Logo
Trang chủ

Ngoại truyện 19: Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 4

Sau một đêm mưa to, gió lớn thì xây dựng chẳng làm nổi việc gì, tôi lên phòng Kĩ thuật ngồi cho có. Cũng phải nói thêm, ngày đó thằng Toàn còn chưa vào, Trưởng phòng Kĩ thuật xây dựng cũng không phải anh Kĩ sư trưởng bây giờ mà là anh Hưng, cũng được anh em biết đến với cái tên Harry Nguyễn, một thanh niên gia đình ba đời CCCP nhưng lại chọn đi du học bên Mỹ. Phòng tôi được cái bứa đồng đều. Mưa gió thì lại đi rất sớm, lên chỉ để tranh thủ ván đế chế trước khi họp giao ban buổi sáng. Mà Sếp thì cũng bửa không kém. Mưa thì mới họp. Mưa không làm được việc gì là nhìn thằng nào cũng thấy muốn chửi rồi.Vừa vào đến cửa đã thấy mấy anh trong phòng bàn chuyện hai đứa con anh Thụy đêm qua phải cho đi viện. Một đêm mưa to gió lớn, tấm biển quảng cáo không biết lạc ở đâu đâm thẳng vào cửa sổ tầng hai nhà Trưởng phòng quản lý đô thị. Mảnh kính văng tứ tung lại đúng cửa sổ phòng ngủ hai đứa con nhỏ.

Anh trợ lý Giám đốc thong thả tay click chuột tay bốc mấy hạt muối biển ở lọ cho vào miệng nói:

-Sáng sớm đã thấy vợ ông Thụy gọi điện cho vợ anh hỏi tìm thầy cúng.

Anh Cường đầu quay như con đông tây, mắt đảo như rang lạc nhìn bản đồ con trong game, tay nhấn phím, tay bấm chuột tành tạch điều ngựa dò:

-Thằng nào như thế mà chả đái ra quần. Vừa đặt bút kí cho chặt cây xong phát bão to, cả phố chả nhà ai làm sao mỗi nhà mình bảng tin quăng bục cửa sổ, phải thuê taxi cho con đi viện ngay trong đêm.

-Gió bão thế nào mà thốc cái biển quảng cáo đâm bục kính chịu lực, xuyên qua khung thép 6x6 vuông đặc trang trí bên trong thì cũng sợ thật.

-Hôm qua gió cũng cấp 7, cấp 8 là cùng. Sao có chuyện vô lý như thế được.

-Doctor Hưng rảnh thì tính tải trọng gió đi.

Nghe tiếng có người gọi mình anh Hưng ngoảnh đầu ra:

-Tính lực đẩy ngang của gió à

Rồi anh bắt đầu vừa nói vừa gõ máy tính:

Vùng tính toán projected area là một cửa sổ 4 cánh cao 2 mét 42 rộng 1 mét 45 bỏ qua vách kính trên.

Diện tích mặt tiếp xúc area A là 3,5 mét vuông

Áp lực gió pressure P=Ce x Cd x Qs x Iw

Ce hệ số kết hợp của chiều cao, độ tiếp xúc và độ giật của gió có giới hạn theo UBC từ 0,60 đến 1,20. Lấy Ce=0,84

Cq là hệ số áp lực tương đương hệ số cản có giới hạn theo UBC từ 0,09 đến 1,15. Lấy Cd=1,05

Hệ số quan trọng Iw có giới hạn theo UBC từ 1 đến 1,7. Lấy Iw=1

Qs áp lực trì trệ của gió sẽ bằng 0,613 x bình phương vận tốc gió với vận tốc tính theo đơn vị mét trên giây.

Sau một thoáng suy tính anh Hưng nói:

-Vận tốc gió tăng theo chiều cao kết cấu và càng xuống gần mặt đất thì càng thay đổi thất thường, vì nó bị tác động bởi các công trình trên mặt đất. Những khu nhà cao tầng gió rất quẩn, có đường đi và tốc độ rất đáng sợ. Khu đô thị nhà anh Thụy ở có vận tốc gió đột ngột khi không còn vật cản được coi như gió bão hay gió cấp 10 theo thang Beaufort. Lúc này vận tốc gió được tính bằng 89 kilômét trên giờ hay 24,7 mét trên giây.

