Logo
Trang chủ

Chương 15: Tiếp tục hành trình gian khổ

Sáng hôm sau Bá Văn cùng Như Ngọc trở về gặp Phạm Bảo. Khi Phạm Bảo nghe được tin hung thủ sát hại vợ mình đã được tìm thấy và đã chết để giá cho hành động xấu xa của hắn thì anh cũng được nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất vợ. Phạm Bảo xúc động nói với Bá Văn:

-- Anh Bảy! Thực sự tôi rất cảm ơn anh đã giúp cho vợ tôi không phải chết một cách không rõ ràng. Tôi rất khâm phục anh và cả chị bác sĩ, tôi hứa với anh kể cả còn một hơi thở cuối cùng tôi cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cách mạng giao phó.

Bá Văn vỗ vai Phạm Bảo nói:

-- Đồng chí đừng khách sáo, chúng ta là đồng đội của nhau giúp đỡ nhau là chuyện tất yếu. Tôi phải lên đường ngay để làm nhiệm vụ cấp trên giao phó. Đồng chí tiếp tục ở đây gây dựng cơ sở vững mạnh.

Phạm Bảo giơ tay chào kiểu nhà binh nói:

-- Rõ thưa thủ trưởng. Chúc thủ trưởng và mọi người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bá Văn cùng Như Ngọc tạm biệt Phạm Bảo để lên đường đến Bắc Kạn, nơi Tiểu Long và Đại Hổ đang chờ họ.

---------------------------------------------------------------------

Trên đường đi Bắc Kạn Như Ngọc được hiểu thêm về cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người. Cô chưa từng có trải nghiệm thực tế về cuộc sống ở nơi rừng núi, chuyến đi này với cô vừa thú vị cũng nhiều thử thách. Bá Văn biết Như Ngọc nhiều thứ còn không biết, nhiều việc còn không quen vì thế anh luôn lặng lẽ giúp đỡ cô. Từ việc tránh những con côn trùng cắn, đến việc ngủ nghỉ ăn uống Bá Văn đều giúp cho Như Ngọc để cô có thể dễ dàng hòa nhập môi trường mới.

Như Ngọc thấy Bá Văn rất am hiểu về cuộc sống nơi miền sơn cước, cô hỏi:

-- Anh xem ra rất thông thuộc những nơi như thế này?

-- Cũng có vài năm sống nơi rừng thiêng nước độc nên có chút kinh nghiệm. - Bá Văn trả lời.

Như Ngọc tiếp tục tò mò:

-- Anh vừa có kinh nghiệm phá án, vừa biết sử dụng thành thạo súng, lại thông thuộc những vùng đất khác nhau. Chẳng lẽ anh là cuốn bách khoa toàn thư sao?

Bá Văn cười, từ nhỏ anh đã được trải nghiệm qua nhiều vùng miền khác nhau vì thế với anh không có nơi nào là xa lạ cả. Cuộc đời anh là những chuyến đi những trải nghiệm thực tế và sự học hỏi không ngừng nghỉ. Anh trả lời:

-- Quan sát, trải nghiệm và tất nhiên là phải đi nhiều nơi là những gì tôi làm hồi còn trẻ. Nhưng có những chuyện cô mới là người hiểu biết hơn tôi.

Câu nói của Bá Văn làm Như Ngọc thắc mắc, hồi mới gặp Bá Văn thì Như Ngọc quả nhiên coi thường anh. Nhưng đến giờ thì cô cảm thấy anh đã hơn hẳn cô về tất cả mọi mặt, cô hỏi:

-- Chuyện gì vậy?

-- Trải nghiệm ở nước ngoài, làm bác sĩ, rồi làm pháp y, am hiểu về chất hoá học, kỹ thuật tiên tiến...đó là những thứ cô vượt trội so với người khác. - Bá Văn trả lời.

Lúc này Như Ngọc hiểu ra vấn đề, cô thấy rằng Bá Văn thực sự rất tinh tế. Anh ta biết rất rõ điểm mạnh điểm yếu của từng người bên cạnh, từ đó mà phân phối nhiệm vụ thích hợp cho từng người. Quả nhiên Bá Văn là người có tố chất làm thủ lĩnh. Như Ngọc tự cười một mình, cô thấy cô thật ngu ngơ khi từng nghĩ rằng có thể xuất sắc hơn Bá Văn.

