Logo
Trang chủ

Ngoại truyện 1

Tháng 10 năm 1947 Pháp đã huy động 12.000 quân, gồm cả không quân, lục quân, và thuỷ quân với hầu hết máy bay có ở Đông Dương chia thành ba cánh tiến công lên Việt Bắc. Trung ương Đảng ra chỉ thị: “phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”. Đến tháng 12 năm ấy, sau 75 ngày đêm chiến đấu, quân đội ta đã khiến cho đại bộ phận quân Pháp phải rút chạy khỏi Việt Bắc. Bảo toàn được cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, bộ đội chủ lực thêm trưởng thành.

Sau trận chiến ấy chúng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 quân địch. Tuy nhiên lực lượng của ta cũng hi sinh không ít. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy đồng chí Đào Văn Triệu (bí danh Tiểu Long) và đồng chí Trần Văn Giả (bí danh Đại Hổ) đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Lê Như Ngọc là người duy nhất trong tổ điều tra trước đây còn sống sót. Một phần vì Như Ngọc làm nhiệm vụ ở đơn vị quân y, một phần có lẽ vì cô được linh hồn anh Bảy phù trợ. Mỗi lần có bom rơi đạn lạc bay vào đơn vị thì cô đều may mắn thoát được.

Sau đó vài năm thì Như Ngọc cũng lấy chồng, thực ra cô không có ý định lấy chồng nhưng ba và mẹ kế rồi vị thủ trưởng cũ và mọi người ai cũng thúc giục cô. Cô không thể làm người con bất hiếu nên đã đồng ý đi lấy chồng.

Lúc đó ở một nơi cách rất xa Việt Nam, Lâm Ý Nhi đang bế theo một đứa bé trai chạy loạn cùng những người dân khác. Năm 1949 cách mạng Trung Quốc thành công, QDĐ buộc phải tháo chạy sang Đài Loan. Lâm Ý Nhi cùng những người theo QDĐ đều di tản sang Đài Loan sinh sống.

Trước đó Lâm Ý Nhi sau khi từ Việt Nam trở về Trung Quốc gặp lại cha cô Lâm Vạn. Một thời gian sau Lâm Ý Nhi phát hiện mình mang thai, cô khi đó kiên quyết giữ lại đứa bé mặc dù làm vậy cô bị cha từ mặt và trục xuất khỏi tổ chức. Một mình cô vất vả bươn trải nuôi con trai khôn lớn trong sự kỳ thị của mọi người.

Một thời gian sau Lâm Ý Nhi được báo mộng rằng Bá Văn đã chết. Cô khi ấy như muốn phát điên, cô tìm đủ mọi cách kể cả cầu xin cha cô để nhờ ông hỏi thăm tin tức Bá Văn. Lâm Vạn ngoài mặt thì không quan tâm nhưng trong lòng cũng có lo lắng cho người đệ tử một thời. Qua những mối quan hệ với một số người thân tín ở nước ngoài, Lâm Vạn nhờ họ tìm hiểu thông tin về Bá Văn. Nhiều tháng sau đó thì tin tức Bá Văn đã chết chính thức được xác thực. Lúc này Lâm Ý Nhi gần như sụp đổ, cô u sầu một thời gian dài nhiều lúc muốn tự vẫn. Nhưng vì đứa con của hai người cố gắng gượng đứng lên để nuôi dạy đứa bé cho tốt.

Sau này trước khi chết Lâm Vạn gọi Lâm Ý Nhi đến nói chuyện:

- Ý Nhi, cha xin lỗi... vì trước đây đã đuổi con đi... Đó là điều cha không muốn..., nhưng ở cương vị người đứng đầu cha buộc lòng phải làm vậy...hụ hụ...

Lâm Ý Nhi vừa khóc vừa nói:

- Cha đừng nói nữa, con không trách cha đâu mà.

Lâm Vạn gọi đứa bé trai khoảng bảy tám tuổi nói:

-Cháu của ông...lại đây...hụ...hụ...

- Dạ con chào ngoại.

Đứa bé bước lại gần Lâm Vạn khoanh tay chào ông của nó, đứa bé trai ấy có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú. Nó được thừa hưởng nét đẹp của mẹ và sự thông minh của cha. Lâm Vạn nhìn thấy đứa bé lại nhớ đến người học trò cũ năm xưa. Ông rưng rưng nước mắt nói:

- Ông sắp đi gặp...cha cháu rồi...ông xin lỗi cháu...hụ hụ hụ...

