Logo
Trang chủ

Chương 12: Nhiên liệu

Như kế hoạch, sau khi sắp gọn đồ đạc vào trong nhà thờ, chất những vật dụng cần thiết lên xe đẩy rồi lên đường, với mục tiêu tối thiểu là tìm được chút chất đốt. Đoạn đường tôi chọn là dọc theo đường Phạm Văn Thuận, hướng về phía quảng trường trung tâm.


Quang cảnh dọc đường đi cũng không quá khác biệt xung quanh, cây cối to cao nhưng không quá nhiều, mặt đất và các ngôi nhà đa phần bị phủ bởi cỏ nhỏ và một số loại dây leo. Cỏ tuy nhiều nhưng cũng không lấn át hoàn toàn những loại khác, các loại hoa vừa lạ vừa quen vẫn đua nhau khoe sắc.


Đi được một đoạn khá xa là tôi đến được một con suối nhỏ cắt ngang mạch đường chính. Ở đây tôi có thể lấp đầy nước những chiếc bình rỗng mang theo. Ở đây có những bụi tre rất lớn mọc hai bên bờ, chúng xanh ngắt và cao vút, vươn cao tỏa bóng hết cả con suối lẫn cây cầu nhỏ. Những chiếc lá tre nắm tay nhau nhảy múa mỗi khi trời đổ gió, để rồi cùng nhau nổi lên khúc nhạc của lá rừng, mê hồn những lữ khách vô tình ghé thăm. Tôi đã đứng ở đó rất lâu chỉ để nghe tiếng lá lao xao trong gió, như lời ru trong trẻo của người mẹ vỗ về đứa con bé bỏng chìm dần vào giấc ngủ.


Chắc hẳn những câu chuyện dọa dẫm trẻ con rằng ma nữ thường đưa võng ru con trong những bụi tre xuất phát từ những âm thanh này. Vì thỉnh thoảng chèn giữa âm vang xào xạc của lá là tiếng kẽo kẹt của những thân tre bị cạ vào nhau, nghe giống hệt tiếng đưa võng.


Nước ở đây cũng vẫn lạnh ngắt, hệt như ở hai con suối trước. Dòng nước ở đây khá cạn, lực chảy yếu, chứng tỏ vị trí này đang thuộc khu vực thượng lưu, nơi lượng nước tụ về chưa quá nhiều. Nếu tận dụng điều này, tôi có thể lần theo dòng chảy tìm về đầu nguồn của con suối để kiểm tra thực hư nguồn gốc gây nên dòng chảy lạnh. Nhưng cuối cùng tôi lại không làm, vì có cảm giác rằng sẽ không tìm thấy gì ở đó cả.


Bỏ khá nhiều công sức lục lọi các ngôi nhà, cuối cùng tôi cũng tìm được một thanh mã tấu hữu dụng. Tuy nó đã bị han rỉ nhưng sau khi được vệ sinh sạch sẽ bằng nước và đá mài thì trông vẫn còn sáng bóng, thậm chí còn tốt hơn rất nhiều cây rựa tôi đang mang. Phần lưỡi và cán dao đều được gia công từ một thanh sắt nguyên khối, không hề có dấu vết của đường hàn, lại có một độ nặng rất hoàn hảo, vậy nên chẳng có lý do nào để tôi phải sử dụng chiếc rựa cũ kỹ lúc nào cũng lo bung cán kia cả.

Tôi chú ý đến những chiếc xe máy hư hỏng đổ ngã chỏng chơ trong các ngôi nhà, và nảy ra một suy nghĩ sẽ cố tìm một chiếc xe đạp với hy vọng rằng loại động cơ chạy cơm vẫn còn có thể hoạt động được. Nhưng tôi đã lầm. Ngay cả khi đến được một cửa hàng bán xe đạp chuyên nghiệp, tôi cũng không thể tìm ra được chiếc xe nào vận hành nên hồn. Những khung xe han rỉ, các trục quay và dây xích bị phong hóa cứng ngắc khiến việc chuyển động là vô cùng khó khăn. Nhưng đó chưa phải điều tệ nhất, bởi tôi có thể khắc phục bằng cách tìm dầu nhớt để bôi trơn các khớp chuyển động. Thứ khó nhằn nhất là việc nạp hơi cho những bánh xe xẹp lép, hoàn toàn bất khả thi. Tôi đã thử đủ cách, đến cả việc nhét mỏ vào thổi cũng đã làm, nhưng vô ích, không có một cách nào thực sự hiểu quả để nhồi hơi cho các bánh xe.

