Logo
Trang chủ
Phần 3: Du lịch

Phần 3 - Chương 45

Nhắc đến khỉ báo thù, tôi cũng từng trải qua. Thực ra khỉ là loài động vật có thể biểu hiện sâu sắc đủ loại phẩm chất của con người, nếu nó tấn công bạn, mà bạn phản công không khiến nó nhận thức được nguy hiểm và sự khác biệt, nó sẽ không ngừng bám theo bạn, dùng ánh mắt lạnh lẽo nhìn bạn, một khi bạn phân tâm, nó nhất định sẽ xông tới báo thù.

Tôi đã đánh nhau với đồng vật trong núi sâu quá nhiều rồi, chỉ có khỉ và heo rừng, tôi biết chúng nhất định sẽ báo thù. 

Nhưng bây giờ chúng tôi không có thời gian quan tâm nó, bạn của Bàn Tử dẫn chúng tôi vào trại, đến trước miếu, nơi này hình như mới mưa lớn một trận, chẳng có bao nhiêu người, chúng tôi thuận lợi vào trong miếu.

Ngôi miếu khí thế hơn nhiều so với ngôi miếu nhỏ trước đó, tượng Phi Khôn Ba Lỗ trong này từ lâu đã diễn biến theo dòng lịch sử, trở nên hoàn toàn khác Muộn Du Bình – về bản chất mà nói, chỉ có mấy ngôi miếu quan trọng ở Nam bộ này mới là miếu của Trương gia thật sự, sau khi tín đồ tứ tán, miếu ở đây đều đã tự do phát huy.

Nhưng tư thế hàng phục ma quỷ của Phi Khôn Ba Lỗ vẫn là tuyệt kỳ dùng hai gối đè vai bẻ đầu đặc biệt của Trương gia, cả ngôi miếu ngoại trừ động tác này, những chi tiết khác có lẽ đã tham khảo tạo hình la hán của Phật giáo, trông có vẻ… nói thế nào nhỉ, tôi thử thuyết phục mình thứ này là hình tượng của Muộn Du Bình trong lòng mọi người, nhưng quả thực không thể xây dựng được liên hệ gì.

Tượng thần cũng đã có độ tuổi nhất định, nghe nói 20 năm trước còn có người cố tình đến đây tu sửa tượng thần, dưới bàn thờ có rất nhiều ký hiệu của người Trương gia, hình như cũng có rất nhiều người Trương gia lúc ngang qua nơi này, xem đây là điểm liên hệ đồng bào. Nhưng ký hiệu đã vô cùng cũ kỹ, coi bộ mấy năm gần đây đã gần như không còn người Trương gia đến nơi này nữa.

Bên cạnh còn có rất nhiều tượng thần khác, đều nhỏ hơn rất nhiều so với tượng thần này, còn có một vài tà thần đến từ các nơi ở hải ngoại, hiển nhiên mục đích lớn nhất của ngôi miêu này vẫn là cứu rỗi những người đáng thương mang những tượng tà thần từ hải ngoại về hoặc từ hang cùng núi hẻm ra, để bọn họ có thể bỏ lại những tà quái không thể vứt bỏ này trong miếu.

Tôi và Bàn Tử mỗi người móc tờ 100, nhét vào túi của Muộn Du Bình, Bàn Tử bảo: “Không có chênh lệch tỉ giá khi qua trung gian.” Muộn Du Bình cũng không so đo, đi một mạch, chúng tôi cực kỳ thích bày trò này.

Người trông miếu bên cạnh bày vẻ mặt xem thường chúng tôi, còn chẳng thèm nhìn thẳng.

Tuy là miếu lớn, nhưng dù sao vẫn là miếu trong trại, chúng tôi vòng qua bàn thờ ở sảnh trước, phía sau còn có một sảnh sau, bước vào trong, thế mà lại có đủ loại bích họa về Phi Khôn Ba Lỗ, dạo một vòng bức tường ở sảnh sau, lại bước qua một cánh cửa phía sau nữa, một bà cụ đứng ở cửa, bày bảng hiệu coi bói, mắt đục ngầu, hình như không nhìn thấy gì.

Tôi nổi hứng đến xem những bích họa này, đều là những câu chuyện hàng yêu giúp đời, bà cụ tuy không nhìn thấy, nhưng hình như có thể biết được chúng tôi đi đến đâu, dùng tiếng địa phương kể chuyện cho chúng tôi như đang thuyết thư.

Tôi lặng lẽ mở điện thoại ra ghi âm, vì tôi hoàn toàn nghe không hiểu, dù là bạn của Bàn Tử, đến trại này cũng hoàn toàn nghe không hiểu tiếng địa phương.

Bà cụ vô cùng ra sức kể, nghe nói, bà cụ này đã ở đây kể chuyện cả đời rồi, mẹ bà lúc nhỏ từng được Phi Khôn Ba Lỗ cứu, bà được sinh ra không lâu thì bị mù, không làm được việc gì khác, người trong làng hỏi bà muốn làm gì, bà đã phát nguyện, muốn ở đây kể câu chuyện về ân nhân của mẹ.

Tôi cảm động trước thái độ của bà cụ, bởi vì đến tuổi này, không biết bà đã kể bao nhiêu lần, nhưng bây giờ chúng tôi tới đây, bà vẫn kể như lần đầu tiên.

Bạn của Bàn Tử len lén nói với chúng tôi, người trông miếu ở đây khá hám tiền, nhưng rất nhiều hương hỏa trong miếu đều do bà cụ này kiếm được, nhưng bà chỉ ngồi ở cửa sau, xem bói cho người khác.

