Logo
Trang chủ
Quyển 2: Câu Thi Pháp Vương

Quyển 2 - Chương 1: Mở đầu Câu Thi Pháp Vương

Tôi từ phía sau vội vàng đuổi theo, nhưng Shirley Dương đã chạy về hướng nào không rõ, dấu chân của cô ấy đã bị bão cát hoàn toàn xoá đi. Tôi thực sự đã tuyệt vọng đến cùng cực, nhưng cuối cùng vẫn sốc lại được tinh thần, sống chết gì cũng phải đem Shirley Dương trở về! 

 Tôi cùng với Tuyền béo, hai thằng kéo theo tên Răng Vàng nửa sống nửa chết, thêm cả Ngọc Diện Hồ Ly, đi đến nơi tiếp giáp giữa đại mạc và dãy núi đằng xa, có núi, tôi mới có thể thi triển được bí thuật tầm long quyết phân kim định huyệt, rốt cuộc cũng dẫn được mọi người thoát ra khỏi nơi đây, tìm lấy một ngôi làng để nghỉ chân. Tuyền béo cùng Răng Vàng không hề động tay động chân gì với Ngọc Diện Hồ Ly, vừa mới tiến vào trong núi, cô ta liền cứ thế bỏ đi. Chuyện đã đến nước này, chúng tôi cũng không ai rảnh mà đuổi theo cô ta làm gì. Ba người thương lượng một hồi, “Shirley Dương” đã chạy đến nơi nào?  Nhưng khổ nỗi chúng tôi đều là người trần mắt thịt, làm sao biết được “ma” đang nghĩ gì? Mỗi người một câu thẳng đến mãi nửa đêm, tôi nói với Tuyền béo cùng Răng Vàng: “Tôi chợt mới nghĩ ra một ý này, cũng không biết là có đúng hay không, nhưng trước cứ nói qua cho hai người các cậu xem thử thế nào nhé. Truyền thuyết về yêu nữ Tây Hạ là một lời tiên đoán đã có từ xa xưa, mà trong một cuốn bí bản được Kim Bàn Toán chép lại, cũng có một đoạn nhắc đến truyền thuyết yêu nữ!”

 Thế là tôi mượn lời này để bắt đầu, giải thích cho Tuyền béo và Răng Vàng một lượt: Vào những năm đầu dân quốc, bên bờ sông Hoàng Hà xuất hiện một vị Mô kim Hiệu uý, ba canh không đổi tên, năm năm không đổi họ (Trans: Ý nói là người quân tử, dám làm dám chịu), thế nhưng phàm là người ăn chén cơm của người chết này, không thể tuỳ tiện để cho người khác biết được tên họ của mình, từ trước tới nay chỉ dùng mỗi tự hiệu, Kim Bàn Toán chính là tự hiệu của hắn. 

 Kim Bàn Toán mới đầu sinh ra tại một gia đình giàu có, nhà hắn không làm gì khác ngoài cái nghề cho vay nặng lãi, kiếm tiền dựa trên xương máu của người khác, nhưng là tài vượng người không vượng, cả nhà chỉ có mỗi mình hắn cùng với tổ mẫu, tổng cộng là hai người, hắn là Thiếu đông gia, từ nhỏ đã được đeo vàng đeo bạc kín khắp cả người, ăn sung mặc sướng, muốn cái gì là có cái đó, lại không có ai quản thúc bên cạnh, đến khi trưởng thành một thân đầy những thói hư tật xấu, tay chân lười biếng chẳng chịu làm gì, đến ngũ cốc cũng không phân biệt nổi, thực sự phải nói là tiêu tiền như nước, kết giao với rất nhiều hồ bằng cẩu hữu, thật đúng với câu tục ngữ: “Như sâu trong gạo, như rắm trong quần” (Trans: Tương tự với câu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”). Đám bằng hữu này của hắn đều là những kẻ sa cơ thất thế, bây giờ phải đi bợ đỡ người khác để sống, hoàn toàn không có lấy nửa điểm đáng tin, bọn chúng nhìn nhà Kim Bàn Toán ăn uống xa hoa sung sướng mãi mà vẫn không hết tiền, không khỏi đỏ mắt thèm thuồng, một bên ăn của hắn uống của hắn, một bên lại đưa lời đàm tiếu: “Nhà ngươi sở dĩ giàu có như thế, là bởi vì lão thái thái nhà ngươi có lão Hoàng hộ giá, nhưng lão Hoàng từ trước tới này đều chỉ đảm bảo một đời ấm no, chờ lão thái thái nhà ngươi chết đi, mọi thứ trong nhà này đều phải trả hết lại, chẳng còn sót lại thứ gì cho ngươi nữa đâu, sau này biết lấy gì để mà sống?”

 Mưa dầm thấm lâu, cứ nghe người ta nói mãi như vậy, dần dà trong lòng hắn cũng bắt đầu lo sợ, liền nghe theo lời xúi bẩy của đám bạn kia, về nhà nói với lão thái thái, nhà chúng ta tiền nhiều như vậy, để ở dưới hầm thật là không an toàn, nếu như có thể chuyển tất chỗ tiền vàng đó tới chôn ở bên dưới máng đá cạnh con suối nhỏ bên mé Tây núi, rồi lấy đá chặn lên trên, như vậy mới không sợ bị đạo tặc dòm ngó. Lão thái thái tin lời hắn nói là thật, ngay đêm hôm đó liền thắp hương dập đầu khấn bái. Một lúc sau lão Hoàng xuất hiện, hướng về phía lão thái thái hạ bái, nói rằng cái máng đá bên cạnh con suối nhỏ kia, phía dưới nối liền với sườn núi, thật không dễ di chuyển chút nào, tôi sẽ huy động cả tộc cùng ra tay dốc sức, điều này đương nhiên không cần phải nói, nhưng mà vẫn còn phải mượn một lời kim khẩu quý ngôn của lão thái thái ngài, ngày mai nhân lúc nửa đêm, ngài hãy đứng ở cửa mà trông về hướng Tây, đợi đến khi nào thấy chúng tôi đi tới trước cửa, ngài hãy nói một câu “Thật nhẹ làm sao”!