Bánh xe không hơi khiến việc di chuyển tốn nhiều sức lực hơn bình thường rất nhiều, đặc biệt khi mặt đường bị phủ một lớp đất mềm nhão sau trận mưa. Hai bánh xe như bị dính chặt xuống lớp đất mềm, rất mất sức để di chuyển và điều khiển, đặc biệt khi phải kéo theo một đống hàng hóa. Đó là lúc tôi nhận ra đạp xe còn cực hơn cuốc bộ. Thế nên tôi đã sớm bỏ chiếc xe đạp của nợ đó lại trên đường, và tiếp tục cuộc hành trình.


Trên đường đi tôi có ghé vào hai trạm xăng. Trạm đầu tiên rất gần chỗ tôi đóng trại, có hiện trạng khá giống với trạm ở Amata nhưng nhỏ hơn, nó nằm lọt thỏm vào trong, cách xa mặt đường và khuất sau hai căn biệt thự lớn ở hai bên, nếu không chủ ý tìm chắc hẳn rất khó để trông thấy. Tôi đã tìm thấy vị trí của hầm xăng chôn ngầm dưới mặt đất, nhưng cũng bất lực vì không thể làm gì hơn.


Trạm thứ thì hoang tàn hơn rất nhiều, có thể do đất bị xói mòn mà hầm xăng đã bị trồi lên mặt đất chừng nửa gang tay. Có một kẽ nứt ở ngay mép hầm bằng kim loại, đủ lớn để có thể nhìn vào bên trong và nhận ra rằng xăng đã cạn không còn một giọt. Có một vấn đề rất nan giải là nếu hầm đủ kiên cố để bảo quan nhiên liệu bên trong thì lại không có cách nào để lấy nó ra ngoài, còn nếu bình xăng hở thì nhiên liệu đã bay hơi từ đời nào rồi.

Không chỉ trạm xăng, những căn nhà ở quanh đây cũng bị hư hại hơn nhiều so với ngoài kia. Có vẻ càng đi sâu vào trung tâm, mức độ thiệt hại của các công trình lại tăng lên, đặc biệt là với các căn nhà có lầu cao, chúng đều bị bung mái, nghiêng ngả, thậm chí vài căn còn bị sập hoàn toàn.

Bỏ công lùng sục khá nhiều căn nhà, tôi may mắn tìm thấy vài đoạn ống dây dài, có đoạn dài đến gần chục mét. Chúng là những đoạn ống của máy nén khí mà tôi tìm thấy ở một tiệm sửa xe lớn, nơi mà người ta dùng để bơm bánh xe. Tôi sẽ dùng những đoạn ống này để hút xăng lên, thế là giải quyết được bài toán nhiên liệu. Nhưng một lần nữa, đời lại chẳng dễ dàng.


Tôi quay lại trạm xăng đầu tiên của sáng nay, và suy nghĩ cách luồn ống dây xuống hầm xăng. Tôi không rành về thiết kế của cây xăng, nhưng tôi biết chắc phải có một đường ống được thiết kế để người ta bơm và nạp xăng lên xuống, xăng lên ở cột bơm, và xăng xuống ở họng nạp. Xăng chắc chắn phải được bơm lên từ hầm tra trụ bơm, thế nên việc đơn giản là tôi cắt đứt ống bơm xăng rồi luồn đoạn ống khí nén vừa tìm được vào, nhưng chỉ được vài mét thì đoạn ống bị chặn lại. Nếu tôi đoán không lầm thì đoạn ống bị chặn bởi một máy bơm đặt trong trụ. Không còn cách nào khác tôi đành mất thời gian tháo hết lớp áo bên ngoài của một trụ bơm, bên trong là một chiếc máy bơm nhỏ và hai đường ống nối, một ra một vào.


Sau một hồi tỉ mẩn với những đường ống chết tiệt thì tôi cũng luồn dây được xuống dưới, tôi khá chắc đã luồn dây tới đáy hầm vì cả đoạn ống gần chục mét đã được nuốt hết. Sau đó tôi ngậm lấy đầu dây rồi hút mạnh, hơi xăng chui tọt vào cổ họng rồi tràn vào phổi khiến tôi ho sặc sụa, ở những hơi tiếp theo tôi mới bắt đầu cảm nhận được một áp lực nhỏ trong ống do xăng bắt đầu dâng lên. Việc dùng miệng hút xăng lên tốn nhiều sức lực hơn tôi nghĩ, vì không chỉ mùi xăng cứ xộc vào miệng, mà áp lực trong ống mỗi lúc lại tăng lên, hơi sau luôn nặng hơn hơi trước. Tôi phải gập ống để nghỉ mệt vài lần trước khi ngụm xăng đầu tiên tràn vào miệng.


