Logo
Trang chủ

Chương 121: Khoảng lặng chiều tà

Đó có lẽ là những ngày tháng tôi cảm nhận rõ ràng nhất sự ngọt ngào của tình cảm, thứ tình cảm lần đầu tiên trong đời tôi được nếm trải.

Nếu so với Trâm của ngày trước, lúc đó, bọn tôi còn quá nhỏ và gần như chưa thực sự trưởng thành trong tư duy, cảm xúc, để rồi, trong một phút mải mê, hai đứa lạc về hai hướng.

Còn với Minh sau này, tôi như muốn thể hiện bản thân hơn là thật sự mến thương thật lòng. Vậy nên dẫu có những giây phút bên nhau đầy thi vị, đầy tươi vui, tựu trung lại, cũng chỉ như cơn gió thoảng qua, vu vơ, rồi đi mất.

Đối với Diệp, qua bao tháng ngày gần gũi, qua bao kỷ niệm vui buồn cùng nhau, cái tôi chờ đợi, có lẽ chính là những điều tôi đang trải qua đây. Nhưng thật tiếc, khi nó chưa kịp đến, tôi đã phải hứng chịu những sang chấn nặng nề…

Còn bây giờ, cô bạn đang ngồi sau tôi đây. Đôi tay vịn nhẹ thắt lưng, đôi chân cùng tôi nhấn bàn đạp, những vòng xe cứ đi về phía trước. Tôi nghe trái tim mình rộn rã những giai điệu tình ca. Nghe tâm mình hồn tràn ngập bao mến thương say đắm.

Hơn hai tuần trời mưa rã rích. Từ khi tượng phật bà được dựng lên ở bán đảo Sơn Trà, những cơn bão không còn đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng nữa. Nhưng lũ mưa dai dẳng vẫn không thôi ngêu ngao.

Nếu là trước đây, tôi sẽ ghét mưa lắm lắm. Vì mang trong mình chiếc áo mưa chùng chình, không thể thoải mái làm điều gì được. Chưa nói, cứ mặc vào, rồi cởi ra, rồi lại mặc vào… thật lắm rắc rối. Đôi khi muốn dừng xe mua ổ bánh mì hay gói xôi, cũng ngại đưa tay vào túi rút tiền ra gửi. Đó là chưa nói đến tâm trạng. Tiếng mưa cứ lích chích trên mấy tầng không, rồi bên ngoài cửa sổ, không gian ảm đạm, trời đất âm trầm. Thật chỉ làm tâm trạng thêm phần … tâm trạng.

Nhưng bây giờ đã khác nhiều. Tôi thấy yêu mưa. Mưa làm đôi bàn tay em vịn chặt vào thắt lưng tôi hơn. Làm đôi chân em sát đôi chân tôi hơn. Làm khoảng cách giữa tôi và em gần gũi hơn. Và làm tâm hồn tôi thấy bay bổng, làm trái tim tôi thấy ấm áp…

Hôm nay là chủ nhật. Hai giờ chiều, tôi ghé chở em lên trường họp bí thứ. Mọi khi Phượng và Tuyết Linh hay ngồi một bàn. Bàn còn lại Linh vẫn hay cố ý để tôi ngồi với “người tình trong mộng”. Nhưng sau buổi đại hội chi đoàn vừa rồi, Phượng viết trong cuốn nhật ký chuyền tay rằng, để tập trung hoàn toàn cho việc học, Phượng đã xin rút chức bí thư, chuyển qua Đông Qui. Và chiều nay tôi ngồi một mình sau em với Linh.

Xong buổi họp, tôi cùng em đi ăn bánh kẹp ở quán sau trường. Trời mưa gió, lại se lạnh thế này, ngồi bên bếp than hồng tí tách lửa, nướng tường kẹp bánh, chấm với vị nước tương Hội An pha sốt bò khô cay nồng. Thật đáng gọi là thi vị cuộc sống.

Hôm đó có lẽ sẽ là một ngày rất đẹp cho buổi đi ăn chúc mừng ngày 20/10 giữa tôi và em nếu không có một sự kiện lớn xảy ra.

