Logo
Trang chủ

Chương 9: Nghĩa địa

"Dậy đi con, tới giờ đi rồi." - Tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi, mở mắt nhìn bà, rồi uể oải đứng dậy. Trên bàn đã sắp sẵn đồ ăn sáng, đều là những món đơn giản nhưng chắc dạ. Tôi đánh răng rửa mặt, ngồi vào bàn và nhanh chóng nhét đầy một bụng thức ăn. Ăn xong, cả hai anh em tôi nhanh chóng thay quần áo, lúc đó Mặt Trời còn chưa mọc.


"Con nhớ đọc kỹ hết đề bài, và chọn câu nào cảm thấy mình làm được và cố làm tới hết nhé. Đừng làm mỗi câu một chút, con sẽ chẳng có điểm đâu." - Bà nói, tay vừa chỉnh lại cổ áo cho tôi, bà cũng nói gì đó với con em gái nhưng tôi không thể nghe thấy được.


"Rồi, hai đứa nhớ qua đường cẩn thận." - Bà nói trước khi chúng tôi bước qua cổng. Đó là năm tôi học lớp 8, em gái học lớp 6. Chúng tôi đang đi dự một kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Nhà tôi khá gần trường, nên luôn tự đi học, và hôm đó cũng không phải ngoại lệ, chỉ có anh em chúng tôi tự dắt nhau đi.


Mẹ tôi là thế, bà là người rất nghiêm khắc và luôn muốn con cái tự lập, vì vậy việc tự đi bộ đến trường là chuyện hiển nhiên chúng tôi phải làm. Bà cũng dạy chúng tôi nhiều thứ, từ cách nấu cơm, rửa chén, giặt đồ... cho đến cách giải những bài toán khó. Bà là người thông minh, cứng rắn nhưng đôi lúc lại có phần độc đoán thái quá. Thỉnh thoảng, bà lại cố gắng gò chúng tôi theo cách mà bà muốn, như cái cách bà đặt cái gánh nặng thi cử lên vai chúng tôi là một ví dụ.


Xét trên phương diện tích cực, đó là một phương pháp giáo dục hiệu quả, mà nhờ vậy anh em chúng tôi đều sớm trở thành những người giỏi chịu được áp lực. Nhưng ở một mặt khác, chúng tôi lại trở thành những kẻ nổi loạn, độc lập và mạnh mẽ đến mức luôn muốn phá vỡ chính bức tường mà bà đã cố công xây nên. Kết quả là cả hai chúng tôi đều vượt khỏi kiểm soát của bà, không phát triển theo khuôn khổ mà bà đã định sẵn, mà trở thành những đứa con cứng đầu hạng nhất.


Nhưng tận trong sâu thẳm, bà và chúng tôi đều là những con người yếu đuối. Buổi sáng hôm đó, dưới ánh sáng tờ mờ của buổi bình minh, tôi đã phải lén quẹt đi nước mắt của mình. Còn bà đứng đó, dõi nhìn theo cho đến lúc chúng tôi khuất bóng.


Khi Mặt Trời ló dạng và đám sương sớm lạnh giá bị tan đi, nhiệt độ không khí bỗng dưng tăng rất nhanh. Tôi có thể cảm nhận được những giọt mồ hôi bắt đầu thấm ướt lưng áo. Nóng quá, tôi thầm nghĩ và nhìn sang đứa em gái ngồi cạnh, lúc này chúng tôi đang đợi xe buýt của nhà trường chở đi thi. Nhưng nó lại không những chả có chút biểu hiện gì của việc khó chịu, mà còn đang cười đùa rất thoải mái với những đứa trẻ khác.

Không khí mỗi lúc một nóng lên và chẳng có dấu hiệu dừng lại. Mồ hôi liên tục túa ra, lan đến tận đỉnh đầu và làm tóc tai tôi ướt nhẹp. Mỗi lần hít thở tôi có thể cảm nhẫn rõ được làn khí nóng rát lùa qua khí quản. Cơ thể trở nên trĩu nặng và mệt mỏi, tôi dần gục xuống và mất dần ý thức.

Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở một căn phòng lạ, nơi tôi chắc chắn chưa từng đặt chân đến trước đây bao giờ. Nó là một phòng ngủ rộng rãi tương đối đầy đủ tiện nghi. Giữa phòng là một chiếc giường đơn với nệm và ra trắng được xếp gọn gàng, sát tường có vài ngăn tủ và một tấm gương.

Lồm cồm bò dậy, thứ đầu tiên khiến tôi chú ý là hình ảnh phản chiếu trong chiếc gương kia. Tôi đang nhìn thấy hình ảnh lật ngược của mình, ngoại trừ khuôn mặt. Đúng vậy, dù tôi có cố gắng tập trung đến mấy đi nữa thì tôi vẫn không thể nào hình dung ra được khuôn mặt trong chiếc gương kia. Nó cứ liên tục bị nhòe đi.

Trên giường là một cô gái trẻ với mái tóc dài và làn da ngăm đen. Tôi không rõ cô ta ngồi đó từ bao giờ, và cũng không chắc cô ta đã ở đây từ đầu hay không. Lúc này tôi mới nhận ra rằng bản thân không hề được tỉnh dậy, mà bằng một cách nào đó tôi đã được ném thẳng vào đây trong một trạng thái nửa tỉnh táo nửa mê hoặc. Rõ ràng chiếc giường đó không dành cho tôi, và tôi cũng không hề ngồi dậy từ đó. Mọi thứ thật quá mơ hồ.

Cô gái ngước nhìn tôi bằng đôi mắt ngấn lệ tuyệt đẹp nhưng đầy tuyệt vọng, cô ta đang khóc. Những tiếng nấc nhỏ và hai dòng nước mắt không làm giảm đi những đường nét tinh tế trên gương mặt xinh đẹp của cô gái, cái nhìn của cô ta như thể đang chờ đợi một điều gì đó?

Tôi tiến đến gần cô gái, ngồi xuống bên cạnh, tay vuốt nhẹ lên mái tóc, lòng đầy thương cảm.

"Có một người sống một mình trong căn phòng nhỏ…" - tôi bắt đầu kể câu chuyện về người đàn ông buồn chán sống trong một căn phòng đóng kín, là câu chuyện mà ba tôi đã từng kể.

Khi câu chuyện kết thúc, cô gái ngừng khóc, ngước lên nhìn tôi. Một lần nữa không khí trong phòng lại nóng dần lên, nóng tới mức tôi nhanh chóng bị nghẹt thở rồi ngất xỉu. Không gian xung quanh mỗi lúc một mờ nhạt và tôi chìm dần trong bóng tối vĩnh hằng.

"Tỉnh dậy đi!" - Một giọng nói quen thuộc vang vọng.

"Tỉnh dậy!" - Giọng nói đó lập lại và to hơn.

"DẬY NGAY!" - Tiếng mẹ tôi hét vang.


Tôi bật dậy, người thẫm đẫm mồ hôi, cổ họng thì nóng rát và gần như không thể thở được. Phải rất tập trung và cố gắng thì tôi mới có thể hít được chút không khí vào phổi, nó nặng nề và khó khăn như đang phải đẩy một cục tạ ở mức giới hạn. Mặt Trời chưa mọc nhưng bầu trời đã chuyển xanh báo hiệu bình minh đang tới. Tôi vẫn còn sống.


Đã được một lúc từ lúc tôi tỉnh dậy, dù cơ thể còn rất khó chịu và mệt mỏi, nhưng nhịp thở đã bắt đầu trở lại bình thường. Việc này khiến tôi cảm thấy như trút đi một gánh nặng thực sự, chưa lúc nào tôi lại thấy hạnh phúc đến thế chỉ vì được hít thở như một người khỏe mạnh bình thường. Cuối cùng thì tôi vẫn sống.


