Logo
Trang chủ

Chương 15: Bão sét

Tôi bật dậy với cả thân người ướt nhẹp. Trời đang đổ một cơn mưa lớn kèm với sấm chớp và gió giật dữ dội. Những tiếng sét liên tục nổ, nhiều đến nỗi tôi nghĩ rằng mình sắp phải đối mặt với cái chết. Bởi lẽ vị trí tôi ở đây là quá cao so với xung quanh, sẽ là một điểm hút sét của cả vùng. Và với tần suất thả sét như bây giờ, tôi sẽ sớm về chầu trời. Bỏ lại tất cả hành lý sau lưng, tôi phóng ra khỏi lều, chạy thật nhanh về phía chân cầu.


Tôi sợ, trong suốt những ngày qua, đây là lần đầu tiên tôi thấy kinh hãi như vậy. Tôi cứ ngỡ mình đã sẵn sàng với cái chết, nhưng giờ phút này tôi lại để nỗi sợ khiến tinh thần khủng hoảng đến như vậy. Cứ mỗi giây trôi qua, tôi lại đánh lô tô trong bụng, miệng lẩm bẩm cầu nguyện.


Ánh trăng đã mất dạng. Trời rất tối, thứ ánh sáng duy nhất là từ các ánh chớp. Mỗi lần ánh sáng loé lên là tôi cố chọn lấy một điểm làm mốc rồi chạy thục mạng về phía đó, cho tới khi chạm được những ngọn cỏ là tôi biết mình đã tới chân cầu. Nhưng chính cái lúc lao mình vào đám cỏ cũng chính là lúc tôi ngã nhào. Cả thân người đổ sập vào đám cỏ, mặt tôi đập xuống một lớp đất nhão, đất cát cứ thế tộng vào mũi miệng.


Không thể đứng vững, tôi cứ thế tiếp tục bò, nhưng hoàn toàn không còn phương hướng, mà chỉ cứ thế mò mẫm trong vô định. Những hạt mưa vẫn rơi, còn tôi mỗi lúc lại run rẩy hơn vì lạnh. Ít ra vị trí của tôi đã không còn quá nguy hiểm, nhưng ở giữa đồng cỏ thế này thì chẳng nói trước được chuyện gì.


Tôi cố gắng bò men theo chân cầu, và khi nhận thấy cỏ xung quanh tự nhiên mất hút, tôi đã biết mình đã đến được gầm cầu. Bằng chút trực giác cuối cùng, tôi biết cỏ không biến mất, mà vì tôi đã đến một khu vực thông thoáng. Và chỉ có hai nơi như vậy: trạm xăng và dưới gầm cầu, là hai nơi đã được tôi dọn cỏ trước đó.


Mưa vẫn không ngớt, nhưng cơn bão sét đã giảm phần nào. Những tia sét vẫn cứ giáng xuống nhưng tần suất thấp hơn nhiều lúc đầu. Lúc này tôi mới để ý, tất cả các tia sét đều giáng vào một điểm: một tòa tháp. Đó cũng chính là lý do tôi còn sống, hoàn toàn không phải do may mắn, mà là vì những tia sét quanh đây đều bị hút về phía tòa tháp đó. Nó mới là điểm cao nhất của cả vùng.


Dưới ánh sáng lập lòe của các tia chớp, tôi cố nhận diện công trình kỳ lạ đó. Nó trông như một tòa tháp phát sóng truyền hình, cao cỡ tòa nhà hai mươi tầng, kết cấu đơn giản nhưng có vẻ khá kiên cố. Dọc thân tháp có gắn nhiều khối hộp gì đó mà tôi không thể nhìn rõ, có lẽ là một loại máy móc hay linh kiện gì đó.


Điều khiến tôi ngạc nhiên là nó chưa từng hiện diện trước đây như những công trình bên cạnh. Tôi biết toà nhà hành chính công vẫn sừng sững ở đó từ xưa, toà nhà Dofico và siêu thị Big C cũng thế. Chỉ riêng cái tháp này là hoàn toàn chưa từng xuất hiện trong trí nhớ của tôi. Chắc chắn là nó phải được xây dựng sau này và tôi đã hoàn toàn không để ý tới nó khi đến đây vào ban ngày. Cỏ quá cao và cảnh vật thay đổi quá nhiều đã khiến tôi bỏ qua một công trình lạ mặt sừng sững ở đó tự bao giờ.