Hơn một tiếng trò chuyện cười đùa vui vẻ, đứng dậy tính tiền xong, em nói tôi chở qua chợ mua hoa về tặng mẹ.
 

  • Năm nào Thương cũng mua hoa tặng mẹ hả?
  • Chỉ khi Thương lên cấp 3 thôi.
  • Vậy mẹ Thương chắc vui lắm ha. Tự nhiên V thấy hổ thẹn quá. He
  • V chưa mua tặng mẹ năm nào hả?
  • Ừ. Năm nào ba V cũng mua 2 lẵng cho mẹ và chị. Nên nhiều khi V thấy cũng không cần nữa…
  • Thương thấy cần lắm đó. Vì thêm điều gì đó có thể thửa thải, nhưng thêm một món quà, thêm chút tình cảm, sẽ chỉ càng đong đầy hơn.
  • Vậy mẹ Thương năm nào cũng có hai lẵng hoa nhỉ. Hihi

Thấy em đột ngột im lặng. Hai bàn tay nắm chặt vào lưng tôi hơn, bất giác tôi quay ra phía sau. Định nói gì đó nhưng chưa kịp, một cảnh tượng kinh hoàng vừa nguyên vẹn xảy ra trong chớp mắt. Một cô bạn nhỏ đi chiếc 81 sát trên lề đường ở chiều ngược lại, chắc có lẽ nép vào để chuẩn bị ôm cua, bị hai thanh niên từ trong hẻm tuôn ra với tốc độ cao đâm phải, một tiếng ầm lớn, chiếc 81 văng ra một bên, cô bé bị kéo lê một đoạn tầm 2 mét mới rời ra. Hai thằng khốn rồ ga chạy mất. Cô bé kia nằm im lìm bất động trong khoảng 5 giây rồi đột nhiên co giật như người bị động kinh. Tôi vội vã đưa ghi-đông qua cho Thương rồi chạy lại cố gắng trợ giúp.

Những kiến thức sơ cấp cứu tôi vốn học rất nhiều trong khi học các khóa thủ lĩnh thanh niên. Lại thêm tính bao đồng, chạy đến sát bên cạnh, nhìn thật kỹ, tôi nhận ra đó chính là Minh Trang lớp tôi. Tim đánh thành từng nhịp binh binh trong lồng ngực. Sao lại đến nông nỗi này cơ chứ. Ngồi xuống bên cạnh, toàn thân M.Trang dần dần lịm đi, chỉ có tay phải còn giật giật trong vô thức. Máu từ tai chảy ra thành dòng, màu đỏ sậm chứ không tươi.

Nhìn đám đông xung quanh chỉ nhìn ngó vì hiếu kỳ, tôi hét lên thật to, cấp cứu, gọi giùm cấp cứu. Ai có di động hay nhà gần gọi giùm cháu chiếc cấp cứu. Ở đây có ai là bác sĩ hay y tá có thể sơ cứu không, giúp bạn cháu với.

Giọng nói khản đặc với ánh mắt hớt hải, nghe tôi hét, có chú chạy lại định bồng lên xe đến bệnh viện nhưng tôi ngăn :
 

  • Không được, đừng động vào. Chấn thương não, đừng gây tác động.

Bỗng đâu từ trong đám đông có một cô trạc 40 tuổi, hai chân còn đi ủng, chiếc áo mưa vẫn chưa cởi ra. Cô tiến lại gần :
 

  • Thằng bé nói đúng đó. Để nguyên như vậy gọi cấp cứu, đừng động vào. Tôi là y sĩ quân y đây.

Nghe y sĩ quân y, tôi chạy lại hối hả:
 

  • Giờ cô sơ cứu gì không ạ? Cháu có giúp được gì không ạ?
  • Giúp cô nâng nhẹ đầu bạn ấy lên cao một tí, giữ nguyên như thế đến khi xe cấp cứu tới.