 Kim Bàn Toán trốn ở phòng ngoài nghe rõ mồn một từng câu từng chữ, cho đến nửa đêm hôm sau, hắn cũng lần mò đứng đợi sẵn ở cửa, đợi mãi tới tận canh ba, chỉ thấy phía Tây như có lũ cuốn, nối dài một mảnh đen nghịt, dễ khiến người ta tưởng lầm thiên quân vạn mã đang trên đường hành quân, cái máng đá kia, thật không tin nổi, đang thực sự cấp tốc hướng về phía đằng này, lão thái thái vừa muốn mở miệng cất lời, hắn từ đằng sau đã vội lao vụt lên giành lời nói trước: “Đè chết tất cả!” Lúc ấy chỉ nghe một tiếng động thật lớn vang lên, cái máng đá to lớn lập tức rơi ầm xuống đất, bên dưới liền phát ra một tiếng thét rợn người, cùng lúc đó, một đốm lửa chợt bùng lên, chớp mắt một cái đã không thấy đâu nữa. Lão thái thái thấy vậy thì cả kinh, khó khăn lắm mới thở hắt ra được một hơi cuối cùng, rồi cũng đi theo ông bà ông vải về miền Tây Thiên cực lạc. Kim Bàn Toán lúc này có muốn hối cũng không kịp nữa rồi, kêu trời, trời không thấu, kêu đất, đất chẳng nghe, giờ có hối hận cũng vô ích mà thôi. Từ đó về sau, gia cảnh nhà hắn ngày càng sa sút thậm tệ, thậm chí có thể nói là xuống dốc không phanh, cuối cùng cả nhà chỉ còn lưu lại mỗi một mình hắn lẻ loi trơ trọi. Gánh nặng về cái ăn cái mặc đè trĩu trên vai, buộc hắn phải bán hết phủ trạch dinh thự, ra ngoài làm một ít buôn bán nhỏ, trên đường gặp phải Hoàng Hà dậy sóng, lũ lụt liên miên, người chết đói xác nằm la liệt khắp nơi, lão bách tính phải bán vợ gán con, thê ly tử biệt, đủ thứ khốn khổ, hắn lúc đó vẫn còn giữ thói quen cũ, quen cái tính tiêu tiền như cỏ rác, đã không gặp thì thôi, một khi gặp phải người nào có hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn, hắn nhất định sẽ ra tay xuất tiền tương trợ. 

 Một này nọ, Kim Bàn Toán đi đến bên bờ Hoàng Hà, nước sông vàng khè, sóng đục cuồn cuộn, vầng thái dương đỏ rực treo tít trên cao, giống như bị một tấm lụa mỏng bao trùm lấy, thực hư lẫn lộn, từ từ buông xuống. Từ trước tới nay, nơi đây có một tục lệ không đi thuyền đêm trên dòng Hoàng Hà, thành ra lúc này không có lấy một bóng thuyền khiến Kim Bàn Toán không biết phải qua sông bằng cách nào, sắc trời càng ngày càng tối, những năm tháng ấy, chiến tranh loạn lạc nổ ra khắp nơi, trước không có thôn làng, sau không có khách điếm, tìm được một chỗ để nghỉ chân qua đêm quả thực vô cùng khó khăn, thường thường có hổ báo sài lang ẩn hiện, hắn bất quá khi ấy mới chỉ mười mấy tuổi đầu, sợ rằng gặp phải dã thú dọc đường, đành vội vã quay trở về, thế nhưng mây đen không biết từ đâu kéo tới, đất trời tối om, âm phong ào ào, hắn không biết mình đã đi lạc đến địa phương nào rồi, chỉ thấy một phiến nghĩa địa nằm giữa mảnh rừng hoang, ẩn ẩn hiện hiện giữa làn sương đêm mờ ảo, có phần ghê rợn, mộ hoang từng đống, xương khô chất đầy, thành thú thành đàn, những ngôi mộ này không biết là đã có từ thời đại nào nữa, cái này nối sát cái kia. Toàn thân Kim Bàn Toán run lên vì sợ hãi, hai chân hắn xiêu vẹo bước đi như người say, không biết ma xui quỷ khiến thế nào, sau một hồi đi loạn, trước mắt hắn bỗng xuất hiện một khoảng sân rộng, còn có một lão đầu tay dắt lừa đang định đi vào. Hắn vội vàng chạy tới, trước tiên hành lễ với lão đầu, sau đó miệng gọi hai tiếng “Ân sư”. Lão đầu nhìn hắn, đánh giá từ trên xuống dưới khắp một lượt, hỏi hắn: “Ta không hề nhận ra ngươi, như thế nào ngươi lại gọi ta là ân sư?” Kim Bàn Toán bây giờ ít nhiều cũng là một kẻ buôn bán, mồm miệng nhanh nhảu nói: “Ân sư cao cao tại thượng, xin ngài hãy nhận của con một lạy, con là người huyện Hà phủ Hà, trưởng bối trong nhà đã từng dặn dò qua, nơi chúng ta đang sống là thâm sơn cùng cốc, chưa từng thấy qua sự đời, một khi đi ra thế giới bên ngoài, gặp bậc trưởng giả, nhất định phải tôn làm ân sư. Tiểu nhân ra ngoài buôn bán, vô tình đi ngang qua nơi này, chân tay sớm đã mỏi mệt rã rời, kính mong ân sư thương xót, cho con tá túc nghỉ nhờ một đêm, đừng bỏ mặc con tại nơi hoang sơn dã lĩnh này làm mồi cho sài lang thú dữ, đại ân đại đức của ngài, con đời đời nhớ mãi không quên.”

