Logo
Trang chủ

Chương 6: Độc hành

Khi còn là một đứa trẻ tiểu học, có một vài tháng tôi phải đến sinh hoạt tại nhà thờ, nơi người ta thường tổ chức các buổi huấn luyện hướng đạo sinh cho thiếu nhi. Mỗi lúc như vậy tôi đều phải đi một mình, cho dù là ban ngày hay ban tối. Sỡ dĩ có cái chuyện kỳ lạ đó là vì tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình miền quê giàu truyền thống tự lập, với ba mẹ là các bậc phụ huynh mặc dù rất nghiêm khắc trong việc học hành lễ giáo nhưng lại phóng khoáng trong việc kiểm soát vị trí địa lý của con cái. Không bị gò bó như đám trẻ con thành thị, việc chúng tôi lông nhông đầu đường cuối phố, leo đồi lội ruộng, mất tích cả buổi trời cũng chả phải chuyện to tát, thế nên việc tự phải cuốc bộ đi học là một điều gần như hiển nhiên.

Mọi thứ sẽ không là vấn đề nếu nhà của tôi không phải ở xa nhất, và các buổi sinh hoạt không kết thúc vào lúc chiều tà, khi Mặt Trời hoàn toàn khuất dạng sau một ngọn đồi lớn. Hầu hết những đứa trẻ khác cũng phải tự trở về nhà chúng, nhưng khác với tôi, chúng đi cùng một đường.

Đó là một ngày đầu mùa hè, sau một cơn mưa thối đất thối cát, dưới những giọt nước li ti trôi lơ phơ qua ánh đèn vàng ở góc sân, tôi từ biệt mọi người để lội ngược về nhà, trái hướng với tất cả đám trẻ còn lại, độc hành. Con đường be đất đỏ đầy thân thương lúc ban ngày đã biến thành một thử thách thực sự với một bầu trời chập choạng và đầy những vũng sình lầy lội. Chút ánh sáng leo lét yếu ớt hắt ra từ những ngôi nhà thưa thớt hai bên đường không đủ để trấn an một đứa trẻ nhiều lo lắng. Thứ duy nhất xoa dịu nỗi sợ trong tôi lúc ấy là bóng dáng của những người lướt qua trên đường, mặc dù đôi lúc tôi cũng tự hỏi đó là người hay những bóng ma.

Những tiếng "ộp ẹt" ven đường hối thúc đôi chân bồn chồn rảo bước nhanh hơn, chốc chốc tôi lại đạp phải một vũng sình làm thứ nước vàng vọt văng lên ướt hết hai ống quần cộc. Chân tôi đau rát và nhức nhối vì vết cắn của một con kiến lửa, nọc độc của nó khiến mu bàn chân sưng lên. Vết thương cứ cạ liên tục vào quai dép, và càng khó chịu hơn khi bị lớp nước sình nhớp nhúa thấm vào. Được nửa đường, tôi phải xách dép lên và mang chân trần hết đoạn đường còn lại.

Giải thoát được nỗi đau của thể xác thì tôi lại phải nhận một nỗi đau khác về tinh thần: ánh mắt tò mò đầy dò xét của những người đi đường. Hẳn họ phải buồn cười lắm khi nhìn thấy một thằng nhóc ngớ ngẩn xách đôi dép nhựa bước lon ton một mình trên đường.

Càng về gần, đèn nhà đèn cửa lại càng thêm sáng sủa, nhưng vì vậy mà sự tò mò của người đi đường cũng tăng lên theo. Nỗi sợ bóng tối dần nhường chỗ cho một sự mặc cảm kỳ lạ. Họ có thể nhìn hoặc không, còn tôi thì vẫn tiếp tục đi, mỗi lúc một nhanh hơn, cho đến khi về đến cổng nhà tôi mới nhận ra là mình đang chạy. Vứt đôi dép ở cửa, tôi vòng xuống sân sau để rửa chân. Được gội sạch lớp bùn đất bằng những gáo nước mát lạnh sạch sẽ, vết cắn ở bàn chân mới bớt nhức nhối phần nào. Ở phía xa xa trong nhà là khung cảnh ba mẹ và em gái đang quây quần xem ti vi, họ vui vẻ bình phẩm về bộ phim kiếm hiệp đang chiếu trên màn hình mà không nhận ra tôi đã trở về. Dội thêm vài gáo nước rồi tôi bước vào nhà ăn cơm như mọi ngày bình thường khác. Không vui, không buồn, không ấm ức.

