Logo
Trang chủ

Chương 9: Tập Dượt Trước Giải Đấu

Tôi quên béng mất việc mình phải nói chuyện với con nhỏ Linh như thế nào bởi có một thứ khác xen ngang thu hút sự chú ý của tôi. Đan Chi nói với tôi điều đó trong một lần nhỏ kêu tôi qua nhà nhỏ ăn cơm.

Chắc cũng phải một năm rồi tôi mới thấy con nhỏ nấu ăn lại. Hồi trước nhỏ hay nấu ăn lắm, nhỏ cũng hay kêu tôi qua ăn cùng. Thỉnh thoảng mỗi khi dạy xong tôi chở con nhỏ đi chợ, nhỏ mua qua loa vài thứ rồi về làm vài món lẹ lẹ, hai anh em ăn rồi chiều đi dạy tiếp. Đó là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi tôi thấy con nhỏ nữ tính hẳn.

Nhà của nhỏ Đan Chi thực chất là nhà của cô chú nó. Cô chú nhỏ sang nước ngoài định cư nhưng vẫn muốn giữ lại căn nhà để mỗi lần về thăm quê hương có nơi để ở, nên nhờ con nhỏ trông hộ. Nhỏ toàn quyền sử dụng căn nhà với đầy đủ tiện nghi như một khách sạn cỡ nhỏ. Chắc con nhỏ là đứa sinh viên sướng nhất cái Đà Nẵng này.

Nhưng Đan Chi không phải là một cô tiểu thư đài các đâu. Tính cách của nhỏ khác hẳn với mấy cô con gái nhà giàu quen sống trong nhung lụa. Nhỏ đã tự lập từ khi còn là sinh viên năm 3, không còn phải xin tiền bố mẹ nữa. Thu nhập của nhỏ từ việc dạy, rồi đi vẽ tranh tường cho các quán cà phê, nhà hàng, rồi làm mô hình cho mấy xưởng kiến trúc, rồi nhận vẽ chân dung, đủ để nhỏ có một cuộc sống tự do mà không có mấy bạn trẻ cùng lứa làm được. Nhưng đổi lại, nhỏ có rất ít thời gian rảnh. Cả năm nay nhỏ không nấu ăn và chả mấy khi thấy con nhỏ chơi bời gì là minh chứng cho điều đó.

Lúc ở nhà, Đan Chi thường bận một chiếc áo thun rộng thùng thình, mái tóc buộc cao và mặc một chiếc quần cọc khoe đôi chân trắng nõn không một chút tì vết của nhỏ.

- Em không biết là anh chưa có người yêu hay sao mà còn ăn mặc kiểu đấy? – Tôi trêu con nhỏ.

Con nhỏ bĩu môi khinh thường:

- Anh cứ thử xem.

Tôi quên mất là con nhỏ có võ. Mà tôi thì có biết võ vẽ gì đâu, nên thôi, tha cho nhỏ một con đường sống. Tôi lẳng lặng đi ra cây xoài trước sân, nơi có cái võng mà mỗi lần đến đây tôi thường nằm, rồi nói vọng vào:

- Lúc nào nấu xong gọi anh nghe nhỏ!

Đan Chi ở trong nhà nói vọng ra:

- Anh không vào nhặt rau giúp em à?

Tôi thở dài, lững thững bước vào nhà làm cái công việc mà tôi ghét nhất trên đời, nhặt rau. Đan Chi biết điều đó nên toàn để dành rổ rau cho tôi trong mọi trường hợp. Tôi vừa nhặt rau vừa khóc. Chả thấy con nhỏ biểu hiện gì nhưng tôi đồ rằng, nhỏ đang cười thầm trước sự tuyệt vọng của tôi.

Khi bữa ăn được dọn ra, tôi hỏi nhỏ:

- Sao hôm nay rảnh rỗi nấu ăn vậy?

Đan Chi gắp cho tôi mấy miếng đậu cu-ve, nhỏ biết món ăn mà tôi thích nhất, rồi nói:

- Thích thì nấu thôi, chả rảnh rang gì cả.
- Cô không cần phải giấu anh, tôi nhìn nhỏ như kiểu tôi hiểu nhỏ lắm rồi, chắc định nhờ vả gì anh đúng không?

Nhỏ bĩu môi kiểu “anh thì có mọe gì mà nhờ” rồi trả lời:

- Em muốn thông báo với anh 2 chuyện quan trọng.
Tôi trố mắt nhìn con nhỏ, hồi hộp hỏi:
- Chuyện gì?
- Em sẽ không dạy buổi sáng ở lớp vẽ nữa. – Nhỏ nói tỉnh bơ.

Tôi ngạc nhiên nhìn nhỏ. Hổng lẽ sau bao nhiêu năm làm việc cùng nhau, giờ Đan Chi bỏ tôi mà đi đột ngột như vậy ư? Biết tìm ai thay thế con nhỏ bây giờ, lòng tôi chùng xuống:

- Sao tự nhiên lại…không dạy nữa?

