Logo
Trang chủ

Chương 11: Chuyện cô Ba Phấn.

Tiếp chuyện trước, cụ tổ tìm về xứ Bến Tre thì định cư, yên ổn sống qua ngày đến đời cụ thân sinh ông Lê Nghĩa, dù hoàn cảnh nghèo nhưng ông bà vẫn sống hạnh phúc với nhau và có cả thảy hơn chục người con. Trong đấy có người con gái lớn tên Phấn từ nhỏ đã có căn cốt, thấy được người âm. Kể rằng từ khi sinh ra cô Phấn ốm yếu luôn, đến năm 4 tuổi thì phát bệnh nặng, ông bà ngày làm ruộng, tối về phải đi bắt thêm con cua cái tép để nấu cho cô Phấn tẩm bổ mà bệnh vẫn không bớt. Một đêm cụ ông đi vào một cái đầm lớn, ông thả một mẻ lưới chưa được canh giờ thì kéo lên được vô số cá lớn nhỏ, mập ú. Mừng như bắt được vàng, ông vội đem về thả hết vào khạp nước sau nhà, lựa con mập nhất rồi giục bà nấu cháo cho con gái ăn. Nào ngờ khi ăn được vài muỗng cô Phấn bỗng nôn thốc nôn tháo rồi hộc máu mồm, mắt trợn ngược bất tỉnh. Ông cuống cuồng xốc ngược cô lên lưng, chạy băng mấy cánh đồng, giữa đêm đến đập cửa nhà thầy lang, sau khi thăm khám cũng không biết nguyên nhân là gì đành đưa cô về, ông bà ngồi nhìn con trong cơn sinh tử mà nuốt nước mắt bất lực.

Về phần cô Phấn, trong cơn hôn mê cô mơ màng nhìn thấy một người đàn bà mình mẩy máu me bê bết, quần áo tả tơi, mặt mày lở loét hình dung vô cùng đáng sợ. Người này đến trước mặt, đưa bàn tay lỡ loét máu thịt lộ ra cả xương trắng mà chỉ vào cô giọng lạnh lùng:

Con kia, tao số khổ, bị bọn giặc tây lông đỏ hãm hiếp, chà đạp rồi giết chết, phơi xác xứ đồng không mông quạnh, thân thể bị diều tha cá rỉa còn chưa đủ thê thảm hay sao mà mày còn ăn thịt tao, làm sao tao đi đầu thai đây? Nếu không phải nhà mày có tổ tiên làm âm thần bảo hộ thì tao quyết bắt mày theo làm ma thế mạng cho tao, chịu khổ thay tao, tao hận mày...huhuhu....

Nói rồi người này ôm mặt khóc nức nở, tay thì chỉ ra sau hè. Bổng lúc đấy từ ngoài cửa có một người thân mặt áo quan, đầu đội mũ cánh chuồn đi vào, chỉ phất tay áo mà đánh bay người đàn bà ra cửa sau đấy đến chạm nhẹ vào ấn đường cô. Cô Phấn lúc đấy bổng choàng dậy, cô kể lại giấc mộng cho cha nghe và giục ông ra sau hè xem. Cụ ông lúc này mới ra khạp nước bắt cá lên xem kỹ thì thấy mắt cá con nào cũng đỏ lừ, sau mổ hết bụng cá ra xem thì thấy có con trong bụng còn nguyên đốt ngón tay người tím xanh. Biết rõ nguyên do, hôm sau ông cùng người nhà ra đầm nước thì thấy trong đám bèo có xác người đang trương xình, ông vội kéo xác vào, mang đốt ngón tay hôm qua nhập vào rồi đào huyệt an táng. Cô Phấn cũng từ đấy dứt hẳn bệnh nhưng cô cũng có những năng lực khác người, nhìn thấy được người âm. Cô ăn chay trường và cả đời không lấy chồng, sau có thầy phù thủy đi ngang nhà thấy cô có căn cốt tốt nên dẫn theo, truyền dạy cho cô phép, bùa chú trấn yểm, thuật nuôi vong và khiển âm binh. Cô Phấn sau nhiều lần thi phép trừ tà, áp vong nên người dân biết tiếng đều kính sợ cô lắm.

Truyền rằng có lần trong vùng có một đám cướp rất hung ác, nhiều lần chặng đường người dân cướp của rồi cắt cổ cả. Dân trong vùng ai cũng sợ, lúc đấy cô Phấn cũng biết chuyện và rất tức giận. Một đêm, cô Phấn tắm rữa sạch sẽ, mặc áo choàng phủ quá đầu, lập đàn trước sân, trên bàn cúng cô bày một hũ sành to có dán 2 đạo bùa vàng, đốt 3 nén nhang, cắt tiết gà vào đầy một chén rồi rưới lên hũ sành sau đấy lầm rầm đọc chú. Nhang cháy quá nữa thì bỗng trong sân từng luồng âm phong thổi lên, lửa trên hai ngọn đèn cầy bổng chuyển màu xanh leo lét. Cô đứng sau đàn, xõa tóc tác chú rồi vung tay rãi ra sân một nắm đậu sau đấy hô lớn:

Việt linh chi khí, âm môn khai mở, tác đậu thành binh, lục đinh lục giáp, ma binh quỷ tướng nghe ta sai khiến.....

