Logo
Trang chủ

Chương 5: Lặng lẽ

"Kẹt kẹt" - tiếng bánh xe khẽ rít lên khi tôi đang hì hục dắt chiếc Wave RSX mới tìm được, vừa đi vừa thầm chửi rủa cho thân phận khốn khổ của bản thân. Đúng là chẳng có gì dễ dàng, ngay cả khi bạn nghĩ vận may đã ở ngay trước mặt. Còn chưa kịp ăn mừng vì tìm ra chiếc chìa khóa, thì tôi đã phải đối diện với một sự thật nghiệt ngã là những chiếc xe này đều không thể hoạt động được. Tôi thấy mình khá là ngu khi không nhận ra sớm một điều khá hiển nhiên là các bình ắc quy đã cạn kiệt sau chừng ấy năm. Khi tôi tra chìa khóa và cố khởi động, chiếc xe không hề phản hồi dù chỉ là một âm thanh nhỏ nhất. Tôi cũng đã thử cần đạp chân nhưng cũng không hiệu quả.

Không nỡ từ bỏ vận may cuối cùng này nên tôi đành dắt chiếc xe này về lại "căn cứ" dưới gầm cầu, hy vọng có cơ hội hồi sinh được nó. Nói đi nói lại, chính không gian toang hoác nơi đây mới thực sự làm tôi thấy dễ chịu, những chỗ có vẻ kín đáo an toàn hơn lại mang cho tôi một cảm giác bứt rứt bất an. Tôi không phải người sợ không gian hẹp, nhưng trong hoàn cảnh này, tôi chỉ muốn ở một nơi mà mình có thể dễ dàng quan sát được mọi thứ, để không bỏ lỡ một cơ hội nào được cứu thoát.

Chiếc xe trông khá cũ, nhưng vẫn còn khá cứng cáp. Đồng hồ công tơ mét cũng mới chỉ số hơn 4000 km, nên máy móc chắc không đến nỗi quá tệ, ngoại quan tồi tàn chắc chỉ do thời gian mà thôi. Xăng đã cạn trơ đáy, nhưng nhớt thì vẫn còn, bugi thì bị đóng một lớp căn đen không rõ là gì. Hai bánh xe dĩ nhiên xẹp lép, nhưng đây không phải vấn đề quá lớn, vì trong hoàn cảnh này tôi có thể chạy bằng niềng.

Tôi tháo bugi ra, cố lau thật sạch rồi gắn lại, nhảy lên đạp thêm vài cái trong vô vọng. Thật ngu ngốc khi tôi làm tất cả những chuyện đó sau khi đã thấy bình xăng trống rỗng. Tôi cũng chả hiểu nổi tại sao mình lại ngu như vậy được. Nhiên liệu mới là chìa khóa, và không khó để tìm thấy một cây xăng cũ quanh đây. Chỉ với ba giây tôi có thể nhận ra có một trạm xăng như thế ở bên kia đường.

Đây là một cây xăng không quá lớn, có 4 trụ bơm và thường đổ cho xe máy. Nó được thiết kế khá tiết kiệm khi diện tích trải bê tông chỉ vỏn vẹn quanh các trụ bơm, bên ngoài vốn là mặt đất tự nhiên với toàn đá là đá. Thế nên không có gì lạ khi giờ đây nó trông chẳng khác gì một khu nhà kho cũ nát giữa ruộng cỏ.

Chúng là cỏ may, với tấm thân gầy guộc mỏng manh và xanh ngắt màu lá. Những ngọn cỏ cao lấp xấp đầu gối, mọc chen chúc nhau trải dài khắp mặt đất. Đâu đó loáng thoáng xuất hiện những đốm hoa màu tím nhạt báo hiệu đã vào đầu mùa hoa nở. Mỗi khi trời trở gió, những bông hoa khẽ đung đưa, nhịp nhàng như những vũ công thực thụ, làm mê đắm bất cứ ai đang chiêm ngưỡng. Nhưng bây giờ không phải lúc.