Nhỏ gắp tiếp cho tôi mấy miếng đậu cu-ve, rồi nhìn tôi mỉm cười:

- Thay vào đó, nhỏ tinh nghịch nói, em sẽ dạy cả ngày.

Nói rồi con nhỏ bật cười ha hả vì thấy cái mặt thộn ra của tôi. Mặc dù hơi ức vì bị nhỏ trêu nhưng tôi không giấu nổi sự vui mừng với thông tin mà Đan Chi vừa nói:

- Thật á?
- Thật – Nhỏ xác nhận.
- Thế còn mấy việc kia của em thì sao?
- Em vẫn làm nhưng chỉ hướng dẫn tụi nhỏ thôi.

Tôi vui thật chứ không phải đùa. Mặc dù mấy năm nay Đan Chi vẫn dạy cùng tôi như thế, nhưng lần này nhỏ bảo nhỏ sẽ dạy toàn thời gian tại lớp, có nghĩa là nhỏ đã xác định sẽ gắn bó với tôi lâu hơn nữa, tôi đỡ phải lo lắng tìm người thay thế. Mặt khác, nhỏ dạy cả ngày rồi, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để làm những việc khác của tôi.

- Ok, được đấy.

Tôi giả bộ chuyện con nhỏ vừa nói với tôi chẳng có gì bất ngờ cả, mặc dù đang sướng rơn. Nhỏ Đan Chi cũng chả thể hiện điều gì đặc biệt trên nét mặt, mặc dù cũng thừa biết là tôi vui lắm.

- Thế còn chuyện quan trọng thứ hai? – Tôi hỏi nhỏ.
- À, thằng Tiến với thằng Trường vừa gọi cho em, tụi nó bảo lớp của tụi nó đang tổ chức giải bóng đá mở rộng và mời lớp mình tham gia.

Thằng Tiến với thằng Trường là lớp trưởng của lớp XXX và lớp XXY của trường BK. Tụi nó là học trò cũ của tôi và Đan Chi, tụi nó quý tụi tôi lắm, nên có vụ gì hay ho đều gọi tụi tôi hết (đang khoe lớp vẽ của tôi toàn nhân tài đấy, ai nể giùm tôi cái đi). Khi tôi thông báo thông tin sắp có giải bóng đá, bọn con trai lớp vẽ nhảy cẫng lên, tranh nhau đăng ký vào đội liền. Tụi nó thích đá bóng lắm, mỗi tội học thêm học thắt nhiều quá nên tôi chưa rủ tụi nó đi được. Và giải lần này là cơ hội để thỏa lòng mong ước của tụi nó.

- Phải đá tập vài trận coi cẳng giò của tụi bây như thế nào đã. Đội bóng đại diện cho cả lớp chứ phải đùa đâu – Tôi ra oai mặc dù lớp của tôi nhỏ như cái lỗ mũi.

Cuối tuần tôi tụ tập bọn con trai của mấy lớp vẽ lại, cũng được hai mươi mấy thằng, kéo nhau ra sân vận động của trường BK để đá thử. Sân vận động của trường BK rộng lắm, nhưng không bao giờ đủ chỗ vì sinh viên BK còn đông hơn sức chứa của sân rất nhiều. Do đó buổi học chiều Chủ nhật tôi cho bọn học trò nghỉ sớm 1 tiếng để ra giành sân. Cũng kiếm được một khoảng rộng đáng kể đủ để cho hai mươi mấy thằng quần nhau được.

Nhưng đó là buổi tập duy nhất chúng tôi đá ở sân của trường BK, vì 2 lý do. Thứ nhất là ở đó bụi quá, cứ quần nhau được một tí là bụi tung mù mịt, đứa nào cũng lo tránh bụi có đá đấm được gì đâu. Thứ hai là cứ vài phút thì lại có một anh sinh viên xin vào đá ké, sân ở đây là sân cộng đồng nên không cho không được. Thành thử ra lúc đầu chỉ có hai mươi mấy người, một lúc sau lên ba mấy, rồi có khi đến bốn chục. Đá bóng mà nhìn không khác gì giang hồ oánh lộn.

Mấy buổi sau tụi tôi quyết định thuê sân cỏ nhân tạo để đá, tiền sân share nhau trả. Sân 5 người nên phải chia ra 4 đội đá luân phiên. Lúc đầu tụi nó hăng lắm, cắm đầu chạy như chưa bao giờ được chạy, nhưng chỉ được 5 phút là đứa nào đứa nấy cũng lè lưỡi thở hồng hộc.

