Logo
Trang chủ

Chương 124: Dấu yêu ơi!

Năm đó lớp tôi lại bán hoa. Và tôi vẫn là một nhà kêu gọi cũng như tài trợ chính cho những “sự kiện bên lề” này. Chỉ khác đi nhiều khi Diệp cũng tham gia vào đội ngũ đó, thành ra tôi rất hạn chế đến, dù chỉ là ủng hộ tinh thần cho chị em.

Đôi lúc tôi ngại phải đối diện với nụ cười lúc buồn lúc vui khó hiểu đó. Đôi lúc tôi lại cảm giác rằng khi gần Diệp, sâu thẳm trong tôi vẫn gợn lên những hoài niệm dù thật khó miêu tả nó cụ thể là gì.

Chuyện thằng Tâm gãy chân với chiếc nạng cà nhắc đến lớp khiến tôi áy náy khôn nguôi. Và sự áy náy này thôi thúc tôi qua bên A6 để hỏi thăm nó, dù hai lần tôi qua, nó chẳng mảy may trả lời những câu hỏi thăm tôi dành cho.

Khi làm việc đó, tôi nhận ra rằng mấy đứa A6 dường như mặc định tại tôi mà thằng Tâm bị như thế. Thật ra mà nói, đúng là tại sự tác động của tôi thật. Nhưng chúng ta không thể trách một cục đá khi vô tình vấp phải nó. Sự hiện diện của nó vốn ở đó từ trước. Còn sự tác động của chúng ta vốn do chúng ta hoàn toàn chủ động. Như pha bóng đó, nhiệm vụ của một hậu vệ như tôi là phá bóng lên trên hoặc ra biên. Còn việc thằng Tâm ham bóng lao lên để rồi bóng bật vào chân là hoàn toàn bình thường. Có chăng nó xui quá nên tiếp đất không đúng tư thế, và…

Tôi hỏi thăm vì những áy náy khi vô tình làm đối thủ bị thương. Việc đó hoàn toàn không bao gồm ăn năn cộng với hối lỗi. Bởi cơ bản, tôi cảm thấy mình không hề có lỗi. Đó là góc nhìn của tôi. Và đó cũng là góc nhìn của cả lớp tôi. Từ tụi bạn thân cho đến cánh chị em. Còn góc nhìn của A6 lại ngược lại. Để rồi, như năm ngoái, chỗ bán hoa lại có chuyện.

Gốc gác cũng tại bé Diệu Hiền mà ra. Quả thực cái tên là sự bổ sung rất lớn cho tính cách của nó, vì nếu không có cái tên đó, nhìn từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, không biết nên dùng từ “diệu hiền” chỗ nào cho phải phép.

Không hiểu nguyên nhân bắt đầu từ đâu. Chỉ biết khi nghe Thảo múp kể lại rằng lớp tôi và A6 bán hoa cạnh nhau. Ban đầu hai bên cũng chả xích mích gì vì hàng xóm cũng hai năm rồi. Nhưng đến tối ngày 19, bé Hiền bỗng nhiên to tiếng với con bé nào đó bên A6 rồi cãi vả. Nội dung ngôn ngữ được “ban biên tập” hai bên sử dụng với câu từ rất phong phú, đa dạng, nhưng tựu trung lại, đều xoay quanh vấn đề “tự hào bản sắc lớp ta”. Nào là “lớp mi đá bóng thua độ lớp ta liên tục mà không biết nhục”, “lớp mi xếp hạng thi đua toàn cuối bảng”, “lớp mi chơi game cũng chưa một trận thắng”…

Và điệp khúc lớp mi lớp ta đó bắt đầu lan tỏa ra mấy đứa khác. Để rồi cuối cùng hai bên tay ba tay năm xông vào đấu khẩu loạn cả một góc đường.

Hôm đó tôi không ở đó nên không biết lí do câu chuyện kết thúc. Có lẽ do mỏi miệng cũng nên. Chỉ biết sáng thứ năm, ngày 20/11, tụi A6 dẫn nguyên băng qua ngay cửa lớp gọi to tên tôi ra.