Các trụ bơm ở đây đều đã hư hỏng hoàn toàn, nhưng tôi biết xăng không chứa trong trụ mà ở dưới một hầm xăng ngầm dưới đất. Tôi dùng cây típ sắt cà xuống nền để cào lớp đất và cỏ đang phủ lên nền bê tông cũ để xác định vị trí nắp hầm, mất vài phút một tấm thép tròn bằng cỡ đáy thùng phuy lộ ra. Cào hết lớp đất đá chèn chặt xung quanh, tôi cũng bật được cái nắp thép lên, nhưng ôi thôi bên dưới chẳng có giọt xăng nào mà chỉ là một cái hốc nhỏ chạy đầy ống và van.

Đây là hệ thống ống dẫn nối liền hầm đến trụ bơm và cổng nhập xăng, kiểu này sẽ không có nắp mở trực tiếp xuống hầm. Muốn lấy xăng lên bắt buộc phải dùng bơm, hoặc tôi phải xác định chính xác vị trí của hầm và khoan một lỗ lớn thẳng xuống. Dĩ nhiên cả hai phương án đều khá khoai, thế quái nào mà bơm còn hoạt động được, và cũng thế quái nào mà tôi đào được cái lỗ to như thế xuyên qua được một lớp thép dày.

Ngay cả khi tôi có thể khoan đụng đụng hầm, nhiều khả năng sẽ vẫn không thu được gì, vì rất có thể xăng đã bay hơi trơ đáy rồi. Cứ nhìn cái bình xăng rỗng không của chiếc Wave đang đậu ngoài kia thì biết, dù được đậy kín vẫn không có giọt nhiên liệu nào trụ lại được. Tốc độ bay hơi của xăng là quá nhanh.

Thế là việc sửa chữa chiếc xe đành gác lại đó, tôi phải sớm quay lại kế hoạch như ban đầu. Trước khi đi, tôi có nghĩ đến chuyện khui lon cá hộp vừa tìm được để cứu cái bụng đói meo chưa ăn sáng, nhưng rồi lại thôi vì có thể tôi sẽ cần nó trong trường hợp cấp bách hơn. Vả lại, ăn mặn thì khát nước, mà giờ thì chỉ còn ba chai nhựa rỗng không. Tôi cần tìm được nước uống trước khi muốn ăn cái gì khác.

Tôi gom tất cả đồ đạc mới tìm thấy lên xe đẩy rồi mang tất cả theo cùng, nhưng lại phải tốn thời gian để xử lý các bánh xe đã hóa cứng. Cả bốn chiếc bạc đạn đều bị han rỉ, tôi phải tỉ mẩn cạo sạch lớp sắt mục rồi dùng nhớt trong máy chiếc Wave để làm chất bôi trơn vòng bi.

Suối Linh nằm ngay cạnh ngã tư Tam Hiệp, cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Trước kia, tuy không phải là dòng suối ô nhiễm nhất, nó cũng thường ngập ngụa trong rác thải sinh hoạt của cư dân xung quanh. Nhưng bất ngờ thay, khi đến nơi, trước mắt tôi lại là khung cảnh đầy xao xuyến. Một làn nước trong vắt lấp lánh, lững thửng uốn mình qua giao lộ vắng lặng.

Trải dài theo hai bên bờ suối là một màu xanh ngắt của đủ mọi loại cây cỏ. Hàng trăm loài thực vật lớn nhỏ, lúc nhúc tủa ra từ hai dải bờ đất hẹp như muốn bao phủ luôn cả dòng nước. Chúng tranh giành nhau từng tấc đất nhỏ, làm bàn đạp để vươn mình ra cả lòng suối. Trên thảm thực vật xanh biếc đó, trổ ra hàng trăm bông hoa đỏ rực, nổi bật và đầy sức sống. Tất cả chúng ở đó, mạnh mẽ và đầy kiêu hãnh, như thể chẳng thèm ngó ngàng đến sự tồn tại của loài người.


Đứng trên bờ nhìn xuống, tôi bị dòng suối quyến rũ đến mơ màng, muốn rũ bỏ hết mớ quần áo bẩn thỉu trên người và hòa vào làn nước trong vắt. Tôi cởi hết quần áo rồi háo hức nhảy tùm xuống nước để giũ bỏ mớ bụi đất và mồ hôi nháp nhúa trên người. Mọi thứ tưởng chừng thật tuyệt cho đến khi tôi nhận ra một điều kỳ quái không xa lạ: dòng nước lạnh như băng, lạnh đến thấu xương. Ngay lập tức tôi nhảy vụt lên bờ với hai hàm răng va lập cập vào nhau.