Ký ức về buổi chiều ngày hôm đó đã theo tôi suốt những năm tháng sau này. Nó luôn nhắc nhở tôi về ý nghĩa của sự cô độc, rằng sẽ có lúc một mình mình phải đương đầu với mọi thứ, tự bước qua những khó khăn, và quan trọng nhất là sau tất cả tôi phải nhận ra rằng hành trình cô độc đó cũng chẳng hề đặc biệt, đó chẳng qua là một thứ bình thường mà mỗi người đều phải nếm trải để trưởng thành.

Nhưng giờ phút này lại là ngoại lệ, ký ức về chuyện cũ chỉ khiến tôi cảm thấy cô đơn đến cùng cực. Tôi cứ ngồi đó, một mình dưới mái nhà hoang ẩm thấp lạnh lẽo, bên ngoài là bầu trời u ám và cơn mưa rả rích mãi chẳng dứt. Tôi thực sự cô độc, sự cô độc này đã là một hiện thực phũ phàng mà tôi phải đối mặt chứ không còn là một cảm giác mơ hồ thoáng qua như mọi khi nữa. Tôi mệt mỏi, cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi muốn ngả xuống ngủ một giấc dài, để rồi khi tỉnh dậy mọi thứ sẽ trở lại như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Nhưng tôi không ngủ, vì biết thừa đó chỉ là một mộng tưởng viển vông, dù trong sâu thẳm ý nghĩ đó cứ mãi ám ảnh. Hy vọng là thứ đôi khi mang lại sự cứu rỗi, khơi lên động lực cho những linh hồn đang mỏi mệt, nhưng lại có những lúc nó sẽ nhấn chìm con người ta trong đại dương của những ảo mộng không lối thoát.

Cơn mưa dài rồi cũng tạnh, nhưng sau nó chỉ còn là một ngày tàn. Mặt Trời bắt đầu lún sâu vào những nóc nhà, ánh nắng sẽ sớm tắt. Quyết không quay về, tôi nhanh chân đẩy chiếc xe chất đầy hành lý men theo đường Phạm Văn Thuận hướng vào trung tâm thành phố. Trên đoạn đường này có rất nhiều cửa hàng máy móc công cụ, nhưng chẳng thể kịp ngó qua hết vì trời đã sắp tối. Tôi có ghé vào một siêu thị điện thoại di động, định bụng xem thử điện thoại thông minh của tương lai trông thế nào, đặc biệt là thử coi iphone có còn tai thỏ không, nhưng thật buồn là chả còn lại gì đáng giá.


Tất cả những thứ tìm được chỉ là kính bể, kệ đổ ngổn ngang, có vài chiếc điện thoại rơi vỡ trên sàn, nhưng đều là loại cũ và không có gì đặc biệt. Hẳn là hàng ngon đã bị quét sạch trong cơn hỗn loạn cả rồi. Duy có một thứ mà tôi cho là đáng giá là cuốn tạp chí mốc meo nằm kẹt dưới chân bàn, nó tuy khá mỏng và rách nát te tua nhưng còn rõ chữ. Tôi nhặt và nhét tạm vào ba lô, định bụng khi nào rảnh sẽ đọc thử.


Lội bộ được vài trăm mét, lần đầu tiên trong đời tôi mới nhận ra tỉnh Đồng Nai đang sống đúng với tên gọi của nó. Trước mắt tôi là một con nai sừng xám hùng dũng. Con vật cao đến hai mét với cặp sừng chỉa ra nhiều nhắn nhọn hoắt đầy hung tợn trái ngược với ánh mắt lơ mơ ngơ ngác. Nai sống theo bầy, nên chắc hẳn con này đang bị lạc đàn, ánh mắt bối rối của nó càng khẳng định chuyện đó. Trông to khỏe, nhưng nó lại có vẻ chậm chạm, thế nên tôi quyết định thử tài săn thú. Thực ra, tôi biết rõ năng lực của mình, câu cá còn chưa xong thì nói gì đến chuyện săn bắn, nhưng cũng không thể không thử vì đến giờ này cũng chẳng còn gì để bỏ bụng.


