Logo
Trang chủ

Chương 4: Một tất lòng, Tử Nam đi lập nghiệp.

Xin lỗi các bác, em vừa đi làm về, tranh thủ tắm rửa rồi lao vào viết ngay nhưng vẫn lên hơi trễ, cảm ơn cả nhà vẫn chờ ạ.

Một tất lòng, Tử Nam đi lập nghiệp.

Để an bình, con cháu đến ngàn năm.

Năm Gia Long thứ 2 tức 1804, Cụ Hoàng "Tử Nam" đến Việt Nam, ban đầu ông được ông Hoàng Ích Nghiêm sắp xếp hỗ trợ cho theo và ở lại thành Thăng Long một thời gian. Vì xứ lạ, cộng thêm bất đồng ngôn ngữ nên cụ chỉ có thể làm người hầu trong phủ quan Ích Khiêm. Vốn nghĩ chỉ ở tạm một thời gian, chờ hồi phục sức khỏe vì lần nạn trước cụ mang thương khá nặng ở tay và chân, sau đấy tích góp chút lộ phí thì sẽ tìm đường về nước nhưng chuyện đời không như ý muốn. Chưa đầy một năm thì ông Khiêm phải theo công vụ triều đình mà vào nam. Cụ Tử Nam không có ý theo nên đành thoái thác chia tay. Lúc đấy tiếng Việt cụ vẫn chưa nói được, cộng thêm phần người Hoa thời đấy không được chào đón ở xứ Bắc Hà nên cụ phải tìm về Hội An, đặc khu của người Hoa thời đấy. Hội An thời điểm này không còn được như thời trước vì trải qua các vụ tấn công của Tây Sơn, người Hoa hiện tại sống tách biệt và hết sức giữ kẻ với người Việt.

Cả trong nội bộ người Hoa cũng không còn gắng kết nhiều mà chia làm các bang lớn của dân từng xứ như Bang Quảng Triệu ( Quảng Đông) Bang Phước Kiến( Phúc Kiến) Thiều Châu( Triều Châu)... mà ở riêng biệt với nhau. Cụ vì xuất thân Tứ Xuyên nên phải ở trong khu Khách Gia( khu mà chả ai chơi với ông cả vì nhân số ít và văn hóa vùng miền).

Cụ cũng chả để tâm mấy vì mình có định ở lại đâu mà phải bang này phái nọ, thế là cụ tự dựng một căn nhà tranh bên bờ sông ở vùng ven Cửa Hàn( Đà Nẵng ngày nay), bắt đầu tiếp tục học tiếng địa phương, học chữ Nôm để giao thương buôn bán với người bản địa để tích góp tiền. Nào hay ngày qua ngày, cụ lại thấy được sự an bình trong cuộc sống nơi đây, biết nói nhiều từ hơn thì cũng biết được cách sống của dân nước Việt, dần dà thấy cụ hiền lành tử tế, dân trong vùng cũng quý và giúp đỡ cụ nhiều hơn. Đến khi biết viết chữ Nôm và vì vốn chữ Nho và sử sách biết nhiều nên cụ tạm làm thầy đồ, mở lớp dạy học cho trẻ con trong vùng, người lớn cần viết văn tự hay làm văn trạng gì cụ cũng làm nốt. Chính vì việc này mà cụ bắt đầu gặp được chuyện kỳ quái đầu tiên ở đất Nam.

Số là thời điểm trước, khi quân Tây Sơn và quân Trịnh vào Hội An và Cửa Hàn đã giết rất nhiều người Hoa ở đây trong 3 tuần liền, trong cuộc loạn sát thì không chỉ người Hoa mà cả người Việt địa phương cũng gặp nạn rất nhiều, truyền rằng thời điểm đấy xác chết trôi đầy sông chật bãi đến mức thuyền không thể tiến gần bờ được, máu đỏ cả đoạn sông và mùi hôi tanh bốc lên hàng nhiều tháng liền. Đến khi Tây Sơn rút đi Cửa Hàn và Hội An gần như vùng đất chết.

Có tích rằng từ đấy trở đi, cứ mỗi tháng bảy hàng năm thì đến đêm lại có họp chợ, vẫn trên bến dưới thuyền, người người đi lại dập dìu, mua mua bán bán như thường, có người đi vào xem thì hầu như toàn là người chết cả, cử chỉ hành động vẫn như thường nhưng đều một bộ mặt xám như tro tàn, mang rõ tử trạng lúc chết, người thì cụt đầu, kẻ thì mất tay chân, dưới sông thì vẫn tàu ghe tấp nập mang đủ loại cờ Phù Tang, Phú Lang Sa, Trung Quốc...

Dần dà người trong vùng đều biết cả, cũng mời thầy cúng, lập đàn siêu độ rất nhiều và chuyện cũng không có chuyển biến gì, vẫn cứ tháng bảy hằng năm vẫn họp chợ âm nhân, vẫn mua vẫn bán nhưng do không có quấy quá gì người sống nên dân chúng cũng thôi, đành đến ngày thì cùng cúng kiến, hóa vàng, nhang đèn để an lòng người chết.

Nhưng đến gần đây thì lại có biến, số là có 2 thuyền buôn của người Cao Miên ngược dòng lên Hội An để buôn bán hương liệu, gia phẩm?? Trùng hợp vào đêm mùng 7 tháng 7 lại cập bến Hàm Rồng, Cửa Hàn. Họ neo thuyền bên bãi chờ sáng thì lên nộp giấy và buôn bán. Đang đêm thì nghe ồn ào, náo nhiệt, ra xem thì thấy đèn đuốc sáng choang. Người của đoàn buôn không biết chuyện ngỡ Hội An ngon thế, đang đêm hôm vẫn họp chợ tưng bừng thế là hạ buồm, giương cờ, xuôi chèo tiến vào bãi chợ!!! RIP.

