Logo
Trang chủ

Ngoại truyện 1: Cho vàng vàng không cầm mà cầm phải cứt 1

Quay lại cách đây vài chục năm, khi cộng đồng người Hoa bên mình chưa bị ảnh hưởng bởi sự kiện Chiến tranh biên giới. Cũng phải nói rõ người Hoa ngòai mấy tỉnh phía bắc hay chọn đồi núi khai hoang, ở ẩn, sống từng hộ gia đình một, nhà này cách nhà khác nửa quả đồi là chuyện thường, không thể đánh đồng với người Hoa trong Nam như khu Chợ Lớn buôn bán kinh doanh sầm uất với những con phố hoa kiều đặc trưng. Như ông bà tôi kể lại lối sống của họ tương đối "Thiên Chân" chân chất và có phần ngờ nghệch. Khai hoang đất đồi trồng ngô, khoai, sắn, chăn gà nuôi lợn...

Tích đủ ăn thì đi bộ chục cây số xuống chợ đổi, bán. Bị thiệt, bị thiếu vẫn đổi, vẫn bán, ít khi kêu ca hay giở trò trí khôn của ta đây như dân mình thường làm. Nhưng chính lối sống đơn giản, ít lừa lọc ấy đã cho họ một nguồn sức khỏe dồi dào, một nguồn sinh khí vượt mức bình thường. Con phố thị trung tâm có một cửa tiệm vàng. Chủ cửa tiệm hay làm phúc, qua lại chùa chiền, giúp đỡ người khó khăn. Tiếng thơm khắp vùng. Đời cha ông xưa là người nhanh nhạy, biết tiếng Pháp thông dịch cho Tây, rồi buôn được thuốc men, cuối cùng có vốn gặp thời chuyển về làm kim hoàn. Ông là đời thứ 2 của cửa tiệm. Là người có ăn học từ nhỏ, được theo cha ra cửa khẩu xem buôn bán nhiều năm, có thể nói ông là người thông thạo Đông Tây, biết đủ đường mánh lới buôn bán. Nhưng điều khác biệt giữa ông và cha ông chính ở cái tâm hướng thiện trong ông. Hình ảnh cha ông trước lúc chết luôn ám ảnh ông. Ánh mắt buồn, dằn vặt. Mẹ ông khi có thai lần thứ hai tức em ông, bệnh rồi bỏ cha con ông mà đi, em ông cũng không thể thấy ánh mặt trời. Càng về già, cha ông càng nghĩ đó là trời phạt mình về cái nghiệp vàng thau lẫn lộn, những tháng ngày làm cho Tây, sống sung sướng trên xương máu đồng bào. Cha ông gầy mòn với nỗi ám ảnh ấy cùng với một cơn ác mộng lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong giấc mơ kinh hoàng ấy, người cha thấy đứa con trai, người thân duy nhất còn lại của mình bị người ta dí súng vào đầu, bắn chết.

Ngay cả khi ông đã lấy vợ, có cháu đích tôn chống gậy, cha ông vẫn lo, sợ cái chết ấy sẽ được dành lại, sẽ để lại cho cháu ông. Nói thêm cửa tiệm đời đầu của người cha luôn có bóng dáng của một thầy người Tàu đứng đằng sau. Ngày bị cướp, hôm cháy kho, khi bị vu oan giá họa được đoán trước rất chính xác. Người cha cũng đối đãi với người đàn ông này rất tốt, coi như anh ruột, không giấu giếm điều gì. Nhưng tuyệt nhiên cái chết của vợ con ông, người đàn ông này không có bất cứ dự liệu gì. Lo đám xong xuôi, ông người Tàu có nói chuyện tâm sự với ông chủ tiệm vàng:
-Bao năm nhà mày đối tốt với tao mà tao không giúp nổi việc cần nhất. Tao chẳng còn mặt mũi nào...
Ông chủ tiệm mi vẫn chưa giấu nổi nước mắt ngắt lời:
Ngày xưa không có bác thì em chết ở cửa khẩu rồi. Giờ bác lại định bỏ em mà đi sao. Sao bác ác thế.
Ông thầy người Tàu xúc động, chả biết phải làm thế nào cho phải, ngập ngừng nói:
Tao cả đời học được ít chữ trời, thằng bé nhà mày cũng thông minh, tao biết mày chẳng thích cho con cái học cái này. Nhưng tao nghĩ kĩ rồi. Đó là cách duy nhất để tự nó giúp được nó. Đỡ khổ hơn mày.
Ông chủ tiệm vàng thở dài:
Vâng bác dạy sao em làm vậy.