Tôi di chuyển chậm, cúi thấp người, cẩn thận nép sát vào hàng tường gạch mặt tiền của các ngôi nhà, cố ẩn mình sau những lùm cỏ lớn. Càng đến gần hơn tôi mới phát hiện ra con vật tội nghiệp đang bị thương, là một vết cắt dài từ mông xuống tận đùi sau. Hẳn là phải đau lắm vì nó phải cà nhắc từng bước mới di chuyển được. Sau một hồi lăn lê bò càng thì tôi cũng tiếp cận được con vật xấu số, giờ tôi nấp sau một bụi cây cách mục tiêu chừng mười bước chân. Không thể tiến lên tiếp tục vì giữa tôi và nó là một khoảng trống trải, mặt đất chỉ toàn là cỏ gà và hoa trinh nữ, hoàn toàn không có chỗ để lẩn trốn.


Tôi có hai lựa chọn, một là đứng đây phi chiếc rựa về phía con vật rồi cầu may, hai là lao thật nhanh đến mục tiêu rồi bổ một phát thật mạnh vào đầu nó. Sau một hồi đắn đo, tôi quyết định chọn phương án hai, vì nai là loài ăn cỏ hiền lành, không việc gì phải sợ mà phải ném rựa cầu may cả. Tôi hít một hơi rồi lấy đà lao ra hết tốc lực, hai tay cầm chặt cán chiếc rựa, chuẩn bị sẵn tư thế cho nhát chém chí mạng.


Nhưng khi mới lao ra được nửa đường thì con vật thấy động, giật mình nhảy chồm về phía trước. Mặc dù chỉ là một bước nhỏ nhưng nó cũng làm tôi giật mình theo, giây phút đó cả cánh tay tôi hóa cứng, hoàn toàn không thể đi rựa để bắt đầu nhát chém. Trong một khoảng khắc, mắt tôi và con vật chạm nhau. Ở thời điểm đó, tôi đã biết mình đã thua, thời khắc quan trọng nhất đã vụt mất. Con vật lồng lên tránh được cú lao tới của tôi rồi biến mất trong một con hẻm tối.


Con nai mập mạp với cái chân bị thương mất hút ngay trước mắt khiến tôi vô cùng hụt hẫng, rồi sau đó dần chuyển thành tức giận. Ném mạnh chiếc rựa xuống đất, tôi ngước lên trời rồi hét lên một tiếng thật to. Chưa lúc nào tôi thấy thất vọng về bản thân như vậy, tôi sợ bọn mèo hoang, bất lực trước đàn cá, rồi giờ là vuột mất một con mồi ngon ăn với đôi chân thương tật.


Hoặc là tôi quá kém cỏi, hoặc là thế giới đang cố nghiền nát tấm thân này.

Tôi bắt đầu thấm mệt và nhận ra cơn đói đang tới. Cứ ngỡ sắp được ăn thịt nai, ai dè đến cái móng chân cũng không có. Tôi quay lại tìm chiếc xe đẩy để đi tiếp, lần này tôi đi chậm và cố tìm cho ra được một cây ăn quả. Khu Tam Hòa - Tam Hiệp trước đây có mật độ dân cư cao nhất Biên Hòa nên tỉ lệ bê tông hóa gần như tuyệt đối, nền đất tự nhiên để cây cối phát triển hầu như không có. Hiện giờ tuy lớp bê tông đã được phủ một lớp đất mùn, nhưng hoàn toàn không đủ để những cây thân gỗ lớn cắm rễ. Thực vật ở đây đa phần là các loại cây nhỏ rễ ngắn và nông, chỉ có một số ít là những cây đại thụ to lớn.

Có một điều khá đặc biệt là những cây lớn ở đây tuy không nhiều về số lượng nhưng kích thước thì rất khủng, khủng hơn nhiều so với những cây lớn tôi từng gặp. Chúng thường mọc ra những kẽ nứt lớn trên đường, vỉa hè, hoặc trong sân của những ngôi biệt thự, có những cây hoàn toàn là tự mọc, nhưng có những cây mà tôi nghĩ là chúng phát triển từ những cây cũ được trồng sẵn mà thành. Điểm chung của chúng là thân to, rất cao với nhữnng tán lá lớn có thể phủ bóng lên một khoảng lớn trên mặt đất.