Hai người trò chuyện khá thoải mái với nhau, dường như khoảng cách giữa họ đang dần thu hẹp. Những cái nhìn hay đánh giá không tốt từ những lần đầu gặp gỡ giờ thay bằng thiện cảm dành cho đối phương.

Tác giả: https://www.facebook.com/vanba.nguyen.5074
---------------------------------------------------------------------

Trời tối thì Bá Văn và Như Ngọc cũng đến được trung tâm của Bắc Kạn, họ gặp Tiểu Long và Đại Hổ. Khi được nghe Bá Văn kể lại tình hình ở Thái Nguyên thì Tiểu Long và Đại Hổ đều trầm trồ thán phục, họ tiếc nuối vì không có mặt ở đó để giúp đỡ Bá Văn và Như Ngọc. Sau đó Bá Văn hỏi thăm về tình hình tại Bắc Kạn, việc thành lập trung tâm liên lạc rất thuận lợi, có nhiều người bản địa sẵn sàng tham gia cách mạng. Bá Văn sau khi đã nắm rõ tình hình thì phân công nhiệm vụ cho từng người:

-- Việc liên lạc giữa các tỉnh sẽ do những đồng chí được tuyển chọn từ hàng ngũ địa phương phụ trách. Nhiệm vụ của mọi người ở tổ là tổng hợp những thông tin ấy, có việc gì cần thiết thì trực tiếp giải quyết. Nếu cảm thấy không thể tự quyết định thì về xin ý kiến chỉ đạo của tôi. Tiểu Long và Đại Hổ tập hợp lực lượng địa phương huấn luyện cấp tốc cho họ một số nghiệp vụ cơ bản. Tố Tố kết hợp với những đồng chí có trình độ về y tế thành lập một tổ y bác sĩ dã chiến có tính cơ động cao. Lưu ý kèm cặp những ai còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Tôi sẽ ở tại trung tâm liên lạc chỉ đạo mọi hoạt động và phối hợp với bộ đội địa phương lên những phương án thành lập an toàn khu.

-- Rõ !!! - Cả ba người đồng thanh.

Sau đó mọi người nhanh chóng bắt tay vào làm nhiệm vụ được giao. Công việc dân vận diễn ra thuận lợi vì thế có khá nhiều người tình nguyện làm liên lạc viên giúp đỡ cho Tổ điều tra số 7. Một mạng lưới liên lạc giữa 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên dần được hình thành. Đặc biệt tuyến đường từ Bắc Kạn qua Thái Nguyên về Hà Nội do Phạm Bảo phụ trách rất thông suốt.

Lúc ấy tình hình chiến sự với Pháp leo thang, nhất là vụ đụng độ trung tuần tháng 11 năm 1946, khi quân Pháp tấn công và đánh chìm ở cảng Hải Phòng một ghe tình nghi chở vũ khí cho Việt Minh. Vệ quốc quân Việt Nam đánh trả quyết liệt lại quân Pháp.

Pháp gửi tối hậu thư cho chính quyền Việt Minh ở Hải Phòng, đòi Việt Minh phải rút khỏi Hải Phòng và trao thành phố lại cho Pháp. Sau đó chính quyền Việt Minh từ chối yêu sách của Pháp, và quân Pháp bắt đầu bắn phá Hải Phòng với xe tăng và trọng pháo từ tuần dương hạm Suffren.

Tình hình chiến sự leo thang vượt kiểm soát, Trung Ương Đảng và Chính Phủ cùng những cơ quan đầu não khác dần rút khỏi Hà Nội lên an toàn khu ở Việt Bắc. Do được tính toán từ trước nên việc di chuyển các cơ quan đầu não từ Hà Nội lên an toàn khu được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Mọi thông tin liên lạc giữa 6 tỉnh Việt Bắc rất thuận lợi, chính là nhờ đội ngũ liên lạc ở hệ thống cơ sở mà Bá Văn cùng đồng đội của anh gây dựng.

Vì Hải Phòng bị quân Pháp đánh phá dữ dội nên con đường vận chuyển hàng tiếp tế từ nước ngoài vào miền Bắc Việt Nam sẽ chủ yếu bằng đường bộ. Lạng Sơn trở thành một đầu mối quan trọng và tất nhiên cũng là nơi quân đội Pháp để ý đến. Vì thế ngoài cửa khẩu chính ở quốc lộ 1 thì rất nhiều cửa khẩu phụ, con đường tiểu ngạch được mở ra để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trong đó có đường quốc lộ 4 là một con đường huyết mạch quan trọng để vận chuyển hàng hóa, vũ khí, liên lạc... ở các tỉnh Việt Bắc. Mọi chuyện bình thường được vài tháng thì thời gian gần đây trên đường quốc lộ 4 xảy ra một số chuyện kỳ lạ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự thông suốt của một tuyến đường huyết mạch quan trọng.