Áp lực gió P=0,84 x 1,05 x 1 x 0,613 x 24,72 = 329,85 newton trên mét vuông

Tải trọng gió F = A x P = 329,85 x 3,5 = 1154,48 newton

Tính theo ngôn ngữ Việt Nam đồng là 117,68 kilogram

-Điều đáng nói ở đây nếu tấm biển quảng cáo bị gió ném vào bờ tường thì vẫn hoàn toàn nằm trong giới hạn chịu tải của phòng ngủ dân dụng nhưng chết cái nó lại lao vào đúng điểm chịu lực yếu nhất là cửa sổ vách kính.

Họp hành xong, tôi được giao việc lên viện thăm hai đứa con anh Thịnh. Vì hôm nay không thi công, tôi cũng chẳng có việc gì làm. Lên thăm thì hai đứa bé bị dăm kính phần ngoài, sợ sốt và nhiễm trùng nên phải nằm viện theo dõi, những chỗ phạm như mắt mũi không hề hấn gì. Vợ anh Thịnh ngồi nói chuyện một lát rồi đi tìm bác sĩ nhờ tôi để ý hai thằng. Lúc ngồi cạnh giường gọt hoa quả, thằng lớn 7 tuổi thì thào:

-Chú ơi đêm qua có ông yêu quái đứng ở cửa sổ. Cháu bảo mà mẹ cháu không tin.

Thằng bé 4 tuổi nói còn ngọng ra ngọng vào, cười khúc khích:

- Ông ấy là người tốt, che kính vỡ còn bảo đừng sợ, ông ở đây rồi không sao đâu.

Tôi rùng mình gặn hỏi:

-Thế ông ấy trông thế nào?

Thằng bé khua khua tay miêu tả:

Ông ấy mắt to trán nhăn nhăn, có râu, mũi hếch, có cặp sừng nhỏ trên đầu như sừng bò mặc áo thêu lông chim.

Được buổi không có việc gì làm, về sớm tôi tạt té vào chỗ bác Song ngồi nói chuyện. Thấy tiếng xe máy khặc khặc như hết hơi của tôi ngoài cổng, bác Song nói với ra:

-Hôm nay kĩ sư rảnh không có việc gì làm vào chơi à

-Dạ vâng, mưa gió này chẳng làm được việc gì bác ạ

Vào đến sân chưa kịp dựng chân chống xe tôi đã cất lời hỏi:

-Hôm qua cháu xem thiên tượng thì thấy không mưa mà đêm mưa trận to quá bác ạ. Sấm sét hú hồn hú vía.

Bác Song cười bảo:

-Muốn biết mưa hay không chính xác thì phải thì tìm cỏ lá gừng, đào lên xem củ. Nó màu trắng vàng ngà voi khô láng là không có mưa, trắng sứ ẩm ướt là mưa to. Chính vì kiểu thân rễ liền đâm ngang chân rết, ăn lan bề mặt đất như một tấm cảm biến có bề mặt tiếp xúc khổng lồ, lại rất nhạy với sự thay đổi của thời tiết nên nó nên nó còn được gọi là Mộc Long.

Nói xong bác Song gọi tôi ra vườn, đào đám cỏ lá xanh mướt mập mạp lên rồi nhấc một đoạn thân củ to bằng ngón tay màu trắng ngà, có vân như vảy cá mà nói:

-Mai sẽ hanh và nắng. Cỏ lá gừng thích nghi rất tốt với môi trường. Không phải vì hôm nay mưa mà nó hút no ẩm, thành màu trắng sứ đâu, nó đã đang đẩy nước chuyển màu vàng ngà chịu nắng cho ngày mai rồi đây này.

