Logo
Trang chủ

Chương 18: …

Từ ngày chuyển hẳn qua ở với Đan Chi, bao nhiêu chuyện dở khóc, dở cười bắt đầu diễn ra, điển hình là chuyện mỗi buổi sáng thức dậy.

Một hôm tôi dậy sớm, ngồi xem tivi ngoài phòng khách một lúc thì thấy Đan Chi từ trên lầu đi xuống. Nhỏ vừa đi vừa ngáp ngắn ngáp dài, hình như quên mất là từ nay trong nhà còn có một thằng con trai nữa, nhỏ thản nhiên mặc vỏn vẹn một chiếc quần lót, bộ ngực thả rong đung đưa trong tà áo mỏng làm tôi xịt hết máu mũi. Vừa thoáng thấy tôi, nhỏ ré lên một tiếng rồi chạy vọt trở lên lầu. Một lúc sau nhỏ ngập ngừng đi xuống, lần này đã ăn mặc đâu vào đấy rồi, nhỏ thẹn thùng hỏi tôi:

- Lúc nãy…anh có thấy gì không đấy?

Tôi lắc đầu nguầy nguậy, thà chết chứ không bao giờ khai ra tôi đã thấy hai quả bưởi của nhỏ nảy lên nảy xuống như thế nào. Tôi sợ khai ra rồi thì sẽ không còn được nhìn thấy cặp bưởi năm roi đó nữa. Nhưng hình như nhỏ cũng biết cả rồi, nhỏ bắt đầu ý thức được có một thằng con trai trong nhà nên dần dần cũng cẩn thận hơn trong ăn mặc. Tôi tiếc lắm. Tiếc đứt ruột. Huhu.

Chuyện thứ hai là chuyện tắm rửa.

Trong nhà có hai phòng tắm, một ở tầng dưới và một ở tầng trên. Tôi đương nhiên là tắm ở tầng dưới rồi, nhưng khổ nỗi là Đan Chi cũng tắm ở tầng dưới. Tôi hỏi thì nhỏ bảo nước ở tầng trên yếu quá nên xưa nay nhỏ chỉ toàn tắm ở tầng dưới thôi. Tất nhiên, quần áo của ai người ấy giặt nhưng nhiều khi cũng không tránh khỏi những nhầm nhọt:

- Chi Chi, em có thấy cái quần sịp dạ quang của anh ở đâu không?

Tôi gọi với lên tầng trên khi tìm hoài không thấy cái quần của mình trong nhà tắm. Phải mất cả phút mới thấy con nhỏ trả lời, bằng một giọng ngại ngùng:

- Em không biết.

Tôi quên mất con nhỏ là con gái, cứ thản nhiên hỏi như cái cách mà tôi vẫn thường hỏi mấy đứa con trai trong xóm trọ cũ:

- Em có giặt nhầm của anh không vậy? Tìm giúp anh đi.

Nghe có tiếng bước chân của nhỏ lộp bộp đi ra ban công chỗ phơi quần áo. Một lúc sau nhỏ ló đầu xuống gọi tôi:

- Của anh nè – Nhỏ đỏ mặt ném cái quần sịp dạ quang xuống cho tôi – Có cái quần mà cũng không biết giữ.

Ơ, chính nó giặt nhầm đồ của tôi rồi còn ý kiến nữa chứ. Tôi ấm ức lắm nhưng thôi, tha cho nhỏ một con đường sống, dù gì thì mình cũng lời mà, được giặt đồ miễn phí rồi còn gì nữa. Nói chung, vì dùng chung một nhà tắm nên chuyện nhầm đồ xảy ra như cơm bữa. Lúc đầu thì có hơi ngại thật nhưng dần dần rồi cũng thấy bình thường, thỉnh thoảng nhỏ còn giặt luôn đồ cho tôi, còn tôi mà thấy đồ của nhỏ trong chậu giặt của mình là phải khều ra cho bằng được. Hê hê.

Chuyện thứ ba là chuyện coi tivi.

Từ ngày tôi chuyển qua ở cùng Đan Chi, cái tivi ngoài phòng khách trở thành một chiến trường khốc liệt. Tivi thì chỉ có một mà người thì đến tận hai. Tôi thì thích xem thời sự, HBO, StarMovies này nọ, còn nhỏ Đan Chi thì ghiền coi mấy gameshow trên truyền hình với mấy Ộp – pa kute lạc lối. Lúc nào không trùng giờ thì thôi, chứ hai chương trình của hai đứa mà lỡ trùng nhau một phát thì y như rằng:

- Zả cái remote lại đây. Anh mày đang xem thời sự mà!