Thật sự mà nói, cả lớp A6 tôi chả ngán thằng nào. Phần vì toàn bạn bè với nhau cả. Từ cấp hai đến giờ rồi. Phần nữa bên A6 nhìn chung không có thằng nào du côn nông thôn hay hổ báo trường mẫu giáo. Vậy nên tôi bình tĩnh đi ra dù thấy mọi chuyện có chút bất ổn. Đến cửa lớp, thằng Tâm với cái chân gãy nhìn tôi bực dọc :
 

  • Đá bóng ăn thua là giải trí, sao đi bêu rếu tùm lum vậy mi?

Hơi bất ngờ với câu hỏi này. Vì tình vốn ngay nhưng lý rõ ràng cần thời gian nhiều để giải thích, chưa kịp mở miệng, lao đâu ra từ phía sau, thằng Lĩnh nhảy tới giáng thẳng cú đấm thật lực vào mặt tôi. Phản xạ cá nhân giúp tôi nhanh chóng cúi đầu xuống nhưng vẫn ăn nguyên cú đấm đau điếng vào đỉnh đầu. Máu nóng đã lên tới não, nhưng chưa kịp ngẩn mặt lên, nghe hơi gió rít ghê rợn và nhìn thấy trường túc của đối phương vẫn đang thế tấn, tôi giơ hai tay lên che trọn vùng đầu, vừa may đỡ được cú đấm trái tay thứ hai.

Kịp định hình mọi thứ khi quan sát được đối thủ, nhắm lúc nó bất chấp lao tới ra đòn, tôi vút ngay cú đạp thẳng gót vào vùng chấn thủy. Lực ra chân của tôi kèm lực lao đến như mãnh thú cùng thân hình to chắc của nó khiến nó bật ra và quằn quại nằm ôm bụng dưới đất. Đằng sau lưng, sau vài giây bất ngờ, mấy đứa lớp tôi như ku Danh, ku Đông, ku Mạnh cũng định lao vào choảng nó thêm. Thấy vậy, tụi A6 cũng lao vô theo. Tôi đứng ngay giữa ra tiếng hét thật to ghìm hai bên lại, rồi tranh thủ giây phút hiếm hoi này lôi mấy đứa vào lớp.

Xong hai tiết học, tiếng trống vang lên khiến bầu ngực tôi căng đến ngẹt thở. Chắc chắn mấy đứa A6 hiểu lầm tôi. Nhưng đó là chuyện nhỏ, từ từ giải thích được. Chỉ e ngại thằng Lĩnh. Nghe đâu anh nó là giang hồ máu mặt ở chợ Cẩm Lệ. Nhận đòn đau vừa rồi trước mặt tụi bạn. Đặc biệt khi gục xuống với một cú đá, chắc chắn nó sẽ cay lắm và tìm cách báo thù. Nhà nó lại gần trường. Kèo này tôi ở thế hạ phong toàn diện.

Nghĩ tới nghĩ lui, tôi để nguyên ba lô cặp vở nhờ ku Danh xếp giùm, chạy nhanh qua gọi giật thằng Trọng :
 

  • Sao thằng Lĩnh lại vào trường vậy?
  • Ta cũng không biết, nhưng cũng tại lớp mi thôi. Anh em đá bóng với nhau, đi kể cho tụi con gái làm gì?
  • Kể gì. Hai lớp đá, tụi con gái đứng xem đầy bên ngoài, cần gì phải kể?
  • Xem thì xem, sao tụi nó biết hai bên độ.
  • Ơ. Thế lúc mi cầm tiền đưa ta không ai thấy à?
  • Tụi nó biết ta đưa tiền làm gì?

Mệt mỏi với lý do của nó, có nói thêm cũng chẳng nhờ vả được gì, tôi qua luôn C12 nhờ Phượng chở giúp Thương về, xong qua B10 nói Thương có việc bận, rồi về lại lớp.

