Logo
Trang chủ
Phần 3: Du lịch

Phần 3 - Chương 21

Trên núi tuyết đang rơi, dưới núi nhiệt độ vẫn rất cao. Khu bảo tồn 96K có tiệm bán đồ khô, chúng tôi từ núi tuyết đi ra lại đến 96K thì trời đã tối, đúng là trông thấy rất nhiều đom đóm.

Rất nhiều du khách đang ở đây, muốn dùng điện thoại chụp đom đóm. Chúng tôi nhờ vả một ông chủ xí nghiệp thịt địa phương, gặp được lãnh đạo cục phát triển ở đây, đề xuất làm một trại nuôi gà gần 96K. Lãnh đạo giới thiệu một miếng đất nông nghiệp khoảng 10 mẫu, giá thuê rẻ vô cùng, một mẫu 700 tệ, 10 mẫu tổng cộng 7000 tệ mỗi năm.

Sau khi đến đây, chúng tôi phát hiện xung quanh đều nuôi gà, nhưng quy mô cũng không lớn, ở đây nuôi gà thả vườn, gà chạy loạn khắp nơi.

“Cứ bị diều hâu xuống bắt, cho nên xây rất nhiều lều, sau đó còn nuôi chó. Diều hâu tới chó sẽ sủa, gà chạy vào lều trốn.” hàng xóm là một công nhân nuôi gà tên Ương Tiền Thố Mẫu, cười nói với chúng tôi: “Về sau, chó cũng bị diều hâu cắp đi mất. Các anh muốn nuôi gà, có thể nuôi la tốt hơn, la cũng kêu, hơn nữa diều hâu không cắp nổi.”

Bàn Tử biếu thuốc lá, chúng tôi hỏi thăm một lúc, gà Tạng ở đây đều không đủ cung ứng cho địa phương, đặc biệt là gà Tạng thả vườn ở quanh đây, ăn toàn sâu bọ trên núi, thậm chí còn có lời đồn, đám gà ăn toàn đông trùng hạ thảo. Du lịch địa phương hiện nay cũng càng ngày càng hưng thịnh. Loại gà này chúng tôi đem về một hai con còn được, nhưng muốn hình thành quy mô ở đây thì rất khó.

Đương nhiên, đi xuống nữa, ở Lâm Tri có trại nuôi gà Tạng cỡ lớn, nhưng gà đó ăn thức ăn tổng hợp, mùi vị đã khác rồi.

Ở đây chúng tôi còn gặp được mấy người thần kỳ khác, bọn họ kinh doanh hồ cá thủy sinh. Mặc Thoát có một khu rừng mưa, trong đó có sên lãi cùng rất nhiều loài ốc sên kỳ quái. Những người này mô phỏng thảm cỏ trong công viên hải dương, làm một bể thủy tinh, môi trường trong đó bắt chước độ ẩm của rừng mưa, nuôi những thứ này.

Bàn Tử nói: “Giờ còn có người nuôi sên lãi, cuộc sống vật chất đúng là dồi dào.”

Tôi hỏi bọn họ sên lãi có dễ nuôi không, bọn họ bảo tôi: “Thứ này vô cùng chú trọng nhiệt độ và độ ẩm, nuôi thì không khó, nhưng xem như một nghề gây hại, bây giờ giá sên lãi ước chừng 100 đến 300 một cân.”

Tôi hít một hơi lạnh, thầm nghĩ, còn đắt hơn món tủ nhà chúng tôi nữa.

Chúng tôi ngồi bên đường tán gẫu, nghe được rất nhiều kiến thức, ví dụ như dùng hàng rào gỗ quây loại ruộng hoang đó lại, bên trong toàn là cỏ dại, không thể trồng trọt, có thể nuôi sên.

Phủ màng mỏng lên hàng rào gỗ, sau đó quét hỗn hợp lỏng của muối và vôi, sên bên trong sẽ không bò ra ngoài được. Còn phải làm một cái cửa, bình thường đặt một chậu nước muối chặn cửa, nhưng ban đầu thì phải mở ra được, để thu hút sên lãi hoang dã bò vào.

Vậy dùng gì làm mồi, dùng bia. Trung tâm khoảng đất này đặt một lu men bia rẻ tiền là được, chỉ cần thời tiết không khô hanh, cả khu đất chẳng mấy chốc sẽ toàn là sên, lu đựng men bia cũng bị bu kín mít không còn thấy cả thành lu.

Thức ăn là lá cây cỏ dại, nông dân diệt cỏ xong thì có thể quẳng luôn vào đấy, ốc sên sinh sản vô cùng đáng sợ, người đó cho tôi xem một bức ảnh chụp trại nuôi sên của bọn họ, Bàn Tử nôn luôn. Chẳng qua mới bảy tháng, đã cảm thấy trong trại nuôi chật chội đến mức không còn không gian trống.

Đó quả thực là một biển ốc sên, trong đó còn có rất nhiều ốc sên khổng lồ, là một loài ngoại lai xâm lấn từ ốc sên châu Phi.

“Bây giờ hết cách rồi, đâu đâu cũng là ốc sên, con lớn nhất có thể to bằng nắm tay. Còn có con khoa trương hơn, to hơn cả đầu anh. Ốc sên châu Phi mang rất nhiều vi khuẩn, không chỉ ăn sạch cỏ cây, còn đuổi hết những giống loài bản địa, thay đổi sinh thái chuỗi thức ăn tại địa phương.”