Chúng tôi hết sức lễ độ ngắm bích họa, bà cụ nghe tiếng bước chân của chúng tôi, chuẩn xác kể ra câu chuyện của từng bức bích họa. Chúng tôi nghe không hiểu, bà cũng không nhìn thấy, nhưng chúng tôi vẫn làm như đang lắng nghe, bà cũng kể như bình thường.

Lúc chúng tôi đi đến cửa sau, vừa hay chuyện đã kể hết, Muộn Du Bình thẳng tay móc 200 chúng tôi nhét vào túi áo y, thả vào tay của bà cụ.

Bà cụ lại không nhận, bà cầm tay Muộn Du Bình, đôi mắt đục ngầu thế mà lại rơi nước mắt.

Bà cầm rất lâu rất lâu, tôi biết bà nhất định đã nhìn thấy, thần minh trong câu chuyện mình đã kể cả đời thật sự xuất hiện ở đây.

Chúng tôi không dám ở lâu, bà cụ cứ đứng ở cửa sau, dõi theo chúng tôi rời đi. 

Ra khỏi cửa sau miếu Phi Khôn Ba Lỗ, có một con đường nhỏ dẫn ra sau núi, trên núi có rất nhiều người treo vải đỏ ước nguyện, là một trong những phong tục của địa phương.

Điều khiến Bàn Tử khá tức giận là chuyện người trông miếu hám tài, đòi Muộn Du Bình hôm nay chân thần giáng lâm, đổi người trông miếu. Nhưng trên thực tế, dù là Quan Nhị lão gia hạ phàm, cũng không quản được miếu Quan Công, bởi vì một phần tài sản của ngôi miếu này thuộc về trại. Tôi nhớ có người Trương gia quản lý những phần thuộc về Trương gia, nhưng người đó đang ở đâu, đương nhiên không tìm được.

Tôi nhìn ra được, bà cụ kia không cảm thấy bản thân bị bắt nạt. Người ngoại lai như chúng tôi, không nên tùy tiện thể hiện những luận điệu trong giang hồ của mình.

Chúng tôi theo con đường nhỏ lên núi, đây là một Kim Tinh Não, trong phong thủy thuộc thế núi vô cùng tốt, theo lý mà nói, tinh phong lỗi lạc, nơi này hẳn phải sinh ra nhiều người đại phú đại quý, nhưng Nam Hải quá nhiều núi lửa, dù là thế núi ôn hòa như Kim Tinh Não cũng phải thờ cúng thần phục ma như Phi Khôn Ba Lỗ, cũng xem như ứng với ghi chép trong Hám Long kinh(1).

Chúng tôi từ đỉnh núi nhìn xuống ngôi miếu bên dưới, ngôi miếu đó nằm ở khu vực khai trướng(2), Thanh Long Bạch Hổ khí thế khoáng đạt, vái chầu tầng tầng dưới Án sơn(3) phía trước, vị trí của ngôi miếu này nhất định là vết tích của bậc thầy phong thủy, mà dưới miếu nhất định dày công che giấu một ngôi cổ mộ, âm dương chung trạch, bên trên xây miếu Phi Khôn Ba Lỗ, trong ngôi mộ bên dưới chôn cái gì, đúng là rất hấp dẫn sức tưởng tượng.

Ba chúng tôi vừa nhìn đã nhận ra, Bàn Tử nói với tôi: “Lúc đến nhìn thấy một ngọn núi, là để buôn quỷ.”

“Cửa sông ở chính vị La Tinh, vô cùng đẹp.” tôi nói.

“Kim Tinh Não tựa núi, muốn biết bên dưới có gì, phải tìm trong trại xem người nào bụng có đồng tiền, ba đời thọ mệnh đều chưa đến 70.” Bàn Tử nói: “Tuy đoản mệnh, nhưng là cự phú.”

Bạn của Bàn Tử nghe như vịt nghe sấm, nhưng vẫn nói: “Ủa, sao các anh biết khỉ ở đây có rốn trông như đồng tiền, gọi là khỉ Đồng Tiền?”

Chú thích

(1) Hám Long kinh là một trong những tác phẩm tiêu biểu của đại sư phong thủy Dương Quân Tùng thời Đường, được xem là một trước tác kinh điển chuyên luận về long mạch, được đưa vào “Tứ khố toàn thư” – bộ bách khoa toàn thư lớn nhất của Trung Quốc cổ đại.

(2) Khai trướng, thuật ngữ phong thủy. Chri thái tổ, thiếu tổ, liệt tổ, cha mẹ của rồng, nếu triền núi mở rộng, giống như chim dang cánh, đi xuyên qua tâm, thì gọi là “khai trướng”.

(3) Án sơn, Long Hổ sơn, Triều sơn là những yếu tố để đánh giá phong thủy âm trạch. Án sơn còn gọi là Nghênh Sa, nằm giữa Phụ Mẫu sơn và Triều sơn, phía sau tài thủy. Chữ “án” ở đây là “án” trong “thư án” (bàn viết), giống như bàn của vua chúa hay quan viên xử lý sự vụ , cho nên không thể quá cao hay quá thấp, hình dạng phải ngang bằng, đối diện huyệt vị. Có thể giúp con cháu đời sau được vận làm quan hay lãnh đạo, nếu có tài thủy thì tiền bạc dồi dào, chức tước cao.

BÌNH LUẬN

minh long

Trả lời

2023-12-26 09:12:29

Hi

alex phạm

Trả lời

2022-08-08 15:39:30

Hi