Lần thứ hai chuyện kỳ lạ này xảy ra. Vậy là cái lạnh của dòng nước Suối Chùa không phải là cá biệt, cả hai con suối đều có một nhiệt độ thấp một cách bất thường dù chúng hoàn toàn độc lập. Chuyện này chắc chắn không phải ngẫu nhiên. Có lẽ nguyên nhân gây ra sự quái đản này cũng là thứ đã hủy diệt loài người? Tôi mặc lại quần áo, rồi múc đầy ba chai nước.

Một chuyện khác cũng kỳ lạ không kém là mặc dù nước rất lạnh nhưng lòng suối vẫn có vài còn cá đang tung tăng bơi lội. Nếu để ý kỹ, tôi có thể thấy nhiều loài cá xuất hiện, từ những con quen mặt như cá chép, cá trắm cỏ, đến những con mặt mũi xấu ma chê quỷ hờn mà tôi chưa trông thấy bao giờ. Chúng có một điểm chung là rất to, to hơn bình thường rất nhiều, vì con nhỏ nhất cũng bằng cỡ bắp đùi tôi rồi.

Khá bất ngờ là những loài cá nhiệt đới lại có thể sinh trưởng trong điều kiện lạnh lẽo khắc nghiệt đến như vậy, thiên nhiên quả là có khả năng thích nghi tuyệt vời, hoặc là có điều gì đó rất không đúng ở đây. Đứng trên bờ, tôi với tay xuống cố chộp thử vài con nhưng thất bại. Tôi cũng thử chế một mũi giáo từ những ống típ sắt, rồi dùng nó để phóng cá, nhưng cũng vô ích. Các con cá đều có lớp da trơn tuột, mạnh và rất nhanh. Gần như không thể bắt chúng bằng tay hoặc các dụng cụ thô sơ này, nhưng tôi nhất định sẽ tìm ra cách.

Bầu trời bắt đầu chuyển mình. Không rõ từ đâu mà mây đen đang ùn ùn kéo tới, mang theo một bầu không khí âm u khó chịu. Ở mảng trời phía Nam là một đám mây đen khổng lồ, tối sậm đầy u ám. Trông nó như thể một ngọn núi đá đang trôi lơ lửng trên nền trời xám xịt, theo sau là đám sấm chớp cháy nổ đùng đùng.

Bỗng, ngay từ giữa lòng đám mây, một ánh chớp giật mạnh sáng lóa rồi tỏa ra năm nhánh, hệt như vết móng vuốt của một con mãnh hổ đang cào xé trên nền trời. Ngay sau đó là một tiếng nổ lớn như muốn xé toạc không gian. Trong khoảnh khắc đó, tôi thoáng nghĩ mình sẽ chết.

Nhưng thật may, cả năm nhánh sét đều chỉ xoẹt ngang bầu trời, bỏ qua hoàn toàn không gian bên dưới. Đó là một cú bắt tay chào hỏi giữa hai đám mây tích điện trái dấu. Những tia sét liên tục bắn ra từ đám mây phía Nam rồi kết thúc ở một đám mây khác ở phía Bắc, mà không thèm ngó ngàng gì đến mặt đất. Tôi luống cuống đi tìm chỗ trú trước khi bị biến thành món xúc xích nướng.

Một cơn mưa đã đến ngay sau đó. Từ những đám mây trên cao, nước trút xuống xối xả, cuốn lớp đất mùn bám trên mặt đường xuống dòng suối lạnh lẽo, những ngọn cỏ cố gắng bám chặt mặt đất bằng bộ rễ mỏng manh nhưng lỳ lợm. Nhìn cách những thân cỏ nhỏ gồng mình chiến đấu với dòng nước lũ tôi mới hiểu ra rằng rồi tất cả nơi đây sẽ bị chúng khuất phục. Dần dà đất sẽ được giữ lại ngày một nhiều hơn bởi thảm thực vật, đẩy mặt đường chìm sâu xuống dưới, bất chấp mọi nỗ lực xói mòn của dòng nước cuốn.