Vào hiên ngồi nói chuyện, bác Song lấy từ kệ sách ra một cuốn sách cũ rồi nói:

-Cái cháu nghe thấy hôm qua không phải tiếng sấm

Tôi ngớ người ngạc nhiên, bác Song đưa cho tôi cuốn sách chỉ chỉ:

-Đây đọc đi

Tôi chầm chậm đọc từng chữ: 原来你不喜欢我

-Hóa ra em không thích anh. Lại ngôn tình cổ đại phiên bản hai giữa anh chăn trâu ( 牛郎 Ngưu Lang) và cô dệt vải ( 织女 Chức Nữ) à bác.

-Không, phải dịch là Hóa ra ngươi không thích ta. Truyện về một người thích rồng. Cột kèo xà cửa bàn ghế tủ giường đều chạm khắc hình rồng. Quần áo, chăn rèm đều thêu hình rồng. Bát đũa, lọ bình đều vẽ hình rồng. Nơi thờ cúng cũng có một ban thờ riêng rất trang trọng để thờ rồng. Rồng cảm tấm lòng của người này cuộn mình đến hiên nhà hỏi thăm. Không ngờ người này sợ đến mất hồn vía mà xua tay đuổi đi. Rồng bỏ đi cười mà nói rằng: Hóa ra ngươi không thích ta.

-Gặp được linh vật mình sùng bái, hơn nữa lại là rồng điều may mắn kiếp người mấy khi có được, vì sao người kia lại sợ hãi đến như thế? Chính vì những âm thanh như tiếng sấm nghịch hôm qua - Tiếng gầm thét của rồng. Tiếng gầm của rồng sấm dậy đất bằng, nghịch đảo âm dương, khiến người sống như chết đi, người chết như sống lại trong giây khắc. Trải qua sẽ tạo thành nỗi sợ hãi bản năng in sâu vào tâm trí. Bác vẫn nhớ lời của Lục tổ đại sư chùa Nam Hoa khi các đệ tử hỏi làm thế nào để thấy rồng. Nhìn thấy rồng vốn đã là kẻ khác thường rồi. Rồng thường có mình dài, lộ đầu chứ không lộ đuôi. Bởi vì Thần Long kiến thủ bất hiện vỹ. Thiền sư nhập định thấy hình dáng của rồng là như thế. Rồng là giống mau mắn về tu hành nên có được thần thông nhưng lại giới hoãn, chậm chạp không tinh tấn về giới luật nên bị đọa làm súc sinh. Không phải con rắn nào cũng đều là rồng, nhưng một con rồng sau khi bị đọa đày thì chắc chắn mang dáng mượn hình con rắn. Rồng có nhiều chủng loại như kim long, thanh long, hắc long, bạch long. Rồng có thể được sinh ra từ thai bào, từ sự biến hóa của các giống vật khác vượt cấp hóa sinh mà thành như nhân long, ngư long, tượng long, mã long, quy long kể cả là hạp long. Nhất điểu nhì xà tam ngư tứ tượng. Rồng cũng phải chịu những nỗi đau khổ riêng như bị ăn thịt, khi giao hợp về lại hình dáng rắn trong đau đớn, khổ nhục.Vì thế mỗi khi xuất hiện nó luôn cuộn mình gầm thét.

-Đơn giản dễ hiểu hơn chính là hiện tượng Cù dậy. "Cù dậy" là từ ngữ địa phương vùng đồng bằng sông Cửu long để chỉ một con cá sấu tu lâu năm hóa rồng bay lên. Đêm nằm nghe mưa to gió lớn, sấm sét dữ dội bất thường, người các vùng sông lớn thường nói: "Không khéo cù dậy".

-Tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn tạm chiếm số 331 ngày 15 tháng 10 năm 1970) có bài Hiện tượng kỳ lạ "Cù dậy" của Lê Văn Hương (trang 45 đến 48) cũng có nói về chuyện này ...