Tôi tru tréo trong bất lực. Cái chân khập khiễng của tôi không cho phép tôi chạm vào được dù chỉ là một cộng lông chân của nhỏ Đan Chi. Nhỏ cầm remote chạy khắp phòng, vừa chạy vừa bấm chuyển kênh lia lịa, đến khi ộp-pa của nhỏ xuất hiện thì nhỏ mới chịu ngồi yên vị trên cầu thang, vừa xem vừa liếc mắt nhìn tôi đề phòng. Cuộc chiến này dường như không cân sức, đôi chân què của tôi không đọ nổi cặp giò mét mốt ấy. Nhưng thật may, tôi có trí thông minh trời ban. Hehe.

Bữa cơm tối hôm đó, tôi ăn thật nhanh và ra phòng khách giành ngay cái tivi. Sau khi chỉnh kênh của mình xong đâu đấy, tôi lấy hết pin của cái remote ra, thay bằng cặp pin cũ đã hết điện rồi để lại ngay ngắn trên bàn. Nhỏ Đan Chi sau khi tắm rửa xong xuôi, như thường lệ chạy ra giành remote với tôi. Nhỏ cầm remote bấm lấy bấm để nhưng chẳng thấy chuyển kênh gì cả. Nhỏ nhíu mày mở pin ra kiểm tra, vẫn có pin. Bấm bấm tới tấp vẫn không thấy gì. Tôi ngồi sau ghế sofa ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch:

- Remote hư rồi người đẹp ơi. Cái tội giành giật cho lắm vào.

Nhỏ ném trả cái remote lại cho tôi rồi vùng vằng bỏ lên lầu. Chiến thắng ngọt ngào.

Chuyện dở khóc dở cười giữa tôi và Đan Chi có kể đến sáng mai cũng không hết. Nhưng nhìn chung, nhờ có nhỏ mà cuộc sống bệnh tật của tôi trở nên dễ chịu đến không ngờ. Nhỏ chăm sóc tôi chu đáo như một đứa em gái, mặc dù đôi khi cũng dữ dằn như một bà chị già.

Tôi bất giác nhớ đến gia đình mình ở quê, chạnh lòng nghĩ đến bố mẹ và những đứa em nhỏ. Tôi vào bệnh viện cả tháng nay cũng không cho ai biết, thỉnh thoảng bố mẹ có gọi điện nhưng tôi bảo mình vẫn ổn, tôi sợ họ lo lắng, và quan trọng hơn, tôi đã quen một mình tự lo như thế bao năm nay rồi .

Tôi sống xa gia đình từ khi còn là một cậu nhóc lớp 10. Học cấp 3 ở trường tỉnh nên phải thuê phòng trọ ở gần trường để tiện đi lại. Nhà tôi nghèo lắm, lại đông anh em nên ngoài giờ học ở trường tôi phải đi làm thêm để kiếm tiền đóng học phí. Một đứa nông thôn lên thành phố, bỡ ngỡ giữa chốn phồn hoa phố hội, bị bắt nạt cũng nhiều mà bị xem thường cũng không ít, tôi trở thành một đứa chai lì cảm xúc, ít bạn và lầm lì.

Ngày tôi vào đại học, bố mẹ tôi khóc hết nước mắt, một phần vì mừng, một phần vì sợ, sợ không biết làm cách nào để chi trả cho tôi những năm tháng đại học. Tôi mỉm cười bảo con lo được. Mấy đứa em ôm chầm lấy tôi hỏi bao giờ anh Hai trở về, tôi xoa đầu tụi nhỏ cười. Sớm thôi, anh Hai sẽ về.

Vào đại học, ngoài giờ học trên trường, tôi dành toàn bộ thời gian để đi làm thêm. Ban ngày tôi đi bưng cà phê, buổi tối đi dạy học, rồi đi giao hàng Coca, rồi đi làm nhà hàng…việc gì tôi cũng kinh qua hết. Tiền bạc kiếm được không nhiều nhưng đủ để tôi sống sót qua những năm tháng ấy. Tôi nhớ có lúc mình chỉ còn 5K trong túi, ra chợ mua 3K cải chua, 2K thịt mỡ, về kho thật mặn để ăn với cơm trong 1 tuần. Đến mức cải chua đã bốc mùi nhưng tôi vẫn ăn. Vừa ăn vừa khóc.

Thế mà cũng 10 năm.

