Logo
Trang chủ

Chương 14: Hai Điều Bất Ngờ

Khi tôi vào nhà thì Đan Chi cũng vừa tắm xong. Nhỏ nghiêng nghiêng làn tóc và lau khô trong chiếc khăn tắm to quá khổ. Mùi con gái tuổi đôi mươi tỏa ra ngây ngất đến chạnh lòng. Thấy tôi bước vào, Đan Chi nhíu mày hỏi:

- Anh đi khóa cổng gì mà lâu vậy?

Bất chợt tôi lúng túng. Cái hình ảnh một người con gái xinh đẹp đầy trữ tình trong nhà tắm vừa mới đây thôi vẫn chưa thể dứt ra khỏi đầu tôi được. Tôi cố gắng lấy lại tỉnh táo bằng một lời nói dối:

- À, anh tranh thủ đi dạo một chút. Tối hôm nay trời mát thật!

Đan Chi nghe thấy thế giả bộ hờn:

- Chời ơi. Bảo trông nhà hộ người ta mà đi dạo là sao?
- Nói đi dạo vậy thôi, chứ thực ra là anh đi tuần đấy người ạ. Anh gặp thằng trộm.
- Nó lại tới hả? Hic. Rồi sao anh?
- Nó thấy anh nên bỏ chạy một mạch rồi. Tuổi gì mà đòi lởn vởn trước mặt anh.

Đan Chi lườm tôi một cái rồi bật cười. Tôi đắn đo không biết có nên kể chuyện thằng trộm leo lên cây tràm nhìn trộm nhỏ tắm hay không, và cuối cùng là quyết định giữ kín. Bởi chuyện này kể ra chẳng hay ho gì cho lắm. Mà quan trọng hơn, lỡ Đan Chi nó hỏi “Sao anh biết thằng trộm trèo lên cây tràm để nhìn lén em?” thì tôi biết trả lời sao? Hổng lẽ “Anh thử rồi nên anh biết” à?

Tôi giả bộ đi ngang qua nhà tắm rồi bất chợt nhìn vào hỏi:

- Sao em tắm mà không đóng cái cửa sổ nhỏ kia lại?

Đan Chi nhìn theo hướng tay tôi chỉ, nhỏ xua tay:

- Đóng làm gì anh. Để vậy cho nó thoáng anh ạ.
- Khùng quá. Để vậy gió máy nó thổi vào, đang tắm mà trúng gió thì ai mà biết. Nghe nhiều trường hợp đột tử trong nhà tắm chưa? Với cả để vậy lỡ côn trùng, rắn rết nó bò vào thì sao?

Tất nhiên là tôi chỉ bốc phét thôi. Đột tử trong nhà tắm thì có thật nhưng chả có ai chết vì gió máy cả. Nhưng Đan Chi vẫn tin là thật, nhỏ lo lắng nói:

- Ôi thế ạ? Anh đóng lại giùm em luôn đi.

Tôi trèo lên bồn toilet, với tay đóng sập cánh cửa lại. Lòng buồn rười rượi vì mình vừa đóng luôn cả hy vọng duy nhất còn được nhìn thấy cơ thể tuyệt đẹp ấy. Nhưng đó là điều nên làm. Một thằng đàn ông đội trời đạp đất phải thoát được những dục vọng vặt vãnh, nếu không chỉ mãi mãi chỉ là một kẻ phàm phu tục tử.

Tối hôm đó, khi đang ngồi ở ghế sofa xem tivi, Đan Chi chợt quay qua nhìn tôi:

- Anh nè, em nói thật đó, hay là anh chuyển qua ở với em đi.

Rồi không chờ tôi trả lời, nhỏ nói tiếp:

- Anh đang tìm trọ đúng không? Coi như em cho anh thuê phòng. Anh gọi bạn tới ở cùng cũng được, miễn là có thể tin tưởng. Chứ em bắt đầu thấy sợ sợ thật rồi đó!