Bỗng nhiên trong sân một tràng tiếng hô vang như có một đạo quân vô hình đang hiện diện, cô lầm nhầm đọc thêm vài câu chú điểm binh rồi hóa 2 đạo bùa, các luồng âm phong khi đấy tản đi bốn phía, 2 ngọn lửa đèn cầy cũng cháy bùng lên.

Về phía trại cướp trong đêm đấy bổng có gió lạnh thấu xương, đèn đuốc bỗng tắt ngấm, trong bóng đêm vang lên tiếng vó ngựa, tiếng bước chân rầm rập tứ phía như có đoàn người ngựa từ bốn phương đang tiến đến. Rồi sau đấy là những bóng hình người mặc giáp trụ, tay cầm đao kiếm, gương mặt lẫn khuất trong làn sương mờ từ từ tiến vào bao vây lũ cướp mà chém giết. Đêm đấy người dân nghe trong rừng vọng ra từng hồi tiếng trống trận dồn, tiếng đao kiếm chém giết hòa lẫn vào tiếng la hét, kêu khóc vang trời. Đến khi gà gáy, người dân tụ tập vào xem thì thấy thây xác máu me của hơn mấy chục con người nằm ngổn ngang, chồng chất ở bìa rừng, tất cả đều bị phanh thây xẻ thịt, tử trạng vô cùng thê thảm, trên mặt các thi thể vẫn lộ nét kinh hoàng hẳn là trước lúc chết đã gặp điều gì kinh khủng lắm.

Sau đấy biết được là do cô Phấn đêm qua khiển âm binh đi giết băng cướp, người dân càng thêm kinh sợ và nể trọng cô, đều mang gà vịt, lúa gạo sang cúng tạ. Về phần cô Phấn, sau khi khiển âm binh đêm qua cô cũng bị phản phệ rất nhiều, biết rằng mình dùng tà thuật mà giết người dù rằng đều là kẻ cùng hung cực ác nhưng không tránh khỏi phạm vào ác nghiệp, sẽ bị trời phạt nên cô cũng nổ lực cứu người tích đức để giảm đi tội nghiệp.

Thời đấy, xứ Bến Tre thường có đồng bào người Thượng, người Chà từ vùng cao ngược xuống xuôi mà buôn bán, họ bán đủ thứ sản vật núi rừng từ thịt, da thú rừng đến lá trà, mật ong, rượu cần, thổ cẩm, gùi tre, ngà voi... rất đa dạng cùng với việc người Thượng rất thật thà, có sao nói vậy, nói giá nào bán giá đó chứ không hét giá, cò kè mặc cả, cân thiếu cân đủ như thương nhân dưới xuôi nên bà con trong vùng rất thích, hễ nghe có đoàn buôn người Thượng ghé qua là kéo vào lựa chọn, mua sắm ủng hộ rất nhiều. Họ mua bán, trao đổi rất dễ, đưa tiền hay đổi lấy muối đều được vì vùng cao quý nhất là muối và điều đặc biệt nhất là họ rất thật tình, nếu có người mua đồ xong bảo không mang tiền xin khất lần sau trả là họ đồng ý luôn khỏi giấy tờ gì cả, chỉ hỏi tên tuổi là cho khất nhưng lần sau khi họ xuống nhất định phải trả. Bà con thấy vậy cũng thương không ai nỡ gạt nhưng ở đời có người tốt ắt có người xấu. Truyền rằng khi đấy có một bà nhà cũng thuộc hàng dư dã, lúc mua bán có xin mua chịu 3 xấp thổ cẩm và 5 cân trà của một ông già người Thượng, hứa lần sau xuống sẽ trả đủ, ông già vui vẻ gật đầu. Thế mà lần sau khi ông lão mang đồ xuống bán, gặp mụ ta đi ngang gọi vào đòi tiền thì bà này giở giọng ngang tàng bảo chả quen biết gì nhà ông, ai mua thiếu bao giờ mà kêu trả. Đến ngày thứ 2, thứ 3 cũng thế, đều chối bay bảy thậm chí còn mắng chửi ông lão, mọi người xung quanh đều lắc đầu ngao ngán nhưng chả ai dám nói gì. Lúc đấy ông già bỗng chỉ vào người đàn bà mà nói:

Cô này cái bụng sao xấu quá, trước đã hứa với già rồi, mà bây chừ lại nói sai, đồ của rừng thì sẽ phải trả về rừng thôi, không cách này cũng cách khác".

