Logo
Trang chủ

Chương 136: Chút nhớ cuối cùng

Đó là ngày tôi quyết định buông bỏ. Tôi nghĩ rằng nếu em muốn tha thứ cho tôi, em sẽ quyết định ra gặp tôi, còn khi đã nhất quyết không ra gặp, tôi có làm gì cũng bằng thừa. Yêu cũng được, không yêu cũng được, đằng nào những nỗi đau cũng đã ồn ả lắm rồi. Và những nỗi buồn tôi phải chịu từ ngày này qua ngày khác, những nhớ nhung, khắc khoải, tiếc nuối, tôi vẫn chịu được bằng đó thời gian đó thôi…

Đó là ngày tôi lướt ngang qua em không ngoái đầu nhìn lại. Là ngày trong những buổi họp tôi ngồi xa thật xa. Là giây phút tôi sững sờ đến nhói lòng khi thấy em lặng yên một mình nơi ghế đá dưới cây phượng già chĩa ba cũ kỹ. Là ngày tôi nén dòng lệ chực tuôn khi thấy em ngồi sau yên xe người con trai nào đó. Là ngày tiếng thở dài não nề cùng cái mím môi thật chặt rồi quay lưng vào lớp khi thấy tà áo ấy lướt ngang. Là ngày những dòng thơ tôi làm thêm não nề và u uất, thêm rệu rã, rêu phong, thêm tịch mịch, chán chường…

Tôi nhớ một hình dung

Tóc dài ai xõa chấm lưng

Dáng thanh tao – chiều tàn vô tận

Chút hương thầm…

Cho nỗi nhớ bâng khuâng



Tôi nhớ màu mây

Áo trắng ai, ngát chiều, gió lộng

Trong lòng đầy nỗi niềm

Nhưng trống rỗng

Nhớ hoài!

Hình bóng áo dài qua

Áo dài thướt tha…



Tôi nhớ một tâm hồn

Chút giận hờn,

Chút vui buồn,

Bao nỗi niềm khó tả…

Chiều hôm nay – hoàng hôn… đẹp quá!!!

Không mặt trời!

Không ánh sáng!

Chiều vẫn tàn!

Theo quy luật thời gian…

Đầy yêu thương!

Đầy hoài niệm!

Tình vẫn tan!

Tình yêu không mang trong mình định nghĩa…

NPV – 14/02/2009

Từ dạo đó, tôi với Phượng hay đi về bên cạnh nhau. Để làm gì tôi cũng chả biết, nhưng mỗi khi tan học, Phượng hay đứng đợi tôi phía cuối dãy hành lang. Hai đứa đi song song, không nói gì cho đến khi rẽ lối. Tôi thấy Phượng và Thương dường như cũng không còn thân nhau nữa. Chẳng hiểu vì sao, chỉ biết hai cô bạn trong giờ họp tách hẳn nhau ra, lúc đi về cũng không sóng đôi nữa.

Tháng hai. Tháng của những bài kiểm tra một tiết tới tấp dồn dập. Tháng của sự lột xác và hành trình dần đến hồi nước rút gay go. Tháng của vội vã và ngả nghiêng, của say sưa và mơ mộng, của lưu giữ và bồi hồi…

Một buổi chiều nhạt nắng, tôi quăng cuốn sổ bìa cứng màu vàng đậm lên bàn ku Thành :
 

  • Ê, viết lưu bút cho ta!
  • Không mấy bất ngờ, nó cầm cuốn vở lên giở từng trang – Ta viết đầu tiên à?
  • Ừ, đầu tiên. Cố viết cho hay vào.
  • Không hay thì sao – Nó cà khịa.
  • Thì xé, viết lại trang khác.
  • Nó cười cười lôi trong cặp ra cuốn sổ màu xanh thiên thanh rồi đặt lên bàn, đẩy lại trước mặt tôi : Vậy mi cũng cố viết cho hay vào!
  • Tôi nhướn đôi mày lên : Mi cũng có luôn?
  • Sao không có, ta phải đưa hết cho bạn bè thầy cô viết vô đây, phải lưu giữ bằng hết.
  • Ta đưa vài người thôi, những người ta quý.

