Logo
Trang chủ

Chương 10: Tương lai

Tôi đảo một vòng kiểm tra, cố tìm cho được dấu tích của những dây rau lang quen thuộc. Theo tôi đoán, những loại rau củ vốn được con người tích trữ trước đây sẽ phát tán mầm mống ra bên ngoài, và nếu may mắn gặp được thổ nhưỡng thích hợp chúng sẽ phát triển. Mà còn ở đâu có điều kiện tốt hơn nơi đây, với tỷ lệ diện tích mặt đất tự nhiên cao, chất dinh dưỡng hữu cơ dồi dào từ những nấm mồ đang phân hủy.


Sáu củ. Đó là số khoai tôi đào được sau vài tiếng đồng hồ lùng sục, cũng có thể tìm thấy nhiều hơn, nhưng tôi quá đói để tiếp tục. Khoai lang ở đây được nuôi bằng dưỡng chất "đặc biệt" nên củ rất to và chắc. Tôi cũng phát hiện được một cây bàng lớn ở góc trong cùng của nghĩa địa, và nó rất sai quả. Những quả bàng khô rụng đầy mặt đất, nhìn sơ qua thì loại quả này trông khá vô dụng vì nhỏ và cứng, nhưng chúng lại sở hữu hạt nhân có thể ăn được.


Với chừng đó thực phẩm, tôi có thể tạm yên tâm trong vài ngày tới. Quay lại sân nhà thờ, tôi mồi lại lửa để nướng khoai. Lần này, không khó để tôi đốt lại một đống lửa lớn, thứ đáng bận tậm là chai rượu đã dùng quá nửa, mà nếu hết thì coi như xong.


Trong lúc chờ khoai chín, tôi cố gắng tập luyện cách lấy lửa mà không phụ thuộc vào cồn. Tôi chia củi thành hai nhóm, một loại khô hoàn toàn thì cẩn thận cất vào trong các khu nhà để tránh mưa, loại bị ẩm ướt thì đặt gần ngọn lửa nhằm tận dụng nhiệt mà hong khô nhanh chóng. Tôi thử cách lấy lửa "như trong sách giáo khoa", chọn lấy hai khúc củi, một nhỏ mà cứng, một to và xốp, đặt cây to nằm xuống đất, một đầu cây nhỏ cắm vuông góc vào cây to, đầu còn lại kẹp giữa hai lòng bàn tay, tiếp đó xoa mạnh hai bàn tay vào nhau để xoay thật nhanh đoạn cây nhỏ. Theo lý thuyết, ma sát giữa hai khúc củi sẽ tạo ra nhiệt đủ để đốt cháy đống bùi nhùi xung quanh, và thế là lửa sẽ nổi lên. Đây là cách lấy lửa hiệu quả nhất mà không cần dùng diêm quẹt, và tôi cần thành thục cách lấy lửa này trước khi dùng cạn chai rượu.


Nửa tiếng sau, không có ngọn lửa nào cả, chỉ còn một đôi bàn tay phồng rộp và một vệt xám đen trên khúc gỗ. Có lẽ tôi nên nghĩ một cách khác, thay vì phải khổ sở hành hạ đôi tay thế này.


Mang hai bàn tay bỏng rát, tôi chọn một gốc cây to rồi ngả xuống nằm nghỉ. Lưng đặt xuống thảm cỏ, mắt hướng lên bầu trời rộng lớn tôi bắt đầu những dòng suy nghĩ miên man. Tôi nghĩ về nguồn gốc của tất cả những chuyện này, nhưng rồi cũng quanh đi quẩn lại những giả thuyết mông lung. Tôi lại nghĩ về kế hoạch những ngày tới nhưng cũng chẳng chắc chắn. Tôi cố gắng giữ tâm trí không nghĩ về những người thân, về tương lai xa vời, vì những chuyện đó chỉ tổ khiến tôi thêm bối rối và tuyệt vọng.

"Từ bỏ mọi thứ, chỉ còn lại bản thân" - Tôi nghĩ. "Chẳng còn cách nào khác".