 Lão đầu nghe hắn nói vậy thì cũng mủi lòng, liền dẫn hắn vào trong nhà. Trong nhà ngoài lão đầu kia ra còn có một lão bà khác, tuy không thể nói là khá giả lắm nhưng ít ra cũng có được vài gian phòng lớn, chỗ của hắn được sắp xếp ở gian phía đằng Đông. Lúc này màn đêm cũng đã sớm buông xuống, hắn ở trong phòng, mới lôi miếng lương khô ra cắn được một nửa, bỗng nhiên cửa phòng chợt mở tung, liền sau đó là một cô nương tiến vào, một thân y sam vàng nhạt. Hắn giật mình ngồi đơ tại chỗ, không biết phải làm thế nào. Hoàng y cô nương lên tiếng: “Nhị vị lão thân ở phòng trên, là sư phụ cùng sư nương của ta, ngươi ở xa mới tới nên không biết đấy thôi, phong tục nơi này của chúng ta vô cùng kỳ lạ, quái sự cũng nhiều, người qua đường thường hay bỏ mạng. Nếu như sư phụ cùng sư nương ta bảo ngươi lên phòng trên ăn cơm, thì ngươi ngàn vạn lần hãy nhớ cho kỹ: họ gắp cho người cái gì ngươi cũng đừng có ăn!” Dứt lời, liền xoay người lập tức rời đi. Kim Bàn Toán chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, chính lúc mặt vẫn đang nghệt ra vì khó hiểu thì lão đầu tới gọi hắn đi ăn cơm, dẫn hắn lên phòng trên, bưng đến trước mặt hắn một chén lớn trứng chần nước sôi, tổng cộng có tám quả, lại nói nơi này nông thôn thiếu thốn, không có đặc sản gì để thiết đãi, ngươi đi đường vất vả cả ngày, ăn nhiều thêm mấy quả trứng chần cho lại sức. Trong lòng hắn thầm nghĩ: “Cô gái kia đúng là đồ hẹp hòi, chắc sợ ta ăn mất phần của ả, còn bày đặt nói ra những lời đáng sợ kia để doạ mình, cùng lắm thì ông đây không ăn là được chứ gì!” Nhưng chén trứng chần trước mặt thật sự là hấp dẫn quá đi, hương thơm ngào ngạt, lại nóng hôi hổi, thực sự không nhịn nổi cơn thèm, lại sợ phụ phải lòng tốt của hai vị lão thân, liền cầm chén cầm đũa lên, một hơi khoắng sạch. Lão đầu thấy hắn ăn một cách thống khoái như vậy, tỏ ra thập phần cao hứng. Sau khi cơm nước xong xuôi, Kim Bàn Toán trở lại phòng hắn, vừa định cởi quần áo đi ngủ, hoàng y cô nương lại đẩy cửa bước vào, vội vàng hỏi hắn đã ăn thứ gì mà sư phụ đưa cho chưa? Hắn đang muốn mở miệng trả lời, trong bụng chợt như có hàng ngàn hàng vạn con kiến đang bò qua, trên trán toát ra mồ hôi lăn, ngã vật ra đất lăn lộn liên hồi. 

 Hoàng y cô nương vội chạy đi tìm lấy một chiếc dây thừng, đem đầu hắn chúc xuống dưới, treo ngược lên xà nhà. Bụng hắn lúc này đang sôi ùng ục, hồi lâu sau liền cảm thấy buồn nôn dữ dội, “oẹ” một tiếng, phun ra được một con cóc to tổ bố vẫn còn đang nhảy nhót tưng bừng, trước sau một lượt nôn ra tận tám con, đúng bằng số trứng hắn ăn vào bụng lúc trước, sau khi nôn xong, bụng dạ mới dần dịu đi. Hắn quỳ xuống dập đầu, khấu tạ đại ân cứu mạng này. Hoàng y cô nương thở dài, nói: “Ngươi có chỗ vẫn không biết, hai vị lão nhân kia cùng ngươi đã có thù từ trước, lần này thấy ngươi không chết, chắc chắn vẫn sẽ nghĩ cách để hại ngươi tiếp! Tuy nói nghiệp nợ tướng thường, có nhân thì ắt có quả, nhưng ngươi trước giờ làm nhiều việc thiện, tích được rất nhiều âm đức, tiền đồ xán lạn không gì sánh bằng, ta nguyện lấy thân báo đáp, giúp ngươi thoát khỏi kiếp nạn này!” Kim Bàn Toán vừa hổ thẹn lại vừa cảm kích, cùng hoàng y cô nương hạ bái, hai người tự định chung thân, nhanh chóng thu thập mấy món tế nhuyễn, lập tức trốn đi ngay trong đêm, phải qua được Hoàng Hà trước khi gà gáy. 