“Loài ốc sên này coi bộ rất cục súc, cảm giác có thể dùng để nuôi.”

“Giống như ốc bươu vàng, thứ này quá lớn, vịt ăn vào cũng rất khó khăn, hơn nữa không có giá trị làm thuốc, hoàn toàn gây hại cho sinh thái. Tốc độ sinh sản của nó vô cùng nhanh, còn nhanh hơn ốc sên nhiều, tốc độ sinh trưởng và tốc độ ăn đều nhanh hơn tốc độ sinh trưởng của thực vật địa phương rất nhiều. Cho nên chúng tôi chỉ có thể cách một thời gian tìm người vào đó, bắt bớt ra đập nát cho vịt ăn.”

“Có nuôi đom đóm được không?” tôi hỏi anh ta.

Chuyện này đối phương cũng không biết, nhưng đối phương rất rành về côn trùng, thì tỏ vẻ, ốc sên chắc chắn là thức ăn của đom đóm, nhưng ốc sên châu Phi quá lớn, ấu trùng đom đóm có ăn nổi không thì lại là vấn đề.

Anh ta hỏi tôi: “Nuôi đom đóm làm gì, khôi phục quần thể đom đóm sao, nhưng chuyện đó rất khó. Hễ môi trường bị ô nhiễm, đom đóm sẽ không sinh sản được. Ấu trùng của chúng phải sống được 10 tháng mới có thể trưởng thành, nhưng sẽ chết rất nhanh, vô cùng yếu ớt.”

Tôi nói muốn lấy ấu trùng đom đóm đi nuôi gà, anh ta lại bảo: “Khó vô cùng, nơi này vốn đã rất nhiều đom đóm, cho nên gà ở đây ít nhiều cũng ăn một số loại đom đóm hoang dã. Nhưng nếu nuôi quy mô lớn, anh phải nuôi bao nhiêu cho đủ.”

Tôi là học sinh chuyên Lý, tính toán một chút, quả thực không thực tế lắm. Phúc Kiến đom đóm rất nhiều, còn không ít chủng loại, nhưng nếu muốn đạt đến quy mô nuôi gà, chắc phải mười mấy năm. Loại đom đóm này sinh sản 10 tháng một lần, hiệu suất rất thấp, hơn nữa ông anh kia còn nói, nuôi đom đóm trong nước sẽ bị tranh luận đạo đức.

Chuyện này chỉ có thể bỏ qua, nhưng Bàn Tử nói, có thể về thử xem. Lúc ở trong thôn tôi đã biết ốc sên châu Phi gần đây gây một vài phiền toái ở quanh vùng, nếu muốn ổn định sinh thái, có thể dùng bia để dụ ốc sên châu Phi xung quanh, từ đó thu hút đom đóm gần đó tập trung, sau đó chúng tôi lại nuôi một ít gà Tạng, giết ít ốc sên, cũng khả thi.

Gà Tạng mà người Tạng áo lam tặng cho chúng tôi, một con đặt tên là A Mẫu, một con đặt tên là A Công. Một trống một mái, bọn chúng là gà giống, đại diện cho hy vọng của cả thôn.

Còn có hai con dê, cũng một đực một cái, Bàn Tử định đem về ăn, không định nuôi, cho nên không đặt tên.

“Vậy anh có ăn con của A Công A Mẫu không?” tôi hỏi Bàn Tử, Bàn Tử chùi nước dãi: “Cậu biết không, đến cuối năm, chúng ta sẽ có hơn trăm con gà, chắc chắn sẽ giảm bớt gánh nặng cho A Công A Mẫu.”

Kế đó Bàn Tử đi tìm xe, chiếc xe trước đó của chúng tôi đã không được rồi, phải đổi xe việt dã, phía sau chở gà và dê, cả thức ăn nữa. Loay hoay một hồi, về đến chùa đã rất muộn, tôi thấy cả ngôi chùa đều sáng đèn.

Khắp nơi đều đốt đèn dầu, mọi người đang chuẩn bị ngày lễ gì vậy. Tiểu lạt ma chạy đến nói với chúng tôi, bởi vì chúng tôi đến đây sắp được bao nhiêu ngày (cách tính hết sức phức tạp), chùa mới bắt đầu chuẩn bị công việc nghênh đón, dùng để chính thức chào mừng chúng tôi.

Chúng tôi đi vào chùa, thì được người ta dâng tặng khăn Khata(1), mọi người đều đang chào đón chúng tôi.

Bàn Tử thấy khó hiểu: “Thì ra giờ chúng ta mới đến, trước đó chúng ta đến cũng như chưa đến à?”

Chú thích

(1) Khăn Khata: Một vật dụng bày tỏ sự tôn kính trong Phật giáo Tây Tạng. Đây là một tấm lụa mỏng hình chữ nhật, có các màu trắng, đỏ, vàng, xanh lam, dài từ ba thước đến hơn trượng.

BÌNH LUẬN

minh long

Trả lời

2023-12-26 09:12:29

Hi

alex phạm

Trả lời

2022-08-08 15:39:30

Hi