Tôi chỉ ậm ừ không nói gì. Đúng là mấy hôm nay tôi đang đi tìm nhà trọ thật. Bà chủ nhà của tôi đột nhiên lấy lại phòng cách đây một tuần để cơi nới làm văn phòng cho thằng con bả mở công ty. Tôi đang ở tạm trong nhà kho của lớp vẽ rồi đi tìm trọ dần, mấy hôm nay giao lớp cả cho Đan Chi là vì thế. Nhưng đến ở chung nhà với Đan Chi không phải là một quyết định dễ dàng. Phần nhiều bởi vì tôi sợ mình không đủ tỉnh táo khi cứ tiếp xúc với nhỏ hàng ngày như vậy. Ngày nào cũng thấy mông với đùi thì sẽ có lúc tôi tan chảy mất thôi. Đan Chi nhìn tôi chờ đợi, tôi chỉ khẽ cười rồi bảo để anh về suy nghĩ thêm.

Nhưng tôi chưa có cơ hội để suy nghĩ, thì một biến cố xảy ra làm gián đoạn tất cả.

Đó là vào ngày khai mạc của giải bóng đá. Sau gần một tháng tập luyện miệt mài, cuối cùng cũng đến ngày tụi nhỏ cho tôi thấy thành quả. Nhưng một điều không may xảy ra. Tối hôm trước, hai thằng dự bị của đội đột nhiên bị ốm mất một đứa, đứa còn lại phải về quê để chịu tang bà ngoại, thành thử team chỉ còn lại đúng 6 người (trong đó tôi chỉ đăng ký cho đủ đội hình thôi chứ không đá vì chấn thương mắt cá chân vẫn còn ám ảnh đến bây giờ).

Hôm đó tụi tôi đá trận khai mạc. Mặc dù chỉ vừa đủ 5 người nhưng tinh thần đứa nào đứa nấy cũng cao như núi. Tụi nó vào sân với tâm thế của một kẻ chinh phục, thứ mà tôi luôn ghim vào đầu tụi nó mỗi buổi tập luyện, còn tôi, Đan Chi, cùng tụi con gái lớp vẽ ở ngoài hò hét, cổ vũ gà nhà hết sức có thể.

Và những bài tập chiến thuật mà tôi chỉ cho tụi nhỏ bắt đầu phát huy tác dụng. Những pha chống ban bật, 1 kèm 1 tỏ ra hiệu quả vô cùng khi nó đã chặn đứng gần như hầu hết những đợt tấn công của đội bạn. Chỉ có những cú sút xa mới có thể uy hiếp được khung thành của thằng Sơn “phân bò”, nhưng thật may đội bạn không có một cá nhân nào thực sự xuất sắc có thể ghi bàn từ giữa sân. Trong một lần sử dụng chiến thuật 5 đánh 4 tận dụng thủ môn, thằng Sơn “phân bò” thu hút được một cầu thủ bên đội bạn và ngay lập tức bóng được chuyền cho thằng Nam Nhỏ bên cánh trái đang đứng một mình. Nam Nhỏ dẫn bóng vào khu vực trung lộ với tốc độ bàn thờ và tạt ngang qua cho thằng Thụy Phong đang băng lên. Công việc còn lại của thằng Thụy Phong là vô cùng dễ dàng, đệm bóng cận thành và mang về bàn thắng đầu tiên cho đội nhà.

Những tưởng mọi thứ sẽ xuôi chèo mát mái sau bàn thắng đó, nhưng càng về giữa trận gió lại càng xoay chiều. Đội hình chỉ có 5 người bắt đầu hụt hơi trông thấy. Trừ thằng Sơn “phân bò” ra, đứa nào cũng vừa đá vừa thở dốc, đuối nhất có lẽ là thằng Thụy Phong. Đến giờ nghỉ giữa hiệp, nó nằm lăn lóc ra sân thở hổn hển:

- Chắc em trụ không nổi nữa rồi anh ơi.

Mấy đứa kia cũng gật đầu rần rật. Tôi biết tụi nó mệt lắm, đá được đến tận giờ này đã là cố gắng lắm rồi. Nhưng biết làm sao bây giờ, tôi chỉ còn cách động viên:

- Gắng lên mấy đứa, còn 1 hiệp nữa thôi. Bây giờ Sơn lên đá thay Thụy Phong nhé, mình sẽ xoay tua thủ môn.