Ngày vẫn còn dài nhưng trời đã chuyển tối. Những giọt mưa nặng hạt lao thẳng vào hiên nhà, vỡ nát thành những hạt nước nhỏ ti li văng tung tóe tới tận chỗ tôi đang đứng. Chúng lạnh nhưng còn kém xa so với nước dưới suối. Từ góc một ngôi nhà hoang, tôi nhìn ra mà lòng đầy thổn thức.

Nơi này trước đây là một ngã tư sầm uất với đầy ắp các cửa hàng lớn mọc xung quanh, dòng xe cộ luân chuyển không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm. Ngã tư Tam Hiệp có danh nghĩa là cửa ngõ vào trung tâm thành phố Biên Hòa, nhưng thực ra nó vốn đã là trung tâm của thành phố rồi nếu tính theo mật độ dân cư. Phía Tây của giao lộ là phường Tam Hiệp, khu dân cư đông đúc và lâu đời của thành phố. Phía Đông là phường Long Bình, một khu dân cư khác, trẻ hơn nhưng cũng đông đúc không kém, tập trung phần lớn là người nhập cư.

Ngoài ra đây còn là cửa ngõ nối liền Sài Gòn và các tỉnh phía Bắc, nên phương tiện qua lại rất đông đúc. Thế mà bây giờ chỉ còn lại một bãi đất hoang vắng chỉ toàn cây với cỏ. Hoa trinh nữ, cỏ gà, cỏ hôi, cỏ lông và nhiều loại khác mà tôi không thể gọi tên, chúng mọc khá dày trên mặt đường, đua nhau phủ kín bất cứ chỗ nào có đất, thậm chí cả những chỗ vốn chỉ là một kẽ nứt nhỏ trên mặt đường.

Điểm nhấn của giao lộ này từng là một đường hầm chui ngắn dọc theo hướng Bắc Nam, một trong những công trình tuy đơn giản mà hoạt động rất hiệu quả, nhờ nó mà cái tai tiếng "ngã rẽ tử thần" bao năm của nơi đây này mới được gội rửa. Giờ đây trông nó chả khác gì một đầm lầy mini đầy bùn nhão, lõm bõm nước và đủ các loại cây cỏ hoa hòe kỳ lạ. Cũng không khó để đoán được rằng bãi lầy này được hình thành từ nước đọng lâu năm kết hợp với lớp đất đá bị cuốn trôi xuống theo những cơn mưa. Nước có thể bốc hơi để thoát đi, còn đất đá thì cứ dần tích tụ cho tới ngày chúng cao ngang bằng với mặt đường phía trên. Quá trình này cứ lập đi lập lại từ năm này qua năm khác mà biến đoạn đường hầm đã trở thành một đầm lầy thu nhỏ.

Vùng trung tâm của bãi lầy mọc lên nhiều loại rau cỏ lạ mắt, mà tôi chẳng thể nào miêu tả cho đúng, bởi chúng vừa ở xa, lại vừa tù mù. Ở hai đầu của đường hầm, nơi nhận được nhiều ánh nắng, thực vật cũng phát triển hơn, với nhiều đóa hoa màu hồng vàng nổi bật mà tôi đoán là bông súng. Cạnh chúng là những chiếc lá to và dày phủ kín mặt đầm. Thỉnh thoảng xuất hiện một vài loại cây nhỏ mọc xen kẽ vào đám lá kia, nhưng tôi cũng chịu thua không thể điểm tên.

Dễ thấy hơn là khu vực đảo an toàn nằm ở chính giữa của giao lộ, ngay phía trên bãi lầy. Đó thực sự là một vườn hoa nhỏ, trước đây người ta đã tận dùng vùng đất trống giữa vòng xoay để làm một hoa viên đơn giản, và bây giờ vẫn thế. Chỉ có điều khi còn người chăm sóc, nó là một cô gái khép nép tỏa sắc dưới ánh nhìn của phố thị, thì giờ đây lại bùng lên như một nàng thiếu nữ hoang dại đầy sức sống. Những bông hoa vốn được cẩn thận sắp xếp theo hàng theo lối đã biến mất hoàn toàn, thay vào đó là đủ các loại hoa hòe rực rỡ sắc màu mọc chen chúc nhau rồi tràn hết ra cả mặt đường.

