Logo
Trang chủ

Chương 57: Con rối người 2

Tôi giật mình tỉnh giấc như bao lần trước. Kéo ngăn tủ, mở cuốn sổ tay nhỏ mà tôi hay ghi chép lại những giấc mơ của mình. Đã bao lần tôi được nghe câu hỏi Anh đi làm về rồi đấy à? Mỗi lần lại mang đến một cảm giác khác lạ. Khi sợ hãi, lúc tò mò. Thực ra thì em là ai?

Sáng chủ nhật, học sinh nghỉ nhưng lớp 8 đi lao động. Đang đanh đá chanh chua với đám con trai nghịch ngợm trong lớp. Tôi dùng mặt cạnh ngón út phủi nhẹ lớp bụi trên ghế đá, tựa lưng vắt chân ngồi suy tư. Bóng dáng Minh đã lững thững từ phía sau qua mặt trong cặp kính cận. Minh nhẹ nhàng ngồi cạnh tôi rồi nói:

-Chú có một chị người yêu rất xinh. Đừng cướp đi người yêu danh tiếng của cháu nữa

Tôi đưa đôi bàn tay xoa bù xù mái tóc Minh đáp:

-Làm ơn hãy để tôi yên

Minh không cáu gắt vì tôi đã làm hỏng mái tóc được chải chuốt rất kỹ của mình, coi như không nhắc lại:

-Chị ấy rất xinh. Luôn đợi chú trở về sau những chuyến công tác dài ngày

Lúc này tôi dựng hết tóc gáy như có hơi lạnh tràn ra từ sống lưng. Tôi quay sang nhìn Minh. Thằng bé không nói gì, lấy bàn tay vuốt vuốt lại gọn gàng mái tóc rồi bỏ đi. Đi được một đoạn ngắn, Minh chợt dừng bước chân, ngoảnh đầu lại:

-Chú cũng dễ bị lừa nhỉ?

Bác Thành bảo vệ quét sân điệu bộ cà lơ thất thểu đi qua, tiện cái cán chổi tre dài vụt vào mông Minh đánh bộp, tiếng rất giòn nhưng chắc chắn là không đau:

-Mẹ anh đang đi tìm đấy! Không nhanh là nát đít

Bác Thành dựng chổi vào gốc bàng, ra ngồi cạnh tôi. Bác Thành hỏi tôi:

-Hôm nay ông Linh đi đâu không thấy Long nhỉ?

Tôi trả lời:

-Bác ấy xin nghỉ buổi sáng đi tát ao bác ạ. Chiều kiểu gì bác cũng có con cá trắm to.

Bác Thành bình thản lắc đầu:

-Bác không ăn cá lâu rồi. Cũng thấy ông ấy nhắc nhỉ việc tát ao nhưng không nghĩ là sáng nay đã tát luôn. Đúng là giận thì đánh, quạnh thì thương. Dù lắm mồm nhưng không nghe thấy tiếng ông ấy kể cũng buồn.

Tôi đáp:

-Có mấy người được như hai bác đâu ạ

Bác Thành cười:

-Anh cứ nghĩ ra to tát đũa bếp khuấy nồi bung chứ thực ra bạn bè hay vợ chồng đều là cái cảnh anh mù dắt anh lòa, anh khốn khó gặp chị trở trời. Có sừng thì đừng có nanh. Đòi cả nanh cả sừng thì trâu bò cũng không sống được với nhau chứ chẳng phải người.

Rồi bác Thành gạ gẫm:

-Thôi vào phòng bảo vệ uống chè với bác. Có lọ chè ngon uống thì tiếc để thì mốc, phải giấm giúi ngày nghỉ tránh thầy Tú mồm gầu cho đỡ hao chè. Chè sen để bàn thờ mà ông Tú còn kêu thơm thì chỉ xứng đáng uống chè bồm, chè trâu dẫm.