Khi cơn mưa ngớt cũng là lúc trời hửng sáng. Tôi vòng lại lên cầu để thu dọn đồ đạc. Mặt Trời từ từ nhô lên từ sau rặng cây xa tít, xua đi bóng tối ảm đạm và chút lạnh lẽo của cơn mưa đêm rồi. Bầu trời trong xanh quang đãng, không khí trong lành mát mẻ, tôi có thể cảm nhận được mùi đất trong từng hơi thở. Nhưng dưới những tia sáng của buổi bình minh, những hậu quả của trận mưa đêm qua để lại khá rõ ràng. Từng lớp lớp những ngọn cỏ lau bị xô ngã về cùng một phía và chưa thấy có dấu hiệu gì về việc chúng sẽ đứng dậy. Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất là một cột khói đen lớn ở bầu trời phía Nam, ngược hướng di chuyển hiện giờ của tôi.


Đứng ở trên đỉnh cầu và dưới ánh sáng ban ngày, tôi mới có thể quan sát rõ hơn về tòa tháp kỳ lạ kia. Chỉ một từ là có thể nói hết về cái bí ẩn của nó: "mới". Những trạm phát sóng khác tôi thấy trong thành phố đều trong tình trạng khá tệ, cái thì đổ bật gốc, cái còn đứng vững thì han rỉ và trọc lóc, các máy móc thiết bị đều rơi rụng tan tành.


Nhưng cái tháp này rất khác biệt, tuy nó không phải là một cái tháp mới tinh, nhưng có tình trạng tốt hơn nhiều so với bình thường. Nước sơn tuy đã xuống màu, nhưng từ nơi tôi đứng cũng không thể nhận thấy dấu vết han rỉ. Các thiết bị bố trí dọc theo thân tháp trông khá chắc chắn. Những đường cáp gia cố cũng còn nguyên vẹn, cũng đúng thôi, không thì nó đã đổ sập từ lâu. Ngay cả khi một công trình vững chắc bên cạnh là tòa nhà Dofico cũng đã xuống cấp trầm trọng, thì tòa tháp vẫn oai phong đứng vững. Không những thế, hệ thống thu lôi của nó vẫn còn hoạt động rất tốt, cảnh tượng đêm qua chính là minh chứng.


Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh này, làm sao tôi có thể bỏ qua một điều kỳ lạ như vậy. Tòa tháp mới tinh đó có thể là bằng chứng về việc có người còn sống sót, và nó hiển nhiên đã thắp lên trong tôi một tia lửa hy vọng. Tôi đeo ba lô, xách dao rồi mò về hướng đó.


So với tòa nhà Dofico, thì nó cao gần gấp ba lần, và chúng ở rất sát nhau. Khoảng cách tính theo đường chim bay không quá dài, nhưngtôi không đi thẳng mà vòng qua phía quốc lộ 51 một đoạn, sau đó rẽ vào siêu thị Big C, rồi mới men theo đó để tiếp cận tòa tháp. Cẩn thận không bao giờ thừa. Dĩ nhiên tôi rất mong muốn bắt gặp ai đó trong khu vực này, nhưng tốt hơn là tôi nên phát hiện ra họ trước khi họ phát hiện ra tôi. Việc di chuyển theo đường thẳng vốn rất dễ bị phát hiện vì sẽ tạo nhiễu động trên mặt cỏ trong khoảng cách rất gần.


Đêm qua tôi đã đốt lửa, nếu có người sống ở đây, hẳn tôi đã bị phát hiện. Nhưng cả đêm qua và sáng nay vẫn không có chút dấu hiệu lạ nào, nên khó lòng mà tôi không nghi ngờ động cơ của những người này (nếu thực sự họ tồn tại). Tôi dừng lại ở một nơi cách mục tiêu khá xa, nhưng vẫn có thể dễ dàng quan sát khu vực chân tháp. Ngoài việc mới, cao và to hơn bình thường, tôi không thấy thêm điểm khác biệt nào của cái tháp này so với những tháp phát sóng điện thoại khác, đặc biệt là về thiết kế, chúng khá tương đồng.