Điều này thật kỳ lạ, nếu không muốn nói là kỳ kiệu. Có thể nọc độc của con rắn chưa đủ mạnh, cũng có thể dư lượng chất độc còn lại sau khi được tôi hút ra là không đủ để giết chết tôi. Nhưng cho dù lý do là gì đi nữa thì việc sống sót một mình trong rừng với một vết thương nhiễm độc là một may mắn có xác suất còn thấp hơn trúng số. Lửa đã tàn, còn tôi thì đang đói và rất khát.


Tìm được chai nước, tôi tu một lèo đến trơ đáy. Khi đã giải tỏa được cơn khát, tôi mới cảm nhận rõ được một luồng sinh khí mới chảy trong cơ thể, nó như muốn thay tôi nói rằng mình chưa thể chết, mình phải sống mãnh liệt cho đến hơi thở cuối cùng.


Nhìn lại những giây phút bị nghẹt thở, tôi vẫn nhớ mình lúc đó chỉ có duy nhất một mong ước là được hít thở như một người bình thường, được sống. Hóa ra, tôi lại muốn sống đến như vậy. Hóa ra, tôi lại nuối tiếc mạng sống này đến như vậy.


Tôi nhìn lại một lượt những vết thương trên cơ thể. Vết cắn vẫn còn sưng nhẹ, nhưng không có dấu hiệu gì nghiệm trọng. Dấu sưng trên ống quyển cũng đã xẹp dần và không còn cảm thấy nhói mỗi khi chạm vào. So với việc vừa trở về từ cõi chết, quả thật chúng chẳng là gì. Ngay cả những nỗi đau tình cảm cũng không còn thực sự rõ ràng khi đặt cạnh những hơi thở cuống quít.


Chẳng còn cách nào khác, có lẽ tôi phải sống để đi đến điểm cuối cùng của cái thế giới khốn nạn này.

Nếu dự đoán đúng, thì đây là tháng Sáu, đồng nghĩa với việc tôi có một ngày dài với mười ba tiếng Mặt Trời thiêu đốt, và đã đến lúc lết cái thân tàn này đi tìm thức ăn.


Dạo một vòng, tôi chỉ gom về được vài quả dại vô tích sự. Dù rằng quanh đây cây cối um tùm, nhưng chúng gần như không ra quả. Một vài cây ra trái thì toàn là trái rừng chua chát, hoàn toàn không thể ăn được. Phải mất rất lâu tôi mới có thể tìm được một cây xoài có trái, nhưng chúng còn quá non và xanh. Tôi cố ăn để giảm cơn đói, dù biết rằng lát nữa bụng dạ sẽ cồn cào hết nấc.


Cơ thể tôi cần tinh bột, đạm và chất béo, vì chỉ mỗi chất xơ từ trái cây là không đủ, chúng có quá nghèo năng lượng. Đạm và béo nghĩa là thịt và mỡ, thứ chỉ có từ động vật, mà bài học săn bắn ngày hôm qua vẫn còn đó. Lúc này, việc đào được một vài củ khoai có lẽ thực tế hơn nhiều.


Khu vực này vốn là bê tông được phủ một lớp đất mỏng, chỗ dày nhất cũng chỉ được nửa gang tay, nên để tìm một củ khoai cũng không phải chuyện dễ. May sao, tôi biết gần đây vẫn có một địa điểm đất đai màu mỡ chưa bị bê tông hóa, dù rằng nó có hơi dị.


Đi hết con đường phía bên phải nhà thờ, cách đống lửa trại của tôi gần ba trăm mét là nghĩa địa của giáo xứ. Đây là nơi yên nghỉ của những người quá cố trong giáo xứ, và nó cũng là một phần trong một đại nghĩa địa của khu Tam Hiệp - Tam Hòa, kéo dài từ đường Đoàn Văn Cự tới khu Bùi Thượng - Bùi Vĩnh.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi.

Ngay nơi cánh cổng chào mừng tôi đã thấy sừng sững một bức tường xanh lét, rất dày và cao đến ba mét, trải dài từ cổng chính đến khi mất hút sau khúc quanh chín mươi độ. Đó là những nhành bông giấy cổ thụ mọc xoắn vào nhau, nuốt chửng dãy hàng rào cũ và dựng nên một bức tường mới đầy lạ lẫm.


