Logo
Trang chủ

Chương 21: Kết vỹ 2

Theo phù điêu Phật gia và Bát gia nhìn thấy bên trong quan tài, tôi đại khái có thể chắp ghép được mạch truyện, dưới lòng đất Tương Tây, hình như có một di tích được chôn cực sâu. Độ sâu của di tích này, đã gấp mấy trăm lần độ sâu lớn nhất mà mộ táng con người có thể đạt tới, cho nên tôi có thể chắc chắn nó nhất định không phải là mộ cổ, hoặc thành cổ nào đó bị hoạt động địa chất chôn vùi.

Những Thổ cô nương kia đều đến từ di tích này. Cả di tích bị chôn dưới đất Thất Khiếu Linh Lung, Thổ cô nương sinh sống trong di tích đó, thứ đất này đối với bọn họ mà nói giống như không khí đối với con người, bọn họ có thể hít thở trong đó. Bởi vì không hề có tia sáng nào, cho nên, phần lớn thời gian bọn họ đều sống trong tình trạng tối tăm. Bởi vì dù Thổ cô nương biến thành quái vật, kết cấu sinh lý của bọn họ cũng vô cùng giống con người, cho nên bọn họ có lẽ là một loại người đặc biệt. Hơn nữa, bọn họ và con người không có cách ly sinh sản, thậm chí có thể mang thai.

Di tích này được sinh ra thế nào? Khả năng duy nhất chính là có người đào sâu vào lòng đất, xây dựng một nơi cho người ta sinh sống.

Nhìn từ chi tiết trên bích họa, di tích này vô cùng giống một tổ kiến, vào những mùa đặt biệt nào đó, Thổ cô nương sẽ mang theo đất Thất Khiếu Linh Lung lên mặt đất tìm thức ăn. Đến giờ vẫn chưa biết ở trung tâm di tích dưới lòng đất có một nữ hoàng tồn tại, những Thổ cô nương lên mặt đất tìm thức ăn xong còn phải quay xuống lòng đất, cho nữ hoàng ăn hay không. Nhưng chúng ta có thể biết rõ, bên dưới cây đa khổng lồ này, có lẽ có một thông đạo dẫn đến di tích sâu dưới đất. Bởi vì nơi nối liền với di tích, tất cả cây cối đều sẽ tươi tốt lạ thường.

Nhưng con người không thể xuống được, điều khiến tôi kinh ngạc nhất là Thổ cô nương và hệ thống sinh thái tổ kiến này, dường như do con người cố tình tạo nên, bởi vì cỗ quan tài vàng viền đồng kia đến từ di tích. Niên đại cỗ quan tài vào cuối thời Hán, cũng có nghĩa là, khả năng rất lớn di tích này được xây dựng vào thời Hán.

Mà những Thổ cô nương này còn vứt bỏ những đứa trẻ sơ sinh để giao cho người trên mặt đất nuôi dưỡng, từ đó được giáo dục. Thủ lĩnh thành lập 48 trại chính là một Thổ cô nương, cô ta xuất hiện trong rừng rậm, được thổ phỉ nhận nuôi, lớn lên thành người. Vào một thời khắc nào đó trong đời, nhất định cô ta đã gặp được người đưa thư đến từ di tích, biết được thân phận Thổ cô nương của mình, vì thế đã thành lập 48 trại, hơn nữa đặt ra quy định mỗi năm cúng tế trẻ sơ sinh.

Nghe nói, sau khi quy định này được lập ra, án trộm trẻ sơ sinh ở các vùng Tương Tây đã giảm đi rất nhiều, phải chăng điều này chứng tỏ, trong những vụ án trộm trẻ sơ sinh ở vùng Tương Tây, có phần lớn là do Thổ cô nương gây ra? Bởi vì bấy giờ đã đổi từ trộm cắp sang cúng tế định kỳ, cho nên người trên mặt đất và di tích dưới lòng đất đã đạt thành thế cân bằng nào đó, bọn họ kéo trẻ con xuống đất, vậy cũng có nghĩa là, trong di tích đó có người có năng lực biến trẻ sơ sinh loài người bình thường thành sinh vật kỳ quái như Thổ cô nương?

Nhưng vì không có yêu cầu về trẻ sơ sinh cúng tế, trẻ nam hay trẻ nữ, cho nên, hoặc là trong di tích có một loại kỹ thuật, ví dụ như cỏ Hoán Thi, có thể chuyển đổi giới tính trẻ sơ sinh (điều này hoàn toàn là tôi suy đoán ra, chứ bản thân tôi cũng hoàn toàn không tin, chỉ là đưa ra một khả năng để đề phòng bất trắc). Hoặc chính là trong di tích cũng có Thổ nhân nam, chỉ là bọn họ chưa từng xuất hiện trên mặt đất mà thôi.

Cỏ Hoán thi cũng là mấu chốt để trao đổi tuổi thọ con người trong bồn chứa kia, nhưng chi tiết cụ thể đã hoàn toàn bị thất truyền, không thể biết được. Thổ cô nương sử dụng cách thức giúp người ta trường sinh bất lão này để đạt thành giao dịch với người trong trại, nhưng có vẻ như thủ lĩnh năm xưa đúng là đã nảy sinh tình cảm với Thổ cô nương, tôi thậm chí còn nghi ngờ, thủ lĩnh mất đi hai mắt là vì Thổ cô nương đã dùng cách đặt biệt nào đó, khiến thủ lĩnh nhìn thấy di tích dưới lòng đất. Kết thúc câu chuyện, khuyết thiếu quá nhiều thông tin, chúng ta chỉ biết Trương Khải Sơn đem về một đống đất Thất Khiếu Linh Lung biết cử động, dùng đầu ngón chân để nghĩ cũng biết, trong đó có lẽ có một Thổ cô nương.

Khi ấy Trương Khải Sơn lặn xuống đầm lầy, cũng không phát hiện đất Thất Khiếu Linh Lung, chắc ông ta đã tốn vài tuần, tìm được loại đất này ở nơi khác. Từ phù điêu chúng ta có thể biết được, chôn Thổ cô nương vào trong đất này, cô ta sẽ có thể từ từ trở lại hình người. Tôi không biết cuối cùng Thổ cô nương mà ông ta đưa về, là con mồi săn được ở nơi khác mang về giao cho thủ lĩnh, hay là con quái vật mà ông ta đã giết chết, chôn trong đất Thất Khiếu Linh Lung từ từ hồi sinh lại, để thủ lĩnh và người yêu của ông ta được gặp nhau, tóm lại, Trương Khải Sơn đã đạt thành giao dịch với thủ lĩnh, câu chuyện này cũng có kết thúc.

Chỉ còn lại di tích cổ đại được xây dựng sâu dưới lòng đất vào cuối thời Hán, là khiến tôi mơ hồ chưa rõ, độ sâu này đã vượt quá ghi chép về Cửu Tuyền trong tiểu thuyết cổ đại. Tôi bắt đầu nghĩ đến một khả năng, phải chăng truyền thuyết về âm tào địa phủ cũng không phải là tưởng tượng mà nên, mà là người xưa đã xây dựng những thứ này trong hệ thống văn hóa đặc biệt nào đó, nhưng vì thứ này được xây quá sâu, cho nên công trình bình thường gần như không thể nào phát hiện được. Vậy thì tại sao? Tác dụng của những kiến trúc này là gì? Vì sao Thổ cô nương lại tồn tại trong đó.

Nếu có tiến triển, tôi sẽ ghi chép tiếp.

Đây là chương cuối cùng!
BÌNH LUẬN