Hai bác cháu ngồi uống chè nói chuyện. Tôi kể lại chuyện Trùng tang liên táng và các cách hóa giải qua góc nhìn của bác Linh. Bác Thành cười:

-Ông Linh dựa vào truyền thuyết 12 con quỷ phương Bắc nên cách hóa giải cũng đều là của phương Bắc. Bát quái tiên thiên hay bát quái hậu thiên, thảo thơm, các ma phương đóng - mở, thu – phát, ngũ linh độn số hay thư phù đều để tạo ra các nhà ngục tạm thời khóa trùng kèm tờ sớ gửi Bắc Đẩu Tinh Quân.

Tôi hỏi tiếp:

-Cháu thấy còn có tục lệ khi khâm liệm người chết thì người ta rải bộ bài tổ tôm vào trong quan tài. Nhưng cháu không rõ là nhằm mục đích gì.

Bác Thành trả lời:

-Là quan niệm người chết sẽ có 120 quan quân bảo vệ và có bộ bài tiêu khiển ở thế giới bên kia, có nơi bỏ ra hàng Yêu (yêu nghiệt, yêu quái) và quân Bát Sách (Bà cô gàn dở hút thuốc ngồi rỗi) với ý nghĩa là người chết sẽ được đầu thai ứng với những quân bài như Cửu Vạn thì làm người khuân vác, Tam Sách thì làm nghề sông nước, Tứ Sách thì làm bưng bê, phục vụ,...

-Ngoài ra còn nhiều luật tục như hội Tổ Tôm trong đám cưới, các cuộc liên hoan, hội họp rất vui khi khai hội ù “Thập điều” vì cho là điềm may mắn cho đôi trẻ hay báo hiệu niềm vui và kiêng ù Bạch Định với quan niệm Bạch Định là trắng tay, đổ vỡ, phá sản hoặc như trong đám tang kiêng ù “Kính tứ cố” và “Kính cụ”. Khi làm lễ cất nóc nhà thì chủ nhà mời nhưng người đức cao, quyền trọng đến chơi bài và khi nào có người ù được ván “Thập hồng” hoặc bài “Tám đỏ” nếu chơi Chắn thì lấy toàn bộ quân bài của người đó đóng lên cột, kèo, đầu hồi của mái nhà để lấy phước lấy may với quan niệm nghiệp làm ăn gặp vận đỏ, phát tài phát lộc và hội chơi sẽ kết thúc chỉ khi có ai ù được “Thập hồng”, “Tám đỏ” thì dừng cuộc chơi và ngả cỗ ăn mừng. Tổ Tôm Điếm là trò chơi được các tổ chức xã hội, chính quyền xưa nâng tầm trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và giáo dục không thể thiếu trong các lễ hội dân gian.

Người xưa nói rồi:

Làm trai mà không biết đánh Tổ Tôm

Uống nước lá ổi xem l...ồn trẻ con

Nhưng điều đặc biệt của bộ bài Tổ Tôm là nó lại mang các hình minh họa dân gian thời Nhật Bản. Những chữ viết trên lá bài là một loại chữ Hán (kanji) kiểu cách, hơi giống Lệ thư (reisho) với nét cứng mạnh, gồm có bốn loại chữ là “văn, vạn, sách, thang không biết có liên hệ gì với mạt chược, tiếng Nhật gọi là “majan” (ma tước) không? Còn các hình vẽ đều là hình vẽ của Nhật, có lẽ gốc là một lối tranh mộc bản (mokuhan, học từ Trung Hoa nhưng trở thành đỉnh cao mỹ thuật độc đáo của Nhật) đơn giản và nay thường do người Hoa in ra bán. Ðặc trưng Nhật Bản rõ rệt nhất là tất cả các nhân vật đều mặc “Kimono” thời Edo, trong số này có 18 hình đàn ông (có 8 người bó chân), 4 hình phụ nữ và 4 hình trẻ em. Các hình cá chép (koi), trái đào (momo), thành (shiro), thuyền (fune) cũng là những hình ảnh Nhật.

