Logo
Trang chủ
Chương 14: Hoa trắng

Chương 14: Hoa trắng

Sáng sớm ngày tiếp theo, tôi xếp hành lý và nhu yếu phẩm hết vào ba lô, ràng thêm một túi lớn vào yên xe rồi lên đường ngay. Bầu trời khá nhiều mây, nhưng vẫn có Mặt Trời, rất khó để tôi có thể dự đoán thời tiết cho cả ngày, đặc biệt là với cái tính cách thất thường của mùa hè miền Nam. Nhưng chẳng thể vì thế mà đợi lâu hơn nữa.


Chiếc xe sau khi sửa chữa đã khởi động được, nhưng nó liên tục bị tắt máy khiến tôi phải mất một lúc khá lâu để làm quen với garenti. Hai bánh xe từ từ lăn tròn, và ở mỗi một vòng quay tôi đều cảm nhận được độ dập dềnh của chúng. Đó là một lỗi rất khó để khắc phục, vì việc bơm căng bánh xe ở đây là bất khả thi. Tôi đành tiếp tục chạy với hai bánh xe xẹp lép. Tốc độ di chuyển vì thế không quá nhanh, nhưng khá là khỏe.


Trước đây, với gần một lít xăng tôi có thể ung dung chạy tới Sài Gòn không chút lo lắng, nhưng việc phải đi số thấp để vượt qua các bãi lầy bằng hai bánh xe xẹp lép sẽ khiến nhiên liệu tiêu tốn hơn bình thường rất nhiều. Tôi hy vọng chiếc xe có thể trụ vững cho đến khi tôi tìm ra trạm xăng phù hợp.


Từ ngã tư Amata đi thẳng hơn ba cây số về phía Sài Gòn, sau khi vượt qua ngã tư Bồn nước là tôi bắt đầu trông thấy các nhà máy của hai khu công nghiệp Biên Hòa 1 và 2 ở dọc hai bên đường. Lần đầu tiên trong những ngày qua tôi mới thấy được một khung cảnh có chút quen thuộc. Những nhà máy nằm xa xa hai bên đường có lẽ cũng bỏ hoang từ lâu, nhưng nhìn từ đây cũng không có quá nhiều khác biệt. Những hàng tường rào vẫn đứng vững và che khuất luôn khung cảnh bên trong, cũng phần nào làm giảm bớt độ hoang tàn thực tế. Ở khuôn viên một vài nhà máy xuất hiện những thân cây cao vút, vượt qua cả những mái nhà xưởng khổng lồ, tiệm cận đỉnh của những ống khói cũ còn trụ lại.


Trong quá khứ, vùng đệm giữa khu vực nhà máy và quốc lộ là một mảng xanh được trồng cây xen lẫn cỏ lau mọc tự nhiên. Nó như một công viên cây xanh kéo dài dọc theo hai bên quốc lộ gần hai cây số, phân cách đường giao thông và khu công nghiệp.


Giờ đây chúng lại thứ làm tôi sững sờ nhất. Không thay đổi quá nhiều so với trước đây, vẫn là những gốc hoa sứ xen giữa rừng hoa cỏ lau rộng thênh thang, chỉ là giờ đây chúng đã trở nên hùng vĩ và đồ sộ hơn nhiều. Hàng triệu các ngọn cỏ lau trổ hoa phủ trắng dải đất rộng hai bên đường, chúng nhấp nhô theo nhịp sóng mỗi khi có gió thổi.


Nếu đứng trên đỉnh dốc, hướng mắt về phía sông Đồng Nai, tôi có thể thấy toàn mặt đất bị nhuộm một màu trắng toát. Những ngọn cỏ lau đã lan ra khắp nơi, xâm chiếm mọi ngóc ngách, tràn lên cả lòng đường và nhấn chìm mặt đất. Hàng triệu bông lau đang trong mùa nở rộ cứ đua nhau dập dềnh trong gió tạo thành một "mặt hồ" trắng xóa, hùng vĩ không tưởng nổi. Nổi lên giữa mặt hồ đầy ảo mộng là một dãy núi sừng sững được kết nên từ hàng chục cây hoa sứ già cỗi mà khổng lồ. Tất cả như một khung cảnh hoàn mỹ được khiêng ra từ một bức tranh thủy mặc. Tuyệt đẹp.