-Cuối năm 1945 quân Pháp đánh lan ra Sóc Trăng. Dân ở Kế Sách bỏ chạy qua sông Bát Xắc vào xã Ninh Thới quận Tiểu Cần (Trà Vinh) ở bên bờ rạch Cẩm Sơn, trong đất của ông Hàm Lâu. Qua năm 1946 đến năm 1947, một hôm tháng 6 trời mưa dầm, vào khoảng 4 giờ sáng bỗng nghe tiếng nổ ầm ầm. Mọi người cứ tưởng Tây ném bom. Sau mới biết là tiếng động ở dưới đất, kéo dài hàng giờ. Ông Hàm Lâu bảo dân chúng ra rình xem chỗ có tiếng nổ ở bãi xoài ven sông. Đến 5 giờ thình lình đất chuyển mạnh, dừa, ổi, xoài trốc gốc đổ nhào. Mặt đất mở ra, một vật đen to bằng chiếc ghe dài 30 m bay vụt lên cao, biến trong mây. Ra đo chỗ đất: lỗ sâu hơn 3 mét, ngang 2 mét, dài khoảng 30 mét. Đó là Cù dậy.

- Theo những quan điểm về nhập định thì một sinh vật trong những điều kiện đặc thù nhất định có thể chuyển hóa cơ thể để chuyển sang một dạng tồn tại khác. Đó là lý do có những con vật được gọi là thành tinh. Loài vật vốn không có phương tiện ngôn ngữ để tư nghi nên không vướng mắc với cái suy lý phân biệt của con người (trong Thiền gọi trí tuệ là con dao hai lưỡi, nó cho ta nhận ra sự cần thiết phải tu tập nhưng lại ngăn cản ta nhập tĩnh, diệt niệm), có thể đó là một thuận lợi của chúng. Nhưng loài vật không có khả năng tư duy phân biệt chính nghĩa phi nghĩa nên chúng không thể trở thành thánh thiện dù có tu luyện đến đâu đi nữa cũng chỉ là một thứ yêu tinh mà thôi. Con rồng chắc cũng vậy.

-Thế nên rồng luôn bị đọa đày để rèn luyện và thử thách. Vì nó chính là vết nứt cân bằng âm dương

Tôi gật gù tâm đắc:

-Cháu cũng cảm thấy rất khó lý giải về tiếng sấm nghịch nhiệt hôm qua. Một luồng khí nóng bằng cách nào lại có thể di chuyển ngược lên và nằm phía trên luồng không khí lạnh và tạo ra một tia lửa điện mang âm thanh khủng khiếp như thế.

-Những giải thích của bác rất đúng với những gì cháu từng trải qua. Có thể bác không tin nhưng cháu đã từng thấy rồng trong giấc mơ, dù chỉ là một giấc mơ nhạt nhòa âm sắc nhưng khi thấy rồng cuộn mình trước hiên nhà, không ai lấy làm vui mừng mà vẻ mặt đều thể hiện nỗi sợ. Và cháu cũng không biết vì sao tâm thức mình lúc đó lại lo lắng thấp thỏm đến vậy.

-Cháu thấy được rồng là do Đồng nhãn của cháu bị mở một cách vô thức.

Tôi bị giật mình mà nhắc lại:

-Đồng nhãn?

-Đồng nhãn còn được gọi là con mắt thích xen vào chuyện của người khác vì tạo ra sự đồng vị cảm xúc trên không cùng một cơ thể. Vận vật hữu linh, mọi thứ đều có linh hồn, không có gì tự nhiên sinh ra mà mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác mang theo sóng năng lượng chứa đựng một lượng thông tin nhất định, khi trùng với nhịp tần số sóng não thì giấc mơ sẽ đưa cháu vào không gian chứa đựng lượng thông tin đó. Con người vốn có tuệ tính tự nhiên, thông suốt vô ngạn, biến hóa khôn lường nhưng bước vào vòng lặp cuộc đời, khi chìm vào bể khổ mất đi tất cả lại cảm thấy mình có được mọi thứ mà đánh đổi, mà bơi lội ngược xuôi theo dòng đời. Trong những câu chuyện của trẻ con thường có những thứ vượt ngoài sức tưởng tượng như nhìn thấy em bé tròn đầu to như quá bí đao đỏ lựng gào khóc, ông yêu quái mắt to, mũi hếch đầu sừng trông dữ tợn,...lúc đồng nhãn bất chợt mở tự nhiên. Khi trưởng thành bộ phận tạo ra sự đồng vị cảm xúc ở thùy não tiêu giảm đi rồi biến mất nhưng cũng có những người còn xót lại và bước vào được giấc mơ của người khác như cháu.