Nói rồi gói ghém đồ đạc đi về không mua bán nữa. Ngay đêm đấy nhà mụ kia có biến, số là vợ chồng con kiến đang ngồi ăn cơm thì bỗng 2 đứa con cùng lên cơn co giật đùng đùng, miệng trào bọt mép, chồng mụ thì đột ngột múa may quay cuồng, thoăn thoắt leo lên xà nhà rồi bỗng trợn trừng 2 mắt, buông tay ngã uỵch xuống đất mất mạng, miệng trào ra bùn đen. Hàng xóm láng giềng nghe động qua xem rồi tri hô lên và chạy đi báo cho cô Phấn. Cô đến nơi thì mới thấy cảnh tượng kinh hoàng mà người thường không thấy, khắp nơi từ trong nhà đến trên mái ngói vô số những bóng đen, người nhầy nhụa đang đu bám bò trườn khắp nơi, cô vội rút một xấp hơn 10 tấm bùa vàng, vẽ nhanh vài đường rồi vung lên, các đạo bùa ngay lập tức bùng cháy, khi đấy các bóng đen cũng vội nhảy xuống mà lẫn vào rừng cây. Cô nhanh chóng xông thẳng vào nhà, cắn máu đầu lưỡi mà phun thẳng vào mặt 4 người đang co giật dưới đất, tay bấm lên ấn đường mà đọc chú nhưng rồi lắc đầu thở dài. Thấy chuyện đã im nhiều người hàng xóm kéo vào đỡ các nạn nhân dậy nhưng 3 người thân thể đã lạnh toát như chết từ lâu, còn mỗi mụ vợ là thoi thóp. Cô Phấn khi đấy mới ngồi lên mà kể:

Nhà này vì tham lam mà ăn quỵt tiền của người Thượng nên họ mới làm phép thả giống " Ma Gà" nuôi trong nhà ra để hại, giống này rất âm tà, thường được nuôi bằng máu tươi của gia súc gia cầm, phải hơn 5 năm mới ra được 1 con, khi chủ nhân khiển thì chúng sẽ theo lời mà tìm đến nhà kẻ thù cắn nuốt hồn phách. Khi nãy ta đến thì có hơn chục con Ma Gà, chứng tỏ người khiển chúng thật sự rất cao tay. Ta đã thi thuật nhưng hồn phách 3 kẻ kia đã bị cắn nuốt mất rồi, chỉ còn mỗi mụ này là cứu được nhưng tam hồn nay chỉ còn 1, thất phách thì chỉ còn 2, sống được e cũng là do phước phần của tổ tiên vậy.

Mọi người nghe xong đều lắc đầu kinh sợ, về phần mụ kia thì từ đấy điên điên khùng khùng, lúc khóc lúc cười, sau cũng bỏ nhà đi mất.
Chuyện thứ ba là trước khi cô Phấn khiển âm binh giết cướp, trong xứ có ông hội đồng Dư, nhà giàu có vô cùng, ông này cũng là người tốt, thường hay giúp đỡ dân nghèo nhưng bà hội đồng lại vô cùng keo kiệt, bủn xỉn, quý tiền hơn quý mạng. Hai ông bà hiếm muộn chỉ có độc một người con gái tên Loan, cô này rất đẹp, tính lại tốt bụng, thương người giống cha. Gần nhà có một anh tá điền nghèo nhưng rất chịu khó, thường hay sang làm thuê cho nhà hội đồng, lâu ngày anh đem lòng yêu cô chủ, cô hai Loan cũng cảm mến sự hiền lành chất phát mà yêu anh, thường hay đem gạo tiền của mình giúp đỡ.

Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, hai người vụng trộm rồi có thai. Anh tá điền mới nhờ mẹ sang xin hỏi cưới cô Loan nhưng bà hội đồng nỗi giận, nghĩ bọn tá điền không biết thân biết phận muốn bôi tro trát trấu lên mặt mình nên thầm sai người sang đánh đập, hành hung rồi đốt nhà anh ta. Biết con gái có thai nên bà vội sắp đặt làm lễ hỏi cho con gái với một nhà hào môn khác, mặt khác sợ chuyện xấu lộ ra bà ta cũng cho người lén tìm giết 2 mẹ con tá điền. Cô hai biết chuyện bèn lẻn vào phòng bà, cạy tủ mà lấy vàng bạc trang sức đem đưa cho người tình dặn đưa mẹ trốn đi rồi hẹn thời điểm sẽ đi theo. Bà hội đồng phát hiện mất của thì như đất trời sụp đổ, dốc ngược cả nhà lên nhưng cũng chả tìm ra thủ phạm và tất nhiên bà ta không hề nghi ngờ con mình, chỉ nghĩ bọn hạ nhân lén lấy.

