Logo
Trang chủ

Chương 12: Giữa đêm trường, Lê Nghĩa gặp nguy.

Kể về chuyện cụ Lê Nghĩa, ông nhà vốn nghèo nhưng có truyền thống võ nghệ nhiều đời, từ nhỏ ông đã được cha luyện tập võ nghệ, côn pháp và các quyền thuật cổ. Kể rằng ngoài khi làm đồng án cụ Lê Nghĩa thường hay dùng dây thừng gai quấn vào cây to mà luyện tập đấm đá chặt móc nên tay chân ông cứng như sắt, đến mức một đấm có thể đứt cả vòng thừng, tay móc mạnh có thể lột cả mảng vỏ cây, thế thì thịt da nào chịu nỗi. Ông còn có sở trường ném dao, dao ông dùng là loại dao bầu vót nhọn mũi, mỗi khi tập ông đứng xa hàng chục mét mà ném dao vào thân chuối, dao cắm ngập đến tận chui. Sau khi lập gia đình, ông tạm đưa mẹ về ở nhà vợ một thời gian. Sau đấy cụ Hương Liêm thấy ông siêng năng và cũng có chí cầu tiến nên rất thương, tính đi tính lại ông cắt cho vợ chồng con rễ mảnh đất dựng nghiệp của mình tức miếng đất có ngôi miếu ven sông đã kể ở chương 6. Hai vợ chồng vui vẻ nhận lời và cùng khăn gói ra đấy cất nhà, làm lụng, sau thời gian đã có 2 người con trai, vẫn luôn hương khói cho ngôi miếu nhỏ. Tả qua chút, ngôi nhà hai vợ chồng ông ở khá đơn sơ, mái lợp lá dừa, vách dựng bằng các tấm gỗ mỏng dựa vào nhau nên không kín, các khe hở gió lùa vào mát rượi, nền thì móc đất sét bùn dưới ao lên nện lại nên không bằng phẳng mà gò lên từng cục nhỏ (kiểu nền này gọi là đất xương rồng tầm chục năm trước nhiều nhà nghèo ở xứ Bến Tre vẫn còn ạ, các bạn cứ tưởng tượng nó nỗi lên từng cục tròn tròn như kiểu tóc Phật tổ ấy). Từ nhà cụ ra đến mé sông là một khoảng đất hoang độ 100m, cây lá um tùm và ở giữa là ngôi miếu. Cuộc sống vốn bình yên là thế nhưng một đêm, sau khi đã cơm nước xong ông giục bà và các con lên giường ngủ sớm, không hiểu sao cả ngày nay mắt trái ông giật liên tục, trong mình trong mẩy cứ thấy bất an lắm tựa như sắp có chuyện gì xảy ra. Nằm trằn trọc trên giường mãi không ngủ được, đến giữa giờ hợi thì có biến. Số là trong nhà ông có nuôi 2 con chó mực tinh khôn lắm, đi rừng đi rẫy ông đều dẫn theo, gặp rắn rết hay thú dữ gì đều không sợ e sợ. Lúc ông đang nằm thiu thiu thì bỗng nghe cặp chó sủa dữ và phóng ra sau nhà về phía bờ sông, lúc đầu ông cũng không để tâm vì nghĩ chó sủa nhau hay sủa ma thôi, lát sau bỗng nghe một tiếng ẳng nhỏ rồi im bặt. Ông vội nhỏm dậy nhìn ra khe hở trên vách, đêm rằm tháng 8 nên trăng sáng vằng vặc, soi rõ phía mé sông có lố nhố độ hơn tá người đang từ thuyền bước lên, mình mặc đồ đen, tay cầm phảng dài, người đi đầu thân mặc bộ bà ba đen, đầu đội cái nón lá tơi, tay cầm trường côn, dưới chân là con chó mực đang nằm thôi thóp. Dáng hình người này vô cùng quen thuộc khiến cụ Nghĩa thảng thốt kêu lên: Sáu Nhơn.!

