Logo
Trang chủ

Chương 16: Biển lửa

Nằm chình ình ở trụ cầu là một con cá sấu khổng lồ. Nó phải dài gần ba mét, nằm bất động với cái mõm ngoác rộng khoe ra hai hàm răng sắc nhọn. Da của con này hơi lạ, nó có màu xám pha chút ánh cam chứ không đen như bình thường, có lẽ là để ngụy trang dưới dòng nước phù sa của con sông. Tôi biết loài vật này, nhìn nó nằm trông ù lỳ vậy thôi, nhưng khi con mồi đến gần, hai hàm răng nó sẽ sập xuống nhanh như một cái vỗ tay, và con mồi lập tức bị xé xác.


Một con cá sấu không phải là vấn đề, nhưng nó chứng tỏ rằng dòng sông này có đầy đồng loại của nó. Dù bơi hay đi bè mà gặp tụi này thì cũng không sống nổi đến giữa dòng chứ đừng nói tới bờ bên kia. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành quay đầu. Men theo đường cũ để trở về lại Biên Hòa rồi tôi sẽ thẳng tiến về phía Bắc để trở về quê nhà. Chặng đường rất dài và khó khăn, nhưng tôi làm gì còn lựa chọn nào khác. Trên chuyến về tôi cố chở theo hai can xăng, nhưng rồi cũng phải bỏ lại một can dọc đường vì quá nặng. Nếu cần tôi có thể quay lại tìm thấy bất cứ lúc nào vì đã được đánh dấu cẩn thận.


Lúc đi thì lâu, quay lại thì nhanh hơn nhiều. Chẳng bao lâu tôi đã ra khỏi bãi cỏ để vào lại thành phố. Tôi cứ thế băng đi dọc theo quốc lộ mà không dừng lại ở điểm nào, kể cả nơi đóng trại cũ. Quãng đường dài không cho phép tôi nghỉ ngơi lâu thêm được nữa. Khi gần tới cầu Sập, tôi có dừng lại một chút, chủ yếu để quan sát một quan cảnh khá lạ lùng ở đây.


Ngay giữa đoạn giao cắt giữa quốc lộ và đường Điều Xiển, một thân cây lớn đội xuyên mặt đường, mọc lên sừng sững, đổ bóng phủ kín cả giao lộ. Một khoảng đất rộng bên dưới tán cây chỉ toàn các loại cỏ dại nhỏ, mà phần lớn là cỏ gà xen lẫn với hoa trinh nữ. Có một đường tàu Bắc Nam chạy cắt ngay dưới gầm cầu Sập, nhưng giờ nó đã biến mất hoàn toàn. Đoạn đường từng nâng đỡ các chuyến tàu Bắc Nam giờ trông chẳng khác gì một con mương khổng lồ mọc đầy cỏ dại.


Tôi không dừng lại lâu mà tiếp tục đi tiếp. Quang cảnh hai bên đường ở khu vực này cũng không nhiều khác biệt so với đoạn đường trước đó. Các ngôi nhà bỏ hoang bị bao phủ bởi cỏ dại và các loại dây leo. Thực vật không quá thưa thớt như ở Tam Hiệp, nhưng cũng không quá dày đặc như khu chợ Điều. Những loại cây lớn cũng xuất hiện với tần suất khá lớn, nhưng đa phần đều bị khuất sau các ngôi nhà lớn hai bên đường. Khu vực hành lang đường bộ cũng chỉ toàn là cỏ hoang.


Sau hơn chục cây số, tôi đã tới được công viên 30/4, ranh giới vùng ngoại ô phía Bắc của thành phố. Phải nói thật rằng tôi có chút thất vọng vì nó không hùng vĩ như mong đợi. Thay vì sự hiện diện của một rừng cây cổ thụ thì tôi chỉ thấy bóng dáng của một công viên đổ nát bị bao phủ bởi cỏ dại. Điểm nhấn duy nhất của nó chỉ là một rừng cúc dại mọc tứ tung và trổ hoa theo một phong cách ngẫu hứng nhất có thể. Những đốm hoa màu vàng-trắng điểm khắp nơi trên mặt đất, không quá dày đặc và cũng không đồng đều.


Nhưng ở phía đối diện là khuôn viên nhà thờ Hà Nôi, mọi thứ lại hoàn toàn khác. Ngay bên trái nhà thờ là một khu rừng với hàng chục cây cổ thụ vươn cao hơn cả đỉnh tháp chuông. Tán lá của chúng dày đăc đến độ không một tia nắng nào có thể chạm tới mặt đất. Cũng vì vậy mà ở phía dưới mặt đất cũng chỉ mọc toàn là dương xỉ và họ hàng nhà chúng.


Khu vực bên phải và phía trước nhà thờ thì có đơn điệu hơn với mặt sân là một vườn hoa cúc dại tương phản hai thân cây lớn sần sùi ở giữa sân. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến công trình trung tâm. Cả một tòa thánh đường to lớn giờ đây đã bị phủ kín bởi một màu xanh mướt, từ tháp chuông xuống tới chân móng. Chúng không phải là các loại dây leo dại mà tôi thường thấy, mà là một loại dây leo khác có lá nhỏ và rất chịu khó mọc nép sát vào các bức tường, điều này giúp ngôi đền vẫn phơi ra được hình dáng kiến trúc nguyên thủy chứ không bị nuốt chửng như các ngôi nhà khác.


