Logo
Trang chủ
Phần 1: Mộ Trung Tầm Long

Phần 1 - Chương 19: Cây cầu bằng đũa

Trong bộ truyện “Tặc Miêu" tôi từng nhắc tới một toà “đũa thành" nằm sâu bên dưới mặt đất, cả toà thành lâu được dựng lên từ những chiếc đũa trúc vẫn thường được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày, mặc dù kích thước và kết cấu có chút nhỏ bé nhưng lại vô cùng đầy đủ, có cửa thành, thành lâu, tường thành bao quanh, bên trên địch lâu còn lưu lại mấy chục ô cửa để lắp đặt bệ tiễn. Bắc ngang qua hào nước bảo vệ, dẫn thẳng vào cửa thành còn có một cây cầu cũng được làm bằng đũa, mặc dù có chiếc dài chiếc ngắn, chất lượng cũ mới không giống nhau, nhưng khi kết hợp lại vô cùng hoàn hảo, tạo nên một công trình kiên cố vững chắc, mặt cầu hình vòm hơi cong, rộng chưa tới hai thước, nhưng cũng đủ để người bình thường có thể đi qua.

 

Đầu tiên miêu tả vật liệu duy nhất để xây dựng lên toà thành này là từ những chiếc đũa - một thứ đồ vật hết sức quen thuộc và bình thường, sau đó vẽ vào trí óc độc giả hình ảnh về một toà thành với đầy đủ lầu đài đình các, cầu cống phố phường,... sẽ làm tăng thêm vẻ quỷ dị phi phàm, đây chính là một trong những tuyệt chiêu hành văn của tôi, kỳ thực xuất xứ của nơi này cũng tương đối thú vị đó.

 

Ngày trước ở Bắc Kinh, thời điểm hưng thịnh nhất với sự xuất hiện của thiên kiều (cầu vượt Bắc Kinh - một di chỉ lịch sử quý giá nhưng đáng tiếc hiện nay đã không còn), là nơi tụ tập của tam giáo cửu lưu, kim bình thái qua không thiếu một ai (Kim là chỉ “kim điểm" - những người làm nghề xem bói; bình chỉ “bình thư" - những người hát, kể chuyện xưa; thái là những người biểu diễn ảo thuật tạp kỹ và qua là cưỡi ngựa múa võ mại nghệ), trong đó chú trọng nhất là phải có tuyệt chiêu riêng  bản lĩnh đặc biệt, không thì làm sao cái nghề này lại gọi là móc bánh đất bằng? (Móc bánh đất bằng là một câu tục ngữ Trung Quốc. Bắt nguồn từ việc người ta sẽ vẽ một cái vòng tròn lên trên mặt đất rồi ngồi trong đó biểu diễn, mà vòng tròn ấy cũng giống như cái bánh. Ý cả câu là tay làm hàm nhai, tự lực cánh sinh, tay trắng dựng nghiệp không trông chờ vào người khác hay vận may gì cả. Đây là giải thích trong một số sách của Trung Quốc, còn tác giả Thiên Hạ Bá Xương thì giải thích hơi khác nhưng chung quy vẫn cùng một hàm ý). Chính là bởi vì họ không làm ruộng cũng không buôn bán, chỉ bằng vào những tuyệt chiêu, bản sự này có thể khiến cho người xem hào hứng vây xem rồi nguyện ý móc tiền ra, tiền này lại được đem đi để mua bánh nướng sống qua ngày.  Ở phủ Bảo Định có một gánh biểu diễn lưu động, không thấy hắn múa võ mãi nghệ, cũng không thấy hắn bán thuốc bán thang, thậm chí còn không cả thấy hắn thét to quảng cáo như bao người khác. Hàng ngày, trời vừa mới hửng sáng là người ta đã thấy hắn bày hàng biểu diễn, hàng trăm hàng nghìn đôi đũa qua tay hắn được khéo léo dựng thành đình các thành trì, mỗi ngày mỗi khác, rất là lạ thường, tiết mục mà hắn biểu diễn chính là độc nhất vô nhị, khiến cho lượng người bị hấp dẫn ngày một tăng, ngày ngày đều kéo đến xem hắn biểu diễn, cũng xuất tiền thật lực. Bất quá tiết mục dựng đũa thành lầu này có khác một chút so với toà thành được tôi mô tả trong sách kia, chính là ở chỗ  dùng nhựa cây để kết dính khối kết cấu không bị tách rời. Các bạn thử nghĩ mà xem, nếu như dùng nhựa cây dính cố định lại thì làm sao có thể tháo ra để ngày mai còn biểu diễn tiếp? Chẳng phải là tự mua dây buộc mình hay sao?

 

Nhưng mà, thật sự có những cây cầu không cần dùng dù chỉ là một cây đinh hay một loại chất kết dính nào cả, lại nói ở trường đại học Cambridge nổi danh nhất nước Anh có một cây cầu tên là “cầu toán học", đây là tác phẩm do nhà bác học thiên tài Newton đã lợi dụng sự kết hợp của toán học và vật lý học để tạo nên một thiết kế vững chắc, khiến cho cả cây cầu không cần dùng đến bất kỳ thứ gì hỗ trợ gắn kết mà vẫn có thể chịu được sức nặng của hàng chục người qua lại cùng lúc bên trên mặt cầu, quả là một thứ kỳ tích. Về sau, có rất nhiều học sinh hiếu kỳ đã tháo dỡ cây cầu để nghiên cứu. Ai ngờ tháo ra thì dễ mà đến lúc lắp lại liền vô cùng khó khăn. Vô luận các học sinh dùng phương pháp gì cũng không thể khôi phục được nguyên trạng như cũ, ngay cả các giáo sư trong trường cũng bất lực chịu thua. Cuối cùng vẫn không thể không dùng đinh vít để cố định lại, mới một lần nữa phục dựng lại được, chỉ là cấu tạo và kích thước của cây cầu này, liền lớn hơn rất nhiều so với cây cầu bằng đũa của tôi!

BÌNH LUẬN