“Còn nhớ đầu năm lớp 10, mi khoe ta cuốn lưu bút dày cộm lớp 9. Hè năm 11, mi nói sẽ mua cuốn lưu bút thật dày, thật đẹp. Và đầu năm 12, mi nói ra tết sẽ “lưu hành” cuốn lưu bút đó. Vậy mà giờ ta đã cầm nó trên tay…”

Nhanh thật… Tôi cũng thấy mọi thứ nhanh thật. Và liệu khi thời gian luôn nhanh nhảu một cách “lanh chanh” như vậy thì tôi có điều gì tiếc nuối không?

Hôm đó tôi mạnh dạn đến bàn Diệp ngồi. Vết thương trên mắt trái đã tháo băng nhưng hằn lên vết sẹo mỏng. Thấy khuôn mặt hơi nhợt nhạt của em kèm cái hít thật sâu vào lồng ngực như đợi chờ câu hỏi từ tôi, tôi thong thả mở lời :
 

  • Sao Diệp bị thương ở mắt vậy?
  • Diệp… bị té.
  • Hôm trước tết phải không? Diệp té ở nhà hay đi đâu? – Tôi cố nói thật tự nhiên như lúc hai đứa mới quen ngày trước.
  • Diệp… té ở nhà.
  • Không phải!
  • Ơ, sao lại không phải bí thư?
  • Diệp biết không, điều tệ nhất ở Diệp là mỗi khi nói dối, Diệp sẽ ngập ngừng ở chữ đầu tiên.
  • Té thì bình thường thôi, sao phải nói dối. Diệp không phải bị té.
  • Diệp…
  • Tôi thở dài. – Thôi, V không làm khó Diệp đâu, mà trông dạo này Diệp nhợt nhạt lắm, thức khuya nhiều phải không?
  • …Diệp thức khuya học bài, Diệp thi cả khối A với khối C nên bài vở nhiều lắm.
  • Ủa, sao không tập trung vô một khối, thi hai khối sức đâu mà học?
  • Diệp vẫn tập trung khối A, nhưng thi thêm khối C để thêm cơ hội.
  • Thêm cơ hội ở khối C là giảm cơ hội ở khối A đó.
  • Thật ra… Diệp không tự tin ở khối A lắm.

Tôi chẳng biết nói gì thêm. Một nửa tôi sợ làm Diệp phân tâm, thấy mông lung với kế hoạch đã vạch ra cho kỳ thi trọng đại sắp tới, từ đó, giảm đi quyết tâm bài vở, giảm đi sự tập trung tuyệt đối. Nửa còn lại, tôi không muốn can thiệp quá sâu vào cuộc sống hiện tại của em, tôi muốn em có sự toàn tâm cho học hành, không bị chuyện tình cảm làm cho mệt mỏi, đau buồn nữa…
 

  • Làm gì thì làm, Diệp phải nhớ viết lưu bút cho V đấy nhé!
  • Hihi, chắc chắn rồi.

Em cười thật tươi khi nghe tôi nói vậy. Nụ cười đó rạng rỡ như nắng xuân mơn man ngoài kia. Như đóa hồng kiêu sa trước gió. Như cánh bằng lăng tha thiết, mênh mang, như trang sách cũ hằn màu thời gian đã lỡ… Cô bạn dấu yêu của tôi ơi! Một ngày nào đó trong tương lai, biết đâu chúng ta lại gặp nhau khi trên vai không còn những gánh nặng, khi trong tim không còn phải chật chội lựa chọn đắn đo, khi nỗi nhớ chỉ còn về một phía…

Đây là thời gian tôi cô đơn buồn bã đến lẻ loi trong tình cảm đôi lứa. Chỉ may mắn ở chỗ, đó là tôi cố tình lựa chọn điều này. Khi mấy thằng bạn chí cốt xung quanh đang cố gắng nhờ tôi làm con chim xanh cho tụi nó, nhờ kẻ thất bại não nề trong tình trường này làm quân sư quạt mo, nhờ kẻ dửng dưng với nhân tình thế thái ngồi lên kế hoạch, chỉ đạo từ phía sau, thì tôi lại chọn cho mình con đường khác, tôi chọn cô đơn!
 