Nghe xong, tôi tiến lại bên cô bạn nhỏ. Dòng máu đậm và sẫm vẫn rỉ ra, dù không thành dòng như lúc nãy. Khẽ dùng đôi tay nâng nhẹ, tôi ngước mắt về phía em. Thương đang đứng trân ra, sửng sốt, hai tay giữ nguyên trước đôi môi cắn chặt vào nhau thiếu điều bật máu, đôi mắt đỏ hoe long lanh hai hàng nước mắt... Tiếng còi xe cấp cứu vang lên từ phía xa, tôi hất mặt nói :
 

  • Thương về trước đi. Đi cẩn thận, cẩn thận nhé.

Rồi không kịp đợi em gật đầu, hai chiếc áo blouse trắng tiến đến. Cô bạn nhỏ của tôi nhanh chóng được đưa vào xe cứu thương. Tôi cũng vào theo.
 

  • Em là người nhà hả?
  • Thoáng nghĩ đôi chút, tôi “dạ” rành mạch.
  • Bé tên gì?
  • Dạ Minh Trang, L M Trang.
  • Chuẩn đoán chấn thương sọ não, tụ máu, chuyển lên tuyến trên em nhé. Gọi thêm ba mẹ bé nữa.

Nghe xong tôi dại cả người. Tiếp tục đẩy chiếc giường ra xe cứu thương, vừa đi tôi lại nhớ đến hình ảnh của ku Thành năm nào. Nhưng nó chỉ bị gãy tay, còn đằng này, đằng này… Tôi chả dám nghĩ thêm. Số nó sao lắm gian truân. Nhớ hồi lớp 4, nó chuyển đến cách nhà tôi đúng 5 căn. Rồi mãi gần hai năm sau, lúc lớp 5 lên lớp 6, đi học thêm chung tôi mới dần biết nó. Nhớ hồi đó, trong đám con gái, với chiều cao 1m5, nó gần như cao nhất. Nhưng không hiểu sao, sau này lên lớp lớn, rồi cấp 3, nó vẫn vậy, chả cao thêm chút nào. Nên lớp tôi gọi nó là Trang lùn.

Mặc dù nó lùn thật. Nhưng sức học của nó chẳng lùn chút nào. Nằm trong nhóm chuyên anh. Lại biết thêm cả tiếng Hàn và Thái, nó dường như có khả năng đặc biệt với ngoại ngữ. Năm lớp 10, khi cô Yến xếp chỗ ngồi, nó với bé Phương là hai đứa bàn đầu, hai đứa cao điểm nhất. Tính tình rất dễ gần, vui vẻ, hiền hòa, đặc biệt trong giờ kiểm tra, bạn bè muốn chép muốn hỏi muốn bày cái gì nó xử lý tất. Thành ra cả lớp đều quý. Lúc cắm trại, nó với ku Mạnh còn xuất sắc đem giải hóa trang về.

Nhìn vẻ bên ngoài hay cợt đùa tưng tửng, đâu ai biết bên trong nó cũng trải qua những bất hạnh mà ku Nhân từng gặp. Trong những lần ăn sáng gần nhà, nghe thông tấn xã vỉa hè bình loạn đủ các “giai thoại”, tôi mới biết ba nó hơi thiếu đứng đắn trong tình cảm, làm mẹ nó buồn nhiều, rồi hai người ly thân. Chị nó cưới chồng rồi theo chồng, còn mỗi hai mẹ con quấn quýt đùm bọc.

Cảm giác thiếu đi tình yêu thương từ một phía, những đứa đầy đủ tình cảm mẹ cha như tôi vốn không tài nào hiểu được. Chỉ biết nó đủ sức làm nhàu nát biết bao nhiêu tâm hồn trẻ thơ. Nhưng nó… tâm hồn nó, không hiểu bằng cách nào đó, đã vượt qua, đã sáng ngời, với nụ cười luôn thường trực và độ hài hước xề xòa.