Một cơn gió hiu hiu khẽ lay những khóm hoa tím, đồng thời thổi bung lớp vỏ tro mỏng đang phủ hờ của những viên than hồng làm lửa phực lên, bụi từ đám tro bay tán loạn trong không khí rồi từ từ đáp nhẹ xuống thảm cỏ xanh trông như những bông tuyết nhỏ đang nhảy múa giữa một buổi sáng mùa hè.


Tôi hít một hơi dài để lấp đầy không khí mát lạnh vào hai lá phổi, rồi thở mạnh ra. Người ta nói mỗi lần thở dài là mỗi lần hệ hô hấp của bạn đang tái khởi động, tôi thấy đúng, không chỉ có hệ hô hấp được khởi động lại, mà dường như toàn bộ tâm trí cũng đang cố tống ra những nỗi muộn phiền nhất theo làn hơi thở đó. "Reset" hơi thở, "reset" tâm hồn.


Tôi chợt nhớ ra cuốn tạp chí cũ mà hôm qua nhặt được ở siêu thị điện thoại. Nó nhắc tôi nhớ ra rằng đây thực sự là tương lai, bất chấp việc nó còn điêu tàn hơn cả quá khứ. Tôi bắt đầu có chút tò mò, điện thoại tương lai trông thế nào, iphone mới sẽ ra sao, có còn tai thỏ không, hệ điều hành nào đang dẫn đầu. Cuốn tạp chí trông rất cũ với phần lớn các trang bị rách nát, phần còn lại cũng mọc đầy nấm mốc đến nỗi màu giấy đã ngả đen và chữ thì dần biến mất, nhưng vẫn sót vài trang còn đọc được.


"Tương lai của thiết bị di động." - đầu đề bài báo viết. Có vẻ người ta đã làm được điện thoại tràn viền tuyệt đối, vì tôi thấy hình minh họa của một chiếc điện thoại với mặt trước được phủ kính hoàn toàn, không hề thấy có cảm biến hay camera bị lộ ra. "Thiết kế của smart phone đã tới giới hạn", bài báo nói tiếp, "hình hài của thế hệ thiết bị di động tiếp theo sẽ là gì, phải chăng sẽ là một mảnh kính trong suốt như trong phim viễn tưởng? Thật nhạt nhẽo?", tác giả bài viết e ngại về những thiết kế tiếp theo cho các thiết bị di động khi mà trở ngại lớn nhất trong thiết kế là màn hình tràn viền đã được giải quyết triệt để.


Những dòng tiếp theo khá dài nhưng đã mờ và không thể đọc được cho đến tận giữa trang. "Sẽ có một cuộc cách mạng thực sự nữa trong ngành công nghệ, một cuộc cách mạng thay đổi bộ mặt của thế giới công nghệ, giống như cách Steve Jobs đã làm với iphone. Dự án Gamma được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của công nghệ, mở một lối đi đột phá cho các thế hệ di động tiếp theo. Đã có những tin đồn khá đáng tin cho rằng một tập đoàn công nghệ lớn đang theo đuổi công nghệ mới này với mật danh là Gamma Project"​.

Hầu hết đoạn còn lại cho đến cuối bài báo chỉ toàn là dấu răng chuột, các vết mốc đen và các dòng chữ mờ nhạt mà cố gắng lắm tôi mới có thể đoán ra. "Những chiếc smart phone sắp hoàn thành sứ mệnh của chúng trong lịch sử ngành công nghệ, và rồi sẽ nhường chỗ cho những bước tiến mới, vĩ đại hơn của loài người."


Thật thú vị, tôi chưa từng nghĩ về điều này trước đây. Nếu chỉ vài năm nữa người ta sẽ tiến tới bước cuối trong việc thiết kế điện thoại di động, như việc thương mại hóa được màn hình tràn viền hoàn toàn, thì thế hệ điện thoại kế tiếp trông sẽ thế nào? Chả lẽ người ta sẽ cứ dùng điện thoại như vậy mãi, hay như trong phim, những chiếc điện thoại sẽ trông như một tấm kính trong suốt. Tưởng tượng thì có vẻ hay ho nhưng thực tế đó cũng chỉ là một loại bình mới rượu cũ, một tấm nhựa trong suốt thông minh ư, cũng chỉ là một chiếc điện thoại màu mè và phiền toái mà thôi.


