Logo
Trang chủ

Chương 5: Trước An Cư rồi sau Lạc Nghiệp.

Trước An Cư rồi sau Lạc Nghiệp.

Hoàng Tử Nam Chết Tại Xứ Người.

Sau việc lập đàn tế văn, thành Hội An mưa liên tục 3 ngày đêm liền không ngớt, gió giông vần vũ, trời đất như liền vào nhau qua màn nước. Thế rồi sau cơn mưa trời lại sáng, cảnh vật tươi tốt lạ thường, và chắc là cơn mưa đấy cũng đã rữa trôi oán khí của các vong linh, từ đấy về sau không còn chuyện ma tà quấy phá hay chợ âm nhân nữa. À mà em quên ở phần trước còn một chuyện là khi cúng, người dân có thả 81 con thuyền gấp bằng giấy Hoàng Chỉ xuống sông (giấy màu vàng mà hay dùng để vẽ bùa), khi văn tế đọc xong thì bắt đầu gió bỗng nỗi lên trên mặt sông, những con thuyền giấy đang lững lờ bỗng băng băng theo sóng ra giữa dòng. Dự là các vong hồn cuối cùng cũng có thể mượn thuyền tìm về cố quốc.

Sau đợt ấy, ông Tử Nam cũng không còn khăng khăng về nước nữa, ông cũng thấy thương mến vùng đất và con người nơi đây nên quyết định ở lại, ông nhân các thương thuyền về Trung Quốc mà gửi thư về quê ông, nơi có mẹ và anh vẫn chờ ông. Nghe đâu sau đấy ông vẫn giữ liên lạc và vẫn gửi tiền cùng vật phẩm về quê nhà. Dù thế thì biết chắc ông vẫn nhớ quê hương lắm và chắc ông cũng đau lòng lắm khi sau này mẹ già mất mà ông cũng không thể về chịu tang. Anh Xú thì sau khi mẹ mất ông về lại Tứ Xuyên, cưới vợ sinh con, từ đấy trở đi anh em biệt tin nhau và hai dòng họ cùng máu mủ đã biệt ly từ đấy, em với bố bay sang Tứ Xuyên 2 lần mà không thể tìm được nơi cũ và dòng họ vì thiếu thông tin quá và cũng qua nhiều năm lắm rồi, ai còn nhớ, còn biết có một dòng máu ở Phương Nam vẫn đang nhớ nhung nguồn cội lắm chứ!

Nói về chuyện của cụ Tử Nam, cụ ở lại Đà Nẵng hơn 5 năm thì cụ yêu và cưới một người phụ nữ bản địa là bà cố cụ em, nghe đâu bà lái đò đưa khách sang sông, gặp ngày trời đẹp ông cũng sang sông, đò đến bến mà khách vẫn ngẩn ngơ. 2 ông bà ở với nhau có 3 người con 2 trai 1 gái đặt tên lần lượt là Xuyên Trung, Hoài Nghĩa, Cầm Nương, năm ấy cụ cũng trạc tam tuần( khoảng trên dưới 30 tuổi). Cụ Tử Nam lại không muốn làm thầy giáo làng nữa, cụ dù gì cũng một bụng kinh luân cùng đầu óc kinh doanh mà nào chịu ngồi im gỏ đầu trẻ. Nhẩm đi nhẩm lại, sống ở nơi nào cũng không bằng sống dưới chân thiên tử. Thế là cụ bồng bế vợ con, gói ghém tài sản mà lên thuyền ngược ra Huế. Đầu sóng ngọn gió thế mà rốt cuộc cũng đến nơi, cụ tìm được một làng Minh Hương (người Hoa sang Việt Nam từ thời Minh) ở ven cửa biển để tiện thông thương, mua bán. Cụ thường vào Kinh thành để mua bán, giao dịch hàng hóa và may thay, có lần cụ đã được nhìn thấy "Long nhan". Hôm đấy tiết thanh minh, thánh giá của vua Gia Long ngự ra cửa đông thành để tế bái tổ tiên. Cụ với bạn hàng dắt la thồ hàng kiểu gì lại làm lộn xộn, kẹt cả cổng thành. Lúc đấy con la lại ị cho mấy bãi to kềnh. Lát sau vua đến, thị vệ quát tháo và nọc cụ ra, ngỡ lúc đấy tiêu rồi vì mạo phạm thánh giá kiểu gì cũng chết, cụ dập đầu như bổ củi. Ngờ đâu quan nội thị đến bảo: "Chỉ dụ thương buôn người Thanh không có tội, cản giá là con la thôi nên phạt thịt con la". Các ông toát cả mồ hôi lạy tạ rối rít, sau đấy lại có dụ rằng nay là tiết thanh minh, hạn chế sát sanh nên miễn tội cả con la. Thế là cả bọn được tha đi, vua Gia Long cũng coi là nhân đức vậy.