Trong nhật báo L'Annam Nouveau 1932 qua bài Le To Tom ông Nguyễn Văn Vĩnh đã đề cập đến một câu hỏi lớn mà vẫn còn là bí ẩn đến ngày nay là Tổ Tôm xuất xứ từ đâu? Nội dung của nó ra sao? Lưu lạc thế nào vào Việt Nam? Trong khi ở Trung Quốc và Nhật Bản không lưu hành và không biết đến bộ bài này.

-Có một điều ít người biết đến là Tổ tôm là trò chơi cờ bạc với mức độ gây nghiện đến tàn sát coi ngang Cờ Lục Bác. Nổi tiếng là ván tổ tôm của Cao Bá Quát với vua Tự Đức. Vì mến tài văn chương của Thánh Quát nên vua Tự Đức hay cho gọi Quát vào cung hầu tổ tôm, nói chuyện văn thơ. Một bữa, khi quân chi chi vừa dậy, vua vỗ đùi hô to:

-Chi nẩy!

Các quan trong hội tổ tôm đều kinh hãi nhận ra vua hô nhầm. Theo luật tổ tôm Ù chi nẩy chỉ xảy ra khi duy nhất bài chỉ chờ đúng 1 tiếng chi chi thôi. Nhưng lần này, bài của vua còn phải chờ cả tiếng Ngũ sách nữa. Đúng ra, vua chỉ được hô :

-Có lèo thôi

Mọi người biết vậy nhưng không ai dám bắt lỗi vua. Duy chỉ có Cao Bá Quát vốn tính khảng khái quyết chỉ ra lỗi bắt vua phải Chèo đò là lỗi ù nhỏ hô to. Đây là một lỗi nặng trong luật tổ tôm, bị xóa hết điểm đã được từ đầu hội và cả ván ù tiếp theo nữa mới được trả đò. Như chiếc thẻ đỏ truất vua trong ván đấu.Tất nhiên, trước sự bình đẳng trong bài bạc, vua phải chấp hành nhưng trong bụng không vui. Ít lâu sau, Quát làm chủ khảo bị phạm trường quy tại Quy Nhơn, đã để cho 1 thí sinh giỏi nhưng bài bị phạm húy được ưu ái chấm đỗ. Lỗi ấy lẽ ra chỉ bị tội đồ, nọc ra đánh rồi đày đi biệt xứ. Nhưng Cao Bá Quát bị tống ngục rồi xử trảm. Ngồi trong ngục, Quát dò lại nguyên nhân chính dẫn đến mình bị tăng án quá nặng là ván tổ tôm ngày nào hầu vua rồi chấp bút biên thơ:

Vạn tam đáo cửu, song lục thất

Sách bát hoàn tam ngũ chí không

Văn tam tứ tứ dư lục thất

Độc cụ vô thang, khởi binh đao

Bỏ 3 từ cuối là nguyên nhân vua chém chết Quát, cả bài thơ là những lá bài tổ tôm của vua hôm đó:

Hàng vạn có từ tam vạn đến cửu vạn, trong đó có 2 quân lục vạn và thất vạn

Hàng sách có từ bát sách đén tam sách nhưng không có ngũ sách,

Hàng văn có tam văn,2 quân tứ văn và thừa ra lục thất văn

Hàng yêu có 1 quân ông cụ, không có thang thang

Tôi lấy làm lạ hỏi:

-Cờ Lục Bác là cờ gì hả bác? Có phải chính là những quân cờ mà bác đã dùng để phá thế trùng của Thập nhị thời thần không ạ?

Bác Thành lắc đầu trách:

-Ông Linh lại xằng xiên rồi. Lục bác của Trung quốc giống Tổ tôm của Việt Nam là đều dùng để chôn cùng người chết. Tổ tôm khiến Thánh Quát bị hành hình thì Lục bác cũng khiến Nam Cung Vạn giết Tống Mẫn Công sau một ván cờ tranh cãi.

Rồi bác Thành thở dài:

-Cũng chỉ vì ngày xưa quá ngông cuồng huyền học phương Bắc, bác đã không cứu được một mạng người. Bác đã thề không bao giờ sử dụng đến huyền thuật nữa.

Quay lại truyện Bạn gái tôi lớp 8
BÌNH LUẬN