Hai thuyền lên bờ cũng bắt đầu bày hàng, gõ chiêng gõ trống, nhiệt tình chào hỏi, chào hàng mua bán. Hai đoàn buôn cứ thế mà bị cuống vào đám người dần tụ lại ngày càng đông, họ bắt đầu nhận ra sự lạ nhưng đã quá muộn. Đêm đấy người dân xung quanh nghe tiếng trống chiêng lúc đầu rồi về sau im bặt, rồi tiếng la thét ơi ới đó đây mà nào ai dám ra vì biết nay là ngày kỵ. Sáng ra, khi người dân tụ họp lại bến thuyền thì thấy hai con tàu dập dìu ven bãi, trên bờ ngổn ngang hơn chục cái xác người, đều là ngoại quốc. Tìm trên thuyền có một người 1 người già và một đứa trẻ trốn trong "be thuyền"( kiểu như một ngăn phòng trong thuyền biển xưa) thì vẫn còn thở, cứu lên thì thần trí bấn loạn, điên dại ú ớ cả ngày trời. Sau đấy có người trong" Thất Phủ hội Quán" của người Hoa từng đi Cao Miên và ra thông dịch mới rõ đầu đuôi. Người già kể lại rằng:

Đêm qua, người trong đoàn buôn xuống mua bán thì lão nằm trên thuyền do mệt mỏi sau chuyến đi nên không xuống, hé đầu nhìn qua khung cửa thuyền thì thấy người người tấp nập, đèn lồng giăng giăng nhưng màu sắc cứ xanh leo lét, được khoảng tuần trà thì bắt đầu thấy sự lạ, người bên sông cứ càng ngày càng tụ về thuyền họ, ban đầu nghĩ mừng vì khách xem nhiều nhưng đám đông tuyệt im phăng phắc chứ không ồn ào, nhộn nhịp như bình thường, rồi sau đấy bỗng nghe tiếng la hét của đám người trên bến. Và sau đấy là những bóng người lướt lập lờ trên mặt sông về phía thuyền họ. Khí lạnh phả vào thuyền, hai người ôm lấy nhau, cầu khấn thần của họ cả đêm, bên ngoài tiếng cào, tiếng trườn vẫn không dứt...

Chuyện chợ âm nhân hại thuyền buôn lan khắp vùng, người người lo sợ, cụ Tử Nam nghe sự lạ, cùng người dân đi xem xét một vòng, tìm hiểu kỹ đầu đuôi, biết rằng oan khuất cố nhân vãng vất chưa tan nên về soạn bài văn tế vong hồn của các thương nhân vắng số, các người dân vô tội.

Chính Ngọ hôm sau, dân chúng các nơi hội về, cúng 9 loại cầm, súc. Đồng nam đồng nữ dâng hương, cụ Tử Nam tắm rửa chay giới sạch sẽ đứng đàn ven sông, dõng dạc đọc to bài văn tế:

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Hồng trần bụi phấn hư vô,
Lòng nào là chẳng thiết tha đoạn trường.

Cõi dương thế chìm trong chiến cảnh,
Cõi âm phần nguội lạnh hoang sơ.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.

Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai quí ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương.

Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh,
Chí những lần cướp gánh non sông,
Nói chi những buổi tranh hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau.
Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở
Khôn đem mình làm đứa sất phu,
Lớn sang, giàu nặng oán thù,
Máu tươi lai láng, xương khô rã rời.

Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu than khóc đêm mưa
Cho hay thành bại là cơ
Mà cô hồn biết bao giờ cho tan!

Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son thác sống ở tay,
Kinh luân găm một túi đầy,
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu.
Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm,
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh,
Nghìn vàng khôn đổi được mình
Lầu ca, viện hát, tan tành còn đâu?

Kẻ thân thích vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén nhang?
Cô hồn thất thểu dọc ngang,
Nặng oan khôn nhẽ tìm đường hoá sinh.
Trời thăm thẳm mưa gào gió thét,
Khí âm huyền mờ mịt trước sau,
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?

Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không.
Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng
Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.


( Em xin phép các bác, bài tế tổ cụ viết nguyên văn tiếng Hán, nhà em cũng không dịch được, vả lại chỉ sơ trích vài câu. Nay sẵn tình sẵn cảnh, em mượn bài tế thập đại chúng sinh của cụ Nguyễn Du cũng viết vào cùng thời điểm này, em có lượt bỏ và chỉnh sửa nhiều đoạn để hợp hoàn cảnh mà đưa vào để văn không đứt, xin phép các bác ạ.)

Đọc xong bài tế, cụ Tử Nam ngậm ngùi nhìn ra sông vắng, nghĩ mà đau sót cho vong hồn thương khách tha nhân, chết nơi đất khách quê người, rồi cụ nhớ lại phận mình cũng y như vậy, nước mắt lưng tròng, khóc cho người rồi cũng khóc cho mình. Thương cho kiếp mưu sinh, tha hương cầu thực. Đường về cố quốc xa xôi quá....

Tạm khép lại chương 4, chương này em phóng tác vài đoạn nhưng vẫn bám sát chuyện thật nhằm tăng tính thú vị cho chuyện, các bác cùng thưởng thức nhé.

BÌNH LUẬN

Nguyễn Quang Hải

Trả lời

2023-03-05 16:46:05

tên của cụ cũng ứng với việc sau này quá, Tử Nam thì lúc chết cũng chết ở phương Nam

Đăng Truyện