- Ngoại nghỉ đi, mẹ và con không giận ngoại đâu.

- Cháu ngoan...Ý Nhi...

- Dạ, con đây cha.

- Sau này...cho nó...về ...Việt...Nam...

Lâm Vạn nói đến đây thì gục xuống, người thân gào khóc bên thi hài của ông. Lâm Ý Nhi cùng con trai quỳ xuống lạy cha cô, cô tự nhủ nhất định sẽ có một ngày con trai cô trở về Việt Nam nhận tổ quy tông.

Sau này chiến tranh ở Đài Loan tạm lắng xuống, Lâm Ý Nhi cho con trai cô đi học, hàng ngày cô dạy đứa bé nói và viết tiếng Việt. Lâm Ý Nhi luôn nhắc với con trai mình rằng nó có cha là người Việt Nam, nhất định sau này lớn lên phải về Việt Nam. Con trai Lâm Ý Nhi tên là Lâm Bảy, cô đặt tên con theo tên của cha đứa bé. Lâm Bảy thông minh hơn người, dù đi học muộn so với bạn bè cùng trang lứa nhưng cậu vẫn luôn có thành tích học tập vượt trội.

Đến năm Lâm Bảy mười sáu tuổi thì mẹ cậu Lâm Ý Nhi qua đời. Lâm Ý Nhi bị bệnh mất sớm một phần vì thương nhớ cha của Lâm Bảy, một phần vì sự vất vả lao lực khi nuôi con một mình. Trước khi qua đời Lâm Ý Nhi căn dặn Lâm Bảy sau này phải mang tro cốt cô về Việt Nam để chung với hài cốt Bá Văn. Khi đó không ai biết rằng tro cốt Bá Văn đã được rải xuống sông.

Lâm Bảy lớn lên thì Việt Nam vẫn chìm trong chiến tranh. Khi mẹ cậu mất thì Việt Nam mới giành độc lập, đất nước còn nhiều bất ổn, cậu không thể đưa hài cốt của mẹ về Việt Nam được.

Nhiều năm sau đó Lâm Bảy trưởng thành, anh là người thông minh nhanh nhẹn vì thế công việc làm ăn cũng rất thuận lợi. Lâm Bảy thành lập công ty, anh tự nhủ phải kiếm nhiều tiền rồi mới trở về Việt Nam tìm nguồn cội. Khi có một sự nghiệp kha khá thì Lâm Bảy mới nghĩ đến chuyện lấy vợ, vợ anh là một tiểu thư xuất thân trâm anh thế phiệt. Vì ngưỡng mộ tài năng và ngoại hình đẹp trai của Lâm Bảy mà cô bỏ qua tất cả những công tử con nhà quyền quý khác. Ban đầu gia đình cô phản đối kịch liệt, sau đó khi họ thấy được tài năng và phẩm giá của Lâm Bảy thì họ mới đồng ý.

Cặp đôi trai tài gái sắc lấy nhau một thời gian thì vợ Lâm Bảy sinh ra một cô công chúa rất xinh đẹp. Cô gái ấy rất giống với Lâm Ý Nhi, chẳng khác nào là Lâm Ý Nhi đầu thai sống lại. Lâm Bảy đặt tên con gái mình là Lâm Như Ý, Như Ý từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, cô không khác gì bà nội của mình. Cô được Lâm Bảy cho đi học tiếng Việt bài bản từ nhỏ, học cả về văn hoá, lịch sử, con người... Việt Nam.

Sau này Lâm Bảy có thêm một cậu con trai, nhưng cậu ấy tính cách lại khá kiêu căng tự đại. Cậu luôn nghĩ khi mình sinh ra trong một gia đình giàu có quyền thế thì đã là đẳng cấp khác với những người bình thường nên cậu rất lười học về Việt Nam.

Nhiều năm sau...

Lâm Bảy khi đã tạo được một sự nghiệp giàu có và hùng mạnh thì anh mới quyết định trở về Việt Nam vào mùa hè. Chuyến đi ấy có vợ chồng anh và hai đứa con đi cùng. Năm đó Như Ý tròn mười tám tuổi, cô có ngoại hình của một tiểu thư xinh đẹp kiêu kỳ.

