Logo
Trang chủ

Chương 82: Thuyền Trưởng nghỉ bệnh

Năm nay trường tôi quyết định chơi lớn.

Có lẽ vì thành công của hội thi thanh lịch và văn nghệ Mừng Đảng đón xuân mà cô Ngọc quyết định tổ chức thêm ngày hội ẩm thực dân gian trước hội trại.

Buổi họp hôm đó nói chính về chủ đề này. Ngày hội ẩm thực được tổ chức nhằm kỷ niệm và tôn vinh Quốc Tế Phụ Nữ 8/3. Ngày tổ chức cũng sẽ là ngày đó. Vậy là tôi có thêm việc phải làm.

Một ngày thứ hai trung tuần của tháng, bé Phương bước vào đằng hắng vài tiếng cho lớp chú ý rồi dõng dạc nói : Lớp chúng ta hôm nay sẽ đón hai cô giáo được trường phân về thực tập là cô Hà và cô Luyến, từ hôm nay, phần lớn các tiết học sẽ có hai cô kiến tập, đề nghị các bạn vỗ tay. Vừa nói bé Phương vừa ra dấu mời hai cô vào lớp.

Theo trí nhớ của tôi thì hai cô gốc Quảng Bình, vào học tại đại học Sư Phạm Đà Nẵng và cùng với hơn 20 giáo viên trẻ khác nữa được trường phân về thực tập tại đây. Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền lành, giọng nói chất phát, nước da ngăm ngăm nắng gió của miền quê mưa bom bão đạn. Quan sát được tí xíu, bé Phương dẫn hai cô đến trước mặt tôi rồi giới thiệu : Dạ đây là bí thư của lớp, bạn V, làm công tác đâu ra đó cô nhé.

Xong lại dẫn qua bé Ngân. Tôi gật đầu cười chào lễ phép rồi nhìn theo, trong đầu xuất hiện bao suy nghĩ chợt lóe – hay sau này thi vào Sư Phạm nhỉ, xa thời học sinh nhưng không xa trường xa lớp.

Buổi sinh hoạt chủ nhiệm đầu tiên của hai cô thực tập ở lớp tôi là buổi sinh hoạt không mấy vui vẻ vì sự vắng mặt của cô Yến.

Suốt một tuần nay, các tiết dạy của cô đều được cô Thanh dạy thay. Hôm thứ năm về sớm tôi có chở bé Phương ghé thăm. Cô nhập viện được vài ngày rồi chuyển về điều trị tại nhà, sức khỏe vẫn chưa ổn lắm nên chưa lên tiết được.

Thiếu cô giáo chủ nhiệm, mấy đứa trong lớp quậy tung tăng hết cả lên, bé Phương không làm sao kiểm soát được. Hai cô thực tập lại mới vừa về, tính tình diện mạo hiền lành quá thành ra cũng không giúp được gì.

Đi họp dưới phòng thí nghiệm về, tôi thấy trên bảng có hai chữ “im lặng” to tướng, rồi bên dưới lại thêm dòng chữ “cho Phương xin lớp mình một phút”, nhưng tình hình bên dưới vẫn ồn như cái chợ, còn trên bục giảng thì bé Phương vừa hay bật khóc.

Cô bạn lớp trưởng ngày thường nhờ uy cô chủ nhiệm nên hét ra lửa, nay cô Yến vì bệnh mà vắng mặt, tụi bạn nổi loạn, kiềm không nổi, uất ức tuôn trào thành hai dòng nước mắt.

Tôi bước vào lớp hét lên to hết cỡ có thể. IM LẶNG.

Tiếng hét của tôi như mũi lao phá vỡ không gian ồn ào bên dưới. Lũ bạn bắt đầu im lặng nhìn lên. Thấy bé Phương đang khóc nức nở, tụi nó bắt đầu im lặng.

Nhìn qua Phương thấy có lẽ chưa thể nói ra điều gì nên tôi xuống giọng giải bày :

Cô Yến bị đau chưa biết khi nào mới dạy lại được. Nhưng ở đây còn có hai cô thực tập. Nếu Phương không đủ lớn để các bạn tôn trọng thì các bạn cũng phải tôn trọng giáo viên đang đứng lớp chứ.

Im lặng một chút, để lời nói thấm vào suy nghĩ của tụi bạn, nói bé Phương về chỗ, tôi tiếp tục. Thứ 7 tuần sau trường mình sẽ tổ chức Hội ẩm thực mừng ngày 8/3. Đây cũng là một hạng mục thi đua nhưng lần này lớp mình sẽ tham gia vui vẻ chứ không đặt nặng thành tích. Trước hết là dồn lực cho hội trại 26/3 sắp tới, bên cạnh đó cô Yến không tham gia chỉ đạo được với lớp, bạn Trinh và Nhân lại đi thi thuyết trình tiếng Anh dưới nhà hát Trưng Vương nên chúng ta cũng không đủ lực lượng cạnh tranh. Việc này V có lên kế hoạch rồi. Ngân và Minh đảm nhiệm việc chọn món nấu nướng. Danh và Đức thiết kế một trò chơi tại quầy. Bàn ghế và các vật dụng bày biện Phương với V sẽ lo.

Các bạn Trinh, Nhân, Sen, Thành Minh, Phước Hà, Thành, Tuyển, Minh Trang lát nữa hết tiết ở lại để V phổ biến kế hoạch tham dự và thi thuyết trình.

Nói đến đây, nhìn đồng hồ, tôi ngước mặt lên cười tươi rồi tiếp tục : Còn 10 phút nữa hết tiết, nhân buổi đầu trò chuyện, mời cô Hà và cô Luyến, mỗi cô tặng lớp một bài hát làm quen.