Ngôi đền giờ đây trông thật cổ kính và thơ mộng như một tòa lâu đài trong truyện cổ tích. Vẫn với nét kiến trúc đặc trưng của các nhà thờ thường thấy, nhưng giờ đây nó được phủ thêm một tấm áo nhỏ của mẹ thiên nhiên, một ánh xanh mỏng manh được kết từ những chiêc lá nhỏ bé, xen lẫn là các đường gân nâu cứng cỏi già nua của rừng già.


Tôi đoán để có được hình thù như bây giờ, đây không hoàn toàn là chuyện ngẫu nhiên của thời gian. Đó là kết quả của một ý tưởng từ khi mọi người còn sống. Người ta đã thử trồng thử vài cụm dây leo thằn lằn nhằm mục đích trang trí cho hàng tường rào bao quanh nhà thờ. Nhưng có vẻ khi vắng bóng con người chúng lại phát triển vượt mong đợi, bao phủ khắp các bức tường, từ hàng rào đến các tòa nhà và cả các bức tượng. Thật là một kỳ quan thú vị khi thành quả của cả con người và thiên nhiên cùng hòa quyện lại làm một.


Sự thỏa mãn về mỹ thuật trong tôi cũng sớm chấm dứt khi tôi nhìn thấy một vài dấu vết lạ. Đầu tiên là những vết cào trên một thân cây, rồi đến những vệt máu quét dài trên nền cỏ ở phía rìa khu rừng cổ thụ, cuối cùng là một vài vết chân hằn sâu dưới lớp đất bùn ở ngay trước cổng phụ


Đó là dấu chân của một con mèo lớn, có thể là hổ hoặc báo. Lá cây quanh đây vẫn còn ướt, cơn mưa lớn đêm qua chắc hẳn phủ tới tận đây. Điều này chứng tỏ những dấu vết kia còn rất mới, và kẻ săn mồi phải còn quẩn quanh đâu đó gần đây. Suy đoán này làm tôi có phần hoang mang, vì thời điểm tôi đối mặt với nó cũng chính là lúc game over.


Từ lúc ở ngã Tư Vũng Tàu đi xuống đây, tôi luôn chú ý tìm kiếm vị trí của cột khói đen. Nhưng đi mãi mà chả thấy tới, ban đầu tôi đoán nó nằm đâu đó quanh ngã tư Tam Hiệp, nhưng dường nó ở xa hơn nhiều. Vì ngay lúc này, cột khói đó vẫn còn ở phía trước. Đám cháy bùng lên vào rạng sáng, bây giờ đã quá trưa, nhưng cột khói không chịu biến mất mà mỗi lúc một to thêm.


Mặc dù khá lo lắng về những con thú dữ, nhưng cái cột khói kia cứ thôi thúc tôi tiến lên. Cái khiến tôi tò mò không chỉ là đám cháy, mà còn là về công trình bên cạnh nó: một tòa tháp. Đúng vậy, một tòa tháp khác, và quái dị hơn là nó trông rất giống với cái mà tôi đã thấy đêm rồi. Từ xa trông tới, dáng điệu mỏng manh của tòa tháp đã bị cột khói đen che khuất, chỉ khi đến đủ gần tôi mới nhận ra sự hiện diện của nó. Và với tình hình này, rõ ràng nó đang bị lửa xơi tái.​

Đúng như tôi dự đoán, cách công viên chừng nửa cây số về phía Nam, một biển lửa đang cố nuốt chửng tất cả. Tòa tháp được xây dựng trong khuôn viên của bệnh viên Thống Nhất. Ở ngay phía bên kia hàng rào là nhà thờ Thánh Tâm, và bộ ba công trình này nằm ngay trung tâm của biển lửa.

Lửa cháy rất dữ dội và có xu hướng lan nhanh. Nhiệt lượng tỏa ra khủng khiếp đến mức tôi tưởng chừng như da mặt mình bị nướng chín khi đứng gần. Không thể tiếp cận đám cháy ở khoảng cách gần hơn ba chục mét, tôi chỉ biết đứng ở xa mà nhìn.

Lửa lớn và lan nhanh, nhưng nó không có thể lan qua phía bên này đường, vì con đường lộ lúc này như một vành đai trắng chặn đứng ngọn lửa lan qua bên kia đường. Cũng nhờ vậy tôi có thể an tâm là vẫn còn vùng an toàn để trú thân. Nhưng nhiêu đó cũng không đủ để tôi tiếp tục hành trình, vì đoạn đường đang cắt mặt ngọn lửa giờ chẳng khác nào một cái chảo rang, sẵn sàng nướng chín mọi sinh vật sống dám đi qua.