 Kim Bàn Toán vậy mà đã có vợ, tuy biết rõ vợ mình ắt chẳng phải người thường, nhưng cũng không dám hỏi nhiều. Đôi vợ chồng trẻ trốn đi trong đêm, cô gái có đôi chân nhỏ nên không thể nào đi nhanh được, bảo hắn dắt con lừa của lão đầu tới, vỗ vỗ vào chân hắn cùng con lừa mỗi bên ba phát, sau đó cưỡi lên lưng lừa, trốn đằng cửa sau. Hai người lần mò bước đi trong đêm tối, hắn cảm thấy mình chạy như bay, khác hẳn ngày thường, đi được khá xa rồi mà vẫn chẳng thấy mệt mỏi chút nào. Đi không lâu lắm, cuối cùng cũng đến được bên bờ Hoàng Hà. Hắn luôn mồm kêu khổ, nửa đêm trời tối không có lấy một bóng đò ngang, trước khi gà gáy làm sao qua được bên kia sông đây? Đợi đến khi trời sáng lão đầu kia dẫn người đuổi theo tới nơi, vậy nãy giờ bao công trốn chạy hoá ra lại thành công cốc à?

 Cô gái nhảy xuống khỏi lưng lừa, quỳ xuống dập đầu lạy ba vái, trong miệng lầm bầm gì đó, chỉ chốc lát sau, giữa lòng sông chợt hiện lên một con thuyền nhỏ, vừa đủ cho hai người ngồi, lặng lẽ vượt sông giữa đêm tối. Qua đến đầu sông bên kia, Kim Bàn Toán mới chợt nhớ tới mình đã để quên con lừa, nơi này hoang sơn dã lĩnh, không có lừa có ngựa thì phải làm như nào? Cô gái bèn nói: “Chàng chớ vội, trong rừng có một con ngựa, chàng qua đó dắt ngựa đi đi, không cần quay lại tìm ta, khi nào cần ta sẽ tự khắc xuất hiện. Chàng nhất định phải nhớ kỹ, mặc kệ ai đến hỏi mua con ngựa này, dù cho có trả giá cao đến mấy đi chăng nữa, chàng cũng không được bán nó, vạn bất đắc dĩ phải bán ngựa, chàng hãy giữ lại cái dàm (Trans: Đồ dùng thường đan bằng tre nứa, hình giống cái giỏ, để chụp vào mõm súc vật cho không ăn, không cắn được), nếu không chúng ta sau này sẽ không thể nào gặp lại được nhau.” Nghe vợ nói vậy, hắn liền đi tới phía sau gốc đại thụ trước mặt, quả nhiên nơi đó có một con ngựa đang đứng chờ sẵn, chiếc dàm cũng đã được đeo cẩn thận. Dàm chính là bộ dây cương đeo ở mõm ngựa, gọi là hàm thiếc, ngoài ra còn có tên gọi khác là “bí”, thế nhưng lại không có yên ngựa. Hắn vừa mới phân tâm một khắc, quay đầu lại đã không thấy vợ mình đâu nữa. 

 Hắn rốt cuộc cũng hiểu ra, ngựa này không thể cưỡi được, bèn dắt theo ngựa đi về phía trước. Trên đường có người hỏi hắn ngựa này bán không? Hắn chỉ lắc đầu không nói, tỏ ý không muốn bán. Lại đi thật nhiều ngày, vô tình đi ngang qua một toà thành bỏ hoang, đầu thành cỏ đã mọc thành từng bụi lớn, không một bóng người qua lại, chỉ có một lão tì khưu tăng đang ngồi toạ thiền trên tường thành. Lão tăng thấy con ngựa này của hắn, miệng tụng một câu Phật hiệu, từ trên tường thành nhảy xuống, ngăn hắn lại nói muốn mua ngựa. Thật không ngờ lão tăng này quả là một người hào phóng, vừa ra tay đã là hai thỏi vàng ròng, nói: “Tiểu thí chủ, con ngựa này của ngươi chỉ có thể bày không thể dùng được, không bằng bán cho lão tăng!” Không để cho Kim Bàn Toán kịp mở miệng phản đối, lão tăng kia đã nhét hai thỏi vàng vào tay hắn, đoạn dắt ngựa mà đi. Hắn ngây người cả nửa ngày, đột nhiên vỗ đầu một cái, kêu lên: “Hỏng bét rồi, quên mất chưa tháo cái dàm!”