---------------------------------------------------------------------
Facebook tác giả: ​https://www.facebook.com/vanba.nguyen.5074

Trong một căn phòng họp ở Bắc Kạn, nơi đặt trung tâm liên lạc tình báo của an toàn khu Việt Bắc mọi người bàn luận xôn xao, lúc này cấp trên cùng với Bá Văn xuất hiện thì không khí mới trở nên yên ắng. Đồng chí thủ trưởng cùng với Bá Văn trầm tư nghe báo cáo của đồng chí phụ trách liên lạc tuyến quốc lộ 4:

-- Chào thủ trưởng, chào các đồng chí, tôi Hoàng A Páo phụ trách quốc lộ 4 đoạn từ Lạng Sơn đi Cao Bằng xin được báo cáo về tình hình địa bàn do tôi phụ trách. Khoảng 1 tháng gần đây trên quốc lộ 4 đoạn gần khu vực Bó Củng xảy ra một số chuyện không tốt làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực cũng như việc liên lạc của chúng ta. Cụ thể là ba đồng chí liên lạc của ta lần lượt đi qua khu vực Bó Củng mất tích một cách bí ẩn không để lại dấu vết gì cả. Một đoàn vận chuyển khoảng 2 tấn lương thực cũng mất tích, toàn bộ những người trong đoàn vận chuyển đều biến mất. Chúng tôi đã kết hợp với lực lượng địa phương cử bốn đồng chí trong tổ an ninh cơ sở mang theo súng đi kiểm tra thực tế nhưng đến nay đã một tuần trôi qua mà không thấy họ trở về. Đây là khu vực địa hình hiểm trở rất vắng người qua lại vì thế tôi nghi ngờ ở đây có bọn thổ phỉ hoặc đại loại như vậy. Chúng cứ thấy người qua lại thì giết người cướp của. Với lực lượng mỏng tôi không thể làm gì được, nay báo cáo bộ chỉ huy để hỗ trợ chúng tôi trong vụ việc này...

Nghe xong báo cáo của Hoàng A Páo, cấp trên nhìn Bá Văn như muốn hỏi phương án. Bá Văn liền bảo người lấy bản đồ ra, sau đó anh nhờ Hoàng A Páo chỉ vị trí xảy ra vụ việc trên bản đồ. Sau khi quan sát Bá Văn thấy đây là khu vực đường rất quanh co, gần với con Sông Kỳ Cùng. Qua tìm hiểu thì con sông Kỳ Cùng này thực sự kỳ lạ như cái tên của nó.

Kỳ Cùng là con sông chính ở tỉnh Lạng Sơn. Bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa cao hơn 1000m thuộc Đình Lập, Lạng Sơn, sông chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc qua trung tâm Lạng Sơn. Khi cách thành phố này khoảng hơn 20km, sông bất ngờ đổi hướng để chảy gần như theo hướng Nam - Bắc tới Văn Lãng rồi lại đổi hướng thành Đông Nam - Tây Bắc trước khi rẽ sang hướng Đông ở gần Thất Khê. Từ Thất Khê, sông chảy gần như theo đường vòng cung, cho tới khi nó vượt biên giới sang Trung Quốc để hợp lưu với sông Bằng Giang tại Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Sông Kỳ Cùng đoạn chảy trên đất Việt Nam dài khoảng hơn 200 km. Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc Việt Nam chảy ngược.

Bắt nguồn ở Đình Lập, khi đó Kỳ Cùng chỉ là một khúc suối nhỏ, sau khi hợp lưu với sông Ba Thín ở gần Lộc Bình thì nó mở rộng thêm với nhiều đoạn sông rộng gần trăm mét. Bó Củng thuộc địa phận Văn Lãng, nơi đây con sông Kỳ Cùng chảy ngược về Trung Quốc chứ không phải xuôi ra biển như những con sông khác. Bình thường có lẽ sẽ không ai nghĩ tới việc đi đường sông, bởi nó quá nguy hiểm và mất rất nhiều thời gian. Nhưng trong lúc đang chiến sự, những con đường bộ đều bị phong tỏa hoặc bị tàn phá thì việc di chuyển bằng đường sông có lẽ sẽ là một phương án hợp lý.

