Logo
Trang chủ
Phần 1: Mộ Trung Tầm Long

Phần 1 - Chương 21: Lạc Hà thê ngưu đồ

Trong phần “Ma Thổi Đèn - Thần Cung Côn Luân", tay thương nhân người Hongkong tên là Minh Thúc vì muốn có được tấm gương cổ từ thời tiên Tần để trấn áp xác thuỷ tinh ở sông băng, đã không tiếc xuất ra miếng phượng ngọc từng được Dương Quý phi ngậm trong miệng giải khát, ngoài ra còn có một bức cổ hoạ Đại Tống tên là “Lạc Hà thê ngưu đồ” muốn cùng Hồ Bát Nhất trao đổi. Tuy miếng phượng ngọc của Dương Quý phi cũng là một kỳ trân, nhưng không phải là chi tiết trọng điểm của chương này, kỳ quái chính là bên trong bức “Lạc Hà thê ngưu đồ" kia có vẽ một lão ngưu đang nằm thảnh thơi nhai cỏ dưới tàng cây, ban ngày thì ngoan ngoãn ngoài đồng, đêm xuống liền sẽ quay lại lán cỏ nghỉ ngơi.

 

Nghe nói bức “Lạc Hà thê ngưu đồ” này xuất hiện sớm nhất là ở trong tay Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục (Một trong 10 nước thời Ngũ Đại Thập Quốc ở Trung - Nam Trung Quốc, được thành lập sau thời nhà Đường), vì muốn cứu Tiểu Chu Hậu miễn bị khi nhục nên đã đem bức hoạ này hiến tặng cho Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa. Nhưng Tống Thái Tông là người vô cùng độc ác, ngai vị mà hắn đang ngồi chính là cướp từ tay chính người anh ruột của mình, giờ phút này vừa muốn mỹ nhân lại muốn luôn cả danh hoạ, liền dứt khoát đem thuốc độc giết chết Lý Dục, lúc này mới yên ổn ngồi ôm mỹ nhân cùng ngắm danh hoạ. Bất quá bí mật của bức danh hoạ này đã khiến hắn tốn trăm phương ngàn cách mà vẫn không thể nào lý giải được, hỏi khắp lượt những người của vong triều Nam Đường cũng không một ai biết, văn võ bá quan đồng thời lắc đầu bó tay.

 

Về sau có một hoà thượng tên là Tán Ninh dâng biểu hướng Tống Thái Tông xin được nói ra bí mật ẩn chứa bên trong bức “Lạc Hà thê ngưu đồ” này. Bức hoạ bên trong vốn đã vẽ sẵn hai con trâu, một con ở trong lán cỏ và một con dưới tán cây. Ccon trâu dưới tán cây được vẽ bằng bột màu mài từ vỏ ốc Tiêu Sơn, chỉ có thể trông thấy vào ban ngày; mà con nằm trong lán cỏ nghỉ ngơi thì mài từ ngọc trai Nam Hải, chỉ ban đêm mới có thể thấy được. Tống Thái Tông cảm thấy vô cùng có lý, thế là ra lệnh cho toàn dân thiên hạ phải tìm về ốc Tiêu Sơn cùng ngọc trai Nam Hải dâng lên để làm bí dược trong cung, người ngoài không hề biết đến.

 

Những loại bí bảo bên trong cung đình này đều vô cùng huyền bí, phần lớn đã bị thất truyền từ lâu, đối với người lần đầu nhìn thấy mà nói, chỉ biết trợn tròn hai mắt!

 

Tôi từng đi qua Phù Sơn thuộc huyện Lâm Phần tỉnh Sơn Tây, nơi đó trong viện bảo tàng có một viên phật châu trứ danh, nghe nói là năm đó Từ Hi thái hậu trên đường chạy nạn từng đi ngang qua đây, có một quan viên hầu hạ thái hậu vô cùng chu đáo nên được bà ta ban thưởng cho viên phật châu này, nguyên lai cũng là một loại bí bảo trong cung.

 

Viên phật châu này do giả sắc lưu ly chế thành (Lưu ly màu đỏ thẫm), trên hạt châu có một lỗ nhỏ, một đầu lớn, một đầu nhỏ. Một lần nọ, có người vô ý ghé mắt vào trong lỗ nhỏ nhìn thử, phát hiện bên trong có một tôn đại phật ngồi ngay ngắn trong đại sánh, hào quang toả ra rực rỡ khắp bốn phía, cổ đeo phật châu, tay cầm tràng hạt, càng nhìn kỹ càng thấy tương phật như một vầng thái dương, sảnh đường sinh huy, mây mù lượn lờ, hệt chốn tiên cảnh. Bên trong đại sảnh trên tường còn treo một bức thư pháp, trên viết ba chữ to “Thánh Trung Phật". Đây chính là danh tự của viên phật châu này, nhưng vì cái gì đã khiến nó có được sự thần kỳ như thế, liền không người biết được!

BÌNH LUẬN