 Mất một lúc lâu mới nhận ra, thì lão tăng đã dắt ngựa xuyên qua cửa thành đi mất từ lúc nào. Hắn ôm theo chỗ vàng, vội vã đuổi theo lão tăng kia, rẽ ngang rẽ dọc, cuối cùng đi đến một ngọn đồi trọc, trên đồi chỉ có lẻ loi một toà miếu nhỏ. Miếu này không lớn, rách nát cũ kỹ, mái hiên tường nhà sớm đã sụp xuống một nửa, chính là một toà âm miếu. Dân gian trước kia hay nhắc tới “âm dương miếu", ý là miếu cũng chia làm hai loại âm miếu và dương miếu. Dương miếu thắp hương kính thần, ra vào đều là người sống. Âm miếu tế cô hồn vô chủ, là nơi vãng lai của ma quỷ âm ty. Bình thường rất hiếm khi gặp được âm miếu, vì thứ này chỉ được xây trên nền đất có bãi tha ma. Hắn từ xa trông thấy, lão tăng dắt theo con ngựa đem vào trong miếu, rồi đóng chặt cửa lại, quay người xuống núi. Thường nói: “Đồng ngưu, lừa thiết, mã bồi", ý nói ngựa là loài chỉ được cái mã chứ chẳng có tác dụng gì mấy, người xuất gia khất thực bát phương, tại sao lại nuôi một con ngựa trong miếu để làm gì? Hắn lén lút đi tới trước miếu, thấy cánh cửa gỗ khép chặt, còn dùng một đòn gỗ chặn ngang bên ngoài. Hắn tiến lên đem đòn gỗ dời đi, vừa muốn đi vào dắt ngựa, lão tăng kia đã kịp phát giác, hai mắt trợn tròn, chạy nhanh lên núi. Chợt thấy cửa miếu vừa mở ra, bên trong miếu đường không thấy ngựa đâu, mà lại bay ra một con chim sẻ, vọt lên trời cao. Lão tăng lắc người một cái, lập tức biến thành một con diều hâu, móng vuốt sắc nhọn, giương cánh đằng không, lao vút lên không, hoà mình vào những đám mây, rượt đuổi con chim sẻ kia. Chim sẻ thấy thế tấn công của diều hâu hết sức hung ác, không cách nào chạy thoát, bèn bổ nhào xuống dưới, hai chân vừa chạm đất liền biến thành một con chuột lông gấm, muốn trốn vào trong khe nứt trên vách tường. Diều hâu cũng lao xuống theo, lăn một vòng trên mặt đất, biến thành một con báo, vồ lên phía trước, chặn kín lối vào, há miệng đợi sẵn con mồi. 

 Trải qua mấy phen rượt đuổi, lão tăng kia đều chiếm được thế thượng phong. Kim Bàn Toán chưa từng thấy qua cảnh tượng nào như thế này bao giờ, đứng một bên quan sát nhưng cũng không khỏi kinh tâm động phách, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Cho tới lúc này, thấy tình hình có vẻ không ổn, hắn vội cúi xuống tìm kiếm, nhặt lên được một tảng đá, lập tức ném đi luôn, mặc dù không trúng con báo kia, nhưng thừa dịp con báo lách mình tránh né, con chuột lông gấm tức khắc quay người lại, biến thành một con chó vàng. Khoảng cách giữa song phương quá gần, con báo cũng định biến hình nhưng đã không kịp nữa rồi, liền bị con chó vàng một miếng cắn chết tươi, sau đó quay đầu trở lại miếu hoang. Một trận âm phong thổi qua, bên trong miếu lúc này xuất hiện một cô nương thanh tú, xinh đẹp động lòng người, trên khoé miệng vẫn còn vương dấu máu. 

 Cô gái trách hắn không nghe lời dặn dò, suýt nữa đã khiến hai người phải bỏ mạng, nhưng mà vào thời kỳ ấy, con người vẫn chú trọng đến tam tòng tứ đức, người chồng làm gì người vợ cũng không được có ý kiến, bây giờ cũng không phải lúc trách móc lẫn nhau, trước mắt chỉ có một chữ “đi” mà thôi! Hai vợ chồng đang muốn tiếp tục lên đường, cô gái bỗng nhiên rùng mình một cái, sắc mặt cũng chợt thay đổi, nói với hắn: “Xảy ra đại sự rồi, nhị lão không chịu buông tha cho chàng, chúng ta chạy xa như vậy rồi, vẫn muốn đuổi tới hại chàng! Đã không làm thì thôi, một khi đã làm thì phải làm đến cùng, không diệt trừ hai người bọn họ, ta và chàng đều không sống được, chàng hãy nhanh chóng đi mua một con gà trống một con gà mái, cùng với hai cây búa, mỗi người chúng ta giữ một con gà và một cây búa, trốn vào một toà miếu hoang nào đó, sau đó chàng nghe theo ta phân phó, ta bảo chàng làm gì thì chàng hãy làm y như vậy.” 

 Đối diện ngọn núi này có một thôn trang nhỏ, hắn không dám sơ suất nữa, chạy tới mua được hai con gà, hai cây búa, sau đó quay trở lại. Hai người trốn vào bên trong miếu, cô gái quỳ trước thần vị, dập đầu khấn bái liên hồi. Giữa ban ngày ban mặt, chợt thấy đối diện ngọn núi phía sau dâng lên một đám mây vàng, bay qua che kín cả ánh mặt trời. Nàng dâu vội vàng hô lên: “Nhanh chặt!” Hắn nghe vậy, lập tức lấy búa chặt đứt đầu gà, đám mây từ giữa không trung cũng liền rơi xuống, không một tiếng động. Chờ lát sau, phía sau núi lại bay lên một đám mây vàng khác, cô gái giơ tay nâng búa, rồi dứt khoát bổ xuống chặt đứt đầu con gà còn lại, đám mây rơi xuống, cũng không thấy đâu nữa. Cô gái rơi lệ, nói: “Ta đã giết chết nhị lão, tương lai của ta sau này cũng sẽ không có kết quả tốt!” Hắn nghe vậy cảm thấy rất là xui xẻo, bèn cất công khuyên nhủ vợ mình một hồi, đôi vợ chồng trẻ lại lần nữa lên đường, trong tay có hai thỏi vàng lão tăng kia đưa cho lúc trước, lộ phí đi đường không cần phải lo. Lúc đi ngang qua thôn, hắn mua lấy một con lừa, vẫn để cho vợ mình cưỡi còn mình đi theo bên cạnh, một đường hướng về phía hạ du Hoàng Hà mà đi. 