Có một cuộc chiến đã nổ ra giữa hoa và cỏ, chúng quyết liệt tranh giành lãnh địa để rồi vẽ ra một lằn phân chia lãnh thổ không khó để nhận thấy. Đó đường biên bằng bê tông của đảo an toàn, hay đúng hơn là khuôn viên của vườn hoa. Cỏ đã len lỏi vào được trong lòng hoa viên, nhưng chính chúng cũng đã nở hoa và hòa mình thành một phần của bữa tiệc màu sắc. Dưới ánh nắng của một ngày khô ráo, đây hẳn sẽ là một kỳ quan.

Những căn nhà xung quanh thì không được lãng mạn như vậy. Vốn là khu vực có mật độ dân cư tập trung cao, tỷ lệ bê tông hóa gần như tuyệt đối nên mức độ bao phủ của thực vật nơi đây thua xa khu Chợ Điều - Suối Chùa. Các căn nhà bỏ hoang bị hư hại rất nhiều, mái sập, tường đổ để trơ ra mớ nội thất mục nát bên trong. Những ngôi nhà này ít nhiều cũng bị cây cỏ xâm chiếm nhưng độ che phủ thấp và hầu hết là các loại cỏ nhỏ, vòng đời ngắn. Các loại dây leo cũng ít hơn rõ rệt, và chỉ tập trung bao phủ ở một vài cụm nhà cách biệt. Các loại cây lớn cũng mọc rải rác, nhưng phần lớn tập trung ở gần suối và công viên, nơi mặt đất tự nhiên chưa từng bị bịt kín bởi lớp "mặt nạ đá".

Căn nhà nơi tôi đang đứng cũng không ngoại lệ, cửa bị đổ, mái lủng lỗ chỗ nhưng chưa sập, nội thất đã bị hư hại hoàn toàn, riêng sàn nhà là còn có chút sức sống do đã thành sân chơi đám dương xỉ ăn chơi nhảy múa. Nhắc đến dương xỉ, bọn này gần như bá chủ toàn khu vực, kéo dài từ chân cầu vượt đến tận đây, chúng xuất hiện khắp các căn nhà, lan ra cả ngoài đường ở những chỗ cớm nắng. Dường như như bóng râm ở đâu thì chúng ở đó.

Gần một tiếng trôi qua và cơn mưa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tiếng nước chảy róc rách hòa cùng tiếng kêu râm ran của ếch nhái khiến lòng tôi trào dâng một cảm giác cô đơn khó tả. Tôi nhớ về những năm tháng tuổi ấu thơ, cái thời mà cả gia đình vẫn còn sống trong căn nhà gỗ lợp mái tôn cũ, với một cái ao lớn sau lưng nhà. Cứ sau mỗi trận mưa rào, từ mặt ao bèo phẳng lặng, đều đều dội lên thứ âm thanh vang vọng chẳng khác gì lúc này. Tiếng "ồm ộp" ý ới gọi nhau của ếch nhái trộn chung với tiếng sấm đầu mùa, ngỡ rộn ràng háo hức nhưng hóa ra lại cô đơn đến tận cùng, nhất là vào những buổi tối phải trông nhà một mình.

Lớn lên tôi không còn sợ cái âm thanh "rộn ràng nhưng cô quạnh" như thế nữa, phần vì còn phải dành tâm trí lo cơm áo gạo tiền, phần khác là vì quá trình đô thị hóa mạnh mẽ khiến người nhiều hơn ếch, nên có muốn nghe cũng chẳng được. Cảm giác ảm đạm thê lương không còn nhưng nỗi cô độc thì vẫn mãi lởn vởn đâu đó trong tâm trí, nhất là mỗi khi nghe được tiếng ếch nhái rên rỉ ỉ ôi. Nó vẫn luôn ở đó, ám ảnh và day dứt, như âm vang của những hồi ức sâu thẳm, chỉ chực chờ để đánh thức nỗi cô đơn lặng lẽ của kẻ lữ khách giữa dòng đời ồn ào náo nhiệt.

BÌNH LUẬN