Hơn năm sau thì nhân việc buôn mà kết thân được với một phú hộ trong vùng họ Trần, sau thấy cụ sáng láng giỏi giang lại có tài học hành, chữ nghĩa nên gả con gái cho, thế là cụ có vợ thứ hai và cũng là bà cố cụ của em(Cụ tài thật74. Cụ lại có với bà 2 người con trai đặt là Tứ Lang và Phùng Ngọc, năm đấy cụ đã tứ tuần. Từ đây trở đi cụ rất tập trung cho việc phát triển điền sản, buôn bán được tiền là cụ sẽ mua đất đai để con cháu còn có nơi cắm dùi nữa, với quan niệm Sĩ - Nông - Công - Thương thời Trung Quốc đã ăn sâu vào cụ, luôn nghĩ rằng thương nhân như mình là mạt hạng, không ổn định nên quyết để con cháu có đất trồng trọt để làm sinh kế muôn đời. Trong mười năm thì từ tay trắng cụ đã có 3 thương thuyền buôn bán chuyên ngược suôi Nam Bắc để bán lúa gạo, tơ lụa, thổ sản. Trên bờ cụ đã có hơn chục mẫu đất để trồng trọt. Con kiến đã lớn cả, nói chung là đầm ấm vui vầy.

Những tưởng hạnh phúc bình yên đã đến và cụ có thể an hưởng tuổi già thì sóng gió ập đến, sóng gió theo nghĩa đen luôn ấy. 1 trong 3 thương thuyền của cụ gặp bão, bị đánh chìm tại biển Hà Tiên lúc đang chở đầy tơ lụa, thổ sản, thợ thuyền chết quá nữa. Ngót nữa năm sau thì thương thuyền thứ hai gặp cướp biển tại Hải Nam, bị cướp sạch vật phẩm, tiền bạc rồi bị đánh chìm tàu. Tin dữ liên tục bay về khiến cụ bị sốc nặng, nhưng bằng bản lĩnh thương trường dày dặn nhiều năm, cụ tuy giờ này đã ngũ tuần, tóc bạc chân run nhưng vẫn cứng rắn mà xoay chuyển, điều động, xử lý các mặt. Rồi giọt nước cuối cùng cũng làm tràn ly, người con gái rượu duy nhất cụ yêu thương cũng gặp nạn mà qua đời*. Đây coi như nhát đâm chí mạng vào cụ. Cụ ngã xuống trong vòng tay của vợ con, tim cụ chậm dần, hơi thở đứt quãng. Trong những giây phút sau cùng, cụ yêu cầu vợ con dựng mình ngồi dậy, quay mặt về phương Bắc, mắt cụ nhòe đi, niềm nhung nhớ quê hương bỗng tràn về trong cụ.

Xa lắm, xa lắm... nơi quê nhà giờ cách xa cụ hàng mấy vạn dặm trùng dương, cụ biết mình không bao giờ về được nữa. Cụ nhớ mái nhà ngói cũ treo đầy ớt đỏ và bí ngô, nhớ hàng hiên cửa giấy liêu xiêu gió lùa vào rách tơi tả, nhớ đôi chân vạn dặm trường chinh của anh Xú, nhớ được ngồi rữa chân cho mẹ lúc hoàng hôn. Ôi, nhớ quá, như mới hôm qua vậy.

Rồi cụ ngước lên nhìn trời, bầu trời nơi đất nước đã tiếp nhận, chở che cụ, nơi cụ xem là quê hương thứ hai của mình. Dưới gầm trời này là những con người thật nhân từ và tốt bụng, họ nói thứ ngôn ngữ thật lạ tai nhưng nghe lại rất vui tươi và ấm áp. Họ đâu nào giống dân "man di, mọi rợ" được miêu tả trong sách mà cụ từng học. Họ văn minh lắm chứ, dù về văn hóa, lễ nghĩa, phương tiện họ chưa hay nhưng họ văn minh từ tận tâm hồn.!

Hahaha. Tử Nam ơi Tử Nam. Cuộc đời ngươi nào phải một tuồng kịch tầm thường, vào sinh ra tử, lang bạt biển hồ, đi nam về bắc nơi nào chưa tỏ. Hùm beo ma quỷ đều gặp cả, những chuyện như thế nào há tầm thường sao? Vợ đẹp con ngoan, huynh đệ chí tình, sống tròn đạo nghĩa. Thế thì còn gì khiến ngươi phải tiếc nuối nữa? Ngươi sợ cái chết này sao? Ha.Ha..Ha....a.....

Năm Minh Mạng thứ 10 tức năm 1830, cụ Hoàng Tử Nam về trời, thọ 51 tuổi. Cụ được con cháu an táng phía đông thành Phú Xuân, cách biển chỉ 3 dặm. Mộ cụ quay về hướng Bắc để cụ có thể nhìn về cố hương.

Chương 5 này là chương kết thúc chuyến hành trình cuộc đời của cụ Tử Nam, thật sự viết chương này em rất bùi ngùi nên xin phép các bác chương này xin dừng ở đây, em xin dành chương này để con cháu tri ân Cụ.

BÌNH LUẬN

Nguyễn Quang Hải

Trả lời

2023-03-05 16:46:05

tên của cụ cũng ứng với việc sau này quá, Tử Nam thì lúc chết cũng chết ở phương Nam