 Hai vợ chồng vừa đi vừa trò chuyện, Kim Bàn Toán nói: “Bản lĩnh của nàng thật lớn, không phải đạo pháp nào cũng có thể sánh bằng, có thể biểu diễn lại một hai chiêu để cho ta được mở mang tầm mắt một chút không?” 

 Cô gái bèn nhìn về phía sông Hoàng Hà xem xét một chút, thấy có một con thuyền lớn đang thuận buồm xuôi dòng, nàng ngồi trên lưng lừa giơ ngón tay điểm một cái, khẽ kêu: “Định!” 

 Hoàng Hà bắt nguồn từ những núi băng vĩnh cửu thuộc vùng cao nguyên hoàng thổ, xuyên qua biết bao đồi núi thác ghềnh, hoang mạc đồng bằng, thế nước chảy xiết, dòng chảy mãnh liệt, liên tục không ngừng, ầm ầm ngày đêm, đá ngầm khắp nơi đều có. Nước sông đục ngầu va vào đá ngầm, phát ra từng tiếng nổ vang trời, thanh thế kinh người. Thật có thể nói là không gió mà dậy sóng, bình địa ngỡ sấm rền! Các nhà thuyền hoạt động trên dòng Hoàng Hà này, thật chẳng khác gì lấy mạng đổi cơm. Dân gian lưu truyền câu tục ngữ “Thuyền qua dòng Hoàng Hà, như qua Quỷ Môn Quan”, đã có không biết bao nhiêu con thuyền vĩnh viễn phải nằm lại nơi đáy sông, người đi thuyền cũng chịu chung số phận, làm mồi cho thuỷ quái Hoàng Hà. Con thuyền lớn kia bỗng chợt bất động, rồi quay vòng vòng tại chỗ một cách kỳ quái, tựa như sắp lật. Những người trên thuyền còn tưởng rằng đã xúc phạm phải Long Vương Gia, ai nấy đều cả kinh hồn phi phách tán, khóc cha gọi mẹ. Chủ thuyền cũng hết sức sợ hãi, vội vã bày xuống bài vị Hoàng hà Long Quân, dẫn đầu nhóm thuyền viên quỳ ở đầu thuyền, vừa thắp hương khấn bái, vừa bày đồ cúng hoa quả, dập đầu như giã tỏi. 

 Cô gái đương lúc đắc ý, bỗng nhiên “ôi” một tiếng, hai tay ôm ngực, ngã từ trên lưng lừa xuống. 

 Kim Bàn Toán vội lao lên trước đỡ lấy, nhưng thấy vợ mình sắc mặt trắng bệch như giấy, trên trán lấm tấm những giọt mồ hôi to như hạt đậu nành, phút trước hãy còn tươi cười, cớ sao bây giờ lại hấp hối như người sắp chết?

 Cô gái thều thào nói: “Ta không nên nhất thời thể hiện, trên thuyền kia có cao nhân, điểm ta ba châm, mệnh của ta đến đây coi như hết rồi! Chàng hãy nhanh mang ta tới thôn nào gần nhất, mượn lấy một chiếc vạc lớn, cộng thêm ba bát gạo nếp, tìm một căn phòng trống không có ai, đem ta đặt vào trong vạc, rồi thắp một nén hương, mặc kệ trong vạc có tiếng gì vang lên, chàng cũng đừng mở ra xem, cố gắng chịu đựng qua ba canh giờ, có lẽ ta còn cứu được!”

 Kim Bàn Toán bế vợ mình đặt lên lưng lừa, vội vàng chạy về phía trước, gặp được một ngôi làng. Hắn đi vào mượn một chiếc vạc lớn, cùng ba bát gạo nếp đặt cạnh bên người cô gái, đem vạc đậy lại, không quên thắp một nén hương, nơm nớp lo sợ bảo vệ ở một bên, trong vạc truyền ra từng tiếng kêu thảm thiết, tiếng sau so với tiếng trước càng thê lương đáng sợ hơn, còn có tiếng móng tay cào vào kim loại, lúc đầu còn nghe rõ là tiếng vợ mình, nhưng càng về sau càng không phải tiếng người. Hắn lấy tay che kín lỗ tai, nhưng vẫn không ngăn được những tiếng kêu kinh dị kia truyền đến, trong lúc hoảng hốt đã vô tình để hương tắt, không biết đã qua được bao lâu, tiếng động bên trong đã ngừng hẳn, sợ rằng cô gái đã chết rồi, hắn vội vàng mở vạc ra, thấy vợ mình ngồi bên trong, trên mặt đã mất đi sinh khí, còn có một cây châm vẫn chưa được rút ra. 

 Cô gái nói: “Vận mệnh của ta đã an bài như vậy, oán chàng cũng vô dụng, nhưng ta không báo thù này, chết cũng không được nhắm mắt! Chàng hãy niệm tình vợ chồng giữa hai chúng ta, nhanh kiếm một chiếc quan tài, đem ta đặt vào trong, rồi dùng dây thừng trói lại, quan tài ném xuống sông Hoàng Hà!” Dứt lời, tắt thở mà chết. Hắn không rõ cô gái muốn làm gì, nhưng cũng không còn cách nào để hỏi nữa rồi, cố gắng đè nén nỗi đau, ra ngoài mua một cái quan tài, đem xác vợ mình đặt vào trong, đinh quan tài đóng chặt, khép lại nắp quan, dùng dây thừng buộc mười tám vòng, thuê mấy thôn dân đem lên chỗ cao, ném xuống Hoàng Hà. 