Thằng Thụy Phong và Nam Nhỏ có vẻ nổi trội hơn cả. Tụi nó có kỹ thuật lắt léo, thi đấu ăn ý và sút bóng tốt, mỗi tội là sức yếu quá, chả lấn người được mà cũng chả đá lâu được. Thằng Sơn “phân bò” thì vóc người đô con nên làm thủ môn khá ổn, nó đứng thôi cũng che gần hết khung thành rồi, chỉ có điều là thằng này phản xạ không được nhạy lắm. Hậu vệ thì có thằng Hùng với thằng Vĩnh ở lớp vẽ buổi sáng. Hai thằng này thi đấu xông xáo, không ngại va chạm và có sức bền nhưng nhược điểm là chuyền bóng bổng không tốt nên những pha phản công thiếu đi sự hiệu quả phần nào. Thực sự thì chẳng có đứa nào gọi là xuất sắc cả, nhưng đó là đội hình tốt nhất mà tôi có thể lựa chọn được.

Chỉ còn 2 tuần nữa là tới giải nên tôi cho tụi nhỏ đi du đấu. Đội thủ lần này là đội đang giữ chức vô địch World Cup 2012, xóm tôi FC. Xóm tôi toàn là sinh viên năm nhất, năm hai, tụi nó đá bóng cũng lèm nhèm thôi chứ chả hay ho gì. Tôi cho tụi nhỏ thử lửa với xóm tôi trước để xem thực lực thế nào và hy vọng sẽ có một kết quả thuận lợi.

Nhưng éo hiểu sao, cứ mỗi khi tôi đặt kỳ vọng vào điều gì, thì luôn có một ai đó thò chân đạp nhẹ tôi xuống vực sâu tuyệt vọng. Mà lần này không chỉ một người, mà nguyên một đội bóng cùng đạp.

Đội lớp vẽ vào sân với tinh thần cao lắm, hội ý kỹ chiến thuật tưng bừng:

- Thằng Hùng với thằng Vĩnh đá ở dưới nghen. Có bóng là chuyền lên cho tụi tao liền – Thằng Thụy Phong chỉ đạo.
- Rồi, ok.
- Nam Nhỏ có bóng là tranh thủ sút nghe chưa mậy. Lừa ít ít thôi.
- Uhm, tao biết rồi.
- Mà hai đứa bây ở trên coi chạy về thủ với nghe, không là hổng người – thằng Hùng lên tiếng.
- Rồi, để đó tụi tao lo.
- Rứa còn tao làm chi? – Thằng Sơn “phân bò” giơ tay phát biểu.
- Mi làm thủ môn, ra vào cho chuẩn là được.
- Rồi, ok.

Tôi nghe tụi nhỏ hội ý mà lòng chan chứa nước mắt. Ai cũng đồng tâm nhất trí, tình quân dân thắm đượm trông thật cảm động. Thằng Thụy Phong khua tay mở đầu trận đấu:

- Xông lên hết đê anh em. Luộc chúng nó.

Nhưng chỉ một lúc sau:

- Cái đệt, về, về hết, hậu vệ đâu hết rồi? – thằng Sơn “phân bò” hét ỏm tỏi.
- Éo có ai kèm áo đỏ à?
- Cánh phải, cánh phải, thằng cánh phải mô rồi?
- Mày đá ở đâu mà te te ra sau lưng tao làm gì vậy thằng điên? – thằng Thụy Phong ré lên – Bố mày són hết cả quần vì tưởng mày là địch đấy con ạ. Đm
- Óc chó là có thật. Đm

Mới lúc đầu bàn bạc chiến thuật như dân chuyên nghiệp, vào trận cái chạy loạn xà ngầu hết cả lên. Trận đấu mới diễn ra có 3 phút, đội lớp vẽ đã nhận ngay một cái tát vào mặt.

- Ơ thế vào à? – Thằng Nam Nhỏ ở trên ngơ ngác nhìn thằng Sơn “phân bò” thất thểu vào lưới nhặt bóng.
- Ờ, vào mọe rồi. – Thằng Thụy Phong mặt đần thối ra.
- Bọn hậu vệ làm ăn như shit.
- Mấy thằng bay ở trên éo kèm người rồi còn nói. – Thằng Hùng mặt đỏ gay phân bua.
- Nó chuyền dài kèm thế nào được.
- Đm, theo người sát vô.
- Thì tao đang theo đây!

Tình đồng bào, đồng chí lúc đầu bỗng chốc tan biến đi, thay vào đó là những màn cãi cọ, đổ lỗi cho nhau ỏm tỏi, chẳng đứa nào chịu đứa nào. Tôi ở ngoài nghe tụi nó đôi co nhau mà lắc đầu ngán ngẩm. Mọi tính toán ban đầu, rồi thì những mơ tưởng về thành công tốt đẹp trong giải đấu đã chính thức tan thành tro bụi. Đá cái kiểu này thì đừng nói là lọt vào vòng trong, đến việc kiếm được 1 điểm thôi đã là lạc quan lắm rồi.
BÌNH LUẬN