Chuyện này tôi cũng chẳng muốn dính dáng gì tới nhóm bạn tôi, đặc biệt là ku Danh. Năm nay nó dự định thi công an theo ngành ba nó nên học hành ghê lắm. Lơ tơ mơ dính cái hạnh kiểm khá lại đi toi định hướng thằng bạn.

Nghĩ tới nghĩ lui, tôi cột chặt ba lô vào người rồi đi cẩn thận ra hướng cổng. Lúc đó trong đầu tôi tồn tại những suy nghĩ khá chủ quan, kiểu như va chạm với xã hội là điều rất chi bình thường. Con người ta ăn vài cú đấm, vài cú đá, cùng lắm đau dăm ba ngày sẽ hết. Hơn nữa, nếu gặp đối thủ đông và mạnh, sẵn đôi chân tốc độ này cứ thế mà chạy, ngại gì sức khỏe mấy thằng cô hồn. Nếu xét riêng về đua tốc độ với đội chân, tôi tự tin trong trường không có mấy đối thủ.

Bạn sẽ luôn mệt mỏi nếu tâm thế luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ. Và sẽ càng mệt mỏi hơn nữa nếu cái bạn cảnh giác cứ mãi nằm trong bóng tối, không biết khi nào nó sẽ xồ ra vồ lấy mình. Tôi dáo dát quan sát thật kỹ. Chả thấy có gì bất thường nên vô nhà xe lấy xe đạp thẳng một mạch về nhà.

Trưa đó nằm gác tay lên trán suy nghĩ về chuyện lúc sáng, đầu óc tôi cứ mông lung tìm cách giải quyết ổn thỏa chuyện này. Vì nếu không giải quyết, một ngày nào đó, khi tôi lơ là, chắc chắn sẽ bị chặn xe và lãnh trọn đòn thù. Nếu đi một mình thì khả dĩ có thể xoay sở được. Còn nếu đang chở Thương, chắc chỉ còn biết chịu trận.

Chẳng thà tôi nằm bẹp dí ở đó cho Thương gọi cấp cứu chứ không thể nào để em lại rồi “tốc biến” thoát thân. Không thể để chuyện đó xảy ra được. Nhưng làm thế nào để nó không xảy ra? Tôi lại đi lần đến đầu mối của vấn đề.

Có lẽ tất cả những điều này bắt nguồn từ việc tôi chọc tức nó ở trận banh hôm nào. Rồi những trận thua liên tiếp của đội nó khiến nó bắt đầu dồn nén. Đến lúc thằng Tâm bị gãy chân nó đã muốn lao vào ăn thua đủ, nhưng nghe bị mấy đứa cản lại với cả lo cho thằng Tâm đi cấp cứu nên gác lại. Cho đến hôm qua, thông tấn xã bán hoa đã vô tình nhỏ thêm giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly vốn đã bão hòa về mật độ nước, khiến nó tràn ra, vỡ òa…

Phải xử lý chuyện này riêng với nó. Tới đâu thì tới, tôi quyết định lấy xe ra đi qua nhà thằng Trọng, nhờ thằng Trọng chỉ nhà thằng Lĩnh. Sau đó tôi đạp thẳng tới nhà nó.

Lúc đó tầm hơn hai giờ chiều. Nhìn thấy căn nhà cấp bốn lợp tôn đã cũ, mái tôn vài chỗ thủng nước nhỏ từng giọt trước hiên, tường vôi loang lỗ những mảnh vỡ và phai màu của lớp vôi cũ kèm lớp sơn chống thấm đã hết đát. Cánh cổng sắt bị rỉ gãy chắp vá vài cây gỗ. Nhìn vào bên trong, giữa nhà là phòng khách, tạm gọi như vậy đi, với một tấm nệm đặt ở giữa, ngay phía trước cái tivi chắc đâu đó của thập niên 80 do Đài Loan sản xuất.

Thấy nó đang nằm ngủ ngon lành, tôi dựng chiếc xe đạp ngay sát cổng, lòng thầm chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra rồi lên tiếng gọi :
 

  • Lĩnh, dậy đi.
  • Thấy nó vẫn chưa tỉnh tôi lớn tiếng gọi tiếp : Lĩnh, dậy!