 Hoàng Hà thế nước mãnh liệt, quan tài ném vào, cũng không chìm xuống dưới, ngược lại thuận dòng chảy xuôi, đuổi theo chiếc thuyền lớn kia, đâm thủng một lỗ lớn sau thuyền, quan tài theo thuyền cùng nhau chìm xuống đáy sâu Hoàng Hà. Người trên thuyền rơi xuống nước, chết đuối không ít. Buổi chiều hôm ấy có một đội hà binh được cử đến để vớt xác chết trôi, lúc ấy vẫn là thời Thanh, hai bên Hoàng Hà luôn có các đội hà binh với nhiệm vụ “cứu nạn cứu trợ” đóng sẵn, cách ăn mặc giống với quan binh lục doanh, bất quá quan binh lục doanh trên áo có thêu chữ “Dũng” trước ngực, còn hà binh là chữ “Hà”.

 Kim Bàn Toán lại trở về cuộc sống lẻ loi đơn độc, chán nản thất vọng, chỉ biết nhìn về phía sông mà khóc lớn. Có một lão quân mặc quân phục trên ngực thêu hai chữ “Hà Dũng”, thấy hắn đáng thương, nói rằng sẽ cho hắn tìm chén cơm ăn, liền bảo hắn mặc một bộ quần áo mới lột ra từ trên người người chết, đeo một thanh yêu đao, trên lưng khoác một cây súng chim, lại dẫn hắn đi về hướng Long Môn, trên đường đi nhìn thấy rất nhiều hà binh, không dưới nghìn người, người nào người nấy đều đeo đao khoác súng, tay cầm bó đuốc. Nhân số tuy nhiều, nhưng không có một ai dám mở miệng nói chuyện, chỉ nghe thấy tiếng chân dồn dập hỗn loạn. Long Môn trước kia còn được gọi là Vũ Môn, tương truyền là do Đại Vũ khai phá, hai mặt đều là núi cao, dáng như rìu đục, Hoàng Hà kẹp ở giữa, thẳng xuống nghìn trượng, sóng nước trập trùng. Bóng đêm càng ngày càng buông xuống, núi cao chặn ánh trăng sáng, nhìn không thấy Hoàng Hà phía dưới, nhưng nghe tiếng sóng cuồn cuộn, tiếng nước như sấm nổ bên tai. 

 Kim Bàn Toán đi trên núi, trước sau đều là hà binh, xếp thành hình một con rắn dài, ánh đuốc lập loè, giống như một con hoả long đang trườn mình di chuyển, mãi tới nửa đêm, mới tới một mảnh khoảng địa bên dưới Long Môn, nơi đó có một toà Vũ Vương miếu, hoang phế đã lâu. Trước miếu tụ tập mấy nghìn hà binh, ánh lửa sáng như ban ngày, ngay giữa thạch đài, có một lão đạo nhân tóc tai bù xù, khuôn mặt dài ngoằng xanh lét, trông không khác gì một cỗ cương thi, hai mắt toả ra bạch quang dị thường, trên người khoác một bộ bát quái y bào, tay cầm mộc kiếm, để chân trần ngồi trên thạch đài. Phía sau, đám hà binh hà dũng lần lượt tiến lên dập đầu với lão. Mà ở sau lưng lão đạo nhân kia, dựng đứn một lá cờ phướn, bên trên có thêu một loạt chữ to “Ngọc Hoàng Đại đế xá phong Đại Đức Thiên sư hàng long trấn hà”. Thì ra hàng năm triều đình vẫn làm công tác gia trì gia cố sông đê, hà binh trấn thủ khu vực Hoàng Hà, không chỉ có nhiệm vụ đóng giữ bảo vệ, còn phải đối phó với những thảm hoạ do dòng sông này gây ra, cho nên thủ lĩnh thống suất nhóm hà binh này đều là người trong đạo pháp, phong làm Thiên sư, phần lớn đều là giả thần giả quỷ để lừa lấy miếng cơm, không thiếu những trò bàng môn tả đạo, lão đạo nhân đang ngồi trên đàn tế kia, chính là Âm Dương Cẩu Thiên sư - người thống lĩnh đội hà binh này (Trans: Cẩu ở đây là cẩu trong cẩu thả, không phải nghĩa là chó nha). Ngày trước hay nói bàng môn tả đạo, giống như yêu tà, Cẩu Âm Dương cũng là một trong số đó. Vào những năm cuối nhà Thanh, triều đình đã không còn cấp phát bổng lộc cho những đội hà binh nữa, còn muốn giải tán chức lính này. Vẫn thường có câu nói “sâu không chết vì lạnh, lính không chết vì đói”, thế nhưng trải qua mấy lần thay đổi triều đại, làm lính cũng không đủ cơm ăn nữa rồi. Cẩu Âm Dương thông qua yêu pháp làm mê hoặc lòng người, tự xưng đạo pháp vô biên, có thể đằng vân giá vũ, độn thổ phi thăng. Toàn bộ quan quân bên bờ Hoàng Hà, đều là đệ tử của hắn. 

 Cẩu Âm Dương ngồi trên pháp đàn, trong miệng lẩm bẩm rì rầm, một hồi vung tay đốt mấy lá bùa, một hồi lại giơ kiếm làm bộ múa vài đường, ngửa mặt lên trời phun ra một đạo pháp thuỷ, nói: “Ngày nay thiên hạ đại loạn, ta có sáu chữ chân ngôn, tránh tai miễn hoạ, trên không truyền cha mẹ, dưới không truyền thê nữ, kẻ nào tiết lộ thiên cơ, trời tru đất diệt!” 