Khởi điểm chỉ là vài khóm cây nhỏ mọc rải rác ở các góc cột hàng rào, giờ chúng đã thực sự trưởng thành, vươn mình trở thành một lớp tường thành đúng nghĩa với hàng ngàn thân cây gai góc xếp chồng lên nhau, ngăn cách khu vườn vĩnh biệt huyền ảo với thế giới bên ngoài. Những cụm bông giấy mỏng manh rực đỏ một cách vô cùng nổi bật trên nền lá xanh thẫm, làm tôn lên vẻ đẹp độc đáo kỳ lạ của dãy mộc thành. Tất cả như một bức tranh vừa kỳ ảo vừa thi vị. Thật khó để có thể nghĩ rằng ẩn sau bức tường gai góc này là một nghĩa địa hoang phế.


Bằng cách dùng rựa khai thông một lỗ hổng nhỏ ngay khu vực cổng vào, tôi đã vào được bên trong. Đúng như dự đoán, khung cảnh bên trong hoàn toàn khác biệt quá khứ. Vườn xà cừ được trồng trước đây đã vươn mình biến thành những trụ cây khổng lồ và cao vút. Các thân cây trước đây vốn chỉ to bằng chiếc cột điện, giờ đã hóa lớn gấp ba, sần sùi và gân guốc.


Bởi những tán lá rậm rạp phía trên cao đã ngăn cản phần lớn ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống, nên mặt đất đầy tối tăm và ẩm thấp. Dương xỉ mọc khắp mọi nơi, từ nền đất cho đến các hốc đá, thậm chí còn leo hẳn lên các thân cây. Hầu hết "cỏ" ở đây là một loại dương xỉ cổ với những tấm lá lớn được phủ một màu xanh ma quái. Tôi nói "ma quái" là bởi, tuy rõ ràng chúng mang một màu xanh, nhưng lại là một nước màu rất thẫm, đến nỗi đã có lúc bị tôi nhìn nhầm thành màu thẫm đỏ của máu.


Nhưng dương xỉ không phải là tất cả, lác đác xuất hiện vài cây dong khổng lồ. Đúng, là cái loại mà người ta thường ngắt lá để gói bánh chưng ấy, có điều chúng còn to hơn cả một tàu lá chuối. Số ít còn lại hẳn là mộc lan, vì chúng chỉ mọc bám vào các thân cây ẩm ướt rồi bung nở những bông hoa màu hồng phấn, nửa rực rỡ nửa thầm lặng.


Vườn xà cừ kéo dài từ cổng vào phía trong khoảng ba chục mét, sâu hơn nữa là mảnh đất của những linh hồn đang yên nghỉ. Ở đó, các loại thực vật thân bò và dây leo chiếm áp đảo, chúng phủ kín các lối đi và tràn lên cả mặt các ngôi mộ. Nếu ai đó nhìn từ trên cao, chắc họ không thể nào đoán được rằng khu vực này lại là một nghĩa trang khổng lồ.


Ngay chính giữa nghĩa trang là một cây đa già cổ thụ với một tán lá khổng lồ và hàng râu dày già cỗi. Những sợi rễ sần sùi đâm thẳng xuống mặt đất và lan rộng ra xung quanh, chúng to và dày đặc đến nỗi bật đổ cả những ngôi mộ gần đó. Đây là một cảnh tượng khiến tôi khó chịu, và luôn rùng mình mỗi khi nhớ lại. Thật khó có thể xua đuổi được cái ý nghĩ kinh dị rằng, để nuôi dưỡng được một thân hình độ sộ bên trên, những rễ cây gân guốc kia đang ngày đêm hút cạn máu thịt từ những thân thể đang ngủ sâu dưới đáy mộ. Vì vậy, cứ mỗi lần nhìn những chiếc lá đa đung đưa trước gió là mỗi lần tôi cảm nhận được một cái vẫy tay của ai đó từ bên kia thế giới.​

BÌNH LUẬN