Rất tiếc là những phần thôn tin giới thiệu về công nghệ mới đầy hứa hẹn kia lại bị lũ chuột xóa mất. Dự án Gamma là gì, có lẽ mãi mãi tôi cũng không thể biết được.


Rõ ràng mọi thứ đã không diễn ra suôn sẻ như những gì nhân loại dự định, họ đã bị tận diệt trước khi khởi tạo được một cuộc cách mạng công nghệ mới. Tôi tự hỏi đã bao năm trôi qua rồi, năm hay mười năm, và giả như cuộc sống vẫn diễn ra bình thường thì bộ mặt xã hội loài người sẽ trông như thế nào?


Ngày sản xuất ghi trên những món hàng tôi có là vào năm 2026, điều đó có nghĩa cuộc đời tôi đã bị mất ít nhất là năm năm kể từ năm 2021. Nhưng khả năng cao là quãng thời gian đó dài hơn rất nhiều, do phải mất cả chục năm mới có thể biến một thành phố sôi động trở thành một cánh rừng hoang như thế này.


Dù có nghĩ theo hướng lạc quan nhất thì tôi cũng phải chấp nhận rằng ít nhất mười năm đã trôi qua. Nếu còn sống, bạn gái cũng đã hơn tôi cả chục tuổi rồi. Liệu cô ấy có giữ được nét xinh xắn như trước, hay đã trở thành một phụ nữ trung niên già cỗi đầy mỏi mệt? Nhưng tất cả những lo lắng ấy sẽ trở nên vô nghĩa một khi cô ấy không hề chờ đợi, mà đang sống hạnh phúc bên người đàn ông khác.


Trong một khoảnh khắc, tôi chợt nhận ra sự ích kỷ của mình. Tôi tự hỏi bản thân rằng giữa hai chuyện, một là bạn gái mình đã đi lấy chồng và có cuộc sống viên mãn, hai là cô ấy vẫn ở đó chờ đợi tôi với nhan sắc héo mòn theo năm tháng, thì việc nào khiến tôi nuối tiếc hơn?


Rõ ràng là cả hai. Bởi lẽ cái tôi muốn là thanh xuân, là tuổi trẻ của cô ấy, mà điều đó đã hoàn toàn vô vọng trước thực tại phũ phàng này. Dù rằng không dám nghĩ nhiều, nhưng thật lòng mà nói, việc chấp nhận rằng cô ấy đã không còn tồn tại lại là điều khiến tôi thấy dễ chịu nhất. Nhưng nó cũng là bằng chứng đanh thép nhất cho sự ích kỷ đến tột cùng của bản thân: "Nếu tôi không có được thanh xuân của cô ấy, thì sẽ không ai có cả."


Mặt Trời đã lên cao và chiếu từng tia nắng vàng óng xuyên qua kẽ lá xuống mặt đất ẩm ướt. Bóng của cây thập tự phía trên đỉnh tháp chuông nhà thờ xuống hắt xuống bãi cỏ, chạm vào đầu mũi chân kẻ đang u sầu. Tôi chợt nhớ đến chuyện kỳ lạ đêm qua. Âm thanh rên rỉ đáng nghi ngờ đã phát ra từ hướng nghĩa địa, nhưng tôi lại không hề phát hiện ra điều gì bất thường khi đi đào khoai vào sáng sớm nên đã quên mất nó. Tôi nghĩ nên kiểm tra kỹ một lần nữa trước khi đêm xuống.