Tôi ở đó một lúc lâu để theo dõi mọi động tĩnh dù là nhỏ nhất. Sau nửa giờ im ắng, tôi mới dám tiên đến gần hơn để quan sát. Chân tháp được làm bằng thép, và cũng có lác đác vài vết han rỉ do sơn bị tróc, chứ không quá hoàn hảo như khi quan sát từ xa, nhưng nhìn chung vẫn còn khá mới và vững chắc. Khu vực chân tháp vẫn có nhiều cỏ lau nhưng với mật độ mỏng hơn bên ngoài. Điều này làm tôi nghi ngờ mặt đất ở đây có vấn đề, nên đã thử đào bới một chút.


Đúng như dư đoán, chỉ có một lớp đất mỏng ở bên trên để che đi một mảng bê tông lớn ở phía dưới. Tôi không kiểm tra hết, nhưng một chiều của mảng bê tông này cũng đã rộng ít nhất bốn mét. Không rõ đó có phải là kết cấu bình thường của một chân móng tháp bình thường hay không, nhưng tôi cứ có cảm giác nó lớn hơn mức cần thiết.


Khu vực xung quanh cũng không có dấu hiệu gì của người sống. Tòa nhà Dofico bên cạnh thì quá tồi tàn và xuống cấp, nên tôi cũng ngại vào để kiểm tra, sợ chẳng may nó lại là tổ của đám mèo nào nữa thì khổ. Nói chung chẳng đáng để mạo hiểm. Nếu có ai đó còn sống mà tốt lành, thì họ đã lộ mặt từ lâu rồi, còn nếu họ đã có ý trốn tránh thì chạm mặt chưa chắc đã là điều hay.


Trước khi đi tôi cũng định leo thử lên tòa tháp, nhưng rồi phải từ bỏ ý định vì vị trí của bậc thang gần nhất cũng cách mặt đất gần ba mét. Cũng có thể nó chỉ là một tòa tháp bình thường, nhưng được xây dựng muộn với chất lượng thi công tốt mà thôi.


Tôi quay lại tìm chiếc xe để tiếp tục lên đường. Sông Đồng Nai đã ngay trước mặt, chỉ cần vượt qua cầu tôi sẽ ra khỏi địa phận Biên Hòa và thẳng tiến lên Sài Gòn. Khi đến chân cầu, điều đầu tiên tôi nhận ra là mặt đường khá thoáng. Cỏ vẫn mọc dày đặc ở ngõ vào, nhưng thưa dần rất nhanh ở những nhịp đầu tiên, và dần biến mất ở phía giữa cầu. Điều này không quá ngạc nhiên.


Mặt đường bình thường có cỏ mọc nhiều bởi chúng sở hữu bởi một lớp đất mùn, vốn được hình thành từ lớp thực vật mục rữa tích tụ. Một vắng bóng con người, những chiếc lá khô đầu tiên sẽ phủ kín mặt đất, kể cả các con đường. Theo thời gian chúng sẽ phân hủy để tạo thành một lớp đất mỏng. Từ đó những loại thực vật nhỏ khác sẽ sinh sôi nảy nở, rồi lại chết đi, cứ thế làm gia tăng độ dày của đất, cho đến đến khi cả thành phố này bị nhấn chìm bởi đât đá. Đó cũng là lý do tại sao các thành phố cổ xưa thường được phát hiện ở sâu dưới lòng đất.