Từ ngày đó, cứ vào mỗi dịp hè, ở một ngôi làng nọ ven núi, người ta lại thấy có hai cha con khăn gói đến chơi một nhà trong làng. Cậu bé rất hòa đồng với trẻ con trong làng, ánh mắt sáng, tinh nhanh thuần khiết như những vì sao đêm hè. Ông chủ đời thứ 2 cửa tiệm vàng, ông chủ hiện tại của tiệm vàng phố thị được học và bị ảnh hưởng bởi Đạo giáo từ nhỏ, là một Thuật sư tài năng nhưng ông chỉ dùng nó khi không còn lựa chọn nào khác, với ông nó quá máu lạnh và tàn khốc, ông lại hay hướng tâm trí mình sang cửa Phật, đi chùa nghe các nhà sư giảng kinh, tự mình sám hối, làm phúc giúp người nghèo. Nhà nước hạn chế và kiểm soát gắt gao hoạt động tôn giáo tín ngưỡng. Hầu hết chùa, nhà thờ ở miền Bắc đều rêu phong tàn tạ. Các nhà sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm sợ sệt khi gặp chính quyền, một báo cáo cụ, hai báo cáo cụ. Phật tử gần như không còn nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè. Nhưng mùng Một ngày Rằm vẫn thấy ông chủ tiệm vàng cùng vợ lặn lội vào ngôi cổ tự sâu trong núi, cầu nguyện, sám hối, chuyện trò với thầy chùa đã ngoài lục tuần.
-Tầm này con nên lo Chính quyền hơn là chăm thầy chùa
-Con sợ thầy về Tây phương cực lạc, con không có ai trò chuyện, con buồn. Đầu Cải cách, ma quỷ đội lốt người ngày một nhiều, con phải năng lên chùa xin cho lũ ma quỷ ấy tránh xa con.
-Nhà Phật nói người ta vốn có tuệ tính thiên nhiên, thông suốt vô ngại, biến hóa bất thường, ai tu chứng được phần đó gọi là thần thông. Nhưng giờ làm người đã khó rồi thầy ạ.

Vui vẻ vậy nhưng sư thầy già nhìn thấy trong lòng ông chủ tiệm nỗi sầu não chất chứa, đấu tố, quốc hữu hóa tài sản tư, lo lót trước sau để có thể yên cái thân mà làm ăn buôn bán bình thường. Ôi đúng là làm người đã khó rồi.