Cảm giác thật kinh khủng khi ngậm trong miệng thứ chất lỏng nồng nặc mùi hôi. Hơi xăng lập tức xộc lên mũi và tràn vào cổ họng khiến tôi muốn phun ngay ra ngoài. Phải rất cố gắng tôi mới lấy được gần một lít, bằng cách thủ công nhất là hút lên từng ngụm rồi nhổ lại vô chai nhựa. Dưới hầm xăng có thể còn nhiều hơn, nhưng tôi sợ nếu tiếp tục thì cơ thể sẽ không chịu nổi mùi xăng mà ngất đi mất, chừng này cũng là quá đủ rồi. Tôi lấy ni lông buộc kín đường ống, để giảm thiểu bay hơi nhiên liệu dưới hầm, vì mục tiêu dài hạn cho tương lai. Nhưng thực lòng tôi không muốn mình sẽ lấy xăng bằng cái cách khổ nhục này thêm một lần nào nữa.


Khi tôi quay trở lại trại thì cũng đã quá trưa, ngoài gần lít xăng và các vật dụng thu được, tôi còn chặt được một buồng chuối mọc ở dọc đường. Khi nhận ra những nải chuối còn xanh chát tôi đã khá hối hận, vì nếu chỉ cần để thêm vài ngày là tôi sẽ có được những qur chuối chín mọng. Nhưng thôi, chuyện cũng đã rồi, tôi cứ cất đó để đề phòng bất trắc. Tôi cũng không cần lo lắng về lửa, vì chiếc zippo sử dụng rất tốt sau khi được nạp đầy xăng, bây giờ chỉ cần vài giây tôi có thể tạo được một đống lửa lớn.


Tôi dành chút thời gian để nghỉ ngơi và ăn uống, sau đó gia cố lại mái của trại. Từ giờ trở đi tôi đã có chút tự tin về khả năng sinh tồn tại nơi này. Nhưng tôi biết không thể ở đây mãi, tôi cần lên kế hoạch. Tôi băn khoăn về những dự định sắp tới, tự hỏi rằng mình nên đi đâu. Thẳng về phía bắc theo quốc lộ là nơi ba mẹ tôi sinh sống, tôi rất muốn về nhà. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, trong hoàn cảnh này, với đoạn đường gần cả trăm cây số mà không có phương tiện di chuyển, tôi e mình khó mà toàn mạng để về được đến nhà.


Thay vào đó, tôi sẽ đi về phía Nam để tới Sài Gòn. Vì khoảng cách ngắn hơn nhiều, lại là đoạn đường hướng về trung tâm, sẽ tăng cơ hội để tôi tìm thấy những người sống sót khác. Và hơn hết, ở đó tôi có thể tìm thấy đứa em gái của mình. Điều làm tôi đắn đó là khoảng cách từ đây lên Sài Gòn cũng hơn ba chục kilomet, một quãng đường đủ dài để tôi phải ngủ qua đêm dọc đường nếu đi bộ. Cuối cùng tôi chọn phương án ở lại đây thêm vài ngày, để có thời gian tích lũy thêm lương thực và cố tìm ra một chiếc xe nào đó còn chạy được. Và biết đâu, tôi sẽ bắt gặp ai đó còn sống, ngay tại thành phố thân thương này.


Bầu trời dần ngả tối, và lần này tôi không cần vội vàng để thắp lửa. Chỉ cần vài thanh củi, một mảnh giấy, rồi chiếc hộp quẹt zippo sẽ hoàn thành nốt công việc còn lại một cách dễ dàng. Củi gỗ đã sẵn, tôi lục lọi khắp nơi để tìm những mảnh giấy nhặt được hồi hôm. Rồi từ trong ruột chiếc ba lô, một cuốn sổ cũ rơi ra. Tôi đã không ngờ rằng, ở bên trong là những trang giấy khốn nạn, thực sự khốn nạn.​

BÌNH LUẬN