Cu cậu khẽ giật mình loay hoay mắt nhắm mắt mở nhìn ra hướng cửa rồi bỗng bật dậy trợn tròn xoe mắt dáo dát nhìn quanh quất.
 

  • Tao, V đây. Tao đi một mình, khỏi lo!
  • Nó không trả lời, vẫn nhìn chăm chú với ánh mắt dò xét. Được một lúc, như đã dần chắc chắn chỉ có mình tôi, nó lên tiếng : Mày tới đây làm gì?
  • Thấy phản ứng của nó nằm trong dự tính, tôi trả lời ngay : Tao tới gặp mày nói chuyện!
  • Tao còn chưa đi tìm mày tự vác xác tới à, ngon nhỉ.
  • Ừ. Không ngon tao đã chẳng ở đây. Mày khỏi phải tìm, ra đây, muốn gì thì giải quyết cho gọn. Nhưng tao nghĩ có chút hiểu lầm.

Nghe chất giọng tôi đanh thép. Lại không có ý muốn tìm nó “thanh toán”, để nguyên mình trần, nó bước ra mở cổng :
 

  • Mày thích gì nói đi?
  • Đánh giá qua ánh mắt, điệu bộ, thấy nó là thằng chịu lắng nghe, tôi lên tiếng ôn tồn : Mày ghét tao từ hồi đá bóng, nhưng bóng đá thôi, không va chạm, không tiểu xảo sao được? Mày hay đi đá cho Quận, cho Phường, bản thân mày có vậy không? Thể thao đam mê giải trí, xong trận thì thì thôi, hăm he nhau làm gì?
  • Nó dường như hơi thấm lý nhưng vẫn không chịu thỏa hiệp – Tụi mày toàn đàn bà cả. Nếu đá bóng xong thôi thì thôi đi, kể tới kể lui với bọn con gái làm gì cho um sùm cả lên? Tao cực ghét kiểu này…
  • Tao biết ngay tụi mày hiểu lầm chỗ này. Riêng về chuyện cãi nhau của bọn con gái, tụi tao không hề biết. Chơi lâu hiểu tính, cứ hỏi thằng Trọng tao chơi thế nào. Chuyện lúc sáng cũng ăn miếng trả miếng, không bên nào lỗ. Mày là thằng hiểu chuyện nên tao nói vậy thôi. Còn lại, có gì cứ gặp tao ở sân bóng!

Xong câu nói tôi đạp thẳng về nhà. Nó còn đứng tựa cổng trông theo với không ít ngạc nhiên khi kẻ nó muốn tìm lại đột ngột đến tìm nó.

Thật sự mà nói, tôi không dám chắc chắn rằng mọi chuyện đã giải quyết ổn thỏa chưa. Chỉ chắc chắn, qua đoạn nói chuyện vừa rồi, với cá tính của nó, nếu vẫn chưa thông, nó sẽ gặp tôi và hai đứa xử lý đoạn sau câu chuyện ở sân banh. Yên tâm rằng tôi sẽ không bị chặn xe lại khi đang chở Thương trên đường về.

Chiều hôm đó theo lời hẹn với lớp lúc sáng. Tôi tập trung cả tất cả tại chỗ bán hoa rồi bắt đầu lịch trình đi thăm thầy cô như mọi năm. Lúc đến nhà cô Thanh tổ trưởng tổ văn ( dạy lớp tôi và C12 ), thấy mấy đứa C12 đi ra với vẻ mặt buồn bã. Thêm cả thằng Phúc đi sau khuôn mặt như đưa đám, tôi lờ mờ hiểu được nguyên do. Bước vào chào cô rồi ổn định vị trí lớp đâu đó, tôi bắt đầu dẫn dắt câu chuyện :
 

  • Năm nay chúng ta lại đến thăm cô và may mắn gặp đúng lúc cô rảnh rỗi có thể ngồi nói chuyện, vậy nên đề nghị bạn Ngân đại diện lớp hát một bài tặng cô như mọi khi. Lưu ý đừng “một con đò sang ngang…” nữa nhé.