Người đến đúng là Sáu Nhơn, từ độ bị cụ Nghĩa đánh bại trên sông, làm hư chuyện tốt y đã nuôi mối huyết thù, đời y kể từ khi xuống núi làm cướp mọi chuyện đều hanh thông, cướp của giết người, đánh trả quan binh, thâu tóm địa bàn đều là chuyện nhỏ, lũ đàn em phục y võ nghệ xuất chúng, tài phép hơn người nên trung thành tuyệt đối. Nay đại thủ lĩnh của chúng lại bại dưới tay một tên nông dân vô danh tiểu tốt thì còn gì thể diện nữa, nên Sáu Nhơn quyết tâm phục thù, sau nhiều lần điều tra và biết cụ Nghĩa đã bỏ nhà về xứ Đại Điền y lập tức điểm ngay chục tên thuộc hạ thân tín, nai nịt khí giới gọn gàng đêm hôm tìm đến quyết phải phanh thây xẻ thịt cả nhà kẻ thù mới rữa hận được.
Về phần cụ Nghĩa biết là đã gặp đại nạn, mình một thân khinh công võ nghệ, để thoát khỏi bọn cướp không phải không được nhưng còn vợ và 2 con thì phải làm sao? Thời xưa đất rộng người thưa, nhà này cách nhà kia phải mấy mẫu đất, làm sao nhờ hàng xóm ứng cứu được. Còn đơn thân độc mã chống lại lũ hung đồ lang sói này thì khác nào lấy trứng chọi đá chứ? Giữa tình thế thập tử nhất sinh, cụ ứa nước mắt, ôm chặt vợ con vào lòng rồi mở cửa trước đẩy họ ra ngoài, dặn vợ đưa con chạy đi mình sẽ ở lại liều mạng cầm chân địch. Cụ bà lúc đầu khóc lóc dùng dằng mãi không chịu đi nhưng vì nghĩ đến hai con nhỏ nên cắn răng tay bồng tay kéo con chạy đi tìm người giúp. Ông chốt cửa, chạy vào rút cây côn lớn gác trên xà nhà, giắc thêm cây rựa dài vào lưng chuẩn bị nghênh địch.

Về băng cướp nghe trong nhà có động nên vội áp sát, nào ngờ nghe vút vút mấy tiếng, cổ họng 2 tên đi trước đã bị 2 con dao bầu cắm ngập lút cán, ngã ngược ra sau miệng trào bọt máu, giật giật mấy cái rồi xụi lơ. Cả bọn vội cảnh giác lui lại, Sáu Nhơn ra lệnh bao vây rồi ném lửa, căn nhà mái lá bắt lửa cháy bùng lên dữ dội. Ngay lúc ấy từ trong biển lửa một bóng hình cao lớn đạp tung vách xông ra, căn nhà sau lưng sụp đổ, ngọn lửa bùng lên. Trong khung cảnh bi tráng ấy, hình dáng kia đứng sừng sững như một vị chiến thần từ hồng hoang thượng cổ đã trở về. Băng cướp thấy cảnh đấy thì kinh hồn bạt vía, chưa kịp phản ứng gì người kia đã múa tít đại côn xông vào bọn cướp. Chỉ thấy trong tàn lửa, những đường côn quét ngang quật dọc, kẻ kia vỡ đầu, người nọ phọt óc, máu me vung vãi trên đất vô cùng kinh đảm. Băng cướp cũng không phải vừa, vội hò nhau vay chặt, giáo mác, đao kiếm cứ nhằm vào kẻ kia mà đâm chém. Ông Nghĩa dù lấy ít địch nhiều nhưng dựa vào một thân võ nghệ cộng với sức mạnh phi thường nên cũng tạm không rơi vào hạ phong, tay vừa quét ngang đại côn sang trái đánh bay hai người, chân đã đạp đất phóng mình sang phải, giơ trảo bấu vào yết hầu tên khác mà giật phăng, máu me tung tóe, thân pháp lanh lẹ, thoăn thoắt không ngừng. Lúc đấy bỗng ông nghe sau lưng đau nhói, ngoái lại thấy Sáu Nhơn tự lúc nào đã áp sát đâm một thanh đoản vào vai mình, ông vội nhoài người lộn ra trước thuận thế đá hồi một cước, Sáu Nhơn không né mà tung người nhảy lên cao, dùng toàn lực giáng xuống một đòn. Ông Nghĩa vội đưa ngang côn lên hòng chặn lại nhưng nghe rắc một tiếng, thanh côn trong tay gãy đôi, đại côn Sáu Nhơn giáng xuống đánh mạnh vào vai đau điếng, ông ngã lùi ra sau nhìn kẻ trước mặt mà lạnh người, thầm nghĩ:

Sáu Nhơn này quả là sức mạnh phi thường, một côn khi nãy đã bị mình cản lại phần nào mà lực vẫn mạnh như thế nếu chịu trực tiếp thì e là mạng này khó giữ.