Nhưng mặt cầu thì có hơi khác một chút. Khu vực hai bên của một cây cầu hoàn toàn trống trải, thế nên chúng thiếu hụt hoàn toàn thành phần để hình thành nên lớp đất mùn, là cơ sở phát triển cho các loại thực vật. Tốc độ hình thành lớp đất phủ trên bề mặt chậm hơn nhiều so với mặt đất thông thường. Đó cũng chính là lý do khiến thực vật trên mặt cầu khá nghèo nàn, chỉ loáng thoáng xuất hiện vài cụm cỏ dại mọc lên từ các kẽ nứt. Những cây cầu bắc qua sông hay các cây cầu vượt đều có chung tình trạng này. Tôi thường chọn vị trí đóng trại trên đỉnh cầu cũng là vậy.


Tầm nhìn thoáng trên cầu đã cứu mạng tôi, vì khi đi đến những nhịp cuối, một rắc rối lớn sớm hiện hình. Nhịp kế cuối của cả hai cây cầu* đều đã bị phá sập.

(*) Cầu Đồng Nai là một cây cầu kép, một cây cầu mới được xây dựng sau này song song và sát cạnh với cây cầu cũ vì lý do an toàn và cũng để đáp ứng lưu lượng giao thông ngày một tăng.

Tặng thím nào may mắn một thẻ Viettel 10k: 424021688551883 - thím nào nạp được thì comment xác nhận để người khác khỏi nạp nữa, tránh khóa sim nhé

Thật khó hình dùng sẽ thế nào nếu tôi vẫn phải mò mẫm tìm đường trong biển cỏ lau mà đụng phải một vực thẳm thế này. Có lẽ cả người và xe đều lao thẳng xuống mặt sông cả rồi. Cả cầu Đồng Nai mới và cũ đều bị mất ở những nhịp cuối cùng, chuyện này thật khó để kết luận rằng do tự nhiên. Hai cây cầu xây dựng ở thời điểm khác nhau, chất lượng cũng khác nhau, nhưng lại bị gãy ở cùng vị trí. Xác suất rất cao là người ta cố tình phá hủy chúng, nhưng tại sao?


Ý nghĩ đầu tiên tôi nghĩ đến là chiến tranh, có thể đã có một cuộc chiến đã nổ ra, nhưng là với ai, và tại sao? Theo những gì tôi biết, định hướng ngoại giao của đất nước ta là hòa bình, và của cả thế giới hiện đại cũng thế. Ngoài những cuộc chiến nhỏ lẻ cục bộ, xu hướng chung của ngoại giao trên thế giới là đàm phán và hòa bình. Chiến tranh diện rộng là điều khó tưởng tượng.


Nhưng với cái đầu đầy nghi hoặc và tràn đầy thuyết âm mưu, tôi không dừng lại ở một kịch bản đơn giản như vậy. Tôi đã nghĩ đến đủ mọi loại viễn cảnh, từ thực tế đến phi lý, trong đó có một ý tưởng mà tôi khá ưng ý: người ta đã phá cầu để ngăn chặn dịch bệnh.


Kế hoạch lên Sài Gòn đã bị gián đoạn vì tôi không thể nào di chuyển tiếp. Tôi đành tìm cách khác để qua sông. Cách đầu tiên tôi nghĩ đến là liều mình bơi qua dòng nước siết, nhưng ý tưởng đó đã sớm được từ bỏ khi tôi xuống tới bờ sông. Mặc dù cảm thấy rất quái lạ, nhưng không quá ngạc nhiên, hai bàn tay tôi vẫn tê buốt khi nhúng xuống dòng nước lạnh như băng. Đúng vậy, nước vẫn lạnh, dù nó là cả một dòng sông lớn. Bơi qua môt con sông rộng với đồ đạc lỉnh kỉnh trên lưng chưa bao giờ là một ý hay, thêm màn tra tấn bằng nước đá càng khiến ý tưởng đó trở nên điên khùng, chưa kể đến việc tôi sẽ phải bỏ lại chiếc xe máy.


Có một cách khác là tôi sẽ kết một chiếc bè gỗ, chất đồ đạc rồi chèo qua. Cách này khả thi hơn nhiều, vì vừa mang theo được đồ đạc, vừa tránh tiếp túc với dòng nước dữ, việc làm bè cũng không quá khó. Nhưng khi kế hoạch còn chưa thành hình, nó đã bị một con quái vật nuốt chửng.​

BÌNH LUẬN