiên Tứ. Bao nhiêu năm trên biển, từ cướp bóc thuyền buôn tới tàn sát các làng ven biển, không gì là không làm, không tội nào là không phạm. Sau vì nhân chúa Nguyễn vào kinh lược Nam Hà, tổ tiên Phó Hoài mang theo thuyền to súng lớn sang quy phục và cùng hợp lực đánh Chiêm Thành.

Sau khi chúa Nguyễn tiêu diệt Chiêm Thành, tổ tiên Phó Hoài được ban phong làm Tổng Trưởng Tổng Tân An ( tên gọi Bến Tre thế kỷ 17 - 18). Và từ đó trở đi, dòng họ Phó Hoài đời đời tập ấm, cha truyền con nối, thâu tóm ruộng đất, đến đời Phó Hoài thì lên đến chục ngàn mẫu. Phó Hoài dùng tiền tài chung chi cho Phủ Công Sứ Nam Kỳ để chạy chọt và mua được chức Quan Tri Phủ. Tục truyền Phó Hoài là người tính hung tàn và đố kỵ. Kể rằng có lần quan phủ đang đi thuyền trên sông cái thì có gặp một đám rước dâu. Thuyền cưới rất to, lợp 2 tầng mái, treo đèn kết hoa lộng lẫy, trên thuyền chở phải độ đôi chục người, nhộn nhịp tưng bừng. Thuyền cưới đang lướt băng băng thì bất ngờ gặp thuyền quan phủ, không kịp dừng đành đánh lái lướt qua mặt quan, thế là Phó Hoài phật ý. Y cho người chặn thuyền lại. Nhìn vào trong thấy nàng dâu xinh đẹp, Phó Hoài liền cho người cướp lấy sau đấy sai lính mã tà( lính mang súng bảo vệ quan) nổ súng vào thuyền giết hết. Dân trong vùng sau dừng được thuyền cưới phát hiện xác chết ngổn ngang đành đào hố chôn cả. Tiếng ác Phó Hoài lớn đến mức người dân ở Tiền Giang, Mỹ Tho, Trà Vinh, Vĩnh Long sợ không dám nhắc đến chữ " Hoài" trong tên ông, mỗi khi cần phải nói trại đi như:

- Đi đâu mà đi" hười" vậy?

- Sao cứ ăn " hười", không chịu làm?

-  Sao cứ coi "hười" không chịu thả like thớt này74)

Phó Hoài nỗi tiếng keo kiệt tham lam đến nỗi người ăn kẻ ở và tá điền trong phủ y đều đói rách khổ sở vô bờ.

Thời điểm đấy, trong đám người ở của ông có một chàng trai trẻ tên là Kiển, họ Nguyễn, người bản xứ, nhiều đời cha ông đều làm hạ nhân cho nhà Phó Hoài. Đến đời ông Kiển thì từ nhỏ đã chăn trâu cho quan Phủ. Sống trong cảnh nghèo đói và lớn lên trong đòn roi, đánh đập của nhà chủ, cụ luôn ôm mối hận trong lòng và nung nấu ý chí đổi đời để con cháu không còn chịu khổ, chịu nhục như cha ông nữa nhưng cái nghèo cứ đeo bám mãi, đến miếng đất cắm dùi còn không có, ăn còn bữa đói bữa no thì lấy gì mà dựng nghiệp?

Một hôm, Phó Hoài có mời được 2 ông thầy phong thủy người Tàu ở xa về xem dương trạch tốt để cất nhà, hai thầy đi xem khắp nơi rồi cũng tìm được cho quan Phủ một mảnh đất tốt. Quan lưu lại thiết đãi tiệc rượu linh đình rồi sai cậu nhóc Kiển dắt trâu đưa hai cụ sang sông mà về. Trên đường đi, hai thầy chếnh choáng hơi men mới nói với nhau:

- Ngọ xem khí số nhà họ Lâm lày sắp tận đến lơi dồi, ác nghiệp tổ tiên lỵ này tích góp bao đời giờ cao như lúi á. Dương chạch có tốt đến mấy á cũng tiu tan thui à. Đức năng thắng số ló cấm có sai đâu à.

- Hảo lá hảo lá, ngọ cũng thấy dậy à, nhìn cùng lắm là tầm ba mươi năm đổ lại cũng tan nhà nát cửa thui.

Khi trâu chở hai thầy lội sang mé sông cạn thì bổng nhiên một ông chỉ vào một ụ đất nỗi giữa sông mà nói:

- Ơ lày A.Tõn, lỵ mau xem ỉa lây, ỉa lây nè. Địa linh á, huyệt lày dáng dấp ló giống con dùa á, mà lầu tròn lui nhọn, mang dáng kim quy, lầu hướng dìa phương đông, cử mình nghênh Phú Quý á, lại nằm đầu cái vàm là nó hứng hết tinh hoa của cả vùng lầy á lỵ. Đây là bảo huyệt phong thủy chăm lăm hiếm có lắm à . Táng người chết dô lây là con cháu vinh hiển cả lời luôn á.

Hai ông thầy gật gù ra chiều tán đồng lắm. Cụ Kiển dẫn trâu phía trước đều nghe hết cả, trong đầu cụ lúc đấy đã biết thứ mình cần là gì rồi. Đưa hai ông qua sông rồi cụ lễ phép cuối chào, leo lên trâu lội về, mắt vẫn nhìn đăm đăm về phía gò đất trên sông mà ngẩn ngơ suy nghĩ. Lúc đấy cụ không nghe được 2 ông thầy sau lưng thầm nói với nhau:

- Huyệt tốt nhưng chỉ cần con dùa ló lừng có chìm á, dùa mà lặn dồi thì sự ngàn lăm cũng hông có nổi lên được đâu à.....

Sau chuyện đấy cụ Kiển vẫn nhớ mãi những lời ông thầy Tàu nói. Mãi hai năm sau, một ngày bố cụ Kiển đi nhổ cỏ ruộng thì bị rắn cắn chết, khi được phát hiện thì người ông bầm đen hết cả, hai mắt trợn tròn, trắng dã, miệng sùi bọt mép, tay chân co quắp. Cụ khóc hết nước mắt rồi đến gặp Phó Hoài cầu xin:

- Lạy ông thương tình, cha con cả đời hầu hạ nhà ông, nay chẳng may vắn số, xin ông bố thí cho mảnh đất để táng cha con.

Phó Hoài ban đầu không có ý cho nhưng sau nghe bảo chỉ xin táng cha ven sông cũng được thế là y đồng ý, đổi lại cụ Kiển phải giữ trâu không công cho nhà y 3 năm. Cụ Kiển sau đấy gói xác cha vào manh chiếu rách bươm, một mình trong đêm vác xác cha ra chôn ở gò đất nổi bên sông. Phó Hoài hả hê lắm nhưng y đâu ngờ rằng hành động này đã tạo ra một đối thủ đáng gườm mà sau này người đấy vươn lên trở thành người giàu có nhất xứ này, đứng đầu trong Tam Hào Hoằng Trị và sau đó là nuốt trọn tài sản của y....Phó Sứ Bến Tre - Phủ Kiển.

Chương 7 tạm kết thúc tại đây, những cuộc đấu thư hùng trên chính trường, những chuyện ly kỳ về nhân quả sẽ được thể hiện ở hồi sau. Cám ơn các bác đã ủng hộ.

BÌNH LUẬN

Nguyễn Quang Hải

Trả lời

2023-03-05 16:46:05

tên của cụ cũng ứng với việc sau này quá, Tử Nam thì lúc chết cũng chết ở phương Nam

Đăng Truyện