Bạn hỏi 10 năm đó của tôi có khó khăn không à? Khó chứ. Rất khó. Có những lúc muốn bỏ cuộc, muốn trở về quê làm một thằng chăn trâu thong dong, tự tại với đời. Nhưng cuộc sống này đã dạy tôi phải thật cứng cỏi. Nếu không cứng cỏi thì mãi mãi tôi chỉ là một thằng nhóc nhà quê nghèo hèn ấy. Nếu không cứng cỏi thì làm sao che chở được gia đình, che chở nổi những giấc mơ?

Tự nhiên thấy cay cay khóe mắt. Hóa ra mình cũng chỉ là một tên to đầu vặt, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

Đan Chi chợt đến bên cạnh tôi khi tôi đang đứng trên ban công và hoài niệm. Nhỏ nghiêng đầu nhìn tôi hỏi:

- Anh sao vậy?

Tôi vội vã quay đi để che giấu chút yếu mềm hiếm thấy, giả vờ ho sù sụ và lắc đầu bảo không có gì. Đan Chi cũng chẳng hỏi gì nữa, nhỏ chỉ lẳng lặng đứng cạnh tôi cùng hóng gió. Rồi đột nhiên nhỏ hỏi:

- Ngày trước anh hỏi em, tại sao em vẫn làm cùng anh từ đó đến tận bây giờ, anh có muốn biết tại sao không?

Tôi quay qua nhíu mày nhìn Đan Chi. Câu hỏi đó tôi hỏi nhỏ đã lâu mà nhỏ chưa bao giờ trả lời. Tự nhiên hôm nay lại lôi ra mần chi cho tôi phải suy nghĩ. Tôi gật đầu tỏ ý muốn nghe, nhỏ cười hì hì nói:

- Tại thấy anh tội quá.

Nghe nhỏ nói thế tôi phì cười, Đan Chi cũng phì cười:

- Hi, thiệt mà. Lúc đầu em định làm xong tháng đầu tiên rồi nghỉ, vì thấy lớp buồn quá. Nhưng rồi tự nhiên nghĩ tội ổng này, chắc ổng kỳ vọng ở mình nhiều nên quyết định làm thêm tháng nữa. Rồi…

- Rồi sao? – Tôi giục.

- Rồi tự nhiên em thấy anh rất thú vị. Anh có khao khát, có ý chí, có niềm tin với cả hay lo lắng cho tụi em nữa. Tự nhiên thấy quý anh, rồi…

- Rồi sao?

Đan Chi cắn môi, rất hiếm khi tôi thấy nhỏ đỏ mặt, nhỏ quay qua ngập ngừng nói với tôi:

- … Rồi thấy…thương anh.

Tôi cứng người. Một dòng điện chạy xẹt qua làm tôi bấn loạn. Có thứ cảm giác gì đó như niềm vui xen lẫn sự lo lắng đang trào dâng trong lồng ngực. Tự nhiên thấy khó thở quá. Tự nhiên thấy bối rối quá. Chưa bao giờ nói chuyện với Đan Chi mà tôi lúng túng như lần này. Có phải nhỏ ấy vừa nói thương tôi? Có phải Đan Chi xinh đẹp đang nhìn tôi đầy âu yếm?

Rồi đột nhiên nhỏ khẽ khàng nắm lấy tay tôi:

- Anh…làm bạn trai của em nhé?

Trong khoảnh khắc đó tự nhiên tôi cảm thấy mình lạnh lùng đến khó tả. Tôi cứ để mặc Đan Chi nắm tay tôi như thế, tôi không buông ra cũng không nắm lại, chẳng biết thực sự mình muốn gì. Đan Chi vẫn cứ âu yếm nhìn tôi chờ đợi. Tôi không trả lời câu hỏi của nhỏ, chỉ khẽ mỉm cười:

- Xuống xem tivi ha.

Nhỏ gật đầu rồi cùng tôi đi xuống phòng khách. Lần đầu tiên trong suốt mấy tuần qua, Đan Chi không tranh giành Ộp – pa với tôi nữa. Và cũng lần đầu tiên trong suốt 3 năm qua, mọi nét hoang dã và cá tính của nhỏ ấy biến mất, tôi thấy một Đan Chi nhẹ nhàng và e ấp, lẳng lặng ngồi bên cạnh tôi xem bất cứ thứ gì tôi xem.

Và đêm đó chúng tôi ngủ thiếp đi trên ghế sofa, với hai trái tim không ngừng thổn thức.
BÌNH LUẬN