Đây là một cảnh tượng thiên nhiên kỹ vỹ nhất mà tôi từng được chiêm ngưỡng. Điều đáng tiếc nhất là tôi không thể chia sẻ nó cùng ai, không một ai. Tôi dựng xe rồi đứng đó, thả hồn chìm đắm trong khung cảnh tuyệt mỹ này, mặc kệ thời gian trôi. Trong phút chốc, quá khứ tương lai chẳng còn quan trọng, chỉ có mình tôi và cánh đồng hoa ngút ngàn.


"Cái đẹp chỉ tồn tại khi có một thực thể chiêm ngưỡng nó", đó là một câu nói tôi đã đọc ở đâu đó, hoặc cũng có thể do tôi bịa ra, vì thực lòng tôi cũng nghĩ như vậy. Rất có thể tôi là người duy nhất trên thế gian có cơ hội chiêm ngưỡng và cảm nhận được vẻ đẹp của nơi này. Tôi tự hỏi: một khi mình chết đi, tất cả những ý niệm cuối về khung cảnh này cũng sẽ biến mất, mãi mãi. Ý tưởng đó khiến tôi có chút khó chịu, rằng nếu ý thức của tôi không còn, tất cả cái đẹp trên thế gian này liệu có còn ý nghĩa.


Đẹp hay xấu thì có khác gì nhau, có chăng nó chỉ là những trạng thái khác nhau của một sự vật, hoàn toàn công bằng và ngẫu nhiên, chẳng còn ai ở đó để phán xét cái nào tốt hơn cái nào. Kể cả những thứ khác, tất cả mọi vật đang vận hành trên thế gian này, tất cả chúng sẽ có còn ý nghĩa gì không khi thực thể có nhận thức duy nhất không còn tồn tại. Vạn vật sẽ vẫn tiếp diễn, cây vẫn mọc, gió vẫn thổi và Trái Đất vẫn quay, nhưng để làm gì nếu không có bất kỳ nhận thức nào tồn tại để chiêm nghiệm chúng.


Những ý nghĩ thoáng qua đó lại khiến tôi rùng mình, vì nó giả định rất hợp lý rằng nhận thức của tôi là thứ khiến tất cả thế giới hậu khải huyền này có giá trị, rằng nhận thức của tôi mới là trung tâm, thiếu nó tất cả sẽ trở thành vô nghĩa. Khung cảnh này, và có thể những nơi khác nữa, tất cả chúng cần tôi chiêm ngưỡng để trở nên có ý nghĩa. Nghe có vẻ hoang đường nhưng thực sự ám ảnh.


Những luồng suy nghĩ vớ vẩn lại dẫn tôi về quá khứ, về một tuổi thơ đầy hoài niệm. Tôi thấy mình đang nô đùa cùng bọn trẻ hàng xóm giữa cánh đồng nhỏ đầy hoa trắng. Chúng tôi chơi trò đuổi bắt, thoăn thoát lẩn mình vào những sợi cỏ lau và thỉnh thoảng cuộn tròn mình lên chúng. Xa xa là một con bé gầy gò lảnh khảnh chạy thoăn thoắt đuổi theo thằng nhóc mập rồi cả hai cùng ngã lăn long lóc trên những hàng cỏ dài bị đổ rạp. Những đứa khác thì chạy tán loạn khắp nơi, cố tranh nhau những bông hoa to nhất rồi lại nhanh chóng thụp lặn trong màn cỏ dày đặc. Rồi đột nhiên mọi thứ dừng lại, tôi chẳng thể nào hình dung mọi thứ diễn ra sau đó thế nào, cứ như thể nó cứ tự nhiên bị xóa trắng đi vậy.

Tôi thả dốc và tiếp tục lái xe về phía trước, xuyên qua những ngọn cỏ lau mọc tràn lên lòng đường mỗi lúc một dày đặc hơn. Khi nhìn gần tôi mới nhận ra đây là một loại cỏ lau khá khác thường, hoa của nó to gấp ba bốn lần loại thường, lớp tua của hoa cũng trắng và dày hơn bình thường. Hẳn là vì lý do này mà nếu nhìn từ xa màu trắng của hoa sẽ át hết màu xanh của thân và lá, tạo nên một lớp thảm trắng khổng lồ. Mặc dù thân cỏ rất cao và mọc đầy mặt đường, hoàn toàn che khuất tầm nhìn của lái xe trên đường, nhưng tôi không lắng lắm về chuyện đi lạc, vì chỉ cần lần theo con lươn bê tông đặt ngay tim đường là có thể dễ dàng định hướng.