Gia đình Lâm Bảy đến Việt Nam mang theo tro cốt của Lâm Ý Nhi , sau khi chọn được khách sạn nghỉ ngơi tại Hà Nội thì họ bắt đầu bàn bạc về lộ trình. Con trai của Lâm Bảy là Lâm Kỳ không muốn đi cùng cha để tìm hài cốt của bà nội, cậu chỉ muốn đến những nơi sang trọng có người hầu kẻ hạ. Vì thế vợ Lâm Bảy ở lại cùng con trai, còn cha con Lâm Bảy, Như Ý sẽ đi tìm hiểu về nơi an táng của cha Lâm Bảy.

Qua nửa ngày hỏi thăm và nhờ vả một số người thì Lâm Bảy cũng tìm được địa chỉ người đồng đội năm xưa của cha ông. May mắn là người đồng đội đó vẫn còn sống và ở ngay tại Hà Nội vì thế cha con Lâm Bảy đi tìm người đó luôn. Hai cha con đều thông thạo tiếng việt nên việc di chuyển rất dễ dàng, họ chỉ cần vẫy taxi rồi đưa địa chỉ cho tài xế là xong. Người đồng đội của cha Lâm Bảy tên là Lê Như Ngọc, cụ bà ấy khoảng tám mươi tuổi. Nếu Lâm Bảy không về Việt Nam lúc này thì e rằng vài năm nữa sẽ không có cơ hội gặp lại cụ.

Sau khi xuống xe taxi hai cha con Lâm Bảy đi vào một con ngõ nhỏ trên phố Bà Triệu, Quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Dừng lại trước một ngôi nhà kín cổng cao tường trong ngõ, Lâm Bảy bấm chuông. Bên trong nhà có một tiếng nói của một thanh niên vọng ra:

- Chờ một chút ạ.

Tiếng bước chân rồi tiếng mở cửa, một thanh niên khoảng hai mươi tuổi dáng thư sinh mặt mũi sáng sủa lên tiếng hỏi:

- Bác tìm ai ạ?

- Cho tôi hỏi, đây có phải là nhà cụ Lê Như Ngọc không?

Thanh niên khi đó nhìn thấy Như Ý, anh thẫn thờ trước sắc đẹp của cô. Như Ý thì nét mặt kiêu sa lạnh lùng không phản ứng gì. Thanh niên trả lời:

- Dạ vâng, bác tìm bà ngoại của cháu ạ? Mời bác và chị vào nhà.

- Cảm ơn anh.

Lâm Bảy nói rồi cùng con gái bước vào nhà, Như Ý chỉ cúi đầu chào chứ không mở miệng nói tiếng nào.

Lâm Bảy khi nhìn cậu thanh niên lúc nãy cảm thấy rất quen thuộc, cậu ấy có nét gì đó giống với bức hình mà mẹ ông đã vẽ về cha ông.

Bên trong nhà treo đầy huân huy chương, bằng khen các loại. Một cụ bà tóc bạc trắng ngồi trên chiếc ghế tựa nheo mắt nhìn hai người khách lạ. Bà ta đặc biệt chú ý đến cô gái trẻ đi sau, cô ta có nét gì đó rất quen.

- Đây là bà ngoại cháu, chính là bà Lê Như Ngọc ạ. Bác và chị ngồi đây uống nước.

Cậu thanh niên nói với Lâm Bảy xong quay sang cụ già nói:

- Ngoại ơi họ đến tìm ngoại.

- Con pha nước mời khách đi.

- Dạ.

Lâm Bảy tiến lại gần chỗ bà cụ cúi đầu nói:

- Dạ con chào cụ, cụ có lẽ không biết con, con hôm nay đến có chút việc hỏi thăm cụ.

- Vâng, chào anh, anh cứ ngồi xuống rồi nói chuyện.

Lâm Bảy ngồi xuống, người thanh niên pha nước mời hai cha con ông. Như Ý vẫn chỉ gật đầu cảm ơn, nét mặt cô kiêu sa không khác gì bà ngoại cô ngày xưa. Lâm Bảy mở lời:

- Cụ cho con hỏi cụ có phải là đồng đội của người có bí danh "anh Bảy" không ạ?

Bà cụ nheo mắt nhìn kỹ lại hai người khách lạ. Bà cảm thấy có gì đó vô cùng quen thuộc ở nét mặt hai người này, vì thời gian, vì tuổi tác mà bà không thể nhận ra. Bà nói:

- Đã quá lâu rồi, đúng là một thời gian tôi công tác cùng anh Bảy, sau đó anh ấy hi sinh, tôi cũng chuyển đơn vị khác. Anh nhìn bức hình trên chiếc tủ thờ kia xem có phải là người anh muốn tìm không?