Khi tôi hỏi về Thần Nông thì dường như bác Song có ý tránh không muốn trả lời. Tôi cũng không dám hỏi thêm nữa, phần vì cũng muộn rồi.

Khi về nhà xé tờ lịch cũ thấy đúng ngày Đông chí

Ăn bánh trôi nước

Hát cửu cửu ca

Chúc kính mẹ cha

Vị dư năm tháng.

Tôi có lỡ mồm mà hỏi mẹ tôi về đồng nhãn.Và đó lần đầu tiên tôi được nghe mẹ tôi kể về huyết kế giới hạn của gia tộc đang chảy trong mình.

Đồng nhãn được di truyền lại từ bà ngoại tôi, truyền sang mẹ rồi cho tôi. Mẹ tôi cả cuộc đời cho đến bây giờ ngoài đồng nhãn mở vô thức lúc trẻ chưa từng một lần sử dụng đôi mắt này trong khi bà ngoại tôi lại là một trong số rất ít người sử dụng được kỹ thuật bậc cao của đồng nhãn. Ông ngoại tôi mất sớm, mình bà gồng gánh cả gia đình trên vai, con cái đông đúc, nhiều lúc ốm đau tưởng như không chịu đựng nổi. Đấy là lý do vì sao đồng nhãn cũng được xếp vào thuộc về huyết kế giới hạn. Con mắt đọa đày, thử thách giới hạn phẩm chất con người. Mẹ tôi kể những ngày theo bà chèo mủng ra thoi cát giữa sông rỡ khoai sắn, chẳng có tàu máy mà sóng nước cứ dập dềnh, gió cứ ào ào quấn quanh vì thuồng luồng trêu. Cái mủng nhỏ chòng chành tưởng lật úp tới nơi, mẹ tôi sợ lắm nhưng bà ngoại vẫn coi như không, thoăn thoắt mà chèo. Ngày cậu út nhà tôi yêu một cô gái rồi chẳng hiểu sao cô gái đó trở tính trái nết chê cậu tôi rồi bỏ. Cậu bỏ công bỏ việc mà về nhà nằm co ro ở xó giường, đắp chăn giữa mùa hè, ánh mắt thất thần, chẳng chịu ăn uống gì đến mấy ngày. Bà ngoại trách “Đàn ông mà không cứng vía lần này rồi sẽ còn lần khác”. Nói rồi bà ngoại ra bãi đình chặt roi dâu về lột chăn vụt cho lằn ngang lằn dọc trên người. Vừa vụt bà vừa nói:

Ăn cơm phải biết công sức trâu ngựa

Mặc vải phải nhớ ai dâu kén con tằm

Sau đó bà nhờ mọi người cho cậu lên xe bò kéo ra chỗ hố bom cạnh bụi tre trong làng. Mẹ tôi, các dì xót em khóc lóc đòi đi theo bị bà đuổi về. Chỉ thấy người dân làm đồng bảo bà ngoại vừa kéo xe vừa quát to:

-Rồi mày xem nó là ai thì mày mới sáng mắt ra.

Hai mẹ con ngồi đến đêm thì cậu tôi nhìn thấy gì đó mà sợ mất mật, chợt tỉnh táo trở lại rồi mê tơi quần ống thấp ống cao kéo xe bò về. Bà ngoại rất giỏi và am hiểu huyền thuật nhưng không bao giờ cúng bói cho ai. Lễ tết chỉ xem đôi chân gà, cái cẳng giò thắp hương gia tiên, dự liệu cho gia đình. Thôn có cô thầy đồng rất giỏi nhưng không xem nổi cho bà ngoại tôi. Bảo bà ngoại tôi có bóng Quan che không nhìn thấy gì mà nói. Bà ngoại tôi chỉ thở dài mà bảo: Mày nói được là nhờ con ma dưới sông. Ma quỷ hay nhiều chuyện, gì cũng biết chỉ tương lai là không biết.