Tòa tháp bắt đầu đổ sập. Từ vị trí cách mặt đất khoảng ba tầng lầu, một mấu nối có vẻ không chịu nổi sức nóng và áp lực dồn nén từ những thanh thép bên trên. Nó bắt đầu bị biến dạng, sụp vào bên trong khiến cả ngọn tháp khụy về một bên. Độ nghiêng mỗi lúc lại lớn hơn cho đến khi cả đoạn tháp phía trên gãy ngang và đổ ập xuống. Nhiều khả năng nó là kẻ đã bắt đầu đám cháy, đồng thời cũng là kẻ ra đi trước tiên.

Vào đêm qua, một cơn bão sét giáng xuống thành phố. Dĩ nhiên những công trình cao nhất phải gánh chịu trước tiên. Có lẽ không may mắn như tòa tháp trước, hệ thống thu lôi ở đây đã không còn hoạt động, kéo cả bệnh viện và nhà thờ bên cạnh vào biển lửa.

Tôi quay lại khu vực nhà thờ Hà Nội, tính chờ cho đám cháy giảm nhiệt rồi đi tiếp. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng nhà thờ ở cùng phía với đám cháy, nên không sớm thì muộn lửa cũng sẽ lan đến đây và thiêu rụi tất cả. Mặc dù trong hoàn cảnh này, mọi thứ chẳng còn quá quan trọng, nhưng tôi vẫn cảm thấy một chút buồn lòng.

Tôi quyết định quay xe chạy chầm chậm ngược trở lại phía đám cháy. Lửa mỗi lúc một lan dần, và tôi e rằng nếu không hành động nhanh thì sẽ chẳng còn cơ hôi. Tôi đi dọc quốc lộ rồi chọn được một con hẻm rộng rãi nhất. Con đường này tuy không đến nỗi quá hẹp, nhưng cũng chỉ rộng bằng một phần tư quốc lộ. Với kích thước này, tôi e rằng nó khó mà ngăn được ngọn lửa khổng lồ tràn qua.

Tôi dọn dẹp sơ cây cỏ hai bên đường để hạn chế tối đa việc cháy lan xuyên lòng đường. Sau đó lấy vài lít xăng tưới lên cây cối một bên đường, phía gần đám cháy rồi mồi lửa. Một đám cháy mới bùng lên. Dưới sự trợ giúp của xăng, lửa mỗi lúc lại lớn hơn, bất chấp độ ẩm của cơn mưa đêm rồi. Khi ngọn lửa đủ lớn để vươn qua mái các ngôi nhà cũng là lúc chúng bị những cơn gió mạnh thổi ngược về phía đám cháy lớn.

Nếu mọi thứ diễn ra đúng như tôi tính toán, đám cháy nhỏ sẽ lan ngược về phía đám cháy lớn, rồi cuối cùng cả hai cùng bị dập tắt. Dĩ nhiên, chỉ là dập tắt được dòng lửa lan về phía nhà thờ, vì tôi không đủ sức khoanh vùng hết đám cháy này. Con đường nhỏ này vốn không đủ rộng để ngăn cách một đám cháy lớn, nhưng với một đám cháy nhỏ hơn thì hoàn toàn có thể. Đó là lý do tôi cần chủ động tạo một đám cháy nhỏ ở ngay sát con đường, cố giữ cho nó không lan qua bên kia con đường, để rồi khi nó lớn hơn, gió sẽ cuốn lửa về phía đám cháy lớn.

Những cơn gió kia hoàn toàn không phải may mắn, chúng luôn xuất hiện cùng với một đám cháy lớn bởi hiện tượng đối lưu. Khi tồn tại một vùng nhiệt đủ lớn, không khí bị nung nóng và bị đẩy lên cao để lại một vùng khí áp suất thấp ngay trong lòng đám cháy. Vùng khí áp bình thường ở xung quanh sẽ bị lùa về tâm nhiệt do chênh lệch áp suất. Chính điều này đã tạo ra các cơn gió cục bộ luôn thổi về phía đám cháy, cung cấp thêm oxy để đám cháy tiếp tục lan rộng.

Nếu tận dụng được đặc tính này, tôi có thể dập một đám cháy lớn bằng cách kiểm soát những đám cháy nhỏ hơn, và dùng chúng để cách ly chính đám cháy trung tâm. Lý thuyết là thế, còn thực tế ra sao thì tôi không dám chắc. Khi đám cháy nhỏ của tôi lớn dần, tôi tìm đường rút lui, và phó mặc cho số phận.

Khi đặt mông lên lại yên xe, một cảm giác ớn lạnh vụt đến, chạy từ xương cụt lên tận gáy. Tôi vừa thấy gì đó, không chắc chắn, nhưng gần như ánh mắt tôi vừa chạm phải một cặp mắt khác. Tôi siết chặt cán dao, cẩn thận quan sát xung quanh. Chắc chắn không có gì ẩn nấp được trong biển lửa kia, nhưng ở phía bên kia đường thì lại khác. Những con hẻm um tùm cỏ dại là chỗ ẩn nấp lý tưởng cho bất cứ thứ gì, cả người hay động vật.

BÌNH LUẬN