Từ một trong những tán cây như vậy, tôi mò được một cây ổi lớn, nó mọc trong vườn của một ngôi biệt thự nhỏ khuất trong hẻm. Thật may là nó có quả, nhưng vì tán quá cao nên mất khá nhiều thời gian để có thể hái được. Những quả ổi to bằng nắm tay nhưng xanh lè và chát đắng. Tôi cố nhai hết một quả để làm dịu cơn đói, nhưng không mấy hiệu quả, vị chát của ổi còn làm dạ dày thêm khó chịu.

Ổi còn xanh, và những bông cỏ may tím cũng vừa mới bắt đầu trổ sắc, chứng tỏ bây giờ mới chỉ đầu tiết hạ, khoảng tháng năm hay sáu gì đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cơn mưa vừa rồi mới chỉ là sự khởi đầu nhẹ nhàng, tôi phải sẵn sàng chịu đựng cả một mùa mưa bão đang tới.

Khi những tia nắng vàng vọt cuối cùng không còn chiếu rọi lên mặt đất, ánh sáng ban ngày chỉ còn được phản chiếu từ bầu trời rực đỏ phía Tây thì tôi mới tới được nơi cần đến: cổng một ngôi nhà thờ quen thuộc. Nơi đây chỉ cách ngã tư hơn một cây số nhưng cũng tiêu tốn của tôi kha khá thời gian. Tôi chạy một mạch thẳng vào phía trong, hướng về con hẻm bên phải cạnh nhà thờ, trống ngực tôi đánh liên hồi, mỗi lúc lại nhanh hơn như thể muốn xoắn lấy cuống phổi. Tôi đã tưởng mình không thể thở được.

Trước mắt tôi là một khung cảnh vô cùng quen thuộc. Mọi người đang vui vẻ trò chuyện với nhau ngoài đường, quán xá vẫn rộn ràng như mọi khi, và đặc biệt nhất là bóng dáng thân thuộc kia vẫn còn đó. Cô gái xinh đẹp nhất thế gian vẫn ở đó, đang cười nói với một cô gái khác, bên cạnh đám trẻ con chạy nhảy tứ tung khắp sân nhà thờ.

Tôi gọi tên cô ấy, âm vang đủ lớn để tất cả mọi người có thể nghe được. Nhưng cô ấy không đáp, vẫn tiếp tục câu chuyện với bạn mình, mà không hề đoái hoài đến sự hiện diện của tôi. Tôi gọi thêm một lần nữa, lần này lớn gấp đôi, nhưng đáp lại vẫn là một sự dưng dưng đến lạnh người.

Một lần nữa, tôi hét vang tên người yêu trong vô vọng, lớn đến nỗi có thể cảm thấy cổ họng muốn phực cháy. Tất cả ảo ảnh trước mắt đang tan biến.

Hai đầu gối khụy xuống, những giọt nước mắt bắt đầu rơi. "Chẳng còn lại gì, chẳng còn lại gì nữa" - tôi nửa rên rỉ nửa nức nở. Nơi đây chẳng còn một bóng người, chỉ có những ngôi nhà trơ trọi hoang tàn giữa thảm cỏ xanh lét. Những bức tường loang lổ do rêu mốc, những mái nhà đã đổ sụp từ lâu, những cánh cửa vẫn đóng im lìm, hoặc mở toang hoác. Lạnh lẽo. Ngọn lửa hy vọng cuối cùng đã tắt, không có một dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất chứng tỏ còn người sinh sống. Tất cả chỉ còn lại là một dãy phố vắng lặng heo hút.

Tôi nằm dài ra đất, lòng bàn tay chạm vào đám cỏ tí hon, mắt nhìn lên bầu trời. Tôi tự hỏi bản thân suy nghĩ gì? Kết cục này có bất ngờ chút nào đâu, tại sao tôi vẫn đau khổ đến thế khi đối diện với nó. Thực tại nghiệt ngã này chẳng phải quá hiển nhiên sao, thế mà tôi vẫn nuôi một mộng tưởng hão huyền. Rồi tôi vẫn nằm đó, khép mắt và chìm đắm trong những ký ức cũ.

-----

Mọi người cho nhận xét nhé, đặc biệt là về nhân vật chính ấy. Tâm lý có hợp lý? Nhân vật có thú vị? v.v..

BÌNH LUẬN