Nhưng kế hoạch xoay tua phá sản chỉ sau vài nốt nhạc. Vì đứa nào cũng như cung giương hết cỡ rồi, nghỉ một đứa chẳng giải quyết được vấn đề gì. Mà về làm thủ môn có được nghỉ thực sự đâu, cũng phải căng mắt nhìn bóng, phải chạy lên chạy xuống như hậu vệ vậy.

Đan Chi giật giật tay áo tôi nói:

- Anh vào thay đứa nào đó đi.
- Nhưng anh bị chấn thương mà. – Tôi rùng mình nhớ đến cái mắt cá chân phải.
- Anh xem tụi nhỏ kìa, tụi nó mệt lắm rồi.

Đan Chi nói đúng, tụi nhỏ mệt lắm rồi. Nếu không được nghỉ ngơi có lẽ tụi nó gục mất. Tôi đưa tay về phía trọng tài ra hiệu:

- Thay người.

Tôi vào sân thay cho thằng Nam Nhỏ, lòng không ngớt lo lắng nghĩ về cái mắt cá chân. Đã lâu lắm rồi tôi mới đá lại một trận bóng chính thức. Mặc dù kỹ năng và kinh nghiệm đều có nhưng sự máu lửa là thứ tôi đã đánh mất từ lâu. Chấn thương kinh hoàng mấy năm về trước khắc vào tâm trí tôi một nỗi sợ va chạm. Tôi vừa đá vừa giữ kẽ, không dám bứt tốc cũng không dám tranh chấp bóng. Tôi bảo tụi nhỏ đá chậm lại, giữ vững tỉ số và chờ cơ hội phản công. Sự có mặt của tôi phần nào đã giúp tụi nhỏ tự tin lên trông thấy.
Và những biến cố luôn đến vào những lúc mà bạn đang cảm thấy an toàn nhất.

Vào những phút giữa hiệp 2, khi tôi đã bắt đầu quen dần với nhịp độ trận đấu và nỗi lo lắng về cái mắt cá chân cũng bắt đầu nhỏ lại, thằng Hùng cướp được bóng ở phía sân nhà và chuyền lên cho tôi mở đợt phản công chớp nhoáng. Khi tôi đang sẵn sàng để đón nhận đường chuyền, một cầu thủ của đội bạn từ đâu lao tới với một cú chuồi bóng thô bạo. Tôi hoảng hồn co chân phải lên. Một tiếng hét đau đớn xé tan buổi chiều khô khốc.

Gầm giày của cầu thủ đội bạn đập vào mắt cá chân phải của tôi. Tôi nghe như có tiếng xương vỡ vụn, cơn đau như dòng điện cao áp xốc thẳng lên não tôi. Tôi mất trụ, chới với trên không rồi đập đầu xuống đất. Có tiếng Đan Chi ở ngoài kêu lên thất thanh “Anh Nhân” rồi màn đêm đổ sập xuống. Tôi bất tỉnh.

Tôi không biết mình đã ngất đi bao lâu nhưng khi tỉnh lại đã thấy nằm trong bệnh viện. Cái mùi thuốc khử trùng xộc vào mũi khiến tôi muốn ói. Tôi chớp chớp mắt để quen dần với ánh đèn điện và nhận ra có rất nhiều người ở xung quanh. Đan Chi, mấy đứa trong đội bóng, thằng Tiến, thằng Trường học trò cũ của tôi và tụi con gái mừng rỡ khi tôi tỉnh dậy. Ông bác sĩ tiến tới soi cái đèn pin nhỏ vào mắt tôi, ghi ghi gì đó vào cái bìa trình ký rồi đi ra ngoài.

- Anh ngất đi bao lâu rồi? – Tôi hỏi.
- Khoảng 3 tiếng rồi đấy. – Đan Chi trả lời.

Tôi nhắm mắt lại vì thấy hơi nhoi nhói ở đầu. Và khi mở mắt ra tôi bỗng thấy một đứa con gái bẽn lẽn đứng nép sau lưng mọi người. Đôi mắt ươn ướt buồn của nhỏ nhìn tôi lo lắng, đôi mắt sâu thẳm như bầu trời ấy tôi không thể nào nhầm được.

Băng Linh, con nhỏ làm gì ở đây?
BÌNH LUẬN