 Mấy trăm kẻ vừa gia nhập vào đội hà binh, người lớn nhất cũng đã sáu, bảy mươi tuổi, kẻ nhỏ nhất bất quá mới mười hai, mười ba, Kim Bàn Toán cũng ở trong đội ngũ này, cùng nhau quỳ gối dập đầu trước pháp đàn, hô to: “Đệ tử tình nguyện xả thân vì đạo, diễn luyện tam tài, nghe sư dạy bảo, thấy chết không từ, tiết lộ thiên cơ, trời tru đất diệt!”

 Độ hà binh này có lớn có nhỏ, đều là đám người ô hợp, thiện ác như nào, Cẩu Âm Dương cũng không thèm quan tâm đến, chiêu vong nạp phản, tới bao nhiêu đều thu bấy nhiêu. Hắn nói trong quân không phân biệt lớn nhỏ, cái gì là nhỏ cái gì gọi là lớn? Khương Tử Nha tám mươi tuổi mới làm tướng có già không? La Thành mười hai tuổi nửa đêm đánh Đăng Châu có gọi là nhỏ không? Bành Tổ thọ hơn tám trăm tuổi có là già? Cam La mười ba tuổi đã ra làm Tể tướng có nhỏ không? Hắn hai bên đều có hộ pháp, chờ những hà binh kinh phát lời thề nguyền xong, liền lệnh cho những tên hộ pháp kia phát cho mỗi người một lá bùa có viết sáu chữ chân ngôn, bỗng hắn đột nhiên “hừ” một tiếng, mộc kiếm chỉ xuống dưới, lập tức có mấy hà binh ngã nhào ra đất, từng người trong miệng bọt mép sùi ra, môi trắng nhợt như người chết, quằn quại thê thảm. Cẩu Âm Dương từ trên pháp đàn đạp cương đấu(Trans: Cương đấu tức là gió mạnh, gió trên cao, một loại thuật ngữ trong đạo pháp), lớn tiếng niệm chú, bay xuống phía dưới, mang theo một trận âm phong, chẳng biết từ lúc nào trong tay đã xuất hiện một xấp giấy vàng, vỗ mạnh lên đầu những hà binh đang nằm rạp dưới đất. Ánh lửa trước Vũ Vương miếu đung đưa chập chờn, hắn đi chân trần, đầu tóc rũ rượi, mặt mày dữ tợn, niệm xong chú văn, vẩy tay một cái, giấy vàng liền bùng cháy dữ dỗi, khói mù bay lên, hoá thành hình dáng hồ ly, chuột vàng và nhím. Cẩu Âm Dương giả thần giả quỷ, lúc này mới thu lại pháp thuật, xoay người bước lên pháp đàn, nói với chúng đệ tử: “Thiên địa hoang tàn, lê dân chịu khổ, tà ma nội dậy, làm sao thái bình? Quan tài đâm vào thuyền, tất do thuỷ yêu tác quái!” 

 Toàn trường quỳ rạp xuống trước pháp đàn, đồng thanh hô lên: “Thủ lĩnh hiểu rõ âm dương, tài phép hơn người, hàng yêu tróc quỷ, há lại để cho bầy ma quái làm càn!” 

 Cẩu Âm Dương nói: “Ta có ngũ lôi thiên cương pháp, nay diệt yêu này, xin mượn càn khôn!”

 Kim Bàn Toán kinh hãi, nóng lòng muốn rời đi, nhưng khổ nỗi lại kẹt giữa đám loạn quân, không sao đi nổi. Cẩu Âm Dương ra lệnh một tiếng, hơn nghìn hà binh đã chuẩn bị xong xích sắt, móc câu, mấy chục đoạn dây dài, lại thấy mấy tên hộ pháp thắp bảy ngòn đèn trên pháp đàn, xếp thành bắc tinh thất đẩu. Cẩu Âm Dương tay vung mộc kiếm, miệng niệm thỉnh thần chú: “Tả thỉnh thần hữu thỉnh thần, thượng hữu quân vương hạ hữu thần; đính kim khôi xuyên kim giáp, kim khôi kim giáp hạ giới lai; thượng bát động hạ bát động, thượng bát động hữu thỉnh thượng bát thần, hạ bát động hữu thỉnh hạ bát thần;lục đinh lục giáp thính phân minh, cửu phương thai thượng thụ hương yên;thác tháp thiên tôn tiên lai đáo, ngũ phương ngũ đạo dã lai đáo… Cấp cấp như luật lệnh!”

 Bên bến đò Long Môn xưa, gió rít thét gào, bụi bay mịt trời, gió thổi mấy trận, đèn đuốc đếm tắt ngóm, nước sông vẩn đục cuốn thành một xoáy nước lớn. Mấy trận gió lớn qua đi, một vầng trăng sáng từ giữa mây đen hiện ra.

 Kim Bàn Toán ngẩng đầu nhìn lên, sợ hết hồn hết vía: “Mùng ba tháng sáu, trên trời tại sao lại có một vầng trăng vừa tròn vừa sáng như thế này?” 

 Hết

 Trans: Đây là chương 1 nằm trong bộ “Mô Kim Hiệu Uý - Câu Thi Pháp Vương”, tuy nhiên tác giả chỉ viết một chương duy nhất này, nên là câu trả lời cho việc số phận của Shirley Dương sẽ ra sao vẫn chưa được trả lời!

Đây là chương cuối cùng!
BÌNH LUẬN