Khi tới chân của một cây cầu vượt tôi mới nhận ra mình đang ở ngã Tư Vũng Tàu. Điểm giao thông nổi tiếng này vốn có ba tầng lưu thông: cầu vượt, đường mặt đất và hầm chui. Tầng trên cùng là cầu vươt thì vẫn còn khá thoáng, khác hoàn toàn với tầng hầm đã bị đất đá và cỏ cây nhấn chìm. Nói chung nó cũng tương tự khúc hầm chui ở Tam Hiệp, đã hóa thành một bãi lầy nhó, có khác chăng là khô ráo hơn một chút. Phần sâu tận giữa hầm là gì thì tôi không rõ và cũng không mấy quan tâm, ở phía cửa hầm dễ quan sát hơn thì toàn là cỏ lau cao vút. Phần đất lầy ở đây tuy khá ẩm do nhưng cơn mưa trước đó nhưng vẫn cứng hơn nhiều so với đất ở hầm chui Tam Hiệp.


Trước đây ở ngay ngã tư là một cây xăng, nhưng từ vị trí hiện tại của tôi đang đứng cũng chỉ thấy toàn cỏ và cỏ. Tôi phải dùng chiếc mã tấu mới chém tung rừng cỏ để mở đường mới tìm thấy dấu tích cây xăng. Tôi dừng lại đây là có chủ đích, vì nếu may mắn xăng trong hầm ở đây vẫn còn, thì đây sẽ là cơ hội gần như duy nhất để tôi có thể bơm xăng ra nhanh nhất mà không phải dùng miệng. Sẽ rất rắc rối nếu tôi không tìm được nguồn nhiên liệu dồi dào để cung cấp cho con ngựa sắt tham ăn tục uống kia.


Tôi chọn cây xăng này vì nó có một đặc điểm mà ít cây xăng nào có được: hầm xăng ở vị trí càng cao càng tốt. Những cây xăng khác, hầm xăng đều ở sâu dưới mặt đất, nên gây rất tốn công sức cho việc bơm xăng lên, vì vậy tôi đã cố tìm một cây xăng có vị trí hầm xăng tối ưu. Thực tế cây xăng ở đây cũng có thiết kế không khác biệt nhiều, hầm xăng vẫn ở dưới đất và thấp hơn mặt đất nơi tôi đang đứng, nhưng thật may nó lại ở sát một đường hầm.


Lòng của đường hầm đã bị phủ bởi đất đá, nhưng chúng khá mềm và dễ dàng bị xúc lên bởi một chiếc xẻng chế từ một chiếc vỏ can nhựa chẻ đôi. Chỉ mất vài tiếng, tôi đã có thể đào được một cái hố mà tôi đoán nó đủ sâu để thấp hơn mực xăng trong hầm. Khó khăn nhiều nhất là việc lớp đất xung quanh hố không đủ cứng và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào, để giải quyết việc này tôi đã phải dựng các tấm chắn xung quanh hố bằng bất cứ thứ gì tìm được xung quanh: một mảnh tôn cũ, một cánh cửa gỗ sắp mục, một mảnh nhựa gỡ ra từ trạm bơm, rồi cố định chúng bằng các cây chống chồng chéo lên nhau.


Không cần quá chắc chắn, chỉ cần cái hố đứng vững cho đến lúc tôi xong việc là đủ. Tiếp theo, cũng bằng cách cũ, tôi luồn ống dây nhỏ qua trạm bơm để tiếp cận hầm xăng, đầu dây còn lại kéo xuống hố và dẫn vào can đã để sẵn. Tôi cũng đã tìm thấy năm chiếc can lớn và một thùng phi trống ở trong kho, chúng có thể trữ được hơn ba trăm lít nhiên liệu.


Cái hố sâu và đường dây tôi vừa chuẩn bị thực ra là để tạo một hệ thống ống dẫn có tên là ống xi phông, nó sẽ dẫn xăng từ dưới hầm lên mặt đất, sau đó đổ xuống những chiếc can xếp sẵn dưới hố. Điều kiện để hệ thống này hoạt động là ống dây phải kín là liên tục từ đầu đến cuối, và điểm ra của chất lỏng phải thấp hơn mực chất lỏng trong hầm. Đó cũng chính là lý do mà tôi phải cố đào một cái hố đủ sâu để xăng có thể chảy ra.