Khi bố mẹ tôi lấy nhau, nhà có cái giếng đào to lắm. Khi mới về làm dâu, mẹ tôi hay mơ thấy có cá chép vàng bơi trong giếng. Bà ngoại tôi chỉ hỏi:

-Thế quanh giếng có chão chuộc không?

Mẹ tôi bảo có.

Bà lắc đầu mà nói:

-Những giống trơn da đỏ lông, màu sắc sặc sỡ chưa bao giờ tốt lành. Trong giếng có con cá trê đen.

Bố tôi bảo quả thực giếng có con cá trê to gần bằng bắp đùi không biết mưa to gió lớn làm sao lạc được vào giếng rồi ở luôn trong đấy.

Rồi một ngày bỗng nước giếng có mùi, giếng bị thối không dùng được nữa mà phải lấp đi. Khi đấy cũng vừa đúng lúc người ta đi khoan giếng ngầm, tiện mà bỏ tiền khoan lại giếng mua bơm đặt chõ hút lên lấy nước dùng.

Mẹ tôi hỏi bà ngoại về việc làm lễ lấp giếng. Bà tôi mới bảo:

-Cá trê đen là giống ăn được xác người chết, con ma theo con cá trê thành tinh mà vào giếng. Nay giếng thối nước đứt long thì có gì mà phải sợ. Cái giếng ấy không lấp đi khó tránh khỏi điên ngộ, hương khói đồng thiếp, ma thì rước vào nhà, tổ tiên cho ra ngoài đường. Không phải thương tiếc cho cái đám vong tinh ấy làm gì.

Ban đầu cũng nghĩ cái giếng tự nhiên thối nước, mãi sau này khi bà ngoại đã mất rồi có ông thầy phong thủy đi ngang xem đất cho nhà bên cạnh, cứ nấn ná không chịu đi, hỏi dò bằng được người cắt long giếng chôn cái tinh cá trê với con ma dưới hố nước này là ai. Mọi người đều bảo là cái giếng nó tự thối nước chứ không có ai làm lễ cắt long lấp giếng. Ông thầy giọng cương trực thẳng thắn nói:

-Xưa nay tỉnh thủy bất phạm hà thủy, nước giếng không phạm nước sông ấy thế mà giống vong tinh thấp hèn lại đòi cá chép hóa rồng. Lại gặp đúng người mượn cớ đưa ngược nước sông vào nước giếng, thả long lớn vào tầm long bé lộ ra cá trê tinh chứ chẳng phải cá chép thần. Nước không đục không thối mới là lạ. Tầm long thì nhiều người làm được nhưng cắt long mà oản không dâng, hương không mất thế này cả đời mới thấy có một lần.

Lúc ấy mới vỡ lẽ là bà ngoại tôi làm. Đồng nhãn trong đôi mắt của bà không phải là thứ muốn vào thì vào muốn ra thì ra như mẹ tôi mà ở một cấp độ rất khác.

Thấy cá chép quẫy tưởng vượt vũ môn

Liền đưa thuồng luồng vào chơi trong giếng

Dù bà ngoại biết mẹ tôi là người duy nhất thừa hưởng lại đồng nhãn nhưng bà không bao giờ dạy mẹ tôi bất cứ điều gì liên quan đến con mắt thiên tội này. Có thời gian đồng nhãn của mẹ tôi bị mở vô thức, có con ma nam lâu năm theo vào bày trò yêu đương trong giấc mơ. Bà tôi thấy chướng tai gai mắt lắm nhưng cũng chỉ đi tìm thầy pháp về vẽ bùa trục tà ra chứ không hề mở đồng nhãn. Bà không muốn mẹ tôi mở con mắt ấy ra giống bà. Thế giới của đồng nhãn thuật cần những người có đôi mắt đồng vị cảm xúc để tồn tại, nó liên tục gửi thông tin và ép những người có đồng nhãn giao tiếp với nó. Nhưng bà tôi thì muốn thế giới ấy mất đi và không ai biết đến nó nữa.

Quay lại truyện Bạn gái tôi lớp 8
BÌNH LUẬN

Phuong Tran

Trả lời

2024-04-09 09:24:31

Kể chuyện lan man , bố cục truyện ko rõ ràng