  • Tụi bay nghĩ sao nhờ thằng thất bại này bày vẽ hay vậy?
  • Mi thất bại nhiều tụi ta mới nhờ, chứ đang vui vẻ hạnh phúc thì chẳng ai nhờ rồi. – Thằng Tuyển giáo sư lên giọng.
  • Mi nghĩ thất bại nhiều là kinh nghiệm nhiều hả? Thật ra không có kinh nghiệm gì mới thất bại.
  • Thì đó, thất bại tạo nên kinh nghiệm.
  • Điều đó trong tình cảm không đúng đâu. Giả như tán không đổ người ta, có kinh nghiệm, rồi dùng kinh nghiệm đó tán đổ người khác, đó mới gọi là kinh nghiệm. Còn như ta, thất bại hết lần này đến lần khác, nghĩa là “cái kinh nghiệm” đó không dùng được, nó vô dụng, dụng nữa thì bại nữa.
  • Không hẳn. – Thằng Thành tỏ vẻ suy tư. – Dù ta cũng mới thất bại nhưng ta nghĩ khác, biết đâu áp dụng với đối tượng khác nó sẽ khác.
  • Haha. Cũng có lý. Để ta áp dụng với bé Phương thử Nhân nghe. – Vừa nói tôi vừa đánh mắt qua nó châm chọc.
  • Toàn mấy thằng rởm đời, học không lo lo yêu đương nhăng nhít. – Ku Sen tiểu thư lườm nguýt.
  • “Học không yêu đánh rơi tuổi trẻ / Yêu không học bán rẻ tương lai” đó bạn, mi với bé Vi sao đó, có cần nhờ luôn một thể không?
  • Dẹp. Ta lo tương lai trước, vô được ngoại ngữ khối em theo.
  • Đó là của ngoại ngữ, của sau này. Còn khi 30 tuổi, ngồi lai rai ly bia với nhau, mi kể về mấy đứa ngoại ngữ tụi ta cũng chẳng biết đâu mà lần, nhưng …
  • Nhưng sao?
  • Nhưng mi kể về mi với bé Vi thì lại khác. Haha

Tôi mím môi cố nén tiếng cười rồi sau đó cũng bật ra với cả bọn. Những cảm xúc trong trẻo hồn nhiên đó, những giây phút thần tiên mến yêu đó, những nụ cười an nhiên hào sảng đó, bây giờ nhớ lại, thật khiến người ta khát khao mong nhớ đến vô cùng…

Đó là thời gian những cuốn lưu bút tung hoành khắp nơi trong lớp. Và không chỉ trong lớp, còn nhảy từ lớp này sang lớp khác, nhảy lên cả bàn giáo viên, lên luôn ban giám hiệu, ra tới chú bảo vệ già... Với những đứa đi đầu như tôi, Phương, Ngân… những giờ giải lao chuyển tiết, những giờ ra chơi đá cầu, những quyển sổ chuyền tay nhau đi hết bàn này đến bàn nọ. Để rồi một ngày mưa xuân rộn rã, tôi cầm nó trao đến tay Diệp, hôm sau nhận lại, tôi không khỏi bất ngờ bởi những tâm tư, những tình cảm Diệp dồn nén được viết ra, trải lên… Những dòng chữ mà khi tôi qua nhận lại cuốn lưu bút, Diệp cứ ngần ngừ, phân vân, bối rối…
 

  • V đọc thôi, đừng cho ai đọc nghen.
  • Tôi bối rối – Ơ… Sao vậy Diệp? Cái này khó lắm, lưu bút mà.
  • Diệp lỡ viết nhiều quá… Giờ không muốn ai đọc hết…
  • Thoáng suy nghĩ, tôi trả lời : Cũng không sao, V lấy bấm bấm hết mấy trang Diệp viết lại.
  • Cũng không được, bấm dễ gỡ lắm. Nhiều khi để nguyên vậy không ai đọc, chứ bấm vào, tò mò họ lại mở ra đọc cho được.
  • Khó nhỉ. Vậy để V mua cuốn mới cho rồi. Hihi