Từ những nhận định trên Bá Văn đang mơ hồ nghĩ về chuyện người Hoa có dính líu đến những vụ việc xảy ra ở Bó Củng. Người Hoa có thể không hoàn toàn di chuyển bằng đường sông, nhưng những đoạn đường bộ mà quân đội Việt Nam hoặc quân đội Pháp quản lý thì họ sẽ dùng đường sông để đi qua. Kết hợp cả đường thủy và đường bộ có lẽ là cách làm của người Hoa. Đó nhất thời là nhận định chủ quan của Bá Văn, anh chưa thể đưa ra nhận định chính xác khi chưa tới hiện trường, vì thế anh nói với cấp trên:

-- Báo cáo thủ trưởng, tôi xin được trực tiếp đi đến Bó Củng để điều tra vụ việc này.

Cấp trên của Bá Văn cũng nghĩ chỉ có anh là người thích hợp nhất vì thế ông nói:

-- Tôi cũng nghĩ sẽ cử cậu đi. Nay có đông đủ mọi người ở đây tôi nói luôn. Vụ việc lần này rất nghiêm trọng nó không chỉ ảnh hưởng đến việc liên lạc và vận chuyển hàng hóa vũ khí mà còn ảnh hưởng đến tinh thần toàn quân. Tôi sẽ giao nhiệm vụ này cho đồng chí Bảy phụ trách, đồng chí Hoàng A Páo sẽ là người giúp đỡ đồng chí Bảy tại cơ sở. Mọi người cần hết sức cẩn thận, nếu không thể tự giải quyết thì báo cáo lại với cấp trên cử thêm người. Nhiệm vụ tuy quan trọng nhưng an toàn của bản thân cũng quan trọng không kém, đừng hi sinh một cách vô nghĩa.

-- Rõ thưa thủ trưởng !!! - Mọi người đồng thanh.

Sau đó cuộc họp bất thường kết thúc, Bá Văn về thu xếp để lên đường. Lần này anh sẽ đi cùng với Hoàng A Páo và Như Ngọc về Bó Củng, còn Tiểu Long và Đại Hổ đang dở dang nhiệm vụ chưa thể đi được, hai người họ sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ đến tiếp ứng nếu cần thiết.

---------------------------------------------------------------------

Từ Bắc Kạn đến Bó Củng phải đi hơn một ngày đường, có những chỗ có thể di chuyển dễ dàng, nhưng có những điểm phải trèo đèo lội suối khá vất vả. Bá Văn thực sự cũng không muốn Như Ngọc đi cùng, nhưng một phần vì cô nhất định đòi đi theo, một phần vì Bá Văn cũng cần Như Ngọc để nhờ vào khả năng pháp y cũng như sự thông thuộc chất hóa học của cô. Bá Văn nghĩ rằng những người mất tích bí ẩn kia khả năng sống sót là không cao, vì thế có Như Ngọc giúp đỡ anh việc điều tra sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Hoàng A Páo là người dẫn đường, anh là người dân tộc Tày, một dân tộc thiểu số nhưng không hẳn là ít người. Dân tộc Tày có lẽ chiếm một phần ba dân số ở Lạng Sơn, cũng là dân tộc đông thứ hai ở Việt Nam. Hoàng A Páo từ nhỏ được học tiếng Kinh, anh là một trong những người đầu tiên tại địa phương đi theo cách mạng. Khi thành lập cơ sở liên lạc ở quốc lộ 4 đoạn Cao Bằng- Lạng Sơn thì Hoàng A Páo làm tổ trưởng tổ liên lạc phụ trách toàn bộ tuyến đường và những vùng phụ cận tuyến đường. Trong tổ của anh có hơn 10 đồng chí, đa số đều là những người trẻ tuổi, có người chỉ 13,14 tuổi đã đi làm liên lạc viên. Nhưng hiện tại ba đồng chí trong tổ mất tích bí ẩn ở gần khu vực Bó Củng, đó là sự mất mát lớn đối với Hoàng A Páo.

Trên đường đi Như Ngọc hỏi thăm về Hoàng A Páo:

-- A Páo này, nghe cậu nói chuyện không ai biết cậu là người Tày.

Hoàng A Páo trả lời:

-- Vâng thưa thủ trưởng, tôi từ nhỏ được học tiếng Kinh rồi ạ. Tôi có thể nói bằng cả tiếng Tày và tiếng Kinh.