Ông rờ lại thì biết xương vai đã gãy nát, vũ khí đã mất, ông vội rút thanh rựa dài sau lưng quơ ngang phòng thủ rồi lui lại nhưng trước sau đều có địch, bọn cướp chỉ còn 6,7 tên lúc này đã đánh đến say máu, mắt đều đỏ lên, liên tục áp sát tấn công. Trong cơn hung hiểm thì từ bụi cây bỗng có tiếng gầm gừ rồi một con chó đen lớn nhảy ra, một tên cướp không kịp phản ứng đã bị nó đè xuống, hàm răng trắng nhởn cắn phập vào cuống họng mà nghiến, máu tuôn ra lênh láng trên đất. Thì ra khi Sáu Nhơn ra tay đánh chết con chó kia, con này biết nguy nên phóng tít vào bụi cây nhưng không bỏ chạy mà vẫn âm thầm quan sát chờ cơ hội rồi lao ra tấn công. Thấy bọn cướp đang hoang mang ông Nghĩa vội chớp thời cơ vùng dậy vung rựa dài chém mạnh vào đầu một tên đứng gần, lưỡi rựa đi rừng bén ngót lập tức chém bay một mảng cả đầu lẫn óc, tên này ngã ra chết tốt. Sau phút bất ngờ, Sáu Nhơn trấn tỉnh giơ côn giáng mạnh vào đầu con chó mực nhưng nó nhanh nhẹn nhảy ra, côn quá nhanh không kịp thu lại nên thành ra lại đánh vào đầu kẻ đang nằm trên đất, tên này cuống họng đã bị cắn đứt đang ngoắc ngoải nay lại ăn một côn của đầu lĩnh thì chết tốt. Thấy mình vô tình hạ sát đàn em, nhìn lại đám thuộc hạ thân tính đã chiến tử gần hết mà kẻ tử thù trước mặt vẫn còn chưa chịu chết, mắt Sáu Nhơn vằng đỏ, y gầm lên tức giận, bỗng lúc đấy y làm một việc khiến cả bọn sững sờ.

Sáu Nhơn chỉ dùng tay không mà bấu vào, xé toang lồng ngực kẻ đàn em đang nằm dưới đất, tay thọc sâu vào bứt ra trái tim còn đang nóng hổi, rĩ máu mà đưa lên miệng nhai ngấu nghiến, mặt mày hắn ta dính máu bê bết, hai mắt đỏ rực, miệng liên tục lẩm nhẩm những câu chú khó hiểu, không khí lúc này bỗng ngột ngạt, các luồng âm phong nỗi lên từng hồi, dưới ánh trăng mờ ảo, Sáu Nhơn bây giờ một thân hắc khí, mái tóc xõa tung, máu me ròng ròng nhìn như ác quỷ, vô cùng đáng sợ. Lũ đàn em nhận ra có chuyện chẳng lành, sau bao nhiêu năm cùng lăn lộn chúng đều biết thủ lĩnh ngoài võ nghệ siêu quần thì cũng tinh thông rất nhiều tà thuật như bùa Chà, bùa quỷ và đặc biệt là Thiên Linh Cái. Những phép thuật này vô cùng man rợ, tàn ác, phàm khi thi pháp thì hung hiểm vô cùng, nên cả bọn tức tốc vứt hết vũ khí mà chạy tứ tán hòng tìm đường sống kẻo bị ngộ sát. Ông Nghĩa nhìn kẻ thù trước mắt cũng cảm giác được mối hiểm nguy, nhắm khó lòng đánh được nên cũng vội xoay người, nhắm hướng bờ sông chạy vội hòng thoát thân. Nào hay trong đám lá trước mặt từ lúc nào đã xuất hiện một cái đầu to oạch, đỏ lựng, đang ngoác miệng để lộ ra 4 cái răng nanh trắng hếu nhìn ông mà cười sằng sặc:

- Á há há há..... há..há há.....

BÌNH LUẬN

Nguyễn Quang Hải

Trả lời

2023-03-05 16:46:05

tên của cụ cũng ứng với việc sau này quá, Tử Nam thì lúc chết cũng chết ở phương Nam