Những ống dây của tôi không đủ dài, nhưng tôi đã nối chúng lại bằng cách đun chảy các mảnh nhựa rồi trét kín vào chỗ nối. Khó khăn nữa là tôi cũng phải mồi đầy đường ống trước khi xăng có thể tự chảy, và dĩ nhiên không có cách nào khác ngoài việc dùng miệng hút. Nhưng cũng an ủi được cái là tôi chỉ phải chịu đựng ngụm đầu tiên, khi xăng bắt đầu chảy ra, nó sẽ chảy mãi cho đến khi mực xăng trong hầm thấp hơn đáy hố.


Trời không quá phụ lòng người, mọi sự cố gắng chuẩn bị của tôi đã được đền đáp, khi can xăng đầu tiên được đổ đầy, tôi đã mừng muốn khóc (nhưng không khóc).


Khi lấy đầy được can đầu tiên thì trời đã tối mịt. Nhưng tôi vẫn không dám thắp đuốc vì có mùi xăng khá nặng trong không khí. Dưới ánh trăng non, tôi ngồi ăn tối và đợi xăng chảy đầy bình. Xăng được chứa trong những can tôi lấy được trong kho của trạm xăng, khi chúng đầy ngắc thì tôi đổ sang phi. Lượng xăng tôi lấy ra chứa đầy năm chiếc can và môt phi lớn. Trứng không nên bỏ chung một rổ, tôi mang theo xe một can, bốn can còn lại thì giấu ở các vị trí khác nhau quanh đây, riêng thùng phi thì vẫn để nguyên tại trạm do quá nặng để di chuyển. Sở dĩ tôi không tập trung hết xăng ở đây, vì chỉ cần một mồi lửa nhỏ cũng khiến cho công sức cả ngày nay tiêu thành mây khói, theo đúng nghĩa đen.


Chỉ với chút ánh sáng mập mờ từ ánh trăng yếu ớt nên tiến độ của công việc khá chậm, tôi cũng mệt mỏi hơn bình thường. Đến khi thu dọn xong và bịt kín các đường ống thì tôi mới thắp đuốc. Do không thể đốt lửa gần trạm xăng, tôi cần tìm một chỗ khác để qua đêm.


Cứ theo kinh nghiệm và thói quen những lần trước, tôi chọn hai vị trí, một trên đỉnh cầu vượt, một ở dưới gầm cầu. Tôi dọn quanh một vị trí dưới chân cầu vượt cách xa trạm xăng một đoạn, thắp lên một đống lửa rồi cẩn thận kiểm tra xung quanh. Tất cả để đảm bảo lửa không thể lan đến được những vị trí để nhiên liệu.


Nhưng khi vừa nổi lửa lên tôi mới nhận ra nơi này hoàn toàn không giống khu trại trước. Thứ nhất là vị trí dưới gầm cầu, có quá nhiều cỏ. Dù tôi có bỏ thời gian để dọn quang một vùng, thì tầm nhìn vẫn quá hạn chế. Thật khó mà an tâm chợp mắt khi bất cứ một con vật gì có thể xộc ra bất cứ lúc nào từ một khoảng cách rất gần như vậy.


Còn nếu tôi vòng lên trên đỉnh cầu, nơi cách xa mặt đất, thì lại gặp rắc rôi về việc giữ lửa. Rất khó tìm được củi lớn quanh đây, nên chỉ có thể dùng cỏ, nhưng sẽ mất rất nhiều công sức để cắt chúng từ dưới rồi mang lên. Chưa kể đến việc tôi sẽ không kịp trở tay khi một cơn mưa ập đến. Nhưng rồi tôi cũng phải chọn phương án dễ chịu hơn là lên cầu, mang theo ba lô, một cây đuốc, một can xăng, và niềm hy vọng về một đêm khô ráo.


Tuy ánh trăng tỏa sáng mờ mờ ảo ảo, nhưng cũng đủ để tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi đứng nhìn từ trên cao. Xa xa là bóng dáng của vài tòa nhà cao tầng và siêu thị Big C, chúng đứng đó, đen xì và lặng thinh giữa đêm tối. Dưới mặt đất, cánh đồng cỏ lau bạt ngàn vẫn âm thầm dập dìu nhấp nhô theo làn gió. Tôi dùng bạt cột vào thành cầu để làm một mái che nhỏ rồi nằm xuống nghỉ ngơi, và hy vọng đêm nay sẽ nhanh qua. Rồi tôi chìm dần vào giấc ngủ.

BÌNH LUẬN