Như Ngọc cười cười nói:

-- Đừng gọi tôi là thủ trưởng, mà A Páo năm nay bao nhiêu tuổi?

-- Báo cáo thủ trưởng, tôi năm nay 24 tuổi.

-- Đã bảo không gọi là thủ trưởng mà, cậu ít tuổi hơn tôi gọi tôi là chị Tố Tố được rồi.

-- Rõ thưa chị Tố Tố.

Thấy Bá Văn im lặng dọc đường đi, A Páo liền hỏi chuyện:

-- Thủ trưởng Bảy, thủ trưởng chưa có gia đình phải không?

-- Tôi chưa, A Páo thì sao?

-- A Páo có rồi ạ, A Páo có hai đứa nhỏ rồi. Thủ trưởng sớm lấy vợ đi. Ở chỗ A Páo có người như thủ trưởng được làm ông rồi đấy.

Bá Văn mỉm cười, dân tộc ít người có những nơi mới hơn chục tuổi mà người ta đã lấy vợ gả chồng. 13, 14 tuổi có khi đã con bồng con bế, vậy người như anh làm ông cũng là chuyện bình thường. Chợt anh nghĩ tới Như Ngọc, cô cũng 26, 27 tuổi rồi, ở tuổi này của cô người ta gọi là ế, vậy mà giờ đây Như Ngọc vẫn độc thân cống hiến hết mình vì đất nước. Khi thấy vị thủ trưởng của mình chỉ cười mà không nói gì thì A Páo vô tư nói:

-- Có phải thủ trưởng với chị Tố Tố là một đôi không? A Páo từng nghe đồn như vậy?

-- Ai đồn vớ vẩn vậy A Páo? - Như Ngọc vội vàng hét lên.

A Páo giật mình vì câu nói như quát của Như Ngọc, anh ta vội vàng nói:

-- A Páo nghe Đại Hổ nói thôi mà, A Páo không biết gì đâu chị Tố Tố.

Như Ngọc nghiến răng:

-- Được lắm, khi nào gặp tôi sẽ cho Đại Hổ biến thành con Mèo chết. A Páo nghe đây, tôi với thủ trưởng Bảy là đồng đội, là cấp trên cấp dưới, chúng tôi trong sáng rõ chưa?

Bá Văn im lặng không nói gì, anh chỉ buồn cười về phản ứng có phần trẻ con của Như Ngọc. Dẫu biết tin đồn sẽ ảnh hưởng không tốt đến một người con gái, nhưng ở độ tuổi và vị trí của Như Ngọc thì không cần thiết phải phản ứng như vậy. A Páo thì không hiểu gì hết, anh ta cảm thấy chị Tố Tố và thủ trưởng Bảy rất đẹp đôi đấy chứ. Nếu được ai đó hỏi thì nhất định A Páo cũng trả lời hai người là một đôi, nhưng nay thấy phản ứng của chị Tố Tố như vậy thì A Páo vội vàng nói:

-- Rõ thưa chị Tố Tố.

Mọi người nói chuyện với nhau vừa làm tăng sự thân thiết, lại làm giảm đi cảm giác mệt mỏi khi phải đi một chặng đường dài.

---------------------------------------------------------------------

Buổi tối hôm ấy ba người nghỉ chân ở nhà dân dọc đường, đây cũng là một cơ sở liên lạc của cách mạng vì thế ba người được đón tiếp rất chu đáo. Như Ngọc được bố trí ngủ trong phòng riêng, còn Bá Văn và A Páo ngủ ở ngoài gian nhà lớn bên cạnh bếp lửa cháy hồng. Bá Văn nằm trằn trọc không ngủ được, anh nằm suy nghĩ về những chuyện xảy ra ở Bó Củng. Có lẽ không đơn giản chỉ là chuyện thổ phỉ cướp bóc thông thường, mới một tháng mà hàng chục người đi qua đó mất mạng. Nhưng điều kỳ lạ chỉ những người liên quan đến cách mạng Việt Nam mới như vậy, còn hàng ngày những người dân bình thường đi qua khu vực đó họ đâu có gặp phải chuyện gì bất thường. Rõ ràng ẩn giấu đằng sau những vụ mất tích bí ẩn ấy là một âm mưu không hề đơn giản.

Còn tiếp...

Quay lại truyện Giác Quan Thứ 7
BÌNH LUẬN