Quá điên tiết bà ta mới tìm đến gặp cô ba Phấn, dùng tiền bạc để nhờ cô hạ một đạo bùa vô cùng độc ác, rằng kẻ nào dám lấy trộm vàng bạc của bà ta sẽ mù mắt điếc tai, miệng câm tay cùi, chết khổ chết sở, tuyệt tử tuyệt tôn. Cô ba nghe vậy thì mỉm cười, hỏi bà ta đã nghĩ kỹ chưa vì bùa chú tàn độc như vậy thì tốn âm đức lắm đấy. Bà ta lúc này đã tức điên nào quan tâm âm đức âm đ*o gì, dùng máu mình mà hạ nguyền, rồi viết chú lên một lá bùa, bỏ vào miệng một con cá lóc và thả ra sông, nghĩa là nếu muốn giải bùa trừ khi phải chính bà ta bắt được con cá lóc ấy lên, mổ bụng lấy bùa ra hóa đi thì may ra mới giải được. Sau đấy thì chắc mọi người cũng đoán được kết quả, hơn 3 ngày sau thì cô hai Loan đột nhiên phát bệnh, máu tai máu mắt máu miệng trào ra, tay chân co quắp rồi phát bệnh hủi, phải nhốt vào trong một căn phòng kín. Bà hội đồng lúc đấy đã biết chính mình đã hại con gái mình nhưng giờ chim trời cá biển, biết giải bùa làm sao đây. Được nữa năm thì cô hai Loan chết, nhà hội đồng sau trong đêm bị cướp lẻn vào giết hết cả.

Về sau cô Phấn nghe em trai là cụ Lê Nghĩa đã cưới vợ, hiện đã đưa theo cả mẹ về ở bên nhà vợ xứ Đại Điền nên cô lặn lội đường xa về thăm. Ông Nghĩa nghe chị từ xa về thì mừng lắm mới báo cho ông Hương Liêm và xin phép làm tiệc tiếp đón vì đã lâu chị em chưa trùng phùng. Ông Liêm cũng đồng ý, nghe rằng cô Phấn là thầy phù thủy có tiếng nên rất chú trọng, sai người làm tiệc chay kỹ lưỡng mà đón khách. Khi cô đến nơi thì trời mưa gió rất to, cả nhà vội ra mời vào nhưng cô đứng sững trước cửa nhất định không vào. Ông Hương Liêm thấy sự lạ vội khoác áo tơi dầm mưa ra sân hỏi han, cô mới đàng hoàng chấp tay cuối chào ông rồi chỉ vào nhà mà rằng:

Nhà ông có 2 vị môn thần rất mạnh chặn cửa, cộng với các bậc tiên tổ trong nhà ông rất đông đều kiên quyết ngăn chặn không cho tôi vào nhà, vì tôi là thầy phù thủy, luôn có âm binh đi theo hộ vệ. Cửu Huyền thất tổ nhà ông sợ tôi, hiện họ đều đang tụ họp đứng đông đủ trong tiền sảnh mà chửi bới um lên kìa. Thôi, nay đến đây biết được chỗ em tôi sống, thấy ông là người nhân đức vậy tôi cũng an lòng, nay xin từ biệt mà về, ông không cần tiễn nữa.

Nói rồi cô chắp tay vái chào rồi quay người đi thẳng, từ đấy tuyệt không bao giờ quay lại nơi đấy nữa. Hiện trong nhà thờ bên họ Lê Huỳnh của ông Nghĩa ở ngay cạnh chợ Đại Điền vẫn còn một bứt vẽ bằng giấy dầu rất cũ, vẽ một người đàn bà mặt áo trùm đầu, tay cầm tràng hạt, ngồi xếp bằng phong thái rất thoát tục được để trên cao nhất trong ban thờ lớn ngay dưới bức cữu huyền thất tổ và bên cạnh là bức họa ông Lê Nghĩa mặc áo gấm, quấn khăn rất đẹp, nghĩ chắc là ảnh thờ bà Phấn. Hiện quản lý và lo cúng kiến nhà thờ đấy là ông Lê Huỳnh Thuận, đã gần 60, cháu đời sau của ông Nghĩa và cũng là họ hàng của em.

Chương 11 đã dài xin kết thúc tại đây, xin cảm ơn anh em đã quan tâm theo dõi, nhớ thả cảm xúc và tương tác ủng hộ thớt nhé.

BÌNH LUẬN

Nguyễn Quang Hải

Trả lời

2023-03-05 16:46:05

tên của cụ cũng ứng với việc sau này quá, Tử Nam thì lúc chết cũng chết ở phương Nam