Cả lớp nhôn nhao vỗ tay rần rần mời hai cô, mọi thứ dần trở về quỹ đạo cũ.

Thở phào nhẹ nhõm, liếc mắt về phía Diệp, thấy em cười thật tươi và giơ tay lên ra hiệu “ok lắm rồi V”, tôi về chỗ ngồi mà nghe lòng bớt chút nặng nề.

Khi nãy đi họp, thầy Sơn có nói lớp tôi sẽ có giáo viên chủ nhiệm tạm thời. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh tình cô Yến không hề thuyên giảm, thời gian sắp tới vẫn chưa thể đứng lớp được. Bé Phương thì học hành xuất sắc nhưng nhỏ con, giọng nói cũng không to lắm, lại hay bị đau vặt, thành ra khi còn cô Yến, nó còn bảo tụi bạn được, nay cô ốm, nó cũng coi như muốn … ốm theo.

Sắp tới, ngày hội ẩm thực thì không thể “đầu tư” thi thố gì được rồi nên cứ thoải mái. Nhưng hội trại là cả một vấn đề nan giải vô cùng. Đó không chỉ là ngày hội đơn thuần mà còn là một dấu ấn khó phai nhạt trong đầu óc của tất cả lứa học sinh bọn tôi.

Ngày bình thường đi học chính khóa, rồi học thêm, rồi trau dồi anh văn, thời gian còn lại chỉ đủ cho những giấc ngủ vội hay gặp mặt đơn thuần. Để có được hai ngày một đêm bên nhau, cùng nhau ăn uống, cùng nhau ngủ nghỉ, cùng nhau vui chơi, cùng nhau lưu lại những kỷ niệm, những khoảnh khắc tuyệt vời, tất cả tập trung hết vào dịp này. Vậy nên với vai trò của mình, tôi mong muốn tất cả các thành viên trong gia đình A4 bọn tôi sẽ có một ngày hội trại tuyệt vời nhất có thể.

Trống báo hết tiết làm những suy nghĩ trong đầu tôi đột ngột dừng lại. Nhóm thuyết trình anh tới ngồi quanh bàn, tôi chia sẻ về cuộc họp cho cả bọn.

Tuần sau Trinh sẽ đại diện trường thi thuyết trình Anh Văn với các trường khác nhé, Nhân sẽ hỗ trợ trường một tiết mục văn nghệ. Không phải V mà trường chỉ định đó. Lớp mình chuyên Anh nên phải gửi quân đi thôi. Sen và Minh Trang cũng trong đội tuyển nên cũng đi. Các bạn còn lại theo cổ vũ. Thoáng thấy mặt ku Minh nhăn lên khi không được tham gia ngày hội ẩm thực với lớp, tôi chốt ngay để khỏi phát sinh – là trường chỉ định bạn ơi, phải có 5 người theo cổ vũ.
 

  • Nhưng sao chọn ta làm gì? Ta có biết…

Tới xem chứ không phải tới thi nên không cần giỏi anh đâu. Nghe đâu được trường cho ô tô đưa đón, mỗi bạn cũng có quà của trường nữa.

Nghe nói tới quà tụi nó mới giãn cơ mặt ra chút chút. Thật ra chẳng có quà gì của trường hết. Chỉ là trong lúc bọn tôi đang vui vẻ với ngày hội thì tụi nó phải đi nghe mấy thứ tụi nó chưa chắc đã hiểu gì trong vài tiếng đồng hồ nên tôi áy náy, đành trích quỹ lớp ra rồi thêm vô ít tiền mua cho mỗi đứa cuốn sổ tay làm quà tặng an ủi.

Xong đâu đó, tôi tháo chiếc nhẫn trong tay quay lại trao cho Diệp rồi hai đứa cùng đi ra bãi xe.

Cổ nhân từ xưa vốn ca thán về nữ nhi và mức độ nguy hiểm nghiêng thành vong quốc. Nhưng thử hỏi tại sao vẫn có câu “Anh hùng nan quá Mỹ Nhân Quan” dù thiên hạ đã bật chế độ cảnh giác lên cao đến vậy? Có chăng vì họ là một phần không thể thiếu được trong bước đường lập thân của bao đấng anh tài. Một ánh mắt chia sẻ, một nụ cười đồng tình, cái nắm tay ấm áp, hay đôi khi chỉ đơn giản bên cạnh trong sự im lặng đồng cam, chúng ta đã thêm biết bao nhiêu động lực để lướt sóng đạp gió, vẫy vùng ngoài kia…

Và tôi, tôi vẫn chưa bao giờ quên, “nỗi đau sẽ trở nên dịu dàng hơn rất nhiều nếu có một người con gái bước vào và cố gắng xoa dịu nó.” Khi ta chịu quá nhiều áp lực, điều đó cũng tương tự…

Quay lại truyện Hoa Vàng Thuở Ấy
BÌNH LUẬN

HONDA PHÚ DUY

Trả lời

2023-12-28 13:15:52

xin lỗi, nhưng đọc quá ngán ạ, chỉ theo được vài tập... tác giả quá lan man và dường như không biết đặt trọng tâm vào đâu.

Chuong80

Trả lời

2023-10-06 13:28:32

Bạn viết truyện tả cảnh thì đẹp nhưng dường như bạn mê Nguyễn Nhật Ánh nên dựa theo văn phong.Nhưng văn của bạn rườm rà,miêu tả nhân vật phức tạp về tính cách quá,chèn thơ quá nhiều khiến người đọc bực bội vì tính cách nhân vật và mệt vì phải đọc thơ