Một ngày buôn bán bình thường của cửa tiệm vàng. Chiều tắt nắng, anh Đinh trông cửa tiệm ngáp ngắn ngáp dài nhìn ra đường. Một người đàn ông Hoa bước vào hỏi mua một chiếc lắc bạc cho con, nhưng không đủ tiền, muốn khất nợ chỗ thiếu lần sau sẽ trả.
Giọng anh Đinh gay gắt:
Thôi bao giờ đủ thì lên mua. Lại định thổ mổ kinh à. Tôi biết ông là ai mà lần.
Đang ầm ĩ thì ông chủ tiệm vàng về. Nghe xong đầu đuôi thì cười nói:
Thôi anh Đinh bán cho người ta. Tôi cho nợ.
Anh Đinh bứ lên đến cổ:
-Ông ơi, sao ông cứ thả gà ra đuổi thế. Thời buổi khó khăn mà ông cứ thế này, con, bà nhà với cậu đến sắn độn rồi cũng không có mà ăn mất.
Ông chủ vờ nghiêm nét mặt:
-Cái kiểu ở đâu mà người làm cãi chủ nhem nhẻm như thế hả. Tôi bảo bán thì anh cứ bán cho tôi.
Người đàn ông Hoa nhìn ông chủ vẻ biết ơn nói:
-Tôi hứa là tôi sẽ trả mà. Tuần sau tôi thịt con lợn, tôi ra mời ông vào ăn cơm.
Anh Đinh nói chen vào với giọng điệu hất cùn:
-Thôi anh đi đi. Lại còn mời cơm. Đi từ đây vào rừng được bữa cơm nhà anh. Mà tôi chống to mắt lên xem tuần sau anh có ra không hay lại mất hình mất dạng như bao anh cù lừa khác.
Khi người đàn ông Hoa vừa đi khỏi, anh Đinh vẫn còn chưa hết nói ra nói vào, ông chủ tiệm giật mình, người đàn ông đó có gì đó rất giống những người hồi bé ông hay gặp ở ngôi làng ven núi xưa khi được cha đưa sang học đạo. Khỏe mạnh, chất phác với luồng sinh khí mạnh mẽ chạy quanh người. Lẽ nào? Không thể nào. Có khi ta nên vào một chuyến.
Một tối cuối tuần, tiệm đóng cửa, cả nhà quây quần trò chuyện, anh Đinh còn mải đùa cậu chủ nhỏ, ông chủ tiệm cất lời:
-Anh Đinh mai giao lại việc cho chú Thứ, sắp đồ đi, mai đi với tôi, người ta mời cỗ đấy.
Anh Đinh ngớ người ra chốc lát rồi mặt lại ỉu xìu như cái bánh đa gặp nước, bĩu môi:
-Ông lại đùa con, bà ơi ông có dấu hiệu của tuổi già rồi. Lẩn thẩn rồi bà ạ.
-Tôi bảo anh sắp đồ thì anh sắp đi, mời anh đi ăn cỗ cũng khó thế sao.
Quả thật, người đàn ông kia đã giữ đúng lời hẹn. Mới sáng sớm, anh Đinh mắt nhắm mắt mở tra chìa vào ổ khóa, mở cửa tiệm, người đàn ông kia đã đứng chờ ở ngòai cửa. Ba người khởi hành sớm, tránh cái nắng đầu ngày, cũng phần vì chặng đường khá dài. Con đường vào khu của người Hoa nhiều bà con ta đi lấy củi hay vượt rừng lấy măng cũng không lạ lẫm gì, nhưng ít tiếp xúc, trò chuyện nên vẫn rất mơ hồ trong tâm trí nhiều người. Nhà anh ta trên đỉnh một quả đồi, đường lên cũng không dốc lắm, mảnh sân trước nhà có một gốc mơ to, vài người tụ tập nói chuyện, thi thoảng thêm củi vào đống lửa giữa trời đang gác quay một con lợn rừng. Hôm nay anh ta làm lễ thôi nôi cho con. Buổi lễ cũng không có gì quái dị, mọi người vui vẻ trò chuyện đánh chén, chỉ có một điều mà có lẽ chỉ một người là ông chủ tiệm vàng lưu tâm. Nguồn sinh khí chảy quanh những con người ở vùng đất này là từ đâu ra? Thật may là những người ông gặp ở đây đều rất hiền lành, lương thiện nếu gặp người có dã tâm có thứ này thì thật tai hại. Thứ họ có không khác gì người đã tầm đạo lâu năm. Chỉ cần biết dùng thuật tạo ảo giác lừa người đã đủ chuyện xảy ra rồi.

Chắc có lẽ ai cũng đã từng đôi lần nghe qua chuyện thầy pháp. Một buổi chiều muộn, ông thầy pháp đi về ngang qua cánh đồng. Vài người dặm lúa, làm cỏ bờ trêu cái nghề mê tín, lừa người của thầy, lại gặp đúng một ông thầy xịn chứ chẳng phải thầy dởm như mọi khi.
-Thầy có trò gì vui vui lừa bọn tôi chơi
-Nào tôi có lừa lọc ai bao giờ. Ô góc mương có con cá to quá đang quẫy ra kià. Chắc mưa to vượt ao nhà nào ra rồi.
Bốn năm người đều thấy vệt nước như con cá to đang quẫy mắc cạn, tập trung be hai bờ vào bắt. Nhưng đến tối mịt tát cạn nước cũng chẳng thấy cá đâu. Ông thầy pháp thì cũng chẳng biết đi mất từ bao giờ. Ông chủ tiệm cứ miên man suy nghĩ. Nhìn ra ngòai, cơn gió mát lành rì rào thổi, cành mơ già khẳng khiu rung rinh như cánh tay cong cong che trước hiên nhà. Hướng này đón gió. Nhưng sao từ chỗ cái giếng nước đào hất ra cổng, bụi cây leo lại ngả cong ra đường theo hướng ngược lại, ngược hướng gió, cứ như có một hình cầu ở giữa, đẩy mọi thứ phồng cong sang hai bên. Tiếc là mắt âm dương của ông đã đóng lại từ rất lâu, thế giới của một âm dương sư với ông giờ đã quá xa lạ, chẳng thể mời, nói chuyện với thần đất được. Bí quá nhưng cũng là may mắn khi chẳng còn vướng vào thế giới của những linh hồn không chịu siêu thoát theo dòng chảy luân hồi, một chiều không gian u ám của quá khứ, giờ ông sống cho thực tại, tối yên lành ôm vợ con ngủ, sống một cuộc sống bình thường như bao người.

Quay lại truyện Bạn gái tôi lớp 8
BÌNH LUẬN

Phuong Tran

Trả lời

2024-04-09 09:24:31

Kể chuyện lan man , bố cục truyện ko rõ ràng