Bà cụ chỉ tay nên chiếc tủ thờ được đặt trang trọng trong góc nhà. Ở trên có một tấm hình vẽ của một người đàn ông mặc quân phục. Lâm Vạn đứng lên lại gần nhìn kỹ bức hình, ông xúc động khi nhận ra đó là cha ông. Ở bên dưới bức hình có viết "Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Bá Văn - bí danh anh Bảy. Hi sinh năm 1947". Lúc này ông quay sang người thanh niên trẻ, cậu ta có nét gì đó giống với cha anh. Chẳng lẽ người đó là con cháu hay hay họ hàng của cha ông. Ông xúc động nói:

- Cụ ạ, nói thật với cụ người trong hình là cha đẻ của con.

Cụ bà thẫn người, cụ sực nhớ đến Lâm Ý Nhi, cụ nhìn cô gái trẻ, cô ta quả nhiên giống với Lâm Ý Nhi. Cụ hỏi:

- Anh, có phải là con của bà Lâm Ý Nhi?

- Dạ phải, chính là con. Mẹ con từng nói cha con có một đồng đội tên Tố Tố, đó có phải là bí danh của cụ?

- Tố Tố là tôi, là tôi đây.

Sau đó Lâm Bảy kể chuyện của mẹ con ông cho cụ bà nghe. Rồi cụ bà cũng kể chuyện của cha ông cho ông nghe. Hai người nghe xong đều xúc động rưng rưng nước mắt, cậu thanh niên ngồi cạnh cũng không khỏi xúc động. Như Ý lúc này đã không còn vẻ mặt lạnh lùng. Cô không khóc nhưng vẻ mặt thì buồn rầu ưu tư.

Chồng cụ Ngọc cũng hy sinh trong chiến tranh, cụ có một con trai, một con gái. Cô con gái sau này lấy chồng sinh con, không rõ vì nguyên nhân gì mà đứa bé trai lại có vẻ ngoài khá giống Bá Văn cứ như là Bá Văn đầu thai thành vậy. Cụ Ngọc rất yêu thương đứa bé ấy, cụ bắt con gái đặt tên nó là Văn. Văn lớn lên thì thể hiện sự thông minh nhanh trí hơn người. Cậu hiện là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, kỳ nghỉ hè cậu thường xuyên ở nhà ngoại để nghe bà ngoại kể về những gì bà và đồng đội trải qua. Cậu đặc biệt thích nghe về người có tên anh Bảy, cậu rất ngưỡng mộ người đó.

Sau khi nói chuyện xong, Lâm Bảy biết tro cốt cha ông được rắc xuống sông Đà, thì ông quyết định hôm sau sẽ đi đến đó để rắc tro cốt của mẹ ông xuống nơi ấy. Cụ bà nghe vậy liền bảo cháu trai đi dẫn đường cho cho hai cha con Lâm Bảy. Vì hồi còn khoẻ, năm nào cụ chẳng đưa con cháu đến nơi đó để viếng người đồng đội năm xưa. Hôm đó đã là buổi chiều vì thế cha con Lâm Bảy chào cụ Ngọc và Văn để về khách sạn. Họ hẹn ngày mai sẽ khởi hành đi đến nơi rắc tro cốt của anh Bảy.

Hai cha con Lâm Bảy ra về, trong đầu Văn vẫn vương vấn hình ảnh cô gái tên Như Ý. Do cha cô nói "Như Ý ta về thôi" thì cậu mới biết tên cô ấy. Nét đẹp, sự kiêu sa đài các của Như Ý đã gây ấn tượng lớn cho cậu.

Lời kết:

Lâm Ý Nhi đã chết, Bá Văn đã hi sinh, nhưng dường như họ vẫn còn duyên nợ từ kiếp trước chưa giải quyết xong. Có lẽ họ đã đầu thai để hàng chục năm sau lại gặp lại trên dương thế.

Nếu nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả, thì có thể tương lai tác giả sẽ viết phần tiếp theo của câu chuyện này. Cảm ơn mọi người đã theo dõi và ủng hộ thời gian qua.

- Hết -

Đây là chương cuối cùng!
Quay lại truyện Giác Quan Thứ 7
BÌNH LUẬN