Tôi đảo một vòng quanh khu phố cũ, quan sát kỹ từ ngoài vào trong từng ngôi nhà một. Mặc dù ít bị cỏ dại và cây cối xâm lấn, nhưng các ngôi nhà ở đây lại bị hư hại nhiều hơn đáng kể so với khu tôi ở. Những con chim làm tổ trên mái của những căn nhà xiêu vẹo, xen giữa chúng là những loài cỏ dại và dây leo nhỏ mọc phủ kín tường và các nóc nhà.


Hóa ra nguồn gốc của tiếng rên rỉ đêm qua là từ một con nai xấu số, cũng chính là con mồi đã chạy thoát sau cú chém kinh điển của tôi chiều hôm trước, càng bất ngờ hơn khi địa điểm phát hiện ra nó lại chính là nơi của gia đình bạn gái tôi sinh sống. Con vật tội nghiệp với cái chân bị thương nặng đang nằm dưới một cánh cổng thép nặng, trông nó yếu đến nỗi một tiếng rên nhỏ không cũng cất nổi. Những chiếc bản lề han rỉ cuối cùng cũng đã gục ngã trước sức bào mòn của thời gian để rồi trở thành một cái bẫy cho bất cứ ai bất cẩn. Thật may mắn khi tôi không phải nạn nhân.


Nhìn qua tình trạng của con nai tội nghiệp, tôi đoán nó khó mà qua khỏi. Chẳng còn cách nào khác, một đường cắt ngọt ngang qua cuống họng sẽ giải thoát cho nó khỏi mọi đau đớn. Nhưng để làm được điều đó, trước tiên tôi cần một lưỡi dao sắc, thứ mà hiện giờ tôi không có. Những vật dụng bằng kim loại tôi nhặt trên đường đều cùn lủn và han rỉ, hoàn toàn không đủ sắc bén để cắt cổ con vật.


Dưới bếp có vài cục đá mài, chỉ cần một chút may mắn tôi sẽ dễ dàng tìm thấy chúng. Đá thì vẫn ở đó thôi, vì chẳng ai rảnh mà mang theo chúng khi chạy giặc, cái vận may tôi cần lúc này là phần mái nhà xập xệ kia sẽ không đổ ập xuống khi tôi bước vào.


Thứ đầu tiên tôi tìm được lại là một chiếc két sắt nhỏ nằm chỏng chơ dưới gầm chiếc tủ quần áo, hẳn nó đã rơi ra khỏi tủ khi mà lớp đáy han rỉ không còn giữ nổi một cục sắt nặng trịch như vậy. Chiếc hộp thép đã bị thời gian nhuộm cho một màu vàng nâu đầy cổ kính nhưng xấu xí. Lớp rỉ sắt phủ hết mặt trước, để lại mớ sơn đen long tróc loang lổ.


Sau vài cú công phá mạnh bằng những tảng đá lớn, chiếc hộp thép bung cửa làm vật dụng bên trong văng tứ tung ra ngoài. Bên trong chẳng có gì ngoài mớ sổ sách giấy tờ vô dụng và vài tấm hình cũ đã hoen ố. Tôi gom hết mọi thứ vào ba lô, vì cứ hễ là giấy thì tôi sẽ giữ lại hết.


Quanh khu dân cư này có rất nhiều vật phẩm mà tôi có thể dễ dàng tìm thấy, nhưng phần lớn chúng đều vô dụng. Cũng không lạ, khi mà đến những thứ đơn giản như dao rựa cũng đã rỉ sét muốn gãy cả lưỡi, thì trông chờ gì vào những thứ cấu tạo phức tạp hơn. Hàng vô cơ đã vậy, nên những vật phẩm hữu cơ như thuốc men, thực phẩm, càng trở nên hiếm có khó tìm, vì tất cả đều bị thời gian làm biến chất hết cả.


Chỉ có hai thứ hiếm hoi mà tôi nghĩ sẽ tận dụng được, một là chiếc hộp quẹt Zipo chết, cái mà tôi nghĩ có thể hồi sinh được nếu nạp cho nó một chút xăng. Thứ còn lại, dĩ nhiên là viên đá mài dao.​

BÌNH LUẬN