Bây giờ, muốn nhấc máy lên gọi, tôi cứ ngập ngừng, rồi lần lữa… Chị nó tôi không biết số. Ba nó thì thôi, bỏ qua cho khỏe. Nếu gọi về nhà, chắc chắn mẹ nó sẽ cầm máy. Người phụ nữ mỏng manh còn mang trong mình căn bệnh huyết áp.
 

  • Alo. Dạ ba ạ?
  • Ừ, sao giờ còn chưa về?
  • Ba ơi. Bé Trang con cô P bị tai nạn, con đưa xuống đa khoa. Vào phòng hồi sức cấp cứu cũng hơn 15ph rồi, chưa biết tình hình thế nào. Ba đợi điện thoại, tầm 30ph nữa con gọi lại, rồi ba qua lựa lời nói với mẹ nó…
  • Ừ. Ba biết rồi. Có cần ba xuống đó không?
  • Dạ đợi chút con coi thử sao đã.

Thêm 15ph nữa trôi qua :
 

  • Người nhà giường X.
  • Dạ, cháu.
  • Cháu là gì?
  • Dạ cháu là … anh trai.
  • Hôn mê sâu, xuất huyết não, tụ máu màng não, mổ gấp. Đề nghị ký vào đây.
  • Tôi đưa bút ký vào, vẫn hỏi tiếp – Bác sĩ, có nguy hiểm đến tính mạng không ạ?
  • Em cứ bình tĩnh, đợi bác sĩ ...

Tôi nghe tai mình ù đặc đi. Những lời tầm phào bên ly chè cốc mía trong căn tin hay ngay cổng trường cứ hiện về. Dù chả phải mê tín, tôi vẫn thấy hoang mang tột độ. Vì nghe đâu, năm nào trường tôi cũng gặp phải những sự cố kiểu như thế.
 

  • Ba ạ?!
  • Ừ, Trang có sao không con? Ổn chưa?
  • Dạ… tạm ổn rồi ba. Ba nói với cô P Trang chỉ bị ngất đi, đang hồi sức, rồi nói gọi cho chị của Trang xuống đây ba nhé.

Ngần ngừ thêm một lúc, tôi đưa thêm tiền gọi cuộc nữa :
 

  • Thương hả?
  • V hả, có sao không V? Bạn V có sao không?
  • Tạm thời… tạm thời V không rõ lắm. Xin lỗi Thương nhé. Sự cố bất ngờ, để Thương về một mình…
  • Trời. Sao lại xin lỗi Thương? Rồi người nhà bạn có ai xuống chưa V?
  • Chắc sắp xuống, thôi V cúp máy nha. Ra kiếm gì ăn, V thấy lả quá. Mai mốt gặp mình nói chuyện nhiều hơn nhé.
  • Ừ V. Mong bạn ấy không sao… Mà… V cũng giữ sức khỏe…

Hai mươi phút sau, mẹ với chị của Trang đến. Có cả ba tôi nữa. Kim đồng hồ vẫn chầm chậm tích tắc. Cánh cửa phòng mổ vẫn đóng im ỉm. Tôi định về, nhưng không nỡ để hai người phụ nữ đứng trước cánh cửa kia, cánh cửa của số phận run rủi, vì khi cánh cửa đó mở ra, có thể là ánh sáng, cũng có thể là bóng tối… tối lắm… nên tôi quyết định ở lại.

Quay lại truyện Hoa Vàng Thuở Ấy
BÌNH LUẬN

HONDA PHÚ DUY

Trả lời

2023-12-28 13:15:52

xin lỗi, nhưng đọc quá ngán ạ, chỉ theo được vài tập... tác giả quá lan man và dường như không biết đặt trọng tâm vào đâu.

Chuong80

Trả lời

2023-10-06 13:28:32

Bạn viết truyện tả cảnh thì đẹp nhưng dường như bạn mê Nguyễn Nhật Ánh nên dựa theo văn phong.Nhưng văn của bạn rườm rà,miêu tả nhân vật phức tạp về tính cách quá,chèn thơ quá nhiều khiến người đọc bực bội vì tính cách nhân vật và mệt vì phải đọc thơ