Hơi bối rối nhưng Ngân tiền vẫn đứng dậy và hát trọn vẹn “một đóa hồng em dành tặng cô…” Sau đó đến ku Sen, rồi bé Vi. Nói chuyện vui vẻ được một chút cô bắt đầu hỏi về Minh Trang với cả lớp. Không khí bất giác hơi trầm lắng. Nhưng với sự hồi phục mỗi ngày và rất đều đặn của Trang, bác sĩ bảo khoảng năm ngày nữa đã có thể xuất viện, kết thúc hơn một tháng ăn cháo từ thiện ở đây. Tôi bắt ngay thời cơ lên tiếng :
 

  • Minh Trang là đại diện cho tình bạn của lớp em đấy ạ. Nó được gói gọn trong ba chữ thôi “Dấu yêu ơi!”. Chắc cô đọc tập san của tụi em rồi ạ?
  • Ừ, cô đọc rồi…
  • Không đợi cô nói hết lời, tôi hấp tấp chen ngang : Dạ vậy đã chấm giải hết rồi phải không ạ?
  • Ừ. Đã chấm rồi, A4 giải nhất.

Thấy cô vừa nói vừa nở một nụ cười thật hiền, tôi như sống lại cảm giác giải nhất hội trại năm nào. Tuy nếu xét nhiều khía cạnh, giải thưởng này vốn không thể sánh bằng, nhưng ở đây nó lại có một ý nghĩa rất khác, đó là sự lật đổ, lật đổ ngôi vinh quang được thống trị suốt hai năm qua của lớp chuyên văn C12 luôn giành giải nhất về chuyên mục này. Chứng tỏ rằng một khi bản thân tôi đặt ra mục tiêu và hết mình thực hiện nó, ý chí cùng với bản lĩnh này đủ sức để đạt đến tầm cao đó.

Rồi như nhìn thấu những xúc cảm mãnh liệt đang reo vui trong ngực tôi, cô từ tốn giải thích thêm :
 

  • Thật ra về chất lượng bài viết, bên lớp C12 vẫn nhỉnh hơn. Nhưng lớp em có khả năng sáng tạo rất cao với nhiều mục mới, không theo lối mòn. Đặc biệt mục “Dấu yêu ơi” viết về Minh Trang của Phương và Ngân, mục này thật sự rất hay và ý nghĩa.

Cả lớp biết giành được giải nhất cũng vui mừng reo hò. Tâm sự vui vẻ với cô thêm chút rồi “nhường” cô lại cho lớp khác. Dắt xe ra khỏi cổng, chở Trinh phía sau, tôi lại nhớ đến ánh nhìn cùng sự tự kiêu của thằng Phúc năm ngoái. Rồi chợt nhớ đến câu chuyện lúc sáng cũng bắt đầu bằng chút hơn thua tôi tạo ra trên sân bóng hôm nọ. Nhìn chung, nếu bạn gieo đi một hạt giống tốt, nó sẻ nảy mầm và mang lại cho bạn những quả ngọt nếu bạn dày công chăm sóc, nuôi dưỡng. Còn nếu ngược lại… Nếu ngược lại, niềm đau sẽ tìm đến bạn, chỉ có là sớm hay muộn hay thật đúng lúc mà thôi.

Quay lại truyện Hoa Vàng Thuở Ấy
BÌNH LUẬN

HONDA PHÚ DUY

Trả lời

2023-12-28 13:15:52

xin lỗi, nhưng đọc quá ngán ạ, chỉ theo được vài tập... tác giả quá lan man và dường như không biết đặt trọng tâm vào đâu.

Chuong80

Trả lời

2023-10-06 13:28:32

Bạn viết truyện tả cảnh thì đẹp nhưng dường như bạn mê Nguyễn Nhật Ánh nên dựa theo văn phong.Nhưng văn của bạn rườm rà,miêu tả nhân vật phức tạp về tính cách quá,chèn thơ quá nhiều khiến người đọc bực bội vì tính cách nhân vật và mệt vì phải đọc thơ