Chừng như chưa yên tâm lắm nhưng trống đánh vô tiết nên tôi phải về chỗ, Diệp ngoái nhìn theo ra chiều hơi lo lắng. Tối hôm đó về nhà, tôi ăn vội chén cơm rồi chào ba mẹ lên phòng đóng cửa lại, giở từng trang lưu bút Diệp ghi ra. Màu mực tím trên trang giấy bồi hồi. Từng dòng chữ nghiêng nghiêng, đều đều, thẳng tắp. Nét chữ mềm mại, dịu dàng, đầy những suy tư…

Bí thư ơi!

Diệp muốn hồi đó mình đừng chuyển lớp bí thư ạ. Nếu vậy D sẽ không gặp bí thư ở đây rồi. Nhớ hồi đó Diệp hồi hộp lắm, kiểu như ngày đầu tiên đi học ấy. Diệp cũng không hiểu sao mình lại vậy nữa, nhưng cảm giác lớp mới, bạn mới, làm Diệp đêm trước cứ bồi hồi. Rồi vô đến lớp, được Hồng Phương giới thiệu trên bục, được mấy bạn bên dưới gọi về chỗ ngồi, Diệp cảm giác rộn rã trong lòng vô cùng. Lần đó Diệp chọn ngồi bên Thùy Trang, vì Trang là bạn cũ của Diệp từ những năm cấp hai. V ngồi ngay phía sau. Phải nói Diệp ấn tượng vô cùng với chàng trai này. Lúc nào cũng cười tươi như hoa, trông tràn đầy năng lượng, lại cởi mở thân thiện vô cùng.

Nhớ lại, bí thư là người đầu tiên bắt chuyện với Diệp khi đó. Tuy lần đầu nói chuyện nhưng cảm giác sao cứ như đã quen từ lâu lắm, chẳng có chút ngượng ngập hay ngại ngần gì, còn mượn cả chiếc nhẫn của Diệp đeo vào tay. Chiếc nhẫn đó Diệp đeo từ năm lớp 9 đó. Nó cứ tụt ra tụt vô hoài, nhưng Diệp thích đeo nó. “Vì nó cá tính mà V”. Đeo nó làm D thấy mình dạn dĩ hơn, tự tin hơn, và có chút may mắn hơn nữa.

Hồi đó D thấy V lạ vô cùng. Chức vụ mà phải đứng ra ứng cử, rồi còn vận động bầu cử. Nhưng sau này D mới nhận ra V đang hạnh phúc, vì điều gì chỉ cần V thích, V sẽ cố làm cho bằng được. Không ngại ngùng hay e dè dư luận gì cả. Ngược lại, D không được như vậy… Mà V biết không, chính điều đó tạo cho những người xung quanh V áp lực đó. Vì sao hả, chắc V thừa biết rồi đúng không.

Lúc V làm bí thư, giờ chơi nào cũng chạy đôn chạy đáo lo lắng mọi việc. Lúc đó có hai cô giáo thực tập nữa, cái gì cũng nhờ V giúp, nhờ V hỗ trợ, và V chưa bao giờ từ chối điều gì cả. Vừa năng nổ, vừa tháo vác, vừa mệt nhoài mồ hôi, nhưng điều quan trọng là không bao giờ thấy V than thở, V luôn cười, lạ thật.

D nghĩ mọi thứ cũng bình thường. V là người bạn khác giới D thân nhất trong lớp này. Nhưng mà không phải vậy V ơi. Nhớ hôm đó là thứ tư. Thấy V đi bên cạnh cô bạn nào đó rồi vội vã vào lớp, tự nhiên Diệp thấy thoáng buồn. Lúc đó D không hiểu tại sao D lại có cảm giác ấy. Nhưng rất nhanh sau đó, D hiểu rằng, có lẽ D... Vậy nên Diệp hỏi V học Lý ở đâu đó. Rồi cũng thật nhanh, chiều hôm đó V chở Diệp đi học. Đó là lần đầu tiên Diệp ngồi sau xe một người con trai trên đường đến lớp…

“…”

Mọi chuyện cứ thế êm đềm trôi đi V nhỉ. Thật vui khi nhớ lại quãng thời gian hai đứa tập khiêu vũ đến tối khuya mới về. Rồi lại giẫm chân lên nhau nữa, rồi cả ăn mì trước khi đi thi nữa! Vui thật! Những lúc ấy sao mà thân thiết, gần gũi đến thế. Đứng trên sân khấu, lần đầu tiên Diệp đứng trên sân khấu ở một cuộc thi. V mang cho D nhiều cảm xúc gọi là đầu tiên lắm. Hai đứa nắm tay nhau, Diệp được truyền sự tự tin từ V rất nhiều, rất nhiều đấy bí thư ơi.

Rồi món quà ngày 8/3 và những dòng thư V gửi. Diệp vui lắm. Nhưng D cũng lo nữa….

Rồi đến hội trại, hai đứa cứ bên nhau suốt. Cho đến lúc Diệp thấy V bên dòng sông lười…

Thật sự lúc đó D đứng tần ngần mãi thôi. D vừa muốn đi lại gọi V, nhưng cũng muốn quay lưng nhanh thật nhanh. Vì D biết, D không có quyền làm vậy. Chỉ là, cảm giác thấy V vui vẻ, thân thiết với ai đó, D thật… khó chịu lắm. D ích kỷ quá đi…

Thời gian hai chúng ta không nói chuyện, D chẳng biết mình phải làm gì nữa. D hiểu những tình cảm V dành cho D, và D hiểu rõ tình cảm D dành cho V, nhưng… V tặng D nụ cười, rồi D bỏ đi mất…

Cô bạn gái V quen tên Hoài Thương phải không? Bạn ấy dễ thương thật! Nhẹ nhàng thùy mị như khóm hoa vậy đó. Nên dù muốn lắm, D vẫn phải quyết định. Chỉ có điều, D không hề nghĩ rằng, quyết định đó khiến V phải buồn đến vậy.

Đêm trên bờ biển, từng lời V nói, nó nhẫn tâm lắm V ạ, nó như đạp đổ đi hết những quá khứ tươi đẹp giữa hai đứa… Nhưng, D nghĩ, D xứng đáng nhận lấy điều đó. Nếu nỗi buồn cuối cùng phải có một người nhận lấy, người đó chi bằng là D đi, rồi mọi thứ sẽ như cũ, V nhỉ?

Hôm đó D khóc rất nhiều. D khóc không bởi tại D buồn, D khóc vì tại D mà có người buồn đến thế…

“…”

Haiz… Thôi. Nếu D kể nữa, chắc sẽ kể hết cuốn lưu bút này mất. D chỉ muốn sao, trong thời gian sắp tới này, hai đứa mình cùng với cả lớp sẽ có với nhau thật nhiều, thật nhiều những kỷ niệm đẹp. V là người có cá tính rất đặc biệt. Chân thành, nhưng kiêu ngạo. Tốt bụng, nhưng bất cần. Thẳng thắn và đầy bản lĩnh nữa. Cảm ơn V rất nhiều! Vì nhờ có V mà D có một khoảng trời cấp 3 thật đẹp. Nhưng, nếu được quay lại, D vẫn không muốn gặp V… Khó hiểu quá phải không?

“…”

Chú thích : “…” là những đoạn không được ghi ra đây.

Quay lại truyện Hoa Vàng Thuở Ấy
BÌNH LUẬN

HONDA PHÚ DUY

Trả lời

2023-12-28 13:15:52

xin lỗi, nhưng đọc quá ngán ạ, chỉ theo được vài tập... tác giả quá lan man và dường như không biết đặt trọng tâm vào đâu.

Chuong80

Trả lời

2023-10-06 13:28:32

Bạn viết truyện tả cảnh thì đẹp nhưng dường như bạn mê Nguyễn Nhật Ánh nên dựa theo văn phong.Nhưng văn của bạn rườm rà,miêu tả nhân vật phức tạp về tính cách quá,chèn thơ quá nhiều khiến người đọc